Thứ Tư, 21 tháng 11, 2018

NGƯỜI PHI CHÚNG TÔI CHỈ DÙNG THỨC UỐNG NHẸ - Truyện ngắn của Alejandro Roces





Người Phi Chúng Tôi Chỉ Dùng Thức Uống Nhẹ
Truyện ngắn của Alejandro Roces (Philipppines)
Nguyễn Khắc Phước dịch

Người Phi chúng tôi chỉ dùng thức uống nhẹ. Chúng tôi uống chỉ vì ba lý do chính đáng:  Uống khi rất hạnh phúc, uống khi rất buồn và uống vì bất kỳ lý do nào khác.

Khi người Mỹ chiếm lại Philippin (1), họ xây một căn cứ không quân cách khu dân nghèo của chúng tôi một vài dặm. Lính Mỹ xuất hiện ở đây là chuyện thường ngày. Tôi đã gặp rất nhiều người và kết bạn với họ. Tôi không thể phát âm tên của họ. Tôi cũng không thể phân biệt họ khác nhau chỗ nào. Tất cả người Mỹ đều trông giống nhau. Tất cả đều da trắng.

Một chiều, tôi đang cày ruộng với con trâu tên Đatu của tôi. Tôi đi chân trần và để mình trần, quần xăn đến đầu gối. Vải quần bằng sợi abaca (2) và dệt trên khung dệt tự chế.  Tôi mang con dao bolo (3) ở bên hông.

Một người lính Mỹ đang đi trên đường. Khi thấy tôi, anh ấy tiến về phía tôi. Tôi ngừng cày và đợi anh ta. Tôi thấy anh mang theo nửa chai rượu whisky. Chai rượu whisky dường như là một phần của bộ đồng phục quân đội Mỹ.

“Xin chào chú em da nâu,” anh nói, vỗ nhẹ vào đầu tôi.

“Chào Joe,” tôi trả lời.

Tất cả người Mỹ được gọi là Joe ở Philippin.

“À này. Chú biết chỗ nào bán whisky không?”

“Thật đáng tiếc, Jose,”  tôi trả lời. “Không có quán bar nào trong khu này.”

“Có cái này đây, nhấp một chút đi. Nãy giờ chú mày làm việc mệt rồi đó,” anh nói, đưa cho tôi nửa chai rượu.

“Không, cảm ơn, Joe,” tôi nói. “Người Phi chúng tôi chỉ dùng thức uống nhẹ.”

“Chà, chú mày không uống gì sao?”

"Có uống chứ, nhưng không phải whiskey."

“Thế chú mày uống cái quái gì?”

"Tôi uống lambanog."

"Nước ép cây rừng à?"

"Có lẽ lính Mỹ các anh thường gọi món uống đó như vậy.”

"Tôi có thể mua thứ đó ở đâu?"

"Tôi biết mấy chỗ bán, nhưng tôi e rằng anh sẽ không thích nó."

“Tôi thích tất tần tật. Khỏi lo. Tôi đã uống đủ thứ — rượu whisky, rượu rum, rượu mạnh, rượu tequila, rượu gin, rượu sâm banh, rượu sake, rượu vodka. . . Anh ấy kể nhiều thứ nữa mà tôi không thể viết ra được.

“Tôi không chỉ uống nhiều, mà thứ gì tôi cũng uống. Tôi đã uống nước hoa Chanel Số 5 khi ở Pháp. Ở New Guinea, tôi đã say vì nước cạo râu. Khi nằm bệnh viện, tôi đã xỉn vì cồn y tế. Trên đường đến đây, tôi đã ngất ngư với thứ nhiên liệu để chạy ngư lôi. Chú mày không ngoa khi nói tôi uống nhiều. Vậy thì, chúng ta hãy uống nước ép cây rừng, được không? ”

“Được thôi,” tôi nói. "Đợi tôi một lát để dẫn con trâu này vào hố bùn, sau đó chúng ta có thể về nhà tôi và uống."

"Chú mày yêu con vật đó lắm, phải không?"

"Vâng, tôi yêu nó lắm," tôi trả lời. "Nó làm một nửa công việc của tôi."

"Tại sao chú mày không dùng hai con?"

Tôi không trả lời.

Tôi gỡ Đatu khỏi cái cày và dẫn nó đến hố bùn. Joe theo tôi. Đatu nằm trong bùn và khoái chí kêu ọ ọ.

Đatu lắc đầu và  dùng cặp sừng rộng của nó để vẩy bùn trên lưng. Nó lăn qua lăn lại và cả thân mình nó được bao phủ bởi lớp bùn nhầy nhụa. Vẻ hài lòng hiện trong mắt nó. Sau đó, nó vung đuôi khiến Joe và tôi phải chạy khỏi hố bùn để tránh bị bùn văng trúng. Tôi để Đatu trong hố bùn. Sau đó quay sang Joe, tôi nói.

"Nào, đi thôi."

Và chúng tôi tiến về nhà tôi. Jose thận trọng nhìn quanh.

“Ở đây nhiều dừa quá,” anh nói.

“Ở Mỹ không có dừa à?” tôi hỏi.

“Không,” anh trả lời. “Quê tôi có nhiều thông.”

"Cây thông trông giống thế nào?"

“Ồ, nó cao và đường bệ lắm. Nó đâm thẳng lên trời giống như một tòa nhà chọc trời. Nó tượng trưng cho nước Mỹ.”

"Vâng," tôi nói, "còn cây dừa tượng trưng cho Philippin. Nó vươn lên trời, nhưng lá nó vòng xuống đất, như thể ghi nhớ nơi đã sinh ra nó. Nó không quên đất đã cho nó sự sống.”

Trong chốc lát, chúng tôi đến căn lều lợp bằng lá dừa nước của tôi. Tôi lấy cái thang tre và tựa nó lên một cái cây. Sau đó, tôi leo lên chiếc thang và hái mấy trái calamansi.

“Cái gì thế?” Joe hỏi.

“Chanh Philippin,” tôi trả lời. "Chúng ta cần trái này để làm đồ uống."

"Ồ, thuốc giải rượu."

“Đúng vậy, Joe. Lính tráng thường gọi vậy đó.”

Tôi bỏ chanh đầy túi rồi leo xuống. Tôi ra giếng trong vườn và rửa chân cho sạch bùn. Rồi chúng tôi leo lên túp lều bằng thang tre. Trời đã tối nên tôi đổ đầy dầu vào vỏ dừa, nhúng một đầu bấc vào dầu và thắp sáng. Cây đèn dầu tỏa ánh sáng nhấp nháy. Tôi cỡi con dao bolo và treo nó lên tường.

“Mời bạn ngồi, Joe,” tôi nói.

“Ở đâu?” Anh ấy nhìn quanh, hỏi.

“Ngay đó,” tôi nói, chỉ xuống sàn nhà.

Joe ngồi xuống sàn. Tôi thái hai trái chanh thành lát, lấy một ít muối thô và đặt bên cạnh chân bàn. Tôi đi vào bếp và lấy cái ống tre, nơi tôi để chai rượu lambanog.

Lambanog là một thức uống được chiết xuất từ cây dừa với vỏ cây đước được nghiền thành bột để ngăn chặn sự bùng cháy tự phát. Nó có nhiều công dụng. Chúng tôi sử dụng nó để chữa rắn cắn, chống sốt rét, làm thuốc trừ sâu và để thuộc da trâu.

Tôi đổ một ít lambanog vào hai vỏ dừa được đánh bóng và đưa một vỏ cho Joe. Tôi pha loãng đồ uống của tôi với một ít rượu whisky của Joe. Nó biến thành màu trắng đục như sữa. Cả hai chúng tôi đều ngồi trên sàn nhà. Tôi đổ một ít đồ uống đó lên sàn tre; nó chảy qua các khe hở xuống mặt đất bên dưới.

“Này, cậu đang làm gì vậy,” Joe nói, “đổ rượu ngon đi à?”

“Không,” tôi nói. "Ở đây có tập quán luôn luôn trả lại cho đất một chút những gì chúng tôi đã lấy từ đất."

“Này,” anh nói, nâng cái vỏ dừa lên. "Mừng chiến tranh kết thúc!"

"Mừng chiến tranh kết thúc!" tôi nói, cũng nâng vỏ của tôi lên. Tôi nhấp một chút. Liền sau đó là một lát chanh nhúng trong muối thô. Joe uống nhưng phản ứng rất kỳ cục.

Đôi mắt anh lồi ra như mắt ếch và tay nắm lấy cổ họng, trông như thể anh ta đã nuốt một con rết.

"Nhanh lên, thuốc giải rượu!"  anh nói.

Tôi đưa anh ta một lát chanh nhúng vào muối chưa tinh chế. Anh nặn chanh vào miệng. Nhưng đã quá trễ rồi. Không gì có thể giải được. Chanh không ích gì. Tôi nghĩ kể cả một quả dừa cũng không thể cứu anh ta.

“Chuyện gì thế, Joe?” Tôi hỏi.

“Không có gì,” anh nói. "Lần uống đầu tiên tôi thường bị thế này."

Anh thở phì phò và nước mắt lăn dài trên má.

"Vâng, lần uống đầu tiên luôn luôn tác dụng như một máy rà mìn," tôi nói, "nhưng lần thứ hai sẽ êm hơn."

Tôi rót vào vỏ dừa của anh lần thứ hai. Một lần nữa, tôi pha loãng đồ uống của tôi với rượu whisky của Joe. Tôi rót vào vỏ dừa của mình. Tôi thấy cổ anh ta đẫm mồ hôi. Anh cởi khuy áo cổ và nới lỏng cà vạt. Joe cầm lấy vỏ dừa của anh nhưng anh ta có vẻ không lo lắng lắm. Tôi nâng vỏ dừa lên và nói: "Chúc mừng nước Mỹ!"

Tôi cố gắng cho ra dáng một chủ nhà tốt bụng.

“Chúc mừng nước Mỹ!” Joe nói.

Cả hai chúng tôi đều uống cạn. Joe lại phản ứng một cách buồn cười. Cổ anh ta vươn dài như cổ rùa. Và bây giờ anh ta thở hổn hển như một con trâu điên. Một tay anh nắm chặt cà vạt.

Rồi anh nhìn xuống cà vạt của mình, ném nó sang một bên, và nói: "Ôi, Chúa ơi, nảy giờ tôi nghĩ đó là lưỡi của tôi."

Sau đó anh bắt đầu nghiến răng.

“Chuyện gì vậy, Joe?” Tôi hỏi, vẫn đang cố trở thành một chủ nhà hoàn hão.

"Nhiều quá rồi, đồ uống chết tiệt này đã làm cái răng giả của tôi long ra."

Khi Joe thở ra, một con mối bay quanh ngọn lửa nhấp nháy bị rơi xuống chết. Anh nhìn chằm chằm vào con mối và nói: “Rồi chúng sẽ đồn rằng người ta đang xịt DDT.”

“Uống một chút nữa nhé?” Tôi hỏi. "Chúng ta ở đây để uống mà!"

“Không, cảm ơn,” anh nói. "Tôi xong rồi."

"Thôi được. Chỉ một lần nữa thôi.”

Tôi đổ lambanog vào vỏ dừa và một lần nữa pha loãng đồ uống của tôi với rượu whiskey. Tôi đưa cho Joe đồ uống của anh ấy.

“Chúc mừng Philippin,”anh nói.

“Chúc mừng Philippin,” tôi nói.

Joe uống một chút. Tôi không thể nhìn thấy rõ ràng trong ánh sáng nhấp nháy, nhưng có thể thề rằng tôi thấy khói bốc ra từ tai anh ta.

"Thứ này ắt hẵn có phóng xạ," anh ấy nói.

Joe hắt phần rượu còn lại lên bức tường dừa nước và hét lên: "Lửa, đồ chết tiệt, lửa!"

Ngay khi tôi đang còn muốn uống thì Joe đã ngất đi. Anh nằm ngay đơ trên sàn như một khúc gổ. Chẳng giống ai.

Tôi biết rằng những người lính phải về doanh trại vào một thời điểm nhất định. Vì vậy, tôi quyết định đưa Joe trở lại. Tôi cố nhấc anh ta lên. Anh ta nặng như trâu. Tôi phải gọi bốn người hàng xóm để giúp tôi mang Joe. Chúng tôi đặt anh lên lưng trâu. Tôi lấy con dao bolo và buộc vào hông. Sau đó, tôi đưa anh ta trở lại trại lính. Người dân làng không hiểu chuyện gì đã xảy ra với người Mỹ này.

Sau hai giờ, tôi đến sân bay. Tôi tìm doanh trại của anh và  đưa anh ta đến đó. Bạn bè anh giúp tôi đưa anh lên giường. Họ rất vui khi gặp lại anh. Mọi người đều cảm ơn tôi đã đưa anh ấy về nhà. Khi tôi rời trại lính, một người bạn của anh ấy gọi tôi và nói:

"Này bạn! Làm một lon bia trước khi đi nhé?”

“Không, cảm ơn,” tôi nói. “Người Phi chúng tôi chỉ dùng thức uống nhẹ.”

***

Chú thích của người dịch:

(1) Chiến dịch Philippines 1944-1945 của quân Đồng Minh tiến hành trong Chiến tranh thế giới thứ hai nhằm đánh bại lực lượng Nhật Bản chiếm đóng Philippines. Chiến dịch bắt đầu vào ngày 20 tháng 10 năm 1944 và kéo dài cho đến khi chiến tranh kết thúc. (Theo Wikipedia.)

(2) Abaca: thứ cây trông tựa như cây chuối.

(3) Dao bolo là cái dao lớn, gần giống cái rựa hoặc lưỡi lê, cán hơi cong. Người Phi dùng để phát cây rừng, chặt dừa, đốn mía và đặc biệt còn dùng làm vũ khí. Dao bolo thường thấy trên nhiều tượng đài chiến thắng ở Philippin.



SƠ LƯỢC VỀ TIỂU SỬ CỦA TÁC GIẢ



Alejandro Roces (1924 – 2011) là một nhà văn, nhà viết tiểu thuyết và được đánh giá là người viết truyện ngắn hay nhất Philippin. Ngoài truyện ngắn, ông còn viết vô số bài báo tập trung vào việc bảo tồn những di sản văn hóa Philippin bị bỏ quên. Tác phẩm của ông  đã được xuất bản trên nhiều tạp chí trên thế giới và đã nhận được nhiều giải thưởng quốc gia và quốc tế.

Trong năm thứ nhất tại Đại học Arizona, truyện “We Filipinos are Mild Drinkers”  của ông đã giành giải Truyện ngắn hay nhất.

Một truyện khác của ông: “My Brother’s Peculiar Chicken” được xem là truyện hay nhất trong Tạp chí Truyện ngắn (Story Magazine) do nhà văn Mỹ Martha Foley cùng chồng làm chủ bút từ 1948 – 1951.

Trong hơn 30 chức vụ từng đảm đương, ông là Bộ trưởng Bộ Giáo dục Philippin từ 1961 đến 1965.

Chính ông là người dẫn đầu cuộc vận động thay đổi Ngày quốc khánh của Philippin từ ngày 4 tháng 7 đến ngày 12 tháng 6, thay đổi ngôn ngữ từ tiếng Anh sang tiếng Phi trong tem, tiền tệ và hộ chiếu của người Phi.

Trang Amazon.com đang bán một số sách của ông, trong đó có:

-Of Cocks and Kites, 1959, tập truyện ngắn.

- Something to Crow About, 1997, tập truyện ngắn.

-Fiesta, 1980, tập tiểu luận về lễ hội dân gian Phi.

Ông nhận được bằng tiến sĩ danh dự từ Đại học Tokyo, Đại học St. Louis tại Baguio, Philippin, Đại học Bách khoa Philippin, và Đại học Ateneo, Manila.

Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2018

Chuyện cổ Hàn Quốc: CHIẾC GƯƠNG SOI MẶT

Chuyện cổ Hàn Quốc
CHIẾC GƯƠNG SOI MẶT

Ở một làng quê nọ có anh học trò muốn làm quan. Một hôm anh từ giã gia đình để lên kinh đô dự thi. Ở kinh đô, khi đi qua một cửa hàng, anh trông thấy một vật nhỏ phản chiếu ánh sáng. Anh nhìn vào bề mặt phẳng láng và ngạc nhiên thấy mặt mình hiện ra rõ ràng trong đó. Trước đây, anh đã từng thấy mặt mình trong chậu rửa mặt nhưng không được rõ như vậy. Anh liền mua cái đó và mang về làng.

Ở nhà, anh không cho bất cứ ai xem, mà bí mật bỏ trong ngăn kéo, lâu lâu lại mở ra nhìn và mỉm cười. Vợ anh thấy cử chỉ kỳ cục của anh nên tò mò muốn khám phá. Đợi anh đi vắng, chị ta mở ngăn kéo và trông thấy một vật có một mặt trơn láng, nhìn vào thì thấy một phụ nữ trẻ mở to mắt ngạc nhiên nhìn mình. Chị liền kêu mẹ chồng: Mẹ ơi, chồng con mang một con vợ bé trẻ đẹp từ Seoul về đây. Bà mẹ chồng nghe con dâu gọi liền  đến cầm cái vật đó lên xem và nói: Tao có thấy con gái trẻ đẹp nào đâu, đó là bà già ở làng bên qua thăm tao.

Nghe hai mẹ con ồn ào, ông cha chồng đến hỏi việc gì. Cầm cái vật lạ lên xem, ông liền mang bỏ lên ban thờ, vừa khóc vừa lạy: Cha ơi, có chuyện gì không hay mà cha về đây. Con có làm điều gì sai thì xin cha cho biết để con sửa chửa.


Con dâu lấy làm lạ, không hiểu tại sao ông bố chồng mình lại cho đó là cha mình và vái lạy kì cục vậy. Chính mắt chị đã thấy con đàn bà trẻ đẹp trong đó mà. Chị lấy lại vật kia và nhìn. Đúng  rồi, nó lại hiện ra đây. Chị chưởi mắng nó là đồ ma quỷ biến hình, nó cũng bắt chửi lại chị, trợn mắt, nghiến răng như chị. Chị làm gì, nó làm nấy. Quá tức giận, chị liền ném vật lạ xuống đất và nó vở tan tành.

Thứ Bảy, 10 tháng 3, 2018

CHUYỆN PHIẾM VỀ BÀ ĐẦM, ĐÍT VỊT, ĐẦU RỒNG

CHUYỆN PHIẾM VỀ BÀ ĐẦM, ĐÍT VỊT, ĐẦU RỒNG
  
Bà Đầm không xuất hiện nơi công chúng?

Tình cờ tôi đoc trên mạng bài ĐÍT VỊT, ĐẦU RỒNG của nhà văn Hoàng Hải Thủy và ngạc nhiên thấy ông này cho rằng các quan Tây không bao giờ cho các bà vợ đi cùng nên không có cảnh “Bà Đầm ngoi đít vịt” trong thơ Tú Xương và cảnh ông Phủ cõng bà Đầm trong thơ Huyện Nẻ Nguyễn Thiện Kế.


Nhà văn Hoàng Hải Thủy đưa một tấm hình , trong đó, quan Tây đứng chung với quan ta mà không thấy bà Đầm nào. Dưới ảnh có ghi: “Ảnh ghi khỏang năm 1910 – 1915”, nếu vậy, trong thời gian đó có 2 kỳ thi Hương, và khả năng kỳ thi kia có vợ Tây đến dự thì sao?

Hoàng Hải Thủy viết:

“Nhưng không có bà Đầm trong những cuộc lễ của chính quyền. Bà vợ công chức Pháp không bao giờ đi theo chồng ra nơi công chúng. Vì vậy không có chuyện những ông Cử Nhân Việt phải quì lậy bà Đầm.

Không có cảnh:
Trên ghế bà Đầm ngoi đít vịt
Dưới sân ông Cử ngỏng đầu rồng.

…Những bà Đầm vợ các ông Công Sứ Pháp lại càng không xuất hiện bên ông chồng. Do vậy không thể có chuyện Ông Phủ Vĩnh cõng Bà Đầm như được tả trong bài thơ:
Thằng cha Phủ Vĩnh thế mà thâm
Nịnh Bố Cu Tây, cõng Mẹ Đầm.
Đôi vú ấp vai, đầu nghển nghển
Hai tay ôm đít, mặt hầm hầm.
Phen này cứng cựa nhờ ơn tổ
Lúc ấy sa chân chết bỏ bầm.
Chẳng thiết mề-đay cùng tưởng lục
Đưa tay lên mũi, miệng cười thầm.”
(Hết phần trích từ bài của HHT.)

Trong bài VỊNH KHOA THI HƯƠNG, Trần Kế Xương đã tả rõ ràng:
Lọng cắm rợp trời, quan sứ đến;
Váy lê phết đất, mụ đầm ra

Theo như sách sử cho biết, kì thi năm Đinh Dậu 1897 có vợ chồng Toàn quyền Paul Doumer và vợ chồng tôn công sứ Nam Định Le Normand đến dự. Như vậy ảnh chụp kỳ thi sau kỳ có bà Đầm đến dự từ 17 đến 22 năm.

Rất tiếc nhà văn Hoàng Hải Thủy không đọc hết tài liệu mà chỉ căn cứ vào một tấm ảnh để kết luận thiếu chính xác.

Một thiếu sót khác của Hoàng Hải Thủy là ông không biết tác giả bài Vịnh Tri Phủ Vĩnh Tường là ai.

Đó là ông Nguyễn Thiện Kế, một nhà thơ trào phúng yêu nước, mà nhiều con đường đã mang tên ông.
Nguyễn Thiện Kế (1849-1937) tên tự là Trung Khả, hiệu Đường Vân hay Nễ Giang, còn được gọi là Huyện Nẻ hay Huyện Móm, là một chỉ huy của khởi nghĩa Bãi Sậy trong phong trào Cần Vương và cũng là em ruột của Nguyễn Thiện Thuật, quê ở làng Xuân Đào, xã Xuân Dục, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Ngoài ra, ông còn làm thơ trào phúng và cũng là anh rể của thi sĩ Tản Đà.

Ông nổi tiếng về thơ phúng thế. Thơ ông phần nhiều nhắm vào đám qua trường tham ô, vào đám người có địa vị cao trong xã hội mà không biết trọng phẩm cách. Ông kịch liệt đả kích những thói hư tật xấu, nhiều khi đi đến chỗ thóa mạ nặng nề mất phong độ của làng tao nhã. Cho nên thơ ông hầu hết thuộc về loại châm phúng. Có thể coi là thơ trào phúng. (Theo thivien.net.)

Một số tác phẩm của ông có thể tìm thấy trên thivien.net:
Đánh tài bàn, Khóc vợ bé, Tổng đốc Hải Dương, Tri phủ Vĩnh Tường, Tuần phủ Thái Bình, Vịnh Kiều.

Tóm lại, bà Đầm trong thơ của Tú Xương và Huyện Nẻ là nhân vật có thực, chứ không phải bịa.




Ông Tây, bà Đầm cùng xuất hiện nơi công chúng, sao bảo rằng không?

Thưa Thầy, em nghĩ khác được không?

Tôi không đủ khả năng để bình thơ Tú Xương và nếu có bình thì là chuyện vô ích bởi bất cứ ai học qua chương trình phổ thông đều đã được thầy cô giảng kỹ rồi.

Tôi chỉ nói tào lao cho vui mà thôi.

Trước hết xin tóm sơ về những điều đã học được.

Thường thì thầy cô giảng về thơ Tú Xương như thế này:
-Hiện thực trong thơ Tú Xương là một bức tranh xám xịt, dường như chỉ có rác rưởi, đau buồn của xã hội thực dân - nửa phong kiến.
-Cảm hứng trong thơ ông là nỗi buồn đau trước vận nước vận dân.
-Với giọng văn châm biếm sâu cay, thơ văn của ông đã đả kích bọn thực dân phong kiến, bọn quan lại làm tay sai cho giặc, bọn bán rẻ lương tâm chạy theo tiền bạc, bọn rởm đời lố lăng trong buổi giao thời.

Và bài Giễu Người Thi Đỗ cũng trong quỹ đạo đó.

GIỄU NGƯỜI THI ĐỖ
Trần Kế Xương

Một đàn thằng hỏng đứng mà trông,
Nó đỗ khoa này có sướng không!
Trên ghế, bà đầm ngoi đít vịt,
Dưới sân, ông cử ngẩng đầu rồng.
Câu cuối cùng, có bản là:
Dưới sân, ông cử ngỏng đầu rồng.

Sau đây là ý của tôi.

1-Theo nhà Hán học Linh Đàn, “các kỳ thi hương đỗ đạt mỗi trường cỡ chừng 10 đến 20 thí sinh”, vậy trong lễ xướng danh không chỉ có một tân khoa đến dự, thế mà Tú Xương dùng đại từ “nó” trong câu thứ hai e rằng không đúng ngữ pháp. Phải là “chúng” mới đúng.

2-Tại sao không phải đít ngổng mà là đít vịt? Đít của bà Đầm có lẽ mập lắm khiến ông Tú phát thèm và vốn là dân nhậu nên liên tưởng đến món phao câu vịt béo ngậy.

3-Thầy cô thường giảng “đầu rồng” là ám chỉ nhà vua, nhưng theo tôi, Tú Xương là người cố thi đỗ để ra làm quan, tất nhiên phải thành thạo về kinh nghĩa, chiếu biểu, thơ phú, văn sách, thì không thể nào có ý tưởng “bài phong, phản đế” trong đầu được. Theo tôi, “rồng” ở đây liên quan đến sự tích cá hóa rồng, diễn tả ước mơ có cuộc sống đầy đủ, ấm no, hạnh phúc, có công danh sự nghiệp sau khi đã dồn hết tâm trí và sức lực để vượt qua khó khăn. “Rồng” theo nghĩa này rất thích hợp để chỉ những người vừa đỗ đạt, chuẩn bị ra làm quan sau một quá trình học tập và rèn luyên khó khăn.

4. Thầy cô giảng rằng các tân khoa phải cúi lạy ông Tổng đốc và quan Pháp nhưng tại sao Tú Xương không dùng từ “cúi” mà dùng từ “ngẩng / ngỏng”. mặc dù “ngẩng/ngỏng” và “ngoi” là động tác hướng về phia trên như nhau, do đó không đối nhau? Hành động “cúi” diễn tả sự chịu đựng nhục nhã chứ “ngẩng/ngổng” là sự vươn lên , không biểu lộ cái ý đó.

Theo tôi, mặc dù bà Đầm ăn mặc kín đáo (váy lê phết đất) nhưng thân hình phong nhũ phì đồn của bà đã làm ông Tú mê mẫn và rạo rực trong người đến nổi cái báu vật của ông không chịu nằm yên mà đòi ngỏng lên. Chính ông Tú, vốn là người ham mê gái gú, thoải mái đứng xem mới ngắm kỹ bà Đầm chứ các tân khoa đang làm lễ có lẽ không có thì giờ để làm việc ấy.

Từ “ngỏng” có lẽ hợp với ngôn ngữ của ông hơn là từ “ngẩng” vì Tú Xương không ngại nói tục. Ví dụ:
         
“Ðù cha, đù mẹ đứa riêng ai …”(Đùa Ông Hàn)
        
“Chiều khách quá hơn nhà thổ ế” (Gái Buôn)
        
“Mình tựa vào cây, cây chó ỉa” (Gái Góa Nhà Giàu)    
Dỉ nhiên, thầy cô không thể giảng “ngỏng đầu rồng” như tối viết mà chụp cho ông ta nhiều cái mũ đẹp hơn.


Có nên gọi bà Đầm là “đứa”, “nó”?

Trong bài “Thơ trào phúng Trần Tế Xương: Cười đó rồi khóc đó” của tác giả Dương Kim Thoa đăng trên www.baodanang.vn, 01 thg 7, 2013 có đoạn như sau:             

“Trước hết, ông tạo nên được những tình huống, tình thế đặc biệt. Chẳng hạn trong câu “Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt - Dưới dân ông Cử ngỏng đầu rồng”. Bà đầm vợ ông quan Tây đến dự lễ xướng danh thì ngồi trên ghế. Các ông quan thời đó ở dưới sân. Khi đọc xướng danh, phải lạy thiên tử. Khi người đỗ - tiêu biểu cho đạo học - lại ở dưới thấp và cúi lạy bà đầm - tiêu biểu cho bọn thống trị, ngồi ở chỗ cao thì Tú Xương lại chỉ lia cái ống kính của mình quay cận cảnh. Cái đứa ngồi ông chỉ quan tâm tới cái mông của nó. Còn người quỳ ở dưới, ông chỉ quan tâm tới cái đầu. Vậy tình thế ở đây là anh thống trị - anh bị trị, anh vô học - anh có học, cái đít vịt - cái đầu rồng, đó là cái đáng gây cười. Còn thái độ được biểu lộ qua chữ “ngỏng”, đó là chữ rất nghịch ngợm của Tú Xương. “Bà ngoi - ông ngỏng”, hình ảnh đó khiến sân khấu của lễ xướng danh thành ra như trò hề không ra đầu đuôi gì cả.”

Tôi xin có mấy nhận xét về một vài chi tiết trong  đoạn văn trên:

-Tác giả cho rằng: “Các ông quan thời đó ở dưới sân” là không đúng. Ở dưới sân là những ông vừa đổ cữ nhân đến dự lễ xướng danh, chưa được bổ chức quan nào hết.

-Tác giả viết: “khi đọc xướng danh phải lạy thiên từ” là không đúng. Cấp cao nhất đến dự lễ xướng danh là quan Tổng đốc,

-Tác giả viết: “Bà Đầm – tiêu biểu cho bọn thống trị” là không chính xác. Vợ các quan Tây chỉ đi theo chồng chứ không đảm nhận chức quan nào cả nên không thể đại diện cho chính phủ bảo hộ.  Tương tự như vậy: sau 1975, các sĩ quan VNCH bị tập trung cãi tạo còn  những bà vợ vẫn ở nhà bởi họ không có tội gì. vậy quan Tây mới có tội chứ bà Đầm được miễn tố.

Khi một ông Tổng thống nước ngoài đến thăm Việt Nam, ta tổ chức tiếp đón Tống thống chứ không phải  vợ  của ông ta bởi chỉ có Tống thống mới đươc đi trên thảm đỏ. Bà Đầm có mặt trong buổi lễ nhưng chỉ là người đi theo, không đại diện cho ai cả.  Các ông cử thực ra chỉ cúi lạy quan Tổng đóc và quan Tây chứ không phải cúi lạy bà Đầm.

-Tác giả viết: “Cái đứa ngồi ông chỉ quan tâm tới cái mông của nó.” Tú Xương sống dưới thời Pháp thuôc vẫn gọi vợ các quan Tây là bà Đầm, còn tác giả sống vào thời hiện đại lại dùng từ “đứa” và “nó”  trong một bài phê bình văn học có thể dùng trong nhà trường. Khi viết truyện có lời thoại, hoặc trong câu chuyện hằng ngày (informal), ta có thể dùng “thằng Pháp”, “thằng Tây”, “thằng Mỹ”, “chúng nó” v.v. nhưng trong sách lịch sử, trong các bài báo hay luận văn nghiêm túc (formal), ta nên dùng “người Pháp”, “người Tây phương”, “người Mỹ”, “họ” v.v. Riêng đối với bà vợ của Toàn quyền Doumer thì lại càng không nên dùng “đứa”, “nó” để gọi bà này vì về sau ông chồng bà trở thành Tổng thống Pháp thì bà ấy cũng trở thành Đệ nhất phu nhân, con cháu của họ có thể đang giữ chức vụ quan trọng trong chính phủ hay quốc hội Pháp, mà ta gọi bà cố, bà nội của họ là “đứa”, “nó” thì e rằng không hay về mặt ngoại giao.

-Tác giả viết: “Vậy tình thế ở đây là anh thống trị - anh bị trị, anh vô học - anh có học, cái đít vịt - cái đầu rồng, đó là cái đáng gây cười.” Tác giả không phân tích sâu nên người đọc không hiểu yếu tố gây cười là chỗ nào. “Anh vô học” là anh nào? Ở một buổi xướng danh của một hội đồng thi thì làm gì có người vô học tham dự. Chỉ có bà Đầm được nêu nhưng chi tiết nào cho phép tác giả gọi bà Đầm là người vô hoc? Không lẽ chỉ vì cái mông to mà trở thành người vô học?

***

Khi phê bình một bài văn hay bài thơ, người phê bình nên nhập vai tác giả của bài văn, bài thơ đó. Hãy tưởng tượng một người vừa thi hỏng lại có mặt trong buổi xướng danh người thi đổ sẽ phẩn uất, thất vọng, bực tức ra làm sao?

 Một người đàn ông được vợ nuôi để học hành nhưng không tập trung vào việc học, lại ăn chơi trác táng, mang tiền của vợ để nhậu nhẹt và gái gú thì đó là một người hư đốn, vô lương tâm, vô trách nhiệm đối với gia đình. Một người như vậy cho dù có chút văn tài nhưng có đáng tin cậy không?

Theo tôi, nếu có giới thiệu thơ Trần Kế Xương trong chương trình phổ thông thì cũng chỉ giới hạn ít thôi bởi tư cách của nhà thơ này không phải là “tấm gương sáng để học sinh noi theo”.