Thứ Hai, 22 tháng 1, 2024

CHÓ RỪNG BỊ DÍNH THUỐC NHUỘM - Chuyện cổ Pakistan - Nguyễn Khắc Phước kể



 CHÓ RỪNG BỊ DÍNH THUỐC NHUỘM

Chuyện cổ Pakistan

Nguyễn Khắc Phước kể

 

Một con chó rừng bị rơi vào một chiếc bình lớn chứa đầy thuốc nhuộm  khi đang rình mò. Khi nó trở về nhà, tất cả bạn bè đều ngạc nhiên nói: 

“Mầy đã gặp chuyện gì vậy?” 

Nó cong đuôi trả lời: “Có thứ gì trên đời đẹp như tao không? Nhìn tao này! Đừng ai gọi tao là ‘chó rừng’ nữa nhé.” 

“Vậy tụi tao phải gọi mày là gì?” các bạn nó hỏi. 

“Công, từ nay tụi bây gọi tao là Công,” chó rừng trả lời, vừa khệnh khạng đi lại vừa nhìn lên trời. 

“Nhưng một con công có thể xòe đuôi rất đẹp. Vậy mầy có thể xòe đuôi ra được không?” các bạn hỏi. 

“Ồ, không, tao không làm được,” chó rừng trả lời. 

Chúng tiếp tục: “Và một con công có thể phát ra tiếng kêu du dương rất hay. Mầy có thể tạo ra tiếng kêu du dương vậy được không?” 

“Cái đó thì tao cũng chịu luôn.” 

“Vậy nếu mầy không phải là chó rừng thì rõ ràng mầy cũng không phải là công,” đám bạn kết luận. 

Và chúng đuổi nó ra khỏi đàn.

 

 

Nguồn:

The Painted Jackal

Rev. Charles Swynnerton

https://fairytalez.com/

Thứ Năm, 10 tháng 8, 2023

47 RONIN: KHÚC BI TRÁNG TRONG LỊCH SỬ NHẬT BẢN

 


Tiểu thuyết “47 Ronin” của Ichikawa

Câu chuyện cảm động về lòng trung thành dưới đây là một câu chuyện có thực trong xã hội Nhật Bản dưới thời Edo và dần dần nó trở thành một câu chuyện anh hùng trong nhân dân Nhật Bản, được các nhà biên kịch viết lại dưới dạng Kabuki (một loại hình sân khấu truyền thống của Nhật Bản) và các tiểu thuyết gia đưa vào trong tập sách “Chushin Gura” (kho tàng các truyện trung nghĩa). Chuyện này đã được đạo diễn thiên tài Akira Kurosawa dựng thành phim và bộ phim này đã được trình chiếu một lần ở VN.

Vào năm 1701, nước Nhật được Tướng quân (Shogun) Tokugawa Tsunayoshi cai trị từ lâu đài Edo (Thiên Hoàng chỉ có hư vị). Mặc dù có tính lập dị, nhưng ông khuyến khích chủ thuyết tân khổng giáo và có biện pháp kềm chế bạo lực của giới quân nhân Samurai.

Hằng năm vào dịp Năm Mới, các Tướng Quân có lệ cho phái đoàn mang lễ vật đến biếu Hoàng Đế ở Kyoto, và vào mùa xuân, Hoàng đế lại cho phái đoàn của mình mang quà đến biếu các Tướng Quân


Lâu đài Edo.

Năm 1701, Tướng Quân Tokugawa chọn hai lãnh chúa trẻ: Asano Naganori từ lâu đài Ako, tỉnh Harima và Date từ tỉnh Sendai để tiếp phái đoàn của Hoàng Đế. Để bảo đảm các nghi thức được tuân thủ và sợ rằng sự thiếu kinh nghiệm của hai lãnh chúa sẽ gây khó khăn, Tướng Quân chọn một vị quan cao cấp hơn tên là Kira Yoshinaka để cố vấn giúp đỡ.

Theo truyền thuyết, Kira là một tay vô lại, tham lam và hách dịch. Ông ta thường xuyên gây sự với Asano, buộc người này tội vô lễ (vì không nộp đủ quà cáp cho ông ta). Sau hai tháng bị công khai lăng mạ và sĩ nhục, Asano không thể chịu đựng được nữa. Ngày 14 tháng Ba, trong lâu đài Edo, Asano phẫn nộ rút kiếm đánh Kira làm ông này bị thương nhẹ.

Đối với Tướng Quân Tokugawa, tai nạn này không thể chịu đựng được. Bao lâu nay nghiêm khắc áp dụng luật để ngăn ngừa bạo lực trong giới Samurai, nay lại phải đối mặt với việc chính người đại diện cho mình bị vi phạm, lại vi phạm ngay trong lâu đài Edo là một điều cấm kị. Quyết định được đưa ra ngay lập tức: Asano phải mổ bụng tự sát hoặc bị treo cổ. (Kira không bị trừng phạt, và sau khi lành vết thương, ông ta lại tiếp tục nhiệm vụ.)

Một quân nhân Samurai trẻ, hầu cận của Asano được gởi về lâu đài ở Harima báo tin dữ. Theo luật, nếu một lãnh chúa bị tội chết, lâu đài và lãnh địa ông ta sẽ bị tịch thu. Asano có 312 Samurai dưới quyền và tất cả họ đều sẽ bị mất nhà cửa, đất đai và lợi tức. Họ trở thành những võ sĩ vô chủ, thất nghiệp.

Chủ tịch hội đồng của tỉnh Hirama tên là Oishi Kuranosuka tức giận vì những trò đốn mạt của Kira và vì ông này không bị trừng trị, đồng thời Oishi phải đối diện với tương lai đen tối và bất an, quyết định tìm cách thỉnh nguyện với Tướng Quân. Ý tưởng của Oishi là xin Tướng Quân cho phép Anaso Daigaku (em trai của Asano Naganori) được thay anh lãnh đạo gia đình (bao gồm cả 312 võ sĩ) với cấp bậc lãnh chúa. Có 60 võ sĩ không đồng ý với việc thỉnh nguyện và rời lâu đài.


Lâu đài Ako.

Kế họach này thất bại. Asano Daigaku (lúc đó đang ở Kyoto) gởi thư cho Oishi yêu cầu giao lâu đài lại cho đại diện củaTướng Quân và tuân thủ luật pháp để khỏi làm cho dòng họ Asano bị tiêu vong.

Trước khi rời lâu đài, Oishi và 59 người khác cùng thỏa hiệp quyết báo thù và khôi phục danh dự cho lãnh chúa của họ.

Lo sợ đang có âm mưu báo thù, Kira không dám rời lâu đài Edo nửa bước, đồng thời Asano Daigasu cũng bị Tướng Quân quản thúc chặt trong lâu đài.

Trong khi các võ sĩ vô chủ mỗi người tản mát một nơi, Oishi tìm đến Kyoto và chẳng bao lâu ông ta trở thành tay bài bạc, nghiện ngập, thường xuyên có mặt ở quán Ichiriki để thưởng thức gái đẹp, rượu ngon, thực ra là để đánh lừa. Đồng nghiệp của Oishi cũng tìm cách để Kira tưởng rằng họ đã từ bỏ việc báo thù bằng cách làm nghề thương lái hoặc bán dạo (những công việc không đáng để một võ sĩ thất nghiệp làm) và các hoạt động vô hại khác. Từng người một, giấu nhẹm hành tung, bí mật tìm đến Kyoto và tiếp cận lâu đài Edo.

Sau một thời gian, Kira bớt lo lắng, bắt đầu rời lâu đài ngày một thường xuyên hơn và thường đến quán Ichiriki tổ chức tiệc tùng. Các võ sĩ bắt đầu thu thập về đường đi, chỗ đến và thói quen của Kira.

Tụ họp các võ sĩ lại, Oishi quyết định cùng 46 người sẽ tham gia vào cuộc tấn công.

Ngày 14 tháng 12, 1702, sau khi nhận được thông tin Kira sẽ tổ chức tiệc trà tại quán Ichiriki, 47 võ sĩ vô chủ núp dưới trời mưa tuyết bất ngờ tấn công vào chỗ của Kira.

Trận đánh khốc liệt giữa các võ sĩ và thuộc hạ của Kira diễn ra chừng một tiếng rưỡi, không có sự can thiệp từ bên ngoài. Tất cả thuộc hạ của Kira đều bị giết hoặc bị bắt. Riêng Kira thì mất tăm. Họ lục lọi tìm kiếm mọi ngõ ngách cho đến khi tìm thấy Kira trong một nhà tiêu bên ngoài. Bị lôi ra giữa sân, ông ta được cho cơ hội chuộc lỗi bằng các tự mổ bụng. Ông ta không chịu và bị chặt đầu. Các võ sĩ tìm đường đến nghĩa trang ở Sengaku-ji, đặt đầu Kira trước mộ của Asano Nagonuri.

Giết một vị quan, cho dù là để báo thù cũng phạm tội treo cổ. Họ biết rõ số phận đang chờ mình. Thế nên, thay vì bỏ trốn, Oishi cho hai võ sĩ đến liên lạc với quan tòa của Tướng Quân và đợi ông ta đến bắt.



Đền thờ 47 Ronin ở Sengaku-ji, Tokyo

Hành động ấy khiến cho Tướng Quân Tokugawa rất khó xử. Ông ta có cảm tình với các võ sĩ vì lòng tận tụy trung thành của họ, chứng tỏ họ tin tưởng vào thuyết tân khổng giáo do ông đề xướng. Cho đến lúc bấy giờ, ông đã biết rõ căn nguyên sự xung đột giữa Asano và Kira và ông cũng biết được sự ủng hộ của dân chúng ở khắp nước, đặc biệt ở Kyoto và Hirami và của nhiều thuộc hạ của ông dành cho các võ sĩ.

Treo cổ các võ sĩ phạm tội là đúng luật. Không thực hiện luật là làm nó mất tác dụng.

Rốt cục, Tướng Quân dựa theo luật chiến tranh, thay vì treo cổ họ thì ông ra lệnh cho họ được mổ bụng tự sát . Họ không chết như tội phạm mà chết một cách danh dự như một quân nhân samurai. Tội của họ bị trừng phạt nhưng lòng trung thành của họ được ca ngợi.

Họ chia thành bốn nhóm và lần lượt tự mổ bụng trước sự chứng kiến của bốn lãnh chúa. Hôm đó là ngày 14 tháng Hai, 1703. Chỉ một trong số 47 người đó được tha mạng. Anh là người trẻ tuổi nhất trong nhóm và cũng chính là người đã quay trở lại Hirami để báo tin về cái chết của Asano. Bốn mươi sáu Ronin còn lại được chôn bên cạnh nhau quanh mộ Asano Nagonori.


Khói hương nghi ngút trước mộ của các Ronin.



Ronin trong tranh khắc gỗ Nhật Bản.


NGUYỄN KHẮC PHƯỚC

Tổng hợp và dịch từ báo chí nước ngoài.

* Ronin, tức những võ sĩ đạo không có người lãnh đạo, không có lãnh chúa hoặc
* *Ronin:  Những võ sĩ đạo không có người lãnh đạo, không có lãnh chúa hoặc người cầm đầum đầu.

Thứ Năm, 15 tháng 6, 2023

Truyện ngắn: HOA HỒNG TRẮNG - Nguyên tác: The White Rose - Tác giả: Anula Aradhya

 HOA HỒNG TRẮNG

Nguyên tác: The White Rose

Tác giả:  Anula Aradhya (Ấn Độ)

Đăng trên: soulveda.com

09 Tháng Mười 2021

 

 

Điện thoại của Aditi đổ chuông liên tục. Lại là bố cô ấy. Nhưng cô không có tâm trạng để nói chuyện. Cha mẹ cô sắp ly hôn và cô không biết phải làm gì ngoài việc bỏ nhà ra đi.

 

Đắm chìm trong tuyệt vọng, cô lang thang trên đường phố. Khuôn mặt xanh xao và đôi mắt ngấn nước của cô biểu lộ một tâm trạng đau buồn. Làm sao mà họ lại gây ra chuyện này? Suốt những năm kết hôn đó, tình yêu của họ thế nào? Hàng triệu câu hỏi chạy qua tâm trí cô nhưng có một điều rõ ràng:  Không có thứ gọi là tình yêu đích thực.

 

Aditi nhắn tin nhanh cho mẹ và bắt xe buýt đến nhà dì Rashmi. Bà Rashmi đang ngồi lặng lẽ uống trà trên ghế sofa thì Aditi đột ngột xuất hiện. “Sao ba mẹ con lại có thể bỏ nhau dễ dàng như vậy? Thậm chí họ không nghĩ về con sao?”  Đôi mắt cô đẫm lệ. “Ước chi dì có thể trả lời con được, Aditi yêu quý. Trong cuộc sống, đôi khi mọi thứ không xảy ra như ý muốn,” Bà Rashmi nói trong khi ôm cô: “Cứ ở lại đây vài ngày. Con có thể giúp quản lý cửa hàng hoa của dì.”

 

Biết đâu đây là dịp để làm xao lãng nỗi buồn! Aditi đồng ý ngay lập tức.

 

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi không hề dễ dàng đối với cô gái 22 tuổi. Cô vẫn còn đau khổ vì sự chia ly của cha mẹ mình. Nhưng nhiều ngày trôi qua, những bông hoa đã làm nên điều kỳ diệu và mang lại nụ cười cho cô.

 

 

Cô không chuyện trò nhiều với khách hàng ngoại trừ vài câu cho vui. Dì của cô có một vài khách hàng thường xuyên, chẳng hạn như một doanh nhân hầu như ngày nào cũng mua một bó hoa đắt tiền; một phụ nữ trẻ thường mua mỗi ngày một bó hoa hồng; một bà mẹ thường thảo luận khá lâu với dì của cô về vườn ươm. Trong số họ, có một ông già ăn mặc kỳ dị, sáng nào ông cũng chỉ mua một bông hồng trắng.

 

Một hôm, khi Aditi đang ở quầy thu ngân, ông lão mua thêm một bông hồng trắng nữa. Khi trả lại tiền thừa, cô tò mò hỏi ông: “Thưa ông, nếu ông không phiền, cháu có thể hỏi ông tại sao ngày nào ông cũng chỉ mua một bông hồng trắng? Có rất nhiều bông hoa đẹp khác trong cửa hàng này.”

 

Ông lão mỉm cười: “Tất nhiên, tất cả đều đẹp. Nhưng hoa hồng trắng là thứ vợ tôi thích nhất. Bà ấy đã từng trồng hoa hổng trắng trong vườn của chúng tôi trước khi bị hôn mê vì một tai nạn.”

 

Ông ấy tiếp tục: “Tôi đã mua một bông hồng trắng vào buổi hẹn hò đầu tiên của chúng tôi. Cho dù các bác sĩ không mấy hy vọng, nhưng tôi có niềm tin rằng một ngày nào đó bà ấy sẽ tỉnh lại. Và khi ấy, bà sẽ thấy mình được những bông hoa yêu quý  bao quanh.”

 

Aditi vô cùng ngạc nhiên. Tình yêu đích thực là có thật, cô nghĩ vậy khi hân hoan ngắm nhìn bông hồng trắng tuyệt đẹp trên tay ông lão.

 

Nguồn: https://www.soulveda.com/short-stories/love/the-white-rose/

Thứ Sáu, 2 tháng 6, 2023

Truyện ngắn: HỌC CÁCH TỪ CHỐI - Joy Rajat Das

 SOULVEDA là website của một nhóm những cây bút trẻ Ấn Độ. Nội dung sáng tác của họ “tập trung vào hạnh phúc, phúc lợi và sự thức tỉnh tinh thần”, “khuyến khích những cách sống lành mạnh và hài hòa”, “nuôi dưỡng một lối sống toàn diện.”, giúp cho mỗi cá nhân có cuộc sống bình an và khỏe mạnh, xã hội hạnh phúc và thế giới hòa bình. Ngoài ra họ còn dự định giới thiệu tác phẩm của các nhà tư tưởng lớn của Ấn Độ.

 

Tên trang web SOULVEDA (tạm dịch: Tinh Thần Vệ Đà) có vẽ họ muốn viết về nền văn minh Ấn Độ Giáo. Nội dung khá phong phú nhưng vì chúng ta chưa đọc hết nên chưa bàn ở đây.

 

Riêng mục truyện ngắn có các nội dung sau:

-Tình yêu (Love)

-Các mối quan hệ  (Relationships)

-Gia đình (Family)

-Động lực (Motivation)

-Những bài học từ cuộc sống (Life lessons)

 

 

Truyện ngắn sau thuộc nhóm Những bài học từ cuộc sống.

 

 

HỌC CÁCH TỪ CHỐI

Truyện ngắn của Joy Rajat Das

 

“Này, em có thể đọc và sửa chửa tài liệu này cho chị được không? Chị phải gặp một người bạn,” Gina hỏi Judy khi cô nhặt chiếc túi của mình lên.

 

“Dạ được,” Judy ngập ngừng gật đầu.

 

“Cảm ơn Judy. Bạn là một cô em đáng yêu, cô ấy nói và rời đi.

 

Sau khi hoàn thành công việc của mình, Judy xem tài liệu của Gina. Chúa ơi, nó có 30 trang! Cô kêu lên.

 

Cô ấy đã mất hai giờ để hoàn thành việc sửa chửa. Lúc đó, trời đã tối. Cô mệt mỏi về đến nhà và đi thẳng lên giường, bỏ bữa tối một lần nữa.

 

Judy là người mới của công ty. Mong muốn tạo ấn tượng tốt, cô hiếm khi từ chối bất cứ ai. Cô đã giúp đỡ công việc của nhiều người khác, cập nhật các thông tin mà họ cần. Cô đã làm mọi thứ mà các đồng nghiệp của cô yêu cầu cô làm để cô không cảm thấy lạc lõng.

 

Một ngày nọ, Nia, sếp của Judy thấy cô đang ngồi một mình ở bàn làm việc. Giờ làm việc đã kết thúc và mọi người đã ra về.

 

 

Nia hỏi cô đang làm gì vào giờ này. Khi Judy nói với bà ấy rằng cô đang làm giúp người khác, Nia rất bực mình.

 

"Để lại đó. Đóng máy tính xách tay của em lại và đi với tôi,” Nia nói.

 

Cô đưa Judy đến một nhà hàng. Khi họ ăn, Nia nhìn Judy và hỏi, “Tại sao em lại làm điều này? Tôi chắc chắn rằng chuyện này đã từng xảy ra nhiều lần rồi.”

 

“Vâng, thưa bà,” Judy cố nhìn đi chỗ khác.

 

“Gọi tôi là Nia,” bà mỉm cười. "Em vẫn chưa trả lời câu hỏi của tôi."

 

“Em không muốn họ coi thường em,” Judy trả lời.

 

"Tôi hiểu em muốn nói gì. Tôi đã từng giống như em. Một người phụ nữ chỉ biết vâng lời. Tôi thường “dạ, vâng”' với mọi yêu cầu, nghĩ rằng người khác sẽ có ấn tượng tốt về mình. Thay vào đó, có lần tôi gần bị sa thải. Khi đó, sếp của tôi đã nói với tôi những gì tôi đang nói với bạn bây giờ. Hãy học cách từ chối,” Nia nhấn mạnh.

 

“Dạ, em sẽ nghe lời, chị Nia. Cảm ơn chị. Cứ đồng ý mãi thế này thực sự đang làm em kiệt sức,” Judy nói.

 

"Tất nhiên rồi! Nhưng đừng nói không với sếp của em,” cả hai cùng cười.

Thứ Sáu, 12 tháng 5, 2023

Truyện cổ tích: TẠI SAO MÈO LUÔN RỬA MẶT SAU KHI ĂN - Jean De Bosschère




Tại sao mèo luôn rửa mặt sau khi ăn

Tác giả: Jean De Bosschère

 

Ngày xưa, một con mèo bắt được một con chim sẻ, nó liếm môi chuẩn bị một bữa ăn ngon lành. Sau khi chơi với chim sẻ một lúc, như loài mèo thường làm, nó định ăn thì chim sẻ nói.

 

“Kính tâu Hoàng đế,” chim sẻ nói, “và tất cả gia đình của ngài, không bao giờ bắt đầu bữa ăn mà không tắm rửa sạch sẽ trước. Mọi người đều biết rằng đó là phong tục trong xã hội lịch sự.”

 

“Đúng đấy,” mèo trả lời, “ta sẽ làm như mèo Hoàng đế thường làm!” Nói rồi nó thả chim sẻ ra và bắt đầu rửa mặt. Cảm thấy tự do, chim sẻ bay đi và đậu an toàn trên cành cây ngoài tầm với.

 

“Thật uổng công uổng của,” mèo lẩm bẩm, “tại vì ta quá dễ dàng bị đánh lừa.”

 

Và kể từ đó, mèo luôn rửa mặt sau bữa ăn.

 

 


Sơ lược về tác giả

 

Jean de Bosschère (1878 – 1953), là tác giả và họa sĩ người Bỉ. Mặc dù được biết đến với những tiểu thuyết dành cho người lớn gây tranh cãi, ông cũng đã viết và vẽ minh họa cho tuyển tập truyện Bỉ, Beasts and Men: Folk Tales Collected in Flanders (Quái vật và Con người: Truyện dân gian được sưu tầm ở Flanders.)

 

Truyện dân gian và truyện cổ tích của ông là những truyện kỳ quái về động vật và con người dành cho mọi lứa tuổi.

 

Nguồn: https://fairytalez.com/

 

 

Why Cats Always Wash After Eating

Jean De Bosschère

 

Along time ago a cat caught a sparrow, and licked his lips in anticipation of the delight he would feel in devouring it. After playing with it for a time, as cats will, he was going to eat it, when the sparrow spoke to him.

 

“The Emperor’s cat,” said the sparrow, “and all his family, never begin a meal without washing themselves first. Everybody knows that such is the custom in polite society.”

 

“Really,” answered the cat, “well, I will do as the Emperor’s cat does!” And he let go the sparrow and began to wash his face. Feeling itself free, the sparrow flew away, and alighted safely on the branch of a tree well out of reach.

 

“It serves me right,” muttered the cat, “for being so easily taken in.”

 

And ever since that time cats have always washed themselves after their meals.

 

(https://fairytalez.com/)