Chủ Nhật, 13 tháng 12, 2015

NÀNG DÂU NHÀ TÔI - Truyện ngắn


NÀNG DÂU NHÀ TÔI
Truyện ngắn
                                                                                                                                                                                     
Không phải tôi sắp hát bài hát về nàng dâu của ban nhạc AVT nổi tiếng năm xưa  mà kể chuyện về nàng dâu thực của vợ chồng tôi.
              
Nhưng trước hết tôi xin tự giới thiệu về mình. Tôi tên là Mẹo, 67 tuổi, tổ trưởng dân phố kiêm chủ tịch hội đồng hoà giải của khu phố. Có nghĩa là khi có gia đình nào cơm không lành canh không ngọt, chén đủa chào xáo, thì hội đồng chúng tôi có việc làm chỉ với  điều kiện là có đơn hoặc khiếu nại của ít nhất là một người trong gia đình ấy. Khi chén dĩa đang bay vèo vèo thì chẳng ai dại gì mà nhảy vô để lãnh đòn. Cứ ngồi nhà điện báo dân phòng hoặc công an là hết nhiệm vụ. Mình có đến cũng đứng xa xa nghe ngóng hoặc vào một nhà gần đấy hỏi thăm thì sẽ nắm rõ tình hình, sau này dễ phân xử.  Làm cái nghề “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, có cái tâm đã đành mà cũng phải biết cách để ứng phó với vạn biến mới tồn tại được. Thấy người ta sống trở lại hoà thuận với nhau thì mình cũng hạnh phúc. Rồi cuối quý cuối năm cũng có cái mà báo cáo điển hình, cũng được tuyên dương khen thưởng. Oai chớ bộ? 
                                                                                                        
Nói vậy thôi chớ chẳng tài cán chi. Chuyện xã hội, chuyện gia đình người ta thì giải quyết được còn chuyện nhà mình thì đành bó tay chấm com. 
         
Khi thằng Thành con trai trưởng của tôi lấy con Liên thì bà con lối xóm ai cũng mừng, bảo nó như chuột sa hủ nếp. Số là gia đình Liên thuộc diện bị giải toả. Nhận đất xong thì cha mẹ nó bán đất, chia đều cho con cái, còn vợ chồng ông bà ấy về quê mua đất làm nhà. Riêng Liên được thừa hưởng cái sạp hàng tạp hoá trong chợ nhỏ tại phường vì đã có công giúp mẹ buôn bán bấy lâu. Thành chuyên bỏ hàng nước tương Chinsu. Liên là bạn hàng của nó. Hai đứa quen nhau rồi lấy nhau  là chuyện đáng mừng vì thằng Thành đương nhiên sẽ trở thành ông chủ sạp hàng tạp hoá đó. Sau đám cưới, tôi liền mua đất dựng nhà cho vợ chồng nó. Liên cũng bỏ tiền riêng của nó sắm sửa mọi thứ vật dụng cần thiết trong nhà. Thằng Thành chịu tiền ăn uống, điện nước. Có nghĩa là Thành lo phần mềm, còn Liên lo phần cứng. Khi tụi nó có con bé đầu, thằng thành lo sữa, con Liên lo bột. Vợ chồng cùng chung lo như vậy là tốt .                                                                                        
Con bé mỗi ngày một lớn và tiền ăn mỗi ngày một nhiều. Thằng Thành khỏi phải mua sữa nhưng con Liên vẫn chịu tiền ăn cho con bé. Vợ chồng bắt đầu cãi cọ. Rồi đến tiền học càng ngày càng phát sinh. Nào tiền áo quần sách vở, tiền bán trú, tiền quỹ phụ huynh, tiền giúp bạn nghèo, tiền cứu trợ, tiền quỷ đội, tiền quà thăm cô giáo ngày 20 tháng 11, tiền phát thưởng cuối năm, tiền liên hoan, vân vân và vân vân. Không biết người ta  bày ra chi lắm khoản thu  như thế. Có lẽ thầy cô thì hỉ hả còn hai vợ chồng nó thì thiếu đường xỉ vả lẫn nhau. Thằng Thành chi nhiều khoản trong nhà rồi, sao con Liên không chịu tiền học cho con bé nhỉ? Trong khi đó, Liên sắm cho mình hai chiếc xe máy, một chiếc wave để đi chợ, còn một chiếc xe tay ga to bự để lâu lâu đi đám cưới cho oai với bạn bè. Thành hỏi tiền đâu mà sắm nhiều thế, Liên nói tiền của mẹ nó cho ngày xưa nó phụ giúp buôn bán, không liên quan gì đến Thành. Nếu vậy về pháp luật thì đúng  nhưng về tình cảm gia đình thì nghe không ổn.  

Mọi chuyện dù sao cũng qua được nếu như không có vụ nước tương bị bể. Báo đài ngày nào cũng nói nước tương có cái chất gì đó làm người ta ăn vào thì bị bệnh. Không biết có ai chết vì nước tương hay chưa nhưng gia đình thằng con tôi thì tan nát.   
 
Nước tương ngưng sản xuất, thằng Thành không có hàng bỏ chợ. Không có hàng mới bỏ cho bạn hàng thì tiền cũ cũng không được thanh toán. Liên cũng là bạn hàng của Thành, và cũng như mọi người, Liên cũng không thanh toán tiền cũ. Đó là luật gối đầu xưa nay của chợ ta. Không lấy tiền được thì thằng Thành không có tiền để thanh toán với hảng nước tương. Không thanh toán được thì vi phạm hợp đồng, bị hảng nước tương kiện, bị mời lên đồn chất vấn, làm cam đoan. Thằng Thành bán chiếc xe cà tàng lâu nay nó dùng để chở hàng, vợ chồng tôi cũng giúp  chục triệu nhưng cũng còn nợ vài triệu, chưa trả đủ.  Thành vi phạm hợp đồng, hảng nước tương kiện là đúng nhưng nguyên nhân đâu phải do nó mà chính do nước tương không đảm bảo chất lượng. Thành không thể đóng tiền ăn cho Liên nên bị cắt cơm, phải về nhà tôi ăn. Liên làm đơn xin ly dị. Toà giải quyết bằng cách chia cho Thành cái nhà và có quyền nuôi con. Liên được mang theo tất cả đồ dùng mà nó đã mua sắm. Cái nhà thằng Thành  trống trơn, chẳng có gì bán được để ăn. Hai cha con chúng nó về nhà tôi ở. Còn Liên mua nhà mới và mang tất cả đồ dùng sẵn có dọn đến. Liên có tiền để mua nhà mới gần cả trăm triệu trong khi chồng nó chỉ thiếu hảng nước tương vài triệu nhưng nó vẫn không chi! 
                                                                         
Li dị rồi nhưng thỉnh thoảng Liên cũng sang thăm con bé. Hai vợ chồng có dịp gặp nhau sao đó mà con Liên lại có bầu và sanh thêm một cháu gái nữa.  Khi cháu được ba tháng thì Liên bồng qua thăm ông bà nội, than van về chuyện bấy lâu phải nghỉ bán, không có tiền mua sữa cho con. Liên gởi con cho bà nội nó bồng, nói đi mua sữa, rồi đi luôn.

Một tuần sau Liên trở lại, đem theo đủ hoá đơn thanh toán tiền bệnh viện, tiền tả lót và tiền sữa, đòi thằng Thành phải thanh toán. Liên cho con bú rồi lại bỏ đi. Con bé sau một thời gian quên mẹ, nay lại được cho bú, tối đến nó nhớ mẹ, khóc suốt đêm, có lẽ vì thèm bú. Bà nội nó già rồi nay phần phải giữ cháu, phần phải lo tiền đâu để mua sữa nên sức khoẻ giảm thấy rõ. Tôi cũng không rõ là cháu bé ba tháng mà mẹ nó nói phải tốn tiền sữa bột chi nhiều vậy, trong khi đó, nó cũng có sửa để cho con bú? Mấy người hàng xóm thêm dầu vô lửa bằng cách xúi bà nội nó cấm mẹ con nó gặp nhau! Cũng may là mấy thằng bạn của Thành đứa nào cũng tốt. Lâu lâu có một thằng mang sữa đến cho cháu. 
                             
Tiết kiệm, tính toán chi li cũng tốt. Nhưng chi li đồng tiền quá đến nỗi vì sợ tốn tiền mà bỏ, chồng bỏ con như con dâu của tôi thì chắc đàn bà chẳng có mấy tay.  
                                                                             
Chuyện nàng dâu nhà tôi chưa có hồi kết. Dự kiến kịch bản còn phát sinh nhiều tình huống do diễn viên tự biên tự diễn, kể cả tình huống  ông nội là tôi đây phải giữ thêm một cháu thứ ba.


Nguyễn Khắc Phước

Thứ Tư, 4 tháng 11, 2015

Về họp mặt cà phê Nguyễn Hoàng tại Đà Nẵng

Thấy NH Q.Trị họp mặt cà phê hằng tháng đông vui như vậy mình rất ham.  Mình ao ước làm sao NH Đà Nẵng cũng đông vui như thế nhưng không được. Có mấy nguyên nhân khiến nhiều bạn không muốn tham gia:
-          Hằng tháng, một hoặc hai, ba người đăng ký bao cà phê. Vì số người tham dự không nhiều nên tốn kém chẳng là bao nhưng đã lỡ đăng ký rồi, có bận chi cũng phải đi, hoặc phải nhờ ai đó thay thế. Đôi khi người đăng ký vắng mặt đột xuất, không tự tìm được người thay, do đó, thầy Thanh phải đôn người đăng ký tháng sau lên.
-          Chương trình họp mặt quá đơn sơ, chỉ gặp nhau, ăn sáng, uống cà phê,  rồi về.
-          Món ăn ở Faifo cũng khá ngon nhưng lui tới chỉ chừng 3 món, ăn hoài phát chán nhưng không thể dời địa điểm vì quý thầy đã quen chỗ, nếu đổi chỗ khác thì quý thầy tìm không ra. Có lúc Faifo bận nên phải dời họp mặt sang một quán gàn đó nhưng quán này chỉ bán cà phê, người đăng cai hôm đó phải mua bánh mì ổ từ nới khác mang đến.
-          Không thể bỏ ăn sáng, chi uống cà phê vì trước đây có người đã bao ăn sáng + cà phê  rồi, nay  phải bao lại.
Hình thức sinh hoạt này là của một số anh chị lão thành trước khi thành lập NH Đà Nẵng, được BLL tiền nhiệm áp dụng và BLL mới cũng theo luôn. Hình thức này cũng tốt nhưng chỉ áp dụng trong một nhóm chừng 10 người trở lại chứ NH Đà Nẵng có trên 100 người, nếu họ tham dự đầy đủ thì làm sao mà thực hiện cho được.

Có lần thầy Thăng chi trước một triệu rười, thầy dặn tiền này để bao phê tháng tới, sau đó nên áp dụng kiểu Sài Gòn hoặc Q. TRị, thế nhưng không thể tổ chức như vậy được. Hỏi chị Ba tại sao không theo kiểu thày Thăng dặn, chị nói không được không được. Hỏi anh Nam Anh có theo kiểu thầy Thăng dặn được không, anh nói không được không được. Hỏi thầy Thanh NH ĐN có thể theo kiểu QT và SG được không, thầy nói không được vì có người đã đăng ký, bao giờ hết người đăng ký mới theo kiểu đó. Một vài anh chị nói kiều cà phê QT và SG ai uống nấy trả là không có tình cảm và không phải NH nào ở đó cũng tham gia.  Một vài anh chị khác, mặc dù tham dự thường xuyên, có ý ngược lại: Không thích nhưng lỡ rồi nên phải tham gia.

Hôm họp mặt thường niên (13/9/15), hỏi mấy anh trẻ tại sao không tham gia cà phê hàng tháng, họ nói kiểu đó mất tự do, lỡ đến rồi được bao thì lần sau phải đi để bao lại, mà họ thì không phải lúc nào cũng rãnh.

NH Đà Nẵng có trên 100 người nhưng họp mặt hàng tháng chừng 25 người, họp mặt thường niên chừng 60 người. Ước ao có một lúc nào đó tất cả mọi người đều có mặt để NH ĐN thêm đông vui.



Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2015

Kỷ niệm họp mặt Nguyễn Hoàng 2012


Hình này chụp vào chiều ngày 19/6/2012.

Sáng hôm đó mà không có VT Tùng thì mình bó tay.

Mình có nhiệm vụ ra sớm để chuẩn bị triển làm. Sáng hôm đó, thấy các đoàn khác đã xong xuôi mà đoàn ĐN chưa có gì hết. Lộc đã chuẩn bị cái pano nhưng mọi người ở đây đều dùng ván hoặc tấm mica. Mình nghĩ nên làm 1 khung nhôm để lồng cái pano vào. Tùng nghe mình nói liền chở mình đi kiếm chỗ làm. Hôm đó nhằm ngày mùng 5 nên mọi cửa hàng làm cửa nhôm đều không mở cửa. Hai anh em chạy quanh thành phố, may tìm được 1 quán có ông chủ quán vừa đóng cửa. Bọn mình nài nỉ một lúc ông mới chịu làm. Tùng về trường tiếp tục việc trang trí còn mình ngồi lại với ông thợ nhôm. Ông nói con trai ông làm việc này chớ ông ít khi làm, nhưng hôm hay tụi nó nghỉ không đi làm, ông chỉ đến mở cửa để giao hàng họ đặt hôm qua và phải về nhà để cúng ông bà. Ông cũng là cựu hs NH nhưng ông không tham gia vì những vấn đề (do ông nghĩ)  mình không tiện nói ra đây. Đến khoảng 11 giờ trưa thì khung đã xong, mình gọi Tùng đến chở, mình ngồi sau cầm  khung nhôm đã lồng tấm pano. Gió Lào hôm đó khá mạnh nên mình phải tụt xuống xe nhiều lần mới mang được đến trường. Chỗ để treo pano chỉ là một cửa sổ trống nên mình đi lượm những thùng giấy của NH SG vứt sau thư viện để lấp khỏng trống trước khi treo pano lên. Treo được xong thì trời đã sang chiều. Mình chỉ uống nước từ bình nước để sãn mà chẳng có chi ăn vì hôm ấy mùng 5 nên không ai bán gì hết. Đoàn NH Đà Nẵng ra đến, mấy chị lấy hình gắn lên. Mình cũng ở đó giúp. Nói chuyện với anh Hạt và Trị xong, mình quay ra thì nhóm NH Đà Nẵng lên xe đi đâu mất, chẳng rủ mình 1 tiếng. Vừa buồn vừa đói nên mình đi xe máy vô nhà ông anhở Hải Sơn, chắc chắn vẫn còn đồ cúng hồi trưa. Vô tới Hải Trường lúc chạng vạng thì xe xẹp lốp.  Mình phải dắt bộ từ cầu Bến Đá về Lương Điền, chừng 2 km.

Mình hiểu tại sao Trị tự gọi là Mỏ Trường.  


Một lần nữa, cảm ơn Văn Thiên Tùng đã giúp mình hoàn thành nhiệm vụ. 

Thứ Tư, 29 tháng 4, 2015

Đôi Điều Về Dịch Thuật - Trịnh Y Thư

Trịnh Y Thư sinh năm 1952, tại Hà Nội. Tác phẩm đã xuất bản: ‘Đời nhẹ khôn kham’ (The Unbearable Lightness of Being), tiểu thuyết của nhà văn Pháp gốc Tiệp Milan Kundera, tạp chí Văn Học xuất bản, 2002; ‘Căn phòng riêng’ (A Room of One’s Own), lý luận văn học của nhà văn nữ Virginia Woolf, Tri Thức xuất bản, 2009. ‘Người đàn bà khác’, tập truyện, Thế Giới xuất bản, 2010. Tác phẩm gần đây nhất của Trịnh Y Thư là ‘Chỉ Là Đồ Chơi’- tạp bút, Hợp Lưu xuất bản. Ngoài ra, Trịnh Y Thư còn là nhà thơ và cầm thủ guitar xuất sắc.

Thứ Tư, 1 tháng 4, 2015

NHÀ THỜ HỌ Truyện ngắn của Nguyễn Khắc Phước

NHÀ THỜ HỌ
Truyện ngắn của Nguyễn Khắc Phước

   
      Bên kia đầm Thủy Tú, nhìn từ quốc lộ, là một dãi xanh mờ gồm những làng chài nối tiếp nhau. Ngày xưa, dân chài ở đây nghèo lắm. Họ đánh cá bằng ghe nhỏ, thúng, và kéo lưới ven bờ. Nhà họ là những mái tôn tạm bợ, dễ dàng dựng lại sau cơn bão. Trong chiến tranh, người đi lính bên này, kẻ bên kia, riêng thanh niên Trần Mẹo may mắn bị người ta chê vì đôi mắt lé. Phụ nữ cũng chê lão lé và nghèo, chỉ đánh cá bằng cách kéo lưới ven bờ, không có lấy một cái thúng, nên mãi đến quá nửa đời, sau chiến tranh, lão mới lấy được vợ, một phụ nữ có chồng chết trận. 

      Những năm hòa bình mới lập lại cả nước, nhưng làng này lại chẳng được yên. Dân thành phố đổ về đây thuê thuyền đi vượt biển. Những chủ ghe, lúc đầu còn lưỡng lự, nhưng sau thấy được trả bằng vàng nhiều quá bèn liều mạng chở họ ra biển. Trước khi đi, các chủ ghe đã bí mật tìm chỗ chôn vàng và không quên dắt theo bà con để được vượt biên mà không mất tiền. Những chủ ghe nghèo trở nên giàu có, và những gia đình khác có người thân ở nước ngoài gởi tiền về cũng dần dà trở nên khá giả. Họ bắt đàu xây mộ, xây nhà. Khu nghĩa trang của những làng này được người ta ví là những “thành phố ma” bởi vì có quá nhiều lăng mộ cao lớn, rộng rãi, đủ kiểu dáng và màu sắc.  

      Tất cả đều đã đổi khác, giàu hơn, to hơn, đẹp hơn. Riêng lão Mẹo thì không.

      -Lâm ơi, Lâm à. Dậy coi giấy mời có phải bữa ni họ Lê khánh thành nhà thờ không con?

      Mới bốn giờ sáng mà lão Mẹo đã dậy, pha xong ấm trà, thấy giấy mời trên bàn nước, bèn í ới kêu thằng cháu đích tôn.

      Thằng cháu nội nói vọng từ giường của nó: - Đúng đó, ông nội. Chín giờ sáng. Ông nội đi một chắc không được mô. Để con đi theo, chắc chắn cũng được mời vô làm một bụng.   

      Vốn là một ngư dân nên đã gần chin mươi mà lão còn khỏe. Trước đây, mỗi bữa lão ăn hai chén đầy, sáng còn ra biển tắm một mình. Thế nhưng đúng cái ngày mở móng nhà thờ họ Lê, sức khỏe lão bắt đầu suy sụp.

      Là trưởng họ, nghĩ đến cái nhà thờ họ của mình chỉ là cái nhà cấp bốn rộng đủ bỏ một cái ban thờ, lão nóng ruột.

      Thực ra ba, bốn chục năm nay, lão thường xuyên đau đáu về chuyện xây nhà thờ họ. Thấy người ta xây mộ, xây lăng, làm nhà thờ tộc họ mà lão khổ tâm bởi giòng họ lão chẳng có ai làm quan chức, giàu có hay Việt kiều.

      Nói không ai trong tộc họ là Việt kiều thì không đúng lắm. Có một người hiện đang ở Mỹ là Thảo, con gái của chú em cùng chi với lão, gọi lão bằng bác thúc bá,  nghĩa là cha của hắn với lão cũng một ông cố.

      Thời chiến tranh, lúc đó Thảo chưa tới hai mươi, bỏ làng lên thành phố. Người làng đồn rằng hắn làm nghề trên đò, nói nôm na là làm đĩ. Cái tin đó làm lão hỗ thẹn với bà con làng. Rồi nghe nói hắn được một anh thông dịch viên đưa vào làm ở cửa hàng PX của Mỹ. Ở đây, hắn quen với một phi công trực thăng của quân đội Mỹ và trở thành vợ chồng. Hết hạn quân dịch, anh lính Mỹ này đưa hắn về Mỹ. Rồi hắn ly dị với anh chồng người Mỹ và lấy một anh phi công ngưỡi Mỹ gốc Việt.

      Lão không gặp lại Thảo kể từ ngày hắn rời làng. Mọi người trong làng chẳng ai nhắc đến Thảo, và lão cũng quên hắn luôn. Quên luôn đến hơn ba chục năm. Rồi ba năm trước, bỗng nhiên hắn gởi tiền về xây mộ cho cha mạ hắn thật to. Điều khiến lão bực mình là mộ cha mạ hắn sát bên mộ ông cố, hiện vẫn chỉ là cái nấm bằng xi-măng sơ sài. Ngày gia đình Thảo tạ mộ có mời lão nhưng lão sai thằng con đi thay. Lão nói tau không không dự cúng giỗ tiệc tùng bằng đồng tiền nhơ nhớp. Thằng con nói cha ở làng cả đời, không đi lính và không hề lên thành phố thời đó thì biết chi mà nói. Chưa khi mô con nghe mấy ông lính nói xấu gái làm tiền. Họ là chỗ dựa của nhau về vật chất lẫn tình cảm. Lão huơ gậy nói mi biết chi mà bép xép lỗ mỏ. Có con chị như rứa mà không biết nhục à? Mi định bênh cho chồng trước của mạ mi hay răng?

      Không biết gia đình con Thảo có nói chi với hắn không mà gần đây nghe nói hắn định gởi tiền về xây nhà thờ họ, nhưng lão đánh tiếng từ chối.

     Chuyện con Thảo xây mộ cho cha mẹ hắn chưa quên, thì cách đây bốn tháng,  nhà thờ họ Lê nằm bên cạnh nhờ thợ họ Trần của lão bắt đầu khởi công xây mới.
Tài trợ chính không phải là Việt kiều mà là Lê Tư, một đại gia trong họ. Lão không biết anh ta làm gì mà đi xe sang trọng cùng đoàn tùy tùng về đo đạc, thiết kế và mời nhà thầu và thợ từ thành phố về làm. Thằng con lão nói anh ấy khởi nghiệp bằng nghề buôn gỗ, lập nhà máy xẻ gổ, và bây giờ là phó giám đốc một ngân hàng. Đất đai, khách sạn, chung cư của anh tỉnh nào cũng có.

      Từ ngày nhà thờ họ Lê khởi công, lão không ra biển tắm nữa. Không muốn gặp ai. Lão kêu đắng họng và cơm chỉ mỗi bữa một chén. Đêm thưởng thức khuya và húng hắng ho. Đi quanh sân phải chống gậy.

      Lão buồn bực vô cùng mà không biết nói với ai. Nói ra sợ con cháu nói mình ghen tuông với họ Lê. Thế nhưng lão cứ dày vò vì nghĩ mình gần đất xa trời mà không xây được cái nhà thờ họ cho khang trang để nở mày nở mặt với người làng, và khi xuống âm ty không bị tổ tiên la mắng. 

- Chín giờ rồi ông nội ơi! Thằng cháu nhắc.

      Từ khi nhận được thiệp mời, lão không biết có nên đi hay không. Đi thì không biết khi nào mình xây được nhà thờ mới để mời lại. Không đi thì người ta trách, bởi không chỉ vì lão là trưởng họ Trần mà vì người làng đều là bà con ba bên bốn bề, không có mặt là không phải đạo.

      - Mi lấy cái xách có để sẵn áo dài, khăn đóng rồi dìu ông đi. Tới đó tau mới mặc, chớ mặc trước ở nhà, ra đường nóng lắm.

      Hai ông cháu đi chững mười phút là đến nhà thợ họ Lê. Nhà tài trợ Lê Tư và các lão ông họ Lê đứng hai hàng ở cổng đón chào khách.

      Khi buổi tiệc vừa mới bắt đầu thì một xe ô tô của công an đổ trước cổng. Ba ông công an đi vào và một người đọc lệnh bắt và tạm giam Lê Tư vì tội trốn thuế và nhiều tội kinh tế khác. Họ còng tay Lê Tư và dẫn ra xe.

      Lão Mẹo đến vỗ vai thằng cháu đang ăn, nói nhỏ:
- Con cứ ngồi ăn, ông về trước.
- Nhưng ông đi không vững, để con dìu ông về.
- Không cần. Ông về một chắc cũng được.
- Nhưng ông về chi sớm rứa?
- Ông về nói gia đình con Thảo nhắn hắn gởi tiền về xây nhà thờ họ.
- Nhưng ông chê tiền o ấy nhớp mà?
- Nhớp nhưng sòng phẳng, không ăn cắp của ai.

Lão Mẹo cởi áo dài, một mình len qua đám người nháo nhác trên sân và nhanh nhẹn bước ra cổng. Lão không cần đến cái gậy nữa.
     
                                                                       NKP
      
      


Thứ Hai, 16 tháng 3, 2015

NHẤT LINH - VIẾT VÀ ĐỌC TIỂU THUYẾT

Mời các bạn bấm vào liên kết sau để đọc: NHẤT LINH - VIẾT VÀ ĐỌC TIỂU THUYẾT

Nghệ thuật viết văn 1953 — Bộ sưu tập Sách Đông Dương

Nghệ thuật viết văn 1953 — Bộ sưu tập Sách Đông Dương

10 KINH NGHIỆM CHO NGƯỜI MUỐN VIẾT TRUYỆN TÌNH

10 KINH NGHIỆM CHO NGƯỜI MUỐN VIẾT TRUYỆN TÌNH
Nguồn: Blog Minh Moon
(minhmooon.wordpress.com)

 Cảnh báo: Bài viết của cá nhân Minh Moon, mang tính chia sẻ, không mang tính học thuật nên không tránh khỏi các ý kiến có tính phiến diện, một chiều. Vui lòng tôn trọng người viết.

Mọi ý kiến đóng góp, bổ sung, bình luận đều được hoan nghênh. (Minh Moon)

HỌ ĐÃ VIẾT TRUYỆN NGẮN NHƯ THẾ NÀO? (và nhiều bài khác)

HỌ ĐÃ VIẾT TRUYỆN NGẮN NHƯ THẾ NÀO?

Tạp chí Tuổi Ngọc phỏng vấn  nhà văn Võ Hồng  

Nguồn: VietSciences

Ông đã viết truyện ngắn như thế nào ?
    Câu hỏi có thể hiểu theo hai cách :
    a) Vào trường hợp nào ông viết truyện ngắn ?
    b) Hãy nói phương pháp viết truyện ngắn của ông.