Thứ Sáu, 29 tháng 12, 2017

MIỀN GÁI THƠM

Cảm ơn anh Võ Văn Hoa đã sưu tầm:

Thơ vui:
MIỀN GÁI THƠM

Về quê thấy gái tỉnh nhà
Đoan trang thùy mị nết na ngoan hiền
O nào cũng đẹp như tiên
Cũng xinh như mộng, bắt nghiền, bắt ham
Gặp o cụt đọt lỡ làng
Vừa sà vô tán, o nàng cười duyên
Xa quê mấy chục năm liền
Mới hay Quảng Trị là miền gái thơm!


Tháng 9/2010,
NKP

Thứ Tư, 13 tháng 12, 2017

LẠI CHUYỆN CÂY MƯNG



LẠI CHUYỆN CÂY MƯNG

Nguyễn Khắc Phước



Hơn chục năm trước, anh Phan Luận, một cán bộ kinh doanh thuộc Công ty  CP Cao su Đà Nẵng – DRC, thuê một chiếc tải nhỏ về quê An Đôn bên bờ sông Thạch Hãn mua gần chục cây Mưng mang vào tặng đồng nghiệp và bạn bè ở Đà Nẵng. Mặc dù tôi không biết anh Luận tặng bạn loại Mưng gì, nhưng bắt chước anh, tôi cũng về quê Lương Điền bên sông Ô Lâu bứng một cây Mưng nhỏ mang về trồng trên lề đường trước nhà.

Thấy tôi đang đào gốc cây, một bác bà con làng hỏi:

-Chú đào cây Mưng nầy mần chi rứa?

Nghe tôi nói ý định của mình, bác khuyên tôi:

-Chú nên tìm loại cây lá nhỏ mới có nhiều bông chớ thứ ni ít bông lắm.

Tôi giải thích với bác là tôi không rành cây kiểng, chỉ muốn về quê mang một cây gì đó vào trồng trước nhà cho có mùi vị quê hương, giống như người ta mang một nắm đất thiêng từ Jesusalem hay hay Bồ-đề-đạo-tràng về để thờ và kỷ niệm một chuyến hành hương.

Khoàng 5 năm sau, cây Mưng của tôi, được dân phố gọi là Lộc Vừng, đã lớn quá đầu người nhưng chẳng cho hoa nào, trong khi những cây Lộc Vừng của những nhà hàng xóm cao bằng nó thì đã cho bông xum xuê. Tìm hiểu, tôi mới biết bác người làng nói đúng. Chỉ cần đi quanh Đà Nẵng, cũng tìm thấy được ba loại Lộc Vừng. Loại lá nhỏ, loại lá vừa và loại lá lớn. Lá càng lớn thì bông càng ít nhưng càng to, ngược lại, lá càng nhỏ thì bông càng nhiều. Có người nói loại lá nhỏ mới chính là Lộc Vừng, còn các loại khác thì không phải, bởi hạt vừng (mè) mang hình ảnh nỏ bé. Người ta cầu mong được lộc nhỏ mà nhiều. Cây của tôi thuộc loại lá vừa nên sẽ cho bông ít. Không sao, bởi nó là cây Mưng chớ không phải Lộc Vừng và mục đích tôi trồng không phải để cầu lộc. Nếu đặt tên ghép với “lộc” thì nó là “Lộc đậu đỏ”, còn loại bông lớn là “Lộc đậu ngự” chớ không phải "Lộc mè".

Chỉ cần google một chút là có thêm thông tin:

Ở Việt Nam cây Lộc vừng có nhiều loại khác nhau, nhưng có dạng hình tương tự nhau với nhiều tên gọi khác nhau như: Lộc Vừng (Miền Bắc), Cây Mưng (Miền Trung), Cây Chiếc, Cây Rau Vừng (Miền Nam).

Loài Lộc Vừng phổ biến nhất: là Cây Chiếc hay Rau Vừng – Nam Bộ (Barringtonia Asiatica), có nguồn gốc từ môi trường sống ngập mặn trên bờ biển, hải đảo nhiệt đới của Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương. Loài này được trồng dọc theo đường phố cho mục đích trang trí và bóng mát. Ở Việt Nam, loài này mọc hoang ở vùng ven biển Nam Bộ và vùng ngập lũ Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên.

Loài thứ hai là Cây Lộc Vừng Hoa Đỏ (Barringtonia Acutangula), loài này có nguồn gốc từ vùng đất ngập nước ven biển ở Miền Nam Châu Á  và Bắc Úc , từ Afghanistan về phía đông Philippines và đảo Queensland. Loài này là Cây Lộc Vừng được người Pháp du nhập và cho trồng ở quanh bờ hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội). Đây là loài cây có công dụng dược liệu quan trọng.

Loại thứ ba là Cây Lộc Vừng Hoa Trắng hay Hồng (Barringtonia racemosa ( L. ) Roxb.). Loài này còn có tên là Lộc vừng Hoa Chùm, Chiếc Chùm. Có tên thường gọi trong tiếng Anh là Stream Barringtonia, Freshwater Mangrove, Indian Oak, Indian Putat, Fish killer tree.

Thông tin trên về cây Lộc Vừng nghe có vẻ phức tạp như một bài sinh vật học, nhưng như vậy, cây Mưng của tôi cũng thuộc họ Lộc Vừng, người dân phố gọi nó là Lộc Vừng cũng không sai.

Một ngày đầu xuân, tôi lại về quê và ghé thăm anh Lê Dư ở Hải Trường, được chiêm ngưỡng hai chậu Mưng đang trổ lộc đẹp không tả được. Vòm lá xum xê khiến người ta nghĩ đến sự phồn vinh, sung sức, no đủ, hạnh phúc. Hai cây Mưng kiểng này đã được anh hái lá vào một thời điểm thích hợp trước tết để đúng ngày Ba Mươi tháng Chạp là hé nụ và sáng Mồng Một là đâm chồi tím hồng  khắp cả cây.

-Năm ni bác Dư phát tài chi chưa chớ Lộc đến đầy sân rồi? Không phải Lộc Vừng nhỏ bé mà Lộc “đậu ngự”, lộc to lắm đây nghe.

Nghe tôi nói vậy thì một bác, cũng đang ghé thăm anh Dư, nói:

-Cái tên Lộc Vừng thì hay nhưng mà tui không ưa chú nờ.

Hỏi răng bác không ưa cái tên đó, bác ấy nói:

-Bởi nó làm người ta liên tưởng đến câu “Vừng ơi! Mở ra” trong truyện Ali Baba và Bốn Mươi Tên Cướp.

Rồi bác tóm tắt truyện đó như sau:

Ali Baba là một tiều phu nghèo, chăm chỉ và không tham lam, người anh trai tên là Kasim. Một hôm, tình cờ chàng phát hiện ra một cái hang bí mật chứa đầy kho báu quý giá của một băng cướp, với câu thần chú để mở và đóng cửa hang là: "Vừng ơi! Mở ra!" và "Vừng ơi! Đóng lại". Nhờ số của cải lấy từ hang bí mật về, chàng trở nên giàu có. Kasim được em mình kể lại tất cả sự việc liền nổi lòng tham, tự đi đến hang một mình mà không cần Ali Baba giúp đỡ. Vì choáng ngợp trước vàng bạc, của cải được phơi bày ra trước mắt mà Kasim đã quên mất câu thần chú mở cửa hang để đi về, do đó, bị băng cướp giết chết thành sáu mảnh. Việc khâm liệm Kasim được Morgiana (người được vợ chồng Ali Baba đem về nuôi từ bé và được coi như con đẻ) khéo léo thu xếp như với một cái chết bình thường để không ai nghi ngờ gì. Về phần băng cướp, sau khi biết hang bí mật đã bị lộ, tên tướng cướp lần lượt cử người ráo riết truy tìm cho bằng được tung tích của kẻ đã khám phá ra bí mật này. Nhờ mưu trí của Morgiana nên bọn cướp lần lượt bị tiêu diệt cho đến tên cuối cùng. Ali Baba tổ chức đám cưới cho con trai mình với Morgiana và từ đó cả gia đình họ sống rất hạnh phúc.

Bác nói tiếp: - Lộc đây vốn là của cải do sức lao động của người dân mà bọn cướp đã dùng vũ lực để cướp lấy. Một người không lao động gì cả, chỉ ao ước được lộc, dù đó là kết quả của cướp giựt, bóc lột, tham nhũng, quà cáp, thì người đó là kẻ tham lam, vô lương tâm bởi nếu mình được và sung sướng bao nhiêu thì người ta mất và đau khổ bấy nhiêu. Lộc là do nghiệp lành hoặc sức lao động mà có chớ không phải chờ của ăn cướp. Trong câu chuyện này chẳng thấy Ali Baba dùng của cải để làm việc thiện.

Truyện Ali Baba và Bốn Mươi Tên Cướp rất phổ thông, nhưng không biết có bao nhiêu người liên tưởng như bác nói. Dù sao, nhận xét của bác cũng khá thú vị.

Tôi nói: Ngày xưa vì còn khiêm tốn nên người ta lỡ đặt tên cây này là Lộc Vừng, chớ bây giờ, vào thời đại vật chất này, nếu đặt tên lại, người ta sẽ gọi nó là Lộc Hằng Hà, lộc nhiều như cát sông Hằng mới thỏa đó bác ạ.

NKP








Thứ Ba, 5 tháng 12, 2017

CÁI ÁO ĐẦM CỦA CHÁU GÁI TÔI - Truyện dịch

CÁI ÁO ĐẦM CỦA CHÁU GÁI TÔI
(Dịch từ Reader’s Digest.)


Trong một cửa hàng ký gửi, tôi nhìn thấy một cái áo đầm mà tôi biết cháu gái tôi sẽ rất thích. Nhưng tiền đã cạn túi, vì vậy tôi hỏi chủ cửa hàng có thể giữ nó cho tôi không đươc không. Một bà khách hàng hỏi: "Tôi mua chiếc aó đầm nầy cho ông nhé?” "Cảm ơn, nhưng tôi không thể nhận một món quà quá tốt bụng như vậy," tôi nói. Sau đó bà ấy nói với tôi lý do quan trọng tại sao bà giúp tôi. Bà nói bà bị vô gia cư trong ba năm,  và nếu không có sự tử tế của người lạ, bà đã không thể sống sót. "Tôi không còn là người vô gia cư nữa, và tình hình của tôi đã được cải thiện", bà nói. "Tôi đã hứa với chính mình rằng tôi sẽ trả ơn lòng tốt mà rất nhiều người đã dành cho tôi." Bà trả tiền cái áo đầm, và thứ duy nhất mà bà chấp nhận trả lại là một cái ôm chân thành.



My Granddaughter’s Dress

I saw a dress in a consignment shop that I knew my granddaughter would love. But money was tight, so I asked the store owner if she could hold it for me. “May I buy the dress for you?” asked another customer. “Thank you, but I can’t accept such a gracious gift,” I said. Then she told me why it was so important for her to help me. She’d been homeless for three years, she said, and had it not been for the kindness of strangers, she would not have been able to survive. “I’m no longer homeless, and my situation has improved,” she said. “I promised myself that I would repay the kindness so many had shown me.” She paid for the dress, and the only payment she would accept in return was a heartfelt hug.

Stacy Lee, Columbia, Maryland


(https://www.rd.com/true-stories/inspiring/kindness-strangers/)

Thứ Hai, 4 tháng 12, 2017

MỘT CỬ CHỈ TỬ TẾ

MỘT CỬ CHỈ TỬ TẾ
Bài viết bằng tiếng Anh từ trang: https://outlawnee.wordpress.com
Nguyễn Khắc Phước dịch


Một người đàn ông thường mua cam của một bà lão. Sau khi cân cam, trả tiền và bỏ cam vào túi xách, ông luôn lấy một trái từ trong túi xách của mình, bóc vỏ, bỏ một múi vào miệng, phàn nàn rằng cam chua và đưa trái cam cho người bán.

Bà lão bỏ một múi vào miệng và hỏi lại, "Cam thế này mà chua hả? Ngọt lắm mà", nhưng ngay lúc đó ông đã mang túi xách đi.

Vợ ông, luôn luôn đi với ông, hỏi, "Cam bà ấy bao giờ cũng ngọt, sao anh cứ đóng kịch hoài vậy?"

Ông mỉm cười, “Cam của bà thì ngọt nhưng chính bà không ăn. Đây là cách để giúp bà ấy ăn cam mà không mất tiền của bà. Thế thôi."

Chị bán rau bên cạnh bà lão, nhìn thấy cảnh này hàng ngày. Chị rầy, "Mỗi lần ông ấy làm bộ làm tịch về cam của bà, tôi thấy bà luôn cân thêm một chút cho ông ta. Tại sao?"

Bà lão mỉm cười, "Tôi biết ông ấy làm vậy chỉ để cho tôi ăn một quả cam,  nhưng ông nghĩ rằng tôi không hiểu. Tôi không bao giờ cân thêm. Tình cảm của ông ấy làm nghiêng cái cân một chút đó thôi.’

Niềm vui của cuộc sống nằm trong những cử chỉ nhỏ biểu lộ tình cảm ngọt ngào và sự tôn trọng đối với đồng loại.
  

&&&

Beautiful Story: Kindnes

A man often bought oranges from an old lady.

After they were weighed, paid for and put in his bag, he would always pick one from his bag, peel it, put a segment in his mouth, complain it's sour and pass on the orange to the seller.

The old lady would put one segment in her mouth and retort, "why, it's sweet," but by then he was gone with his bag.

His wife, always with him, asked, "the oranges are always sweet, then why this drama every time?"

He smiled, "the old mother sells sweet oranges but never eats them herself. This way I get her to eat one, without losing her money. That's all."

The vegetable seller next to the old lady, saw this everyday. She chided, "every time this man fusses over your oranges, and I see that you always weigh a few extra for him. Why?"

The old lady smiled, "I know he does this to feed me an orange, only, he thinks I don't understand. I never weigh extra. His love tilts the scale slightly every time."

Life's joys are in these sweet little gestures of love and respect for our fellow beings.




Thứ Bảy, 2 tháng 12, 2017

HÌNH ẢNH CON CHÓ TRONG NGỤ NGÔN CỦA AESOP

HÌNH ẢNH CON CHÓ TRONG NGỤ NGÔN CỦA AESOP
Nguyễn Khắc Phước

Aesop (phát âm tiếng Việt như là Ê-dốp, khoảng năm 620-564 trước CN) là một nhà văn Hy Lạp. Tư liệu về cuộc đời của ông không rõ ràng lắm và không có bản viết tay nào của ông còn tồn tại đến ngày nay nhưng ông được xem là tác giả của rất nhiều câu chuyện ngụ ngôn nổi tiếng trên thế giới, đã được truyền miệng và được sưu tập qua nhiều thế kỷ và bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. (Theo Wikipedia.)
Có một trang web sưu tập được 655 truyện, trong đó, khoảng 20 truyện có nhân vật là chó nhà hoặc chó sói.
Truyện Con Chó Và Cái Bóng là một trong những truyện phổ biến ở Việt Nam có lẽ qua bản văn vần của Jean De La Fontaine. 
Chuyện như thế này: Một con chó kiếm được một miếng thịt và ngoặm miếng thịt mang về nhà ăn cho thoải mái.  Trên đường về nhà, nó phải đi qua một tấm ván bắc qua một con suối.  Khi đang đi trên tấm ván, nó nhìn xuống và thấy bóng của chính nó phản chiếu bên dưới. Nghĩ rằng đó là một con chó khác với một miếng thịt khác, nó quyết định lấy cho được miếng thịt đó. Vậy nên nó đớp vào cái bóng ở trong nước, nhưng khi nó há miệng thì miếng thịt trong miệng nó rớt ra và rơi xuống nước, không thể tìm lại được.
Thông điệp của truyện: Hãy nhớ rằng bạn sẽ đánh mất cái có thật khi cố chộp lấy cái bóng.
Nói cách khác: bạn sẽ đánh mất bản thân mình khi chạy theo ảo ảnh.
Thành ngữ “Thả mồi bắt bóng” có lẽ bắt nguồn từ truyện này. “Đứng núi này trông núi nọ” cũng có nghĩa tương tự. Hãy biết mình đang có cái gì và bằng lòng với cái đó, đừng có tham lam những cái xa vời để rồi đánh mất tất cả. Đó cũng là bí quyết trong việc kinh doanh và giữ hạnh phúc gia đình.
Nhân dịp mừng Xuân Mậu Tuất, chúng tôi xin kể hầu quý vị thêm hai truyện sau để quý vị đọc cho con cháu nghe trong những ngày họp mặt gia đình.
CHÓ NHÀ VÀ CHÓ SÓI
Vào một đêm trăng, một coi chó sói gầy và đói gặp một con có nhà mập mạp, khỏe mạnh.  Sau khi chào xã giao, chó sỏi hỏi: Làm sao mà bạn trông có vẻ béo tốt như vậy? Có phải nhờ thức ăn hợp với khẩu vị của bạn hay không?  Còn tôi thì ngày đêm phải lo kiếm sống, chỉ mong sao thoát được cảnh đói khát.
Chó nhà nói: Chà, nếu bạn muốn có sức khỏe như tôi thì cứ làm theo tôi. Chó sỏi hỏi: Vậy tôi phải làm gì?  Chó nhà nói: Chỉ mỗi việc bảo vệ nhà ông chủ và giữ trộm ban đêm. Chó sói nói: Thú thiệt thời gian này tôi rất khó khăn. Mưa và sương giá khiến cuộc sống trong rừng rất cực khổ. Nếu được ở nơi ấm áp và ăn uống no đủ thì việc trao đổi ấy cũng không tệ lắm. Chó nhà nói: Vậy bạn chỉ cần theo tôi là xong.
Khi chúng đang chạy cùng nhau, chó sói thấy một vệt lạ trên cổ chó nhà bèn tò mò hỏi đó là cái gì. Chó nhà nói: Ồ, không có chi. Chó sói gặng hỏi: Cứ cho tôi biết đi mà.
Chó nhà nói: Chuyện nhỏ thôi. Đó là cái nịt cổ để buộc cái xích vào. Chó sói ngạc nhiên kêu lên: Xích hả? Vâỵ bạn không được đi lại tự do như bạn muốn hả? Chó nhà nói: Không hoàn toàn như vậy. Có lẽ họ thấy tôi có vẻ hơi hung dữ nên ban ngày họ buộc tôi lại, nhưng bảo đảm với bạn là tôi hoàn toàn được tự do vào ban đêm. Ông chủ cho tôi ăn bằng dĩa riêng và mấy người giúp việc thường cho tôi món ngon nữa. Mọi người đều thích tôi nên không có vấn đề gì hết. Ồ, bạn đi đâu vậy? Chó sói nói: Thôi nhé, chúc bạn ngủ ngon. Được bạn mời món ngon, nhưng với tôi, thà một mẩu bánh mì khô mà được tự do còn hơn bữa tiệc sang trọng của nhà vua mà bị xích.
Thông điệp của truyện: Thà đói mà tự do còn hơn no mà nô lệ. (*)
Thông điệp trên là của Aesop nhưng người kể lại truyện này có lời bình thêm như sau:
Nếu hiểu tự do là không bị ràng buộc bất cứ thứ gì thì đó là thứ tự do không bao giờ có. Con chó nhà bị ràng buộc bởi công việc và sợi xích thì con chó sói bị ràng buộc bởi thời tiết và đói khát. Tự do chỉ ở mức tương đối.
Mỗi người do hoàn cảnh, khả năng, tâm tính, sức khỏe và sở thích riêng mà chọn lựa cho mình một nơi, một nghề, một lối sống thích hợp, không ai giống ai. Người thành phố cho rằng cuộc sống ở thôn quê hay miền núi khó khăn, cực khổ, ngược lại, người ở những vùng đó lại chê thành phố là ô nhiểm, ồn ào, không tình cảm. Ngay cả sự tự do hay hạnh phúc, không phải ai cũng có quan điểm giống nhau.

CON CHÓ HUNG DỮ
Có một con chó hung dữ và nghịch ngợm đến nỗi chủ nó phải buộc một cái chuông nặng vào cổ nó để ngăn nó cắn người và làm phiền hàng xóm.
Con chó lấy làm hãnh diện về cái chuông đó và cứ đi diễu quanh chợ, vừa đi vừa lắc chuông ẩm ỹ để gây chú ý.
Bạn nó, một con chó lém lĩnh, nói thầm vào tai nó: Nhỏ nhỏ thôi, đừng ầm ỹ quá. Cái mầy đeo không phải để thưởng công gì mà là dấu hiệu của sự ô nhục.
Thông điệp của truyện: Người ta thường nhầm lẫn tai tiếng với danh tiếng và sẵn sàng làm những việc điên rồ để được nhiều người chú ý.
Lời bàn thêm của người kể lại: Câu chuyện này được kể khoảng 2800 năm trước tại Hy Lạp nhưng đến nay người ta vẫn thường xuyên cố tình làm những chuyện trái đời, tạo ra xì-căng-đan (scandal) để được nổi tiếng, nhất là trong giới showbiz. Khi người ta có nhiều tiền mà thiếu cái chuẩn mực đạo đức và văn hóa thì sẽ nảy sinh ra vô vàn những thói hư tật xấu. 
NKP
*http://www.aesopfables.com/aesop1.html / The Dog and the Wolf / Moral of the story: Better starve free than be a fat slave.