Thứ Tư, 12 tháng 6, 2013

Truyện ngắn NGƯỜI BÁN GIƯỜNG TRE



NGƯỜI BÁN GIƯỜNG TRE
Truyện ngắn Nguyễn Khắc Phước


     - Mấy chú ngồi chơi, tui phải về lo đám ma. Ông Mẹo tổ trưởng dân phố bỏ ly trà xuống, chuẩn bị đứng lên.     Thường ngày ông ngồi quán cà phê buôn chuyện tào lao đến tám giờ sáng mới về.
     - Ủa! Đám ma ai sao tụi tui không biết?
     - Đám ma ông Sửu trong tổ tui, mới chết hồi hôm. Mấy chú không biết là phải. Chưa có tui là chưa chiêng trống, chưa cờ xí, chưa âm thanh, chưa âm công, chưa ọ è. Ông Mẹo tỏ vẻ quan trọng.
     - Có phải ông Sửu công binh?
     - Chuyện đời xưa mà nhắc làm chi.
     Nói vậy chớ hôm sau chính tổ trưởng Mẹo lại kể cho tôi nghe chuyện một quãng đời của ông Sửu và những người liên quan.




     Thi đậu vào trường Bách Khoa Phú Thọ, Sửu cắm cúi học, chẳng bao giờ tham gia biểu tình chống ai, ủng hộ ai bởi tính anh không thích chính trị và vì anh hy vọng khi mình ra trường sẽ hết chiến tranh.

     Thế nhưng ngay sau khi tốt nghiệp, Sửu liền bị gọi động viên đi lính chế độ cũ. Nhờ có bằng kỹ sư, anh ta được đưa vào ngành công binh. Chẳng bao lâu sau, Sửu được chỉ huy một đại đội công binh chuyên làm cầu dã chiến. Sửu vốn là con hiếu thảo. Trừ những lúc phải đi xa, Sửu luôn tranh thủ về nhà để phụng dưỡng cha mẹ già yếu, giúp bố tưới cây và chăm sóc hàng chục chậu kiểng chưng khắp cái sân gạch rộng. Nhà Sửu ở trên một con phố vắng trong thị xã, ngăn cách với đường phố có nhiều cây bóng mát là một hàng chè tàu dày kịt và chiếc cổng bốn mùa phủ đầy hoa giấy hai màu xanh tím.

     Trên lề đường rợp bóng cây thường có nhiều người bán rong ngồi nghỉ. Khi thì chị bán bột lọc, khi thì anh cà rem. Buổi trưa thường có bác nông dân gánh giường tre bán dạo bỏ giường xuống đánh giấc ngon lành.

     Sửu thấy cái giường xinh xắn, ra đứng ngắm nghía. Bằng con mắt của một kỹ sư cầu đường, Sửu thán phục ông thợ quá khéo tay. Tre ngâm, thế cân đối, mắt tre được gọt láng, mộng ráp khít khao, vạc được vót kỹ như vót đũa và được kết bằng sợi mây già, chắc mà êm, nằm mát lưng, hứa hẹn những giấc mơ đẹp. Thấy ưng ý, Sửu liền mua cho bố một chiếc để ông cụ đêm rằm nằm ngắm trăng, ngâm thơ.

    Chiến tranh mỗi ngày một ác liệt và tiếng súng mỗi ngày nghe một gần. Cây cũng thưa lá, không còn cho bóng râm vào ban trưa. Trăng vẫn sáng nhưng chẳng mấy người dám nằm chiêm ngưỡng bởi những trái sáng cứ nổ và bay lơ lửng trên đầu.

     Bác Dậu, tên người nông dân, gánh giường mỏi rã rời cả vai nhưng chẳng ai kêu mua, đành phải gởi giường lại trong sân nhà Sửu rồi cuốc bộ về làng.

     Sửu phải vắng nhà nhiều hơn, không có người chăm sóc cây kiểng. Anh nghĩ ra một ý: thuê bác Dậu giúp việc ấy cho anh, tiền lương tính ngang bằng tiền bán giường. Bác Dậu đồng ý ngay. Ngoài chăm sóc cây, bác Dậu còn làm nhiều công việc vặt khác. Từ đấy, bác nông dân Dậu trở thành người nhà của Sửu, tương tự như người quản gia. Mỗi lần hoàn thành một cái cầu, bọn lính cần nhậu nhẹt, bác Dậu lo từ A đến Z, theo xe chở mồi nhậu và bia rượu ra tới tận cầu. Lính trong đơn vị rất kính nể bác, phục tài nấu nướng và tổ chức của bác. Mấy anh trẻ thường gọi bác bằng bố, và sẵn sàng giúp bác bưng bê mỗi khi được nhậu.

     Một lần, cũng như bao lần trước làm cầu xong, lại nhậu nhẹt say sưa. Nhưng ngay tối hôm ấy, lính gác cầu điện báo cầu đã bị gài bom đánh sập. Sửu chép miệng: Chiến tranh mà, sập cái này thì làm cái khác! Đã bàn giao rồi. Lỗi của lính bảo vệ chớ phải của mình đâu.

     Mọi chuyện sẽ đi vào quên lãng nếu không có việc tương tự xảy ra. Cái cầu tiếp theo cũng bị đánh sập ngay trong đêm vừa mới hoàn thành và bàn giao cho lính địa phương. An ninh quân đội yêu cầu Sửu báo cáo những hành vi đáng ngờ của cấp dưới, kể cả người nhà, mặc dù họ không quy trách nhiệm cho công binh vì đã bàn giao xong. Thời buổi chiến tranh, cầu bị đánh sập là chuyện thường ngày.

     Chiếc cầu tiếp theo cũng hoàn thành và tổ chức nhậu nhẹt cho đám lính. Khi thực phẩm và bia bọt đã bỏ lên xe chờ mang đi, Sửu nghĩ lần này không được cho thuộc hạ uống nhiều, bèn biểu bác Dậu mang mấy thùng bia trên vào nhà cất, chỉ chừa một thùng dưới cùng. Sửu đang ngồi trước tay lái, không biết tình cờ hay cố ý, xuống xe ra sau giúp bác Dậu, và rất ngạc nhiên thấy thùng bia cuối cùng không chứa bia, mà chứa đầy chất nổ, thứ chất nổ mà đơn vị anh dùng để phá đá làm đường.

     Khi bác Dậu từ trong nhà đi ra, Sửu nói:
     - Bác định cho tụi tui uống bia với đá dăm sao mà đem thứ này theo. Hồi nào làm đường mới cần. Cất đi. Đổi thùng bia khác.
     Trên đường đi, Sửu quay lại nói:
     - Hai cây được rồi. Cây thứ ba nầy cho qua đi. Bác định giết tui hả. Họ đang nghi ngờ đấy. Chuồn đi.
     -Tui mà cố giết cậu thì cậu chết lâu rồi. Cậu đi qua vùng mất an ninh hằng ngày vẫn an toàn đó sao?

     Chiều hôm đó bọn lính công binh vẫn nhậu nhẹt như thường. Đêm đó không có chuyện gì xảy ra.
     Nhưng ngày hôm sau bác Dậu không đến làm nữa. Sửu lại phải tranh thủ về nhà tưới cây.
     Bẵng đi một thời gian khá lâu không có tin gì về bác Dậu, nhưng những chiếc cầu vẫn bị đánh sập, lại bắc mới, rồi lại sập.
     Một hôm trên đường về nhà, Sửu thấy một nông dân đội nón lá, vai mang giỏ cá, tay cầm cái mơm, đứng bên đường vẩy xe xin quá giang. Nhận ra dáng người quen, Sửu ngừng lại.
     - Sao bác biết tôi mà đón ?
     - Cả vùng nầy ai mà không biết cậu.
     - Tôi chở bác tới đâu đây ?
     - Tới cách thị xã chừng hai cây thì cậu thả tui xuống.
     Xuống xe xong, bác Dâụ quay lại nói :
     - Khi có chuyện gì cứ ở trong nhà với vợ con. Nếu  chạy lung tung, tụi tui không nhận ra cậu đâu nhé.
     - Sao bác biết tôi có vợ.
     - Chuyện chi mà tui lại không biết. Hết người bán gường thì còn kẻ bán chiếu.
     Cả hai cùng cười và bỏ đi.
     Trước ngày giải phóng thị xã, Sửu ở nhà tưới cây như thường lệ, chẳng ai vào nhà hỏi han. Một buổi sáng sớm có chiếc xe con, trên có mấy cậu du kích quàng khăn ca-rô, đến chở Sửu đi. Xe chở Sửu đến sân Ty Lục Lộ của thị xã. Một người đưa cho Sửu lá cờ hai màu đỏ xanh, giữa có sao vàng và nhờ Sửu leo lên cột cờ, thay lá cờ ba sọc. Treo xong lá cờ, Sửu được đưa về nhà.
     Một tuần sau có loa của Uỷ ban Quân Quản gọi thành phần như Sửu ra trình diện. Người cán bộ tiếp Sửu lại chính là bác Dậu, bây giờ mặc đồ bộ đội chớ không phải bộ đồ đen như ngày xưa. Cán bộ chỉ ghế :
     - Mời ngồi.
     - Dạ thưa...
     - Không cần dạ thưa. Tên anh? Họ và tên đầy đủ? Chức vụ? Đơn vị?...
     Sửu khai đầy đủ lý lịch. Cuối cùng, cán bộ nói nhỏ :
     - Ở lại cuối buổi nầy tôi sẽ có vấn đề cần bàn với anh.
     Cuối buổi, khi mọi người ra về hết, cán bộ gọi Sửu lại, nói :
     - Anh cũng phải đi học tập cải tạo nhưng ngắn thôi. Tôi sẽ bảo lĩnh cho anh ra sớm, sẽ được làm đúng nghề nghiệp chuyên môn. Chúng tôi cần anh giúp xây lại cầu để phục vụ dân sinh. Ngày xưa anh bảo vệ tôi, bây giờ tôi bảo vệ anh.
     Ông Mẹo không kể nữa mà quay sang một cậu thợ sửa xe đạp:    
     - Đó, chú thấy chưa? Người ta ở hiền thì gặp lành, sớm muộn cũng có lúc được quý nhơn phò trợ.
     Cậu thợ xe đạp (vốn thích cãi cọ lặt vặt cho vui như nhiều người ở xứ này) sửa lưng ông Mẹo ngay, không cần suy nghĩ:
     - Thử hỏi chán chi người muốn lập công, sức mấy mà họ để cho ông Sửu lên đó treo cờ dễ dàng như vậy?
     - Có lẽ ông Dậu sắp xếp, muốn thử thách ông Sửu vì tính ông này không thích chính trị, hai là để ông này dễ làm việc trong Sở Cầu Đường sau này, ba là để ông dứt khoát ở lại vì xã hội đang cần ông ta.
     - Bác chỉ giỏi tưởng tượng thôi. Cháu phải nghe ông Sửu nói mới tin được. Có lẽ vì chuyện ông Dậu giúp mà ông Sửu không được đi “hát ô”, liệu ông Sửu có buồn không?  Khi nào bác xuống dưới gặp ổng hỏi lại là chắc nhứt.
     - Được rồi. Hỏi xong sẽ gọi chú xuống để tui trả lời.


NKP

6 nhận xét:

NGUYEN THU nói...

Qua thăm anh được đọc nhiều câu chuyện hay. Cách viết của anh cũng dí dõm dễ làm thích thú.
Chúc anh ngày mới vui và khỏe.

GỔ nói...

Truyện này có ba nhân vật gồm MẸO, SỬU ,DẬU em xin hỏi anh có cố ý đặt tên như vậy không ?

NKP nói...

Cám ơn Thu Nguyễn đã đọc và bình luận

NKP nói...

Những tên đó thuộc thế hệ U60-70, bây giờ không ai đặt tên như vậy nữa. Đặt tên như vậy có ý chuyện này thuộc về thế hệ cũ, thời của chiến tranh, khác với thời đại của hòa bình bây giờ.

Tuyết Hằng nói...

Anh Hai Lúa viết tửng tửng mà hay ghê. Thâm thuý ghê.

thoitrangmimifr nói...
Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.