Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2013

Đêm mất ngủ tình cờ tìm được bài thơ bị bỏ quên



THƯ HỒI ÂM

Thế nào sang năm anh cũng về thăm 
để mừng sinh nhật em bốn sáu
để mừng em đủ chồng con cháu
để nghe lại giọng cười thuở mười sáu vẫn còn tươi

Thứ Hai, 2 tháng 12, 2013

Về quê giỗ cha, 2012

Tháng 7 năm ngoái (2012) mình về quê Quảng Trị nhân giỗ ông thân sinh (anh em mình thường gọi ông là Cậu), nhân dịp này mình có chụp mấy tấm hình nhà bà con quanh xóm, mời các bạn xem cho vui:

Những cây vã

Thứ Hai, 21 tháng 10, 2013

Tiểu phẩm: BUÔN DƯA LÊ VỀ THUẾ XE MÁY



Hai Ổi buồn rầu tha thở với Năm Dừa:
- Thằng con tui mới kiếm được việc làm, mượn tiền mấy bà cô, bà dì của nó mua được một xe máy, phải nhịn ăn một năm lương mới trả hết, đi chưa nóng đít đã phải đóng thuế xe, nghĩ thiệt bực!

Thứ Ba, 17 tháng 9, 2013

CHUYẾN ĐI TRẮC TRỞ


CHUYẾN ĐI TRẮC TRỞ

Truyện ngắn của Juozas Grusas
Nguyễn Khắc Phước chuyển ngữ

     Xưa có một người chủ trang trại tên là Valiulis tóc đã bạc phơ như sương muối đầu thu. Năm ông tám mốt tuổi, biết mình sắp chết, sắp xa lìa một nông trang phát đạt, một người vợ không con trẻ hơn ông hơn hai mươi tuổi, ruộng vườn bát ngát, cả bầu trời xanh và mây trắng nữa.


Thứ Năm, 22 tháng 8, 2013

THẰNG MÕ



Ở nông thôn Việt Nam ngày xưa, mỗi làng thường có một người làm nhiệm vụ đi mời những vị chức sắc trong làng đến họp và thông báo quyết định của những buổi họp ấy đến toàn thể người dân bằng cách gỏ mõ để dân làng chú ý trước khi loan báo. Anh ta còn phải đi tuần và gỏ mõ báo hiệu từng canh giờ ban đêm. Chịu làm công việc tựa như là một người đầy tớ cho các vị chức sắc trong làng và chịu cái tên “thằng mõ” bất kể tuổi tác chỉ vì anh ta nghèo rớt mồng tơi, không có miếng đất cắm dùi, phải đi làm thuê làm mướn để kiếm cơm độ nhựt. Làm “thằng mõ” chẳng có lương bổng gì nhưng được cấp một mãnh ruộng nhỏ hoặc được ít lúa vào cuối vụ. Các vị chức sắc trong làng không tránh khỏi nhậu nhẹt và chắc phải nhờ đến “thằng mõ’ vặt lông gà hay nướng cá… Cuối buổi nhậu, hy vọng còn chút xương gà, đầu cá… để anh ta hưởng xái.

Thứ Tư, 7 tháng 8, 2013

BỎ CÁI LY XUỐNG

Bác Nguyễn Tường ở New York có tài chuyển những câu chuyện về nghệ thuật sống bằng tiếng Anh sang thể lục bát hoặc song thất lục bát tiếng Việt và động viên mình cùng vào sân chơi.

Thứ Sáu, 19 tháng 7, 2013

Tôi học làm thơ: LUẬT BẰNG TRẮC TRONG THƠ 8 CHỮ

Luật bẳng trắc  của thơ 8 chữ hơi khác thơ 7 chữ và là thể thơ tương đối tự do,  không hoàn toàn gò bó vào luật bằng trắc như thơ bảy chữ. Luật bằng trắc chỉ áp dụng cho những câu liền mạch thông thường. Những câu ngắt thành nhiều cụm từ  thì chỉ theo luật đôi chút hoặc đôi khi không theo luật bằng trắc gì cả.

Tôi học làm thơ: LUẬT BẰNG TRẮC TRONG THƠ 7 CHỮ

Trong chương trình phổ thông ngày xưa, ta học thơ lục bát trong Lục Vân Tiên và Kiều, thơ  đường của Bà Huyên Thanh Quan và Nguyễn Khuyến, hát nói của Nguyễn Công Trứ nhưng tôi không nhớ đã học tác giả thơ mới nào, và cũng chưa nghe thầy nào dạy cách làm một bài thơ, cho dù là thơ lục bát.

Tôi học làm thơ: VẦN LIỀN TRONG THƠ VIỆT


Thơ Việt Nam có nhiều loại vần: vần liền, vần ôm, vần cách, vần lưng… Ở đây chỉ bàn đến vần liền.

Vần liền (còn gọi là vần chân) là 2 từ cuối câu liền nhau vần với nhau, từng cặp trắc, cặp bằng.

Thứ Hai, 8 tháng 7, 2013

NGƯỜI CHỒNG BẰNG MÂY ĐAN

Nguyên tác : The Wicker Husband
Truyện ngắn của Ursula Wills-Jones
Nguyễn Khắc Phước chuyển ngữ

Ngày xưa có một cô gái xấu xí, vừa mập vừa lùn, chân đi khập khiễng, hai lông mày dính liền nhau. Cô gái xấu xí sống bằng nghề làm ruột cá. Căn nhà xiêu vẹo của cô nằm ở ngoài làng. Cô không bao giờ than thở chuyện gì.

Thứ Sáu, 5 tháng 7, 2013

NGÔI SAO - truyện ngắn của Esther Claes - Nguyễn Khắc Phước chuyển ngữ

Nguyên tác bằng tiếng Anh: The Star,  đăng trên trang East of the Web (eastoftheweb.com)

Khi thế giới bắt đầu tận diệt, bạn xấu hổ vì mình cứ sụt sùi trong phòng ngủ suốt ngày. Bạn thấy tổng thống van khóc trên truyền hình làm bạn hoảng hốt. Bạn nằm trùm mền, khóc, không chịu mở cửa cho dù người giúp việc, ông bầu, người trợ lý, và cuối cùng là cha mẹ của bạn van xin bạn ra khỏi phòng.

Thứ Tư, 12 tháng 6, 2013

Truyện ngắn NGƯỜI BÁN GIƯỜNG TRE



NGƯỜI BÁN GIƯỜNG TRE
Truyện ngắn Nguyễn Khắc Phước


     - Mấy chú ngồi chơi, tui phải về lo đám ma. Ông Mẹo tổ trưởng dân phố bỏ ly trà xuống, chuẩn bị đứng lên.     Thường ngày ông ngồi quán cà phê buôn chuyện tào lao đến tám giờ sáng mới về.
     - Ủa! Đám ma ai sao tụi tui không biết?
     - Đám ma ông Sửu trong tổ tui, mới chết hồi hôm. Mấy chú không biết là phải. Chưa có tui là chưa chiêng trống, chưa cờ xí, chưa âm thanh, chưa âm công, chưa ọ è. Ông Mẹo tỏ vẻ quan trọng.
     - Có phải ông Sửu công binh?
     - Chuyện đời xưa mà nhắc làm chi.
     Nói vậy chớ hôm sau chính tổ trưởng Mẹo lại kể cho tôi nghe chuyện một quãng đời của ông Sửu và những người liên quan.


Thứ Hai, 10 tháng 6, 2013

GIÓ THỔI LÊN CAO - Truyện dành cho thiếu nhi của Mike Krath - Nguyễn Khắc Phước chuyển ngữ

GIÓ THỔI LÊN CAO
     Truyện dành cho thiếu nhi của Mike Krath.
     Nguyên tác: High and Lifted Up, đăng trên trang
     www.eastoftheweb.com.
     Nguyễn Khắc Phước chuyển ngữ.


      Vào một ngày gió to. Người đưa thư vừa bước đến cửa lớn. Bà Pennington mở cửa và nói, “Chào bác”, nhưng trước khi bà kịp nói “cám ơn” thì cái thư bị thổi khỏi tay người đưa thư và bay vào trong nhà. Cánh cửa đóng sầm trước mắt người đưa thư. Bà Pennington thốt lên. “Ua trời!” và chạy vào nhặt lá thư.

LINH HỒN YÊU DẤU - Truyện ngắn của A. J. McKenna - Nguyễn Khắc Phước chuyển ngữ

LINH HỒN YÊU DẤU - Truyện ngắn của A. J. McKenna
(Nguyên tác bằng tiếng Anh: Old Ghosts, đăng trên Eastoftheweb.com.)
Người dịch: Nguyễn Khắc Phước

     Hôm nay là sinh nhật của Jim Brennan. Buổi sáng tháng Tám ẩm ướt. Lão thức dậy và giật mình vì tiếng chim vang vọng khắp vườn. Nửa nhớ nửa quên, lão nhìn mặt trời như trái cam đang phình lên và chiếu sáng mảng tường dán giấy hoa cũ cạnh giường lão.
     ‘Hôm nay là sinh nhật của mình đây,’ cuối cùng lão nhớ ra. ‘Hôm nay mình bảy mươi sáu tuổi. Trước đây có sinh nhật không nhỉ?’
     Cố nén đau để trèo xuống giường, lão mặc bộ đồ ngủ kẻ sọc, đứng bên cửa sổ và nhìn ra vườn. Có nhiều việc phải làm. Muộn. Muộn quá rồi. Mấy bữa rày thường nhổ cỏ, ước gì cái lưng đừng đau. Ngoài vườn, nắng đã đánh thức những đóa hồng, kích thích những cây hoa leo vươn nhanh như những đứa trẻ đang lớn, và nắng cũng biến những bông hoa vạn thọ, thứ hoa xua côn trùng, thành những đóm lửa đỏ rực.
     ‘Hôm nay là sinh nhật của mình đây.’
     Con chó nhà hàng xóm sủa. Một con mèo trèo qua tường và nhảy vào bóng cây táo rình những con chim sẽ đang khát khao những tia nắng đầu tiên. Bóng của hàng rào đang co dần như e thẹn trước ánh nắng. Những ngôi sao đang mờ dần vào nền trời bình minh. Một ngày tháng Tám nóng đến khó thở đã bắt đầu.
     Jimmy Brennan, bảy mươi sáu tuổi, đang ngồi trong nhà bếp. Yên lặng. Mọi thứ trong nhà quanh lão dường như nín thở, mái nhà nặng nề và nóng như lò nướng. Bàn tay sần sùi mạch máu của lão phủi mấy vụn bánh mì khỏi mặt bàn nhựa và khi lão lê đôi dép cũ, bụi bay loạn xạ trên tấm thảm có vài tia nắng chiếu. Lão lắng nghe một ngày mới đang thức dậy: chiếc đồng hồ trên tủ ngăn kéo vội vã gỏ tích tắc và thùng thư đang lách cách thức dậy.
     Jim bước qua phòng khách, lượm những tờ hóa đơn và tờ quảng cáo du lịch nước ngoài giảm giá. Lão chưa bao giờ ra khỏi Ireland, chưa bao giờ vượt biển. Lão cầm những bì thư đưa thẳng tay để cố nhìn cho rõ. Chẳng có thiệp chúc mừng sinh nhật nào cả. Thời buổi này ai mà quan tâm.
     Quay lại chỗ nhà bếp quen thuộc, Jim dùng dao mở thư, mong đọc được chút tin tức. Có còn hơn không. Ít ra cũng có liên lạc. Chán mở thư, lão nhìn và lóa mắt vì ánh nắng phản chiếu từ tách trà, chưa vội đọc mấy tin không vui, lão rót trà ấm vào tách. Lão ngồi nhớ lại những lần kỷ niệm sinh nhật trước đây. Bánh và rượu, hát và múa và chẳng ai nhắc đến người đã khuất. Lâu lắm rồi, chẳng biết năm nào.
     ‘Thời gian trôi nhanh quá,’ lão nói.
     Jim thường độc thoại hầu như suốt ngày – có ai nghe lão đâu?  Từ phòng khách yên tĩnh và chưa sáng rõ, chiếc đồng hồ điểm giờ. Lão uể oải đứng dậy và chuẩn bị đối phó với ngày mới. Khi lão mở chiếc đài, những bản tin làm lão nhức nhối. Ở đâu trên thế giới cũng nghe trẻ con bị hành hạ và bị giết hại. Mấy cái quảng cáo làm lão đỡ buồn. Thế giới này đảo điên rồi nhưng chẳng ai để ý. Lão chuyển đài và nhiều giọng nước ngoài léo nhéo vẻ khẩn trương. Giọng nào cũng nói về bạo động, hiếp dâm trẻ em. Truyền thông thích thóa mạ những người vô tội bằng những tin tức hấp dẫn cập nhật tức thì. Ngày xưa đâu có vậy, đâu có ồn ào như bây giờ, trẻ con có thể chơi thoải mái trên đường phố. Lâu lắm rồi, chẳng biết lúc nào.   
Ring- a- ring- a- rosy!(*)
Jim mỉm cười và nhận ra nhạc của Mozart và giọng ca Cherubino làm cho buổi sáng dễ thở. Lão thay đồ để đi bộ, gậy và mũ, lão kiểm tra cửa nẽo có chắc chắn không. Ban đêm lão nghe ngôi nhà cũ kêu kẽo kẹt  và sợ  rằng kẻ trộm có thể đột nhập tấn công lão.
     Thế giới này quá tệ rồi!
     Jim mở cửa lớn và trông tháy Ellen Kelly đứng đó, cười tươi như nắng.
     ‘Chúc mừng sinh nhật, Jim.’
      Quen quá nên không ngạc nhiên, Jim cười đáp và lại thở dài vì Ellen không còn ở đó nữa.
     Ellen Kelly, tuần trước vừa tròn mười bốn. Gần đây, lão thường trông thấy Ellen. Hôm qua, cô theo lão đến thư viện vắng vẻ và khi lão ngồi trong công viên Carolyn thì cô đứng đợi trong bóng râm dưới một gốc cây.
     ‘Em không quên,’ Ellen nói.
     ‘Anh biết, anh biết.’
     ‘Ra ngoài này chơi không?’
     ‘Không được đâu, Ellen. Em chết rồi mà.’
Nắng lướt xuống phố và đậu trên mái nhà Jim. Bóng Ellen chợt biến mất.
     ‘Tội nghiệp Ellen.’ Jim lẩm nhẩm một mình. ‘Tội nghiệp em yêu đã chết rồi.’
     Jim tránh đi qua siêu thị. Chỗ ấy phức tạp quá. Người ta lạnh lùng trả tiền rồi vội vả về nhà. Đám đàn ông hói đầu lấn tới, tai đeo vòng, mắt nhìn không chớp như muốn hiếp. Đừng bao giờ nhìn lui. Đám con gái cái gì cũng ưng cho nhiều. Xe đổ lộn xộn cố kiếm tiền. Các bà nội trợ vội vã, khói xe ngột ngạt. Siêu thị bắt người ta phải lựa chọn đến mệt. Quá ồn ào. Quá to, quá hiện đại. Quá cô đơn đối với Jim.
          Lão tới những cửa hàng nhỏ, đưa chuyện với người quen, mua trứng, sửa và một gói mì. Lão đi tiếp đến trước cửa hàng từ thiện. Bà Barret ở quầy số hai mươi chín gật đầu chào, vẻ tò mò.
     ‘Sức khỏe thế nào ông anh?’ bà vừa hỏi vừa nhìn quầy hàng.
     ‘Nhờ ơn chúa, cũng tốt. Còn bà thì sao?’
     “Không thể tốt hơn.’
     Cuộc sống nghẹ thở vì những câu chào chót lưỡi đầu môi!
     Jim về nhà bằng con phố nóng nực ngang qua thánh đường ở số bảy sáu.
     Từ ghế bành trong phòng khách nhìn ra đường. Nghe đồng hồ điểm mười tiếng và ngày buồn còn dài bất tận. Mười giờ sáng hãi hùng. Không biết làm gì. Bên ngoài, mấy cô gái tươi vui vội vã qua lại, mặt trời trên đầu và thời gian trong tay. Chân sáo, tất đen, váy ngắn thiếu đường gây tội. Hứa hẹn.
     May mà mình không còn trẻ nữa.
     Jim ghét thời gian này trong ngày. Ra vườn thì quá nóng, đầu óc trống rỗng cho đến khi chuẩn bị bữa trưa. Ánh sáng duy trì mãi suốt buổi chiều lê thê chán ngắt giống như một con đường chẳng dẫn đến đâu. Jim cố đọc nhưng dù có kính, chữ vẫn cứ mờ.
     ‘Ellen,’ lão thì thầm. Tên nàng vang lên trong đầu như tiếng chuông nhà thờ.
     Ellen Kelly, Kelly Ellen, Kellen Nelly.
     Jim chơi đùa với nàng. Mắt lão nhắm. Lão đang mơ màng một cách thích thú và thoáng nghe như có ai chạm vào tay nắm bằng đồng ở hộp thư. Lão đi nhẹ ra phòng khách, cẩn thận mở cửa lớn thì Ellen đứng đó, mười lăm tuổi xinh đẹp, lồng vào trong ánh nắng như một thiên thần. Ellen Kelly đang nẩy nở để trở thành phụ nữ và đang hưởng hạnh phúc của tuổi thiếu niên.
      ‘Anh không ra chơi hả Jim?
     Phía sau, một bóng ma khác trong hành lang, mẹ của Jim, đang mỉm cười.
     ‘Nó phải đi mua hàng cho bác, con ạ.’
     Jim thấy minh là cậu trai mười sáu đang tuổi thanh niên hạnh phúc.
     ‘Thế thì em đi với anh nhé,’ Ellen bao giờ cũng sẵn sàng. ‘Chúng mình đi mua sắm với nhau nhé, được không?’
     Mẹ đồng ý. Bà thương cô con gái hàng xóm và bà đã từng ao ước có một đứa như thế.
     ‘Dỉ nhiên là được, em yêu.’

     Mẹ vẩy tay khi Jim và Ellen ra đường và cho đến khi họ khuất sau cổng. Mẹ bao giờ cũng lo chuyện băng qua đường và ốm đau bất thường. Bệnh lao, viêm phổi. Bệnh bại liệt. Sởi. Quai bị. Người ta nói vậy. Hồi ấy nhiều người chết trẻ.
     Tình yêu như nam châm hút hai người sát nhau, vai kề vai, đầu tựa đầu, nói nói, cười cười, nổi bật lên giữa đám đông. Họ đang yêu. Lọn tóc đen mượt của Ellen uốn quanh vành tai nhỏ của nàng trông có vẻ tinh nghịch. Nàng dịu dàng và đáng yêu như vầng nguyệt.
     ‘Em có yêu anh mãi không?’ Jim hỏi.
     ‘Mãi mãi,’ Ellen hứa, nắm chặt tay Jim.
     Trên đường về nhà, hai người băng qua cánh rừng. Bấy giờ là tháng Tám. Đoạn đường tắt ngắn nhưng đi thật lâu. Họ ngồi hôn nhau trong đám dương xỉ dưới bóng cây một cách ngây thơ và hôn mãi dường như chẳng bao giờ dứt.
     Đời vui như một kỳ nghỉ hè cho đến khi nàng mười bảy tuổi. Thế rồi, Jim cùng bố đến Cork. Đi kinh doanh. Thành phố Cork tuyệt vời, có thuyền bè nhấp nhô, có giáo đường Cobh và khách sạn Metropole. Thành phố có vẻ khoa trương. Những buổi tiệc tối và những món tráng miệng. Cà vạt đen, xì gà nâu. Rượu gin pha nước khoáng và một lát chanh. Chanh đắng. Đó là những gì còn lại trong trí nhớ nhập nhàng của Jim về xứ Cork.
     Jim đi cùng với mấy người bạn của bố. Tiệc tùng  sực mùi nhục dục. Bố bỏ về sớm với một người bạn.
     Một ông ra hiệu hỏi ý và bố nháy mắt. Cho phép phạm tội. Mất công đeo đuổi chi cho mệt, ở đây muốn là có ngay.
   Jim nhảy với một cô nàng đeo vòng cổ và khuyên tai đến sáng. Nàng nói bố mẹ nàng vắng nhà và phòng nàng ở trên gác gỗ. Jim vẫn còn chưa dứt cơn say.
   ‘Anh đưa em về phòng nhé’, Jim nói, hiểu được luật chơi và biết lúc này có thể giở trò lừa.
     Ellen mười sáu thơm mùi tình yêu và hoa hồng. Cô gái hai mươi này sực mùi rượu gin. Ngọc trai trên tai và đã quý trên ngực. Nàng tắm truồng, để lộ thân hình phì nhiêu.  Jim ôm và chiếm lấy nàng. Ellen mười sáu tuổi ngọc, sẵn sàng cho Jim mọi thứ nhưng cái đó thì không. Da thịt thơm tho của nàng chỉ dành cho đêm tân hôn. Jim muốn nữa. Cô gái đang chịu đực với một con lợn lòi.
     Ellen ơi! Anh có lỗi với em rồi!
     Rồi Jim gặp một cô tóc vàng trong lần đến Dublin đi trượt tuyết. Cô ta bám theo Jim, lúc ấy đã biết được mùi đời. Máu trên tuyết. Ellen mười bảy bị bỏ rơi giống như một đồ chơi cũ, vô dụng.
     ‘Anh không cần em nữa sao?’
     ‘Không.’
      Nước mắt nàng tuôn xuống làn môi cắn chặt. Mắt đỏ hoe. Tình cảm đã bị tổn thương. Nàng nói lời chia tay.
      ‘Không. Em không cần anh nữa.’
      Jim lạnh lùng và tàn bạo như băng giá mùa đông.
      Cho dù bị bỏ rơi, Ellen vẫn câm nín chờ Jim trưởng thành.
      Năm sau, Jim dẫn cô gái đeo bông tai ngọc trai đi chơi, chẳng chào từ biệt Ellen tuổi mười tám đang cô đơn, đau khổ đến xanh xao bệnh hoạn vì tình yêu. Nàng giống như cánh hoa rơi tan tác trên cỏ dại, trên gai nhọn. Nước mắt tả tơi.
      Ellen ốm.
      Mẹ khóc khi thấy Jim về.  ‘Tội nghiệp Ellen,’ mẹ thì thầm như sợ làm đau lòng người đã khuất.
     Jim tĩnh ngộ, thấy mình đã quá trẻ con. Nhưng đã quá muộn.
     Trên mộ nàng, những cánh hoa im lìm trong băng giá. Lá khô phủ đầy như chôn thêm một lớp nữa. Đâu rồi những nụ hôn nồng nàn và con tim rạo rực tình yêu. Sau cái chết của Ellen, đến lượt mẹ cũng về nơi mộ chí. Mưa triền miên đến năm mươi năm.
     Những ngươi thân yêu mãi mãi đã ra đi!
     Tiếng đồng hồ điểm giờ, một, hai, ba,…
     Bóng tối ngoài sân yên lặng như lời yêu từ miệng người chết. Môi là những nấm mộ bằng đá cẩm thạch trong vườn. Cây trường xuân và rêu. Những hồi ức ám ảnh hiện tại. Jim rùng mình và bước tới cửa sổ có ánh sáng. Xoa bàn tay gồ ghề tĩnh mạch. Cầu nguyện. Sau đó lão nấu nướng buổi trưa. Cà chua và thịt nguội. Lão ngồi mơ màng hết buổi chiều. Một nửa cuộc sống. Đài phát giọng phụ nữ hát bài Four Last Songs. Chẳng hiểu bài hát nói gì.
     Nỗi buồn quá ngọt ngào. Ai nói vậy?
     Chiều muộn, lão ngồi trong vườn nhìn hoàng hôn hát. Chẳng có chim gì khác ngoài sáo và én. Chẳng nghe gì ngoài mấy cánh bướm.
      Về khuya. Đồng hồ điểm mười hai tiếng. Đêm nóng ray rức.
      Lên giường, Jim tắt đèn ngủ, theo dỏi những bóng đen trên tường hoa. Ánh sao chiếu vào khuôn mặt xanh xao của lão. Trăng tháng Tám nóng chiếu trên cửa sổ.
     Đêm yên lặng như hoa táo rơi, dịu dàng như má lúm đồng tiền của Ellen cười. Ellen đang đứng bên giường lão, mĩm cười nửa buồn nửa vui. Ellen chung thủy đang đợi.
      ‘Anh cần em không?’
      ‘Vâng! Chúa yêu quý – vâng!’
      Lão nói, ‘Anh sẵn sàng đi chơi với em nếu em thích. Cuối cùng thì anh chết thật rồi.’
     ‘Em vui lắm. Em đã đợi anh lâu lắm rồi!’
     Jim bay lên, bỏ bảy mươi lăm năm lại trên tấm khăn trải giường. Lướt dưới ánh trăng cùng Ellen trong tay. Cặp đôi bay xẹt như ánh sao chổi vào cõi Vĩnh hằng. Chiếc đồng hồ trong phòng khách ngừng chạy.
     Mãi mãi chẳng bao giờ chạy nữa.

Người dịch:  Nguyễn Khắc Phước

Chú thích của người dịch:
(*) Bài hát của trẻ con khi chơi nắm tay quay vòng.


Thứ Tư, 15 tháng 5, 2013

NGHỈ HƯU - thơ TONY


NGHỈ HƯU
( Tặng Nguyễn Khắc Phước)

Sức khỏe Khắc Phước chắc hơn tui
Hay "sức khỏe kém" cuộc đua vui ?
Cuộc đua kiếm gạo nay đành nghỉ
Dẹp chuyện buồn đau với ngậm ngùi

Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2013

Kính thiên văn Kepler nhận ra 2 hành tinh có sự sống


Tin của Joel Achenbach trên Washinghton Post (washingtonpost.com), thứ Sáu, 19/4/2013, 08:22





Các nhà thiên văn học săn tìm hành tinh hôm thứ Năm cho biết họ đã tìm thấy 2 hành tinh có sự sống cách trái đất khoảng 1.200 năm ánh sáng. 


Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2013

COI CHỪNG BỊ LỪA

Trưa hôm qua, thứ Bảy, 16 / 3, mình đang ngồi tiếp cậu học trò cũ thì một chiếc ô tô màu trắng đổ trước nhà, một chị cỡ 50 tuổi bước vào hỏi có vợ mình ở nhà không. 

Thứ Bảy, 16 tháng 3, 2013

CÓ NGƯỜI THƯỜNG XUYÊN ĐÁNH Ô VÀO ĐẦU TÔI - Truyện ngắn của FERNANDO SORRENTINO - Nguyễn Khắc Phước chuyển ngữ

FERNANDO SORRENTINO



CÓ NGƯỜI THƯỜNG XUYÊN ĐÁNH Ô VÀO ĐẦU TÔI

Truyện ngắn của FERNANDO SORRENTINO

Nguyễn Khắc Phước chuyển ngữ từ bản tiếng Anh của Clark M. Zlotchew: “There's a Man in the Habit of Hitting Me on the Head with an Umbrella” đăng trên trang web: Short Stories at East of the Web (www.eastoftheweb.com)

Thứ Ba, 12 tháng 3, 2013

Thi chim chào mào tại phường Thọ Quang, Đà Nẵng


Ở Đà Nẵng , nuôi chim, đặc biệt là chim chào mào, là thú vui phổ biến của rất nhiều người. Người ta nói buôn có bạn bán có phường, những người bẩy chim và đem bán thường tụ tập lại thành những chợ chim trên đường Nguyễn Hữu Thọ, gần Bệnh viện Quân Y và trên đường Tôn Đức Thắng thuộc xã Hòa Minh. Đa số họ đều đến từ vùng quê Quảng Nam.

Thứ Ba, 19 tháng 2, 2013

THƯ TỪ CANADA 2 - Hải Nhân


Hoa Xuân Forsythia


Forsythia là một loại hoa vàng rực rỡ ở vùng Bắc Mỹ, nở rộ vào lúc tiết trời bắt đầu ấm áp vào Xuân. Ở Canada, Forsythia nở vào cuối tháng Tư, đầu tháng Năm.
Hàng năm cứ đến rằm tháng chạp ,bất kể gió buốt lạnh thấu xương tuyết đắp cao như đê sông Hồng ,hai vợ chồng cũng ráng lui cụi ra trước nhà ngay chân cầu thang để cắt những nhánh mai khô đem vào nhà ngâm trong nước ấm.



Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2013

THƯ TỪ CANADA - Hải Nhân

Đây là thư của cô em đang ở Canada kể về chuyến đi câu cá trên băng của vợ chồng cô mùa đông 2012.

Gởi show này cho anh Phước xem cho lây cái lạnh của Canada :)



Câu cá trên băng (Ice Fishing)


Câu cá trên băng là một môn thể thao mùa Đông của xứ lạnh. Vào mùa Đông lúc thời tiết lạnh giá dưới 10 độ âm kéo dài trong nhiều ngày, mặt nước hồ đông cứng thành một lớp băng dày. Đó chính là lúc thích hợp cho môn thể thao câu cá trên băng (Ice Fishing).


Thứ Tư, 13 tháng 2, 2013

Chuyện cà phê: Có cũng như không!

Quán cà phê sáng mùng 5 tết Quý Tỵ.
- Tui định mua một chiếc ô tô như chiếc kia kìa.
- U 70 như bác mà lái ô tô được thì cũng hiếm lắm. 
- Tui già rồi, lái xe đạp còn khó huống chi lái ô tô.
- Rứa bác mua cho con bác lái à?
- Mua để đó làm nhà ở!

Thứ Ba, 8 tháng 1, 2013

Truyện ngắn CHIẾC XE ĐẠP


CHIẾC XE ĐẠP - truyện ngắn Nguyễn Khắc Phước
Quý tặng Công đoàn Nhà máy Cao su Đà Nẵng (DRC)




        Tan ca chiều nhưng Lư và Hảo nán lại đợi thủ kho để lấy hàng. Số là chiều nay hai anh được hai suất săm lốp phân phối hằng năm. Trời nặng trĩu mây đen. Đạp xe chừng cây số thì lắc rắc mưa. Lư bảo rán đạp tới nhà Phượng núp mưa luôn. Mấy hôm rày sao không thấy chị ấy gánh trái cây ngồi bán trước nhà máy mỗi lúc tan ca.


       Phượng sống với con gái trong một căn nhà tôn ván gần đường Lư và Hảo đi làm. Hảo mới vào nhà máy sau này, chưa biết Phượng nhiều, còn Lư đã quen Phượng từ lâu vì chị đã từng là công nhân nhà máy cao su như anh nhưng rồi vì hoàn cảnh sao đó nên xin nghỉ việc, gánh trái cây bán rong. Cũng có lẽ vì  Phượng  quen sống độc lập, tự do, không thích bị ràng buộc bởi giờ giấc và kỹ luật nhà máy.

        Lư tiếc cho Phượng. Mặc dù lương nhà máy cao su thấp nhưng gánh trái cây của Phượng có thu nhập rất bấp bênh, lại còn lo hư thúi. Phượng là phụ nữ dù hơi lớn tuổi nhưng vẫn còn xinh đẹp, lại là gái một con không chồng. Còn Lư, mặc dù kém Phượng hai tuổi nhưng là thanh niên lớn tuổi chưa vợ duy nhất trong nhà máy. Mọi người thường ghép đôi nhưng hai người chỉ cười, chưa có phản ứng gì. Trong bụng Lư cũng ưng, (nhất gái hơn hai, nhì trai hơn một, tốt rồi còn gì!), nhưng hoàn cảnh gia đình anh lúc ấy quá khó khăn, nhà cửa còn rất tạm bợ, chật chội.

        Hai người ghé vô hiên nhà Phượng thì cơn mưa cũng vừa ập đến. Suốt ngày trời nóng như thiêu, bây giờ mưa giông, sấm chớp dữ dội. Nắng bao nả, mưa trả thù, người ta nói đúng.

        Nhà vắng người nhưng cửa trước mở toang. Hai người ngồi trên chiếc chõng tre giữa nhà, hình như là nơi duy nhất không bị mưa dột. Lư kêu to: "Phượng ơi Phượng! Cho núp mưa với nhé". Có tiếng cửa buồng mở và Phượng đi ra: "Chào hai anh, mấy khi rồng đến nhà tôm. Ba hôm nay em đau lưng quá, phải nghỉ nhà. Con bé em ngồi ở chợ bán cho hết hàng, giờ vẫn chưa về. Để em pha nước hai anh uống nhé".

       Phượng xuống nhà bếp nấu nước sôi. Lư ngó quanh nhà, thấy trên vách treo một chiếc xe đạp, nhưng không có săm lốp. Lư nói nhỏ với Hảo: "Tao có việc làm để lấy điểm rồi đây. Sẽ lắp cặp săm lốp vừa mới nhận cho Phượng". Hảo nói: "Nhưng chỉ được một bánh thôi, còn bánh kia  làm sao?". Lư đề nghị: "Thì mầy cho tao mượn xuất của mầy đi. Lốp mầy còn mới, còn lâu mới hư". Hảo nói: "Em định bán để mua sợi xích, xích em cũ quá rồi, trật hoài!". Lư  nói: "Mầy là dân cơ khí mà không biết chặt bớt xích cho vừa sao? Tháng sau, thằng nào được phân phối xích theo sổ công nghệ phẩm, tao vận động nó nhường cho mầy, được chưa?" Lư là thư kí công đoàn xí nghiệp săm lốp nên lời hứa của anh có độ tin cậy khá cao. Hảo đồng ý nhưng hỏi: "Lấy đâu ra đồ nghề ở đây mà thay lốp?". "Có lẽ tao phải vác cái xe về nhà vì nó còn hư nhiều thứ nữa," Lư nói.

        Đợi Phượng mang nước ra, Lư nói đề nghị của mình. Lúc đầu Phượng còn ngại, chưa chịu, nhưng rồi cũng đồng ý.

        Hết cơn giông, hai người đàn ông tiếp tục về nhà. Riêng Lư còn vác thêm xe đạp của Phượng.

        Phải mất một tuần Lư mới sửa xong xe đạp. Phượng đòi trả tiền nhưng Lư không nhận, cười nói: "Trả gì cũng lấy nhưng tiền thì không. Hồi nào có trái cây ế, để mình thanh toán giúp cho, vài kí là xong. Nói chơi vậy chứ  đây là sản phẩm của nhà máy mình, lâu lâu lại có suất, chẳng phải mất tiền". Phượng nói cám ơn.  Sau đó, Lư còn kiếm cho Phượng một cây gỗ và hai giỏ sắt treo vào hai bên bánh sau để chở trái cây cho đỡ đau lưng.

        Phượng dùng xe đạp ấy để chở trái cây đi bán. Mỗi lúc tan ca, Lư thấy Phượng trước cổng nhà máy nhưng anh tránh không gặp, sợ Phượng bắt anh phải nhận trái cây.

        Chừng một tháng sau, Lư ngạc nhiên thấy Phượng thay vì chở trái cây bằng xe đạp như mọi hôm, bây giờ chị ấy bỏ trái cây trong một thùng sắt có bánh xe và đẩy đi. Ngạc nhiên hơn nữa là Phượng chạy đến cám ơn anh về cái xe đẩy, khen tốt hơn cái xe đạp nhiều.

        Ở chỗ đông người nên Lư không thể chối, mà chỉ ậm ờ cho qua, tự hỏi không biết tác phẩm của cậu nào đây. Kiểu này thì phỗng tay trên mình rồi! Vừa đạp xe, Lư vừa nghĩ có lẽ mấy tay bên xí nghiệp cơ khí chứ không ai vô. Để rồi hỏi Hảo xem. Lư đạp xe nhanh để bắt kịp Hảo. Hảo nói: "Đó là tác phẩm của em, nhưng em phải nói là của anh, chị ấy mới nhận. Em thấy chị ấy chở trái cây trên xe đạp khó quá, lỡ thủng ruột giữa đường thì làm sao. Chỉ cần đi quanh nhà máy, lượm cái thùng sắt cũ và bốn bánh xe hàn lại, thoáng cái là xong".

        Thoạt đầu Lư hơi khó chịu, cảm thấy bị đàn em chơi trội nhưng rồi Lư thấy hợp lý bởi Phượng từng là dân cơ khí, được đồng nghiệp cơ khí giúp đỡ là chuyện đương nhiên và ai cũng có quyền giúp đỡ chứ phải mình Lư đâu, miễn sao Phượng đỡ khó khăn là tốt rồi.

         Từ đó lâu lâu, Lư lại nhận một bịch chôm chôm hoặc lòn bon, đủ cho cả hai phân xưởng xe đạp và cơ khí mỗi người một trái.

         Rồi con đường Lư và Hảo thường đi làm được mở rộng, xe ben chở sỏi đá tung bụi mù suốt ngày đêm. Nhà Phượng cũng bị giải tỏa, dời đi nơi khác, không đến nhà máy bán trái cây nữa. Ngoài giờ lao động, Lư còn  quản lý một đội bóng đá và cùng tập luyện với anh em, thỉnh thoảng dẫn đội bóng đi đấu giao lưu chỗ này chỗ kia nên không còn thì giờ rãnh rỗi, đến nỗi nhà Phượng dời về đâu, bán hàng những nơi nào  anh cũng không hay. Hơn nữa, Vui, một ý tá từ trạm y tế của nhà máy, thường xuyên có mặt khi đội bóng tập luyện. Vui trẻ hơn Phượng nhiều và có nét đẹp hao hao giống Phượng. Và thế là Lư đến với Vui và hai người thành vợ chồng  lúc nào không hay.

     Hơn bảy năm sau, lúc này Lư không còn là anh công nhân kiêm thư ký công đoàn phân xưởng xe đạp nữa mà vừa được bầu làm thư ký công đoàn của toàn công ty.

      Một hôm, Lan, tổ trưởng công đoàn khối kinh tế lên gặp anh nói: "Trinh, nữ nhân viên của em bị tai nạn giao thông vừa được chở đi bệnh viện, anh có rãnh thì đi thăm nó với tụi em". Lư hỏi: " Có nặng lắm không? Cô ấy đi bằng xe gì?". Lan nói: " Không nặng lắm. Nó đi xe đạp, bị xe máy quệt nhẹ, xây xát chút ít". "Cô ấy không có xe máy sao?", Lư hỏi. " Đại học kinh tế mới ra trường, mới lĩnh mấy tháng lương, tiền đâu mà mua xe máy!", Lan nói.

       Lư  và Lan đánh ô tô sang bệnh viện. Bước vào phòng bệnh, anh ngạc nhiên thấy người phụ nữ đang ngồi bên bệnh nhân chính là  Phượng, người phụ nữ anh đã một thời quen biết. Anh hỏi: " Sao chị Phượng lại ở đây?". Lư càng ngạc nhiên hơn khi Phượng nói: "Nó là con gái của em đó." Chị nói thêm: "Chính nhờ chiếc xe đạp do anh sơn sửa giúp mà cháu có phương tiện đi lại để  học hết cấp ba, rồi nó mang theo vào đại học. Nếu không có xe đạp, nó đã bỏ học từ lâu rồi. Chiếc xe đạp nó đang đi chính là chiếc xe đạp ấy".

        Lư hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

        Hồi ấy, khi thấy Phượng dùng chiếc xe đẩy để chở hàng, anh nghĩ Phượng đã không cần đến chiếc xe đạp và  hơi buồn vì anh đã không giúp Phượng được gì. Nhưng nay thì lại khác, bây giờ anh rất vui, vui vì Trinh chỉ bị thương nhẹ, vui vì được gặp lại được người xưa, vì việc mình làm đã có ích, và vui vì cháu Trinh được nhận vào nhà máy nơi ngày xưa mẹ cháu đã từng là công nhân.

        Mọi người an ủi Trinh về tai nạn và khuyên cô ấy cố gắng dưỡng sức để mau chóng được ra viện.

        Trên đường về, Lư hỏi Lan: " Cháu đã vào làm mấy tháng sao chưa báo lên tôi để tổ chức kết nạp vào công đoàn?". Lan nói: " Tụi em định đến gần ngày 8 tháng 3 tới  báo cáo anh để tổ chức kết nạp luôn cho nhiều người ở phân xưởng khác nữa". "Nhưng ít ra cũng cho cháu đến gặp tôi để tôi tìm hiểu hoàn cảnh và động viên vài câu chứ !" "Anh quên rồi đó. Nó có lên gặp anh hôm mới về, trên tay còn mang cái hộp gì đó, chắc là gói quà. Nên nhớ chỉ một mình anh duy nhất có  quà thôi nhé". Lư đập nhẹ tay vào đầu nói: "Đúng rồi, tôi nhớ ra rồi, lớn tuổi rất chóng quên".

       Lư nhớ lại cách đây mấy tháng có cô bé rụt rè vào văn phòng của anh, tặng anh cái hộp gì đó. Ngay lúc đó, anh có điện thoại của giám đốc mời lên họp nên ậm ừ cho qua, bỏ cái hộp vào ngăn kéo nào đó rồi quên luôn.

     Khi về đến văn phòng, anh lục hết mấy ngăn kéo và tìm được một gói quà nhỏ có buộc nơ màu hồng. Mở ra, đó là một chiếc xe đạp nhỏ xíu, phía sau xe là một chiếc giỏ đựng trái cây ly ty và phía trước xe là một chiếc giỏ khác đựng một nhành hoa phượng hồng.

     Lư tìm chỗ ưng ý nhất trên bàn để đặt chiếc xe đạp, ngồi ngắm nghía và cười một mình.   

2009
      NGUYỄN KHẮC PHƯỚC
ngkhacphuoc@gmail.com