Thứ Năm, 25 tháng 7, 2019

SỰ TÍCH CON CỌP - Chuyện dân gian Campuchia - Nguyễn Khắc Phước kể




SỰ TÍCH CON CỌP
Chuyện dân gian Campuchia

Ngày xưa có một vị Vua hùng mạnh cai trị một Vương quốc giàu có. Nhà Vua có một Hoàng hậu vừa xinh đẹp vừa khôn ngoan, bốn Đại thần trung thành và một Chiêm tinh gia luôn giúp nhà vua đưa ra những quyết định, ngoài ra còn vô số quan lại sẵn sáng thực hiện mệnh lệnh của nhà vua.

Khi tuổi càng cao, nhà vua càng lo nếu có một đội quân nên đến xâm chiếm, quân đội của ngài có thể bị thất trận.
Nhưng thật không may, cả Nhà Vua và bốn Đại thần đều không biết gì về ma thuật, những thứ rất cần thiết đẻ dành chiến thắng khi có chiến tranh. Vì thế, nhà vua rất lo lắng cho vương quốc của mình.

Một hôm, vào lúc sáng sớm, Nhà Vua cùng Hoàng hậu đến hoàng cung để thiết triều. Bốn Đại thần và Quan Chiêm tinh đều đến bái lạy và ngồi chầu. Sau khi mọi người yên vị, Nhà Vua phán rằng ngài muốn đi học ma thuật với Ti-sa-ba-mo-kha - vị thầy nổi tiếng ở vương quốc Ta-ka-si-la xa xôi.
Vì là lệnh của nhà vua nên Hoàng hậu và các quan đều răm rắp tuân theo, không ai có ý kiến gì.

Sau một tháng băng rừng lội suối, Nhà Vua và đoàn tùy tùng tìm được Ti-sa-ba-mo-kha và yêu cầu ông này dạy ma thuật cho họ.

Trong thời gian không lâu, Nhà Vua, Hoàng hậu và các cận thần được dạy nhiều ma thuật, họ có thể tự biến mình thành bất cứ con vật gì, kể cả thiên thần nữa.

Sau khi thầy giáo đã dạy hết tất cả các bài ma thuật, Nhà Vua quyết định trở về Vương quốc của mình. Ngài dẫn đầu, theo sau là Hoàng hậu, bốn Đại thần và quan Chiêm tinh.

Sau khi đi được bảy ngày, họ bị lạc trong rừng sâu. Họ ăn hết tất cả thực phẩm mang theo, và bắt đầu ăn trái rừng và rể cây.

Nhà Vua lo sợ bị chết đói nên họp các quan lại và nói: Có lẽ chúng ta sắp chết vì không còn gì để ăn. Bây giờ phải làm sao?” Quan Chiêm tinh thưa: “Tâu Bệ hạ, có lẽ chúng ta nên dùng ma thuật đã học được để tự biến chúng ta thành cọp, lúc đó chúng ta sẽ bắt thú rừng để ăn. Khi về đến gần Vương quốc, chúng ta sẽ biến trở lại thành người.” Nhà Vua và mọi người đều đồng ý.

Nhà Vua lại hỏi Quan Chiêm tinh: “Vậy theo ngươi, mỗi chúng ta biến thành phần nào trong con cọp?”

Quan Chiêm tinh thưa: “Tâu Bệ hạ. Ngàì là bậc uy quyền cao nhất Vương quốc, là người trị vì trăm họ, vậy Ngài phải là cái đầu để ra lệnh và chỉ huy. Người cận kề bên Bệ hạ là Hoàng hậu có tấm thân dẻo dai xinh đẹp sẽ là thân của con cọp. Bốn Đại thần khỏe mạnh là trụ cột của Vương triều sẽ là bốn chân, còn hạ quan xin làm cái đuôi để xem hướng nào tốt có nhiều mồi.”

Mọi người đồng ý và đọc thần chú. Ngay sau đó, một con cọp xuất hiện và và vì quá đói, nó liền chạy đi săn mồi.

Trong rừng đầy muông thú, nó là con vật khỏe nhất, có thể bắt bất cứ con nào để ăn bất cứ lúc nào, không bao giờ thiếu thốn lương thực. Con cọp trở nên mạnh khỏe, to béo và tất cả các loài vật trong rừng tôn nó làm Vua duy nhất, không có Vua nào khác mang quân đến tấn công nó. Con cọp quá sung sướng đến nổi chẳng bao lâu nó quên Vương quốc của nó và chẳng muốn trở lại làm người.

&&&

Câu chuyện dân gian trên của người Campuchia không chỉ nói về sự tích con cọp mà còn có ẩn dụ khá sâu sắc..

Để bảo vệ Vương quốc, Nhà Vua và các Đại thần không ngại khó khăn tìm cách học phương cách. Trong khó khăn, họ cũng biết đoàn kết để vượt qua. Thế nhưng khi đã đạt được quyền lực cao nhất, sung sướng, hạnh phúc, họ chỉ nghĩ đến bản thân và quay lưng lại với dân chúng của họ.

NKP kể theo http://www.chanbokeo.com.

Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2019

CON THỎ Ở VÙNG XANH | Truyện ngắn HASSAN BLASIM (Iraq) | Nguyễn Khắc Phước dịch.





Hassan Blasim là nhà làm phim, nhà thơ, nhà văn viết truyện ngắn sinh tại Iraq năm 1973. Ông tốt nghiệp trường Nghệ thuật Điện ảnh tại Baghdad.
Năm 1998, dưới thời Sadam Husein, ông rời Baghdad để sang sinh sống ở vùng do người Kurd tự trị. Ở đó ông làm phim The Wounded Camera (Máy ảnh Bị thương) và cũng vì phim này mà năm 1999 ông phải rời bỏ Iraq để để được an toàn. Ông nhập cư bất hợp pháp qua nhiều nước và cuối cùng định cư ở Phần Lan năm 2004.
Tập truyện đầu tay của ông viết bằng tiếng Ả Rập, Jonathan Wright dịch sang tiếng Anh dưới tên The Madman of Freedom Square (Người điên ở Quảng trường Tự do) xuất bản ở Anh năm 2009, giành được giải  English PEN Writers. Tập truyện thứ hai:The Iraqi Christ (Chúa Kitô của Người Iraq, Jonathan Wright dịch), xuất bản tại Anh 2013 và dành được giải Independent Foreign Fiction Prize, 2014. Cả hai tập truyện trên được dịch ra nhiều thứ tiếng khác. Tập truyện thứ ba: The Corpse Exhibition (Triển lãm Xác chết) xuất bản tại Hoa Kỳ, 2014.
Báo The Guardian (Người Bảo vệ) đánh giá “trong số những nhà văn Ả Rập hiện còn sáng tác, có lẽ Hassan là nhà văn vĩ đại nhất.”

CON THỎ Ở VÙNG XANH
Truyện ngắn
HASSAN BLASIM (Iraq)
Nguyễn Khắc Phước dịch.
(Đã đăng trên NON NƯỚC số 255, tạp chí sáng tác nghiên cứu phê bình, văn học nghệ thuật của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Đà Nẵng.)

Trước khi cái trứng xuất hiện, hằng đêm, tôi thường đọc sách luật hoặc tôn giáo trước khi ngủ. Giống như con thỏ của tôi, tôi thường hoạt động vào lúc sáng sớm hoặc hoàng hôn. Salsal, trái lại, thường thức khuya và dậy vào giữa trưa. Trước khi bước ra khỏi giường, hắn thường mở máy tính xách tay, đăng nhập Facebook để kiểm tra những bình luận gần nhất về cuộc thảo luận tối hôm qua, rốt cuộc hắn đi tắm. Sau đó, hắn vào nhà bếp, mở radio để nghe tin tức trong khi chiên trứng và pha cà phê.Hắn thường mang đồ ăn sáng ra vườn, ngồi ở cái bàn dưới cái ô, vừa ăn uống, vừa hút, vừa theo dõi tôi.
“Chào Hajjar. Mấy cây hoa đó sao rồi?
“Năm này nóng nên nó không chịu lớn,”  tôi trả lời hắn khi đang tỉa bụi hoa hồng.
Salsal đốt thêm một điếu thuốc nữa và mỉa mai cười con thỏ. Tôi không hiểu sao con thỏ lại làm hắn bực mình. Bà Umm Dala mang nó về. Bà nói tìm thấy nó trong công viên. Chúng tôi quyết định nuôi nó trong khi bà Umm Dala tìm chủ của nó. Con thỏ đã ở với chúng tôi một tháng rồi và tôi đã ở với Salsal hai  tháng trong cái biệt thự xinh đẹp này ở phía bắc của Vùng Xanh. Biệt thự nằm riêng biệt, có tường cao bao quanh và cái cổng được lắp đặt một một hệ thống an ninh điện tử tinh vi. Tôi không biết khi nào giờ G sẽ đến. Salsal là tay chuyên nghiệp, trái lại, người ta gọi tôi là tay mơ vì đây là chiến dịch đầu tiên của tôi.
Ông Salman thường đến thăm chúng tôi mỗi tuần một lần để kiểm tra xem chúng tôi ra sao và trấn an chúng tôi về dủ thứ chuyện. Ông Salman thường mang vài chai rượu và ít nhựa cần sa. Ông thường kể những chuyện chính trị hài hước và nhắc nhở chúng tôi về sự bí mật và quan trọng của chiến dịch. Ông Salman này cùng liên minh với Salsal nên không tiết lộ nhiều bí mật với tôi. Cả hai đều nhấn mạnh cái yếu kém và thiếu kinh nghiệm của tôi. Tôi không để ý đến họ nhiều lắm. Tôi bị dìm trong nỗi cay đắng của cuộc đời và tôi muốn cả thế giới này bị hủy diệt cùng một lúc.
Umm Dala thường đến mỗi tuần hai ngày. Bà mang cho chúng tôi thuốc lá và lau nhà. Có lần Salsal làm bà ta bực mình. Nó chạm vào mông của bà khi bà đang làm món cải cuốn thịt. Bà ta đập muỗng và mũi nó và làm nó chảy máu.Salsal cho bà nghỉ việc và sau đó không nói gì với bà nữa. Bà là một phụ nữ ở tuổi năm mươi, có năm con và rất tháo vát. Bà tuyên bố rất ghét đàn ông, cho rằng họ là một lủ ich kỷ đáng khinh. Chồng bà từng  làm việc cho công ty điện lực nhà nước, nhưng bị ngả từ trên cột đèn xuống và chết. Ông ta là kẻ say sưa và bà thường gọi ông là con sâu rượu.
Tôi làm cho con thỏ một cái chuồng ở góc vườn và chăm sóc nó rất kỹ. Tôi biết thỏ là loài nhạy cảm, cần phải giữ sạch sẽ và cho ăn no. Tôi đọc được điều này hồi còn học cấp hai. Tôi bắt đầu ham đọc sách từ hồi mười ba tuổi. Thoạt đầu, tôi đọc thơ Ả Rập cổ điển và nhiều truyện dịch từ tiếng Nga. Nhưng chẳng bao lâu tôi lại chán. Ông hàng xóm của tôi làm trong Bộ Nông nghiệp và một hôm tôi đang chơi với Salam - con trai của ông – trên sân thượng nhà họ, tôi tình cờ thấy một cái hòm gỗ, trên phủ nhiều thứ rác. Salam cho tôi biết bí mật trong đó. Hòm gỗ đựng đầy sách về cây trồng và phương pháp canh tác và vô số bách khoa từ điển về thực vật và côn trùng. Bên dưới loại sách đó là những tạp chí tình dục có hình các cô đào Thổ-nhĩ-kỳ. Salam cho tôi một cuốn tạp chí nhưng tôi cũng lấy một cuốn về những loài cọ trồng ở nước tôi. Sau đó tôi không cần chơi với Salam nữa. Tôi thường lẻn từ nhà tôi sang sân thượng nhà họ để thăm cái thư viện trong hòm gỗ. Tôi thường lấy một cuốn sách và một tạp chí và trả lại những thứ tôi đã mượn. Sau đó, tôi mê đọc sách về động và thực vật và thường đến các tiệm sách để tìm sách mới, cho đến khi tôi bị bắt buộc phải gia nhập quân đội.
Tuy nhiên, cái thú đọc sách của tôi cũng khá kỳ cục. Tôi hăm hở khi bắt gặp một thông tin mới. Tôi bám vào chi tiết đặc biệt và bắt đầu tìm những thông tin liên quan và những phiên bản khác trong những sách khác. Tôi nhớ có lần tôi dò tìm theo chuyện hôn hít. Tôi càng đọc càng hoa mắt với chủ đề này. Nhiều thí nghiệm chứng tỏ rằng loài tinh tinh nhờ hôn mà giảm được căng thẳng, mệt mỏi và lo sợ. Người ta chứng minh rằng khi có con vật lạ xuất hiện trong lãnh thổ của đàn, tinh tinh cái thường vội vã đến ôm và hôn bạn tình của mình. Sau một thời gian nghiên cứu, tôi tình cờ phát hiện một kiểu hôn khác, kiểu hôn dài lâu xứ nhiệt đới. Một loài cá nhiệt đới hôn nhau khoảng nửa giờ hoặc lâu hơn nữa mà không ngừng nghỉ. Trong những năm đen tối dưới thời cấm vận, tôi chẳng nhớ gì ngoài việc ngốn sách. Điện thường bị cắt hai mươi giờ mỗi ngày, đặc biệt là sau loạt không kích của Mỹ vào dinh thự của tổng thống. Vào lúc nửa đêm, tôi vào giường nằm thoải mái, và nhờ ánh sáng đèn cầy, tôi tình cờ khám phá một kiểu hôn khác của một loài côn trùng gọi là reduvius, dù thực ra chúng chẳng hôn nhau. Loài côn trùng này chỉ thích miệng ngưởi đang ngủ. Chúng bò ngang qua mặt và tìm đến khóe miệng, ngừng lại và bắt đầu hôn. Khi hôn, chúng tiết ra chất độc dưới dạng những giọt vô cùng nhỏ. Nếu một người khỏe mạnh đang ngủ bình thường, anh ta sẽ thức dậy và thấy miệng mình nhận cái hôn bằng chất độc cỡ chừng bốn hạt mưa.
Tôi trốn khỏi quân đội. Tôi không thể chịu đựng cái hệ thống nhục nhã đó. Ban đêm tôi làm việc ở một tiệm bánh. Tôi phải trợ cấp cho mẹ và năm đứa em. Tôi mất hứng thú đọc sách. Đối với tôi thế giới trở thành con vật thần thoại không thể hiểu nổi. Một năm sau tôi bỏ trốn, chế độ đã bị lật đổ và tôi không còn sợ bị trừng phạt vì đào ngũ. Chính phủ mới bỏ chế độ quân dịch. Khi vòng xoáy bạo lực và thủ tiêu giữa các phái tôn giáo bắt đầu, tôi dự định bỏ nước và trốn sang Châu Âu, nhưng vào thời gian đó họ giết hai người em của tôi khi đang đi làm về từ xưởng đóng giày phụ nữ. Một tài xế taxi đã chở hai đứa đến một điểm kiểm soát giả. Những dân quân thuộc nhóm Allahu Akbar đưa chúng tới một bãi đất trống và dùng khoan điện để khoan nhiều lổ trênthân thể chúng, rồi sau đó chặt đầu chúng. Chúng tôi tìm thấy thi thể hai em trong một đống rác ở rìa thành phố.
Tôi hoàn toàn suy sụp tinh thần và bỏ nhà ra đi. Tôi không thể chịu đựng vẻ sợ hãi  trên mặt mẹ và các em tôi. Tôi mất hết phương hướng và không biết mình phải làm gì trên cõi đời này. Tôi thuê một phòng trong một khách sạn tồi tàn cho đến khi bác tôi đến thăm và đề nghị tôi hợp tác với giáo phái của ông. Để báo thù.
Những ngày hè dài và buồn tẻ. Biệt thự hết sức đầy đủ tiện nghi, có bể bơi và phòng tắm hơi. Nhưng đối với tôi hình như nó là một ảo ảnh tráng lệ. Salsal chiếm một phòng trên tầng hai, còn tôi bằng lòng với cái mền, cái gối trên cái trường kỷ ở giữa phòng khách rộng thênh thang nơi có cái tủ sách. Tôi muốn canh chừng khu vườn và cổng ngoài của biệt thự phòng chuyện bất trắc có thể xảy ra. Trên những kệ sách, những con vật bằng gỗ tếch sắp đặt theo kiểu dáng gợi lại những vật tổ của Châu Phi. Những con vật cũng nằm ở giữa nhóm sách tôn giáo và sách luật. Ngay khi trời vừa tối, tôi thường kiếm chút gì ăn rồi nằm lỳ trên cái trường kỷ, hồi tưởng về những sự kiện trong đời, rồi lấy một cuốn sách và đọc một cách lơ đễnh, tâm hồn để đâu đâu.  Cái thế giới ở trong đầu tôi giống như cái lưới nhện phát ra tiếng  âm u, cái âm u của một cuộc đời sắp chấm dứt. Đôi cánh mỏng manh hốt hoảng vỗ lần sau cùng.
Tôi thấy cái trứng ba ngày trước khi ông Salman thăm chúng tôi lần cuối. Hôm ấy tôi thức dậy lúc sáng sớm như thường lệ. Tôi lấy nước sạch và thức ăn và đi kiểm tra anh bạn thỏ của tôi. Tôi mở chuồng và nó nhảy ra vườn. Có một cái trứng trong chuồng. Tôi nhặt cái trứng lên và xem xét. Không thể là trứng gà bởi nó nhỏ hơn nhiều. Cảm thấy lo lắng nên tôi đến ngay phòng của Salsal. Tôi thức hắn dậy và kể cho hắn nghe. Salsal cầm cái trứng, nhìn nó một chặp rồi cười tỏ vẻ xem thường.
“Hajjar, mầy đừng làm trò giỡn với tao đấy nhé,” hắn nói và đưa ngón tay trỏ vào mặt tôi.
“Mầy nói sao? Tao đâu có đẻ cái trứng này!” tôi nói quả quyết.
Salsal dụi mắt, đột ngột nhảy ra khỏi giường rồi chửi tôi một trận. Hai chúng tôi cùng đi về phía cổng và kiểm tra hệ thống an ninh. Chúng tôi kiểm tra các bức tường và tìm kiếm khắp vườn và tất cả các phòng. Không có dấu hiệu gì bất thường. Nhưng sao lại có một cái trứng trong chuồng thỏ! Chỉ có thể ai đó đã chơi xỏ chúng tôi, lẻn vào biệt thự và bỏ một cái trứng bên cạnh con thỏ.
“Có lẽ đó là trò bịp do con mụ Umm Dala bày ra. Quỷ tha ma bắt mầy và con thỏ của mầy đi,” Salsal nói, và rồi im lặng. 
Cả hai chúng tôi đều biết rằng Umm Dala bị ốm và đã không đến thăm chúng tôi suốt tuần qua. Chúng tôi sợ gấp đôi bởi vì chẳng có súng ống gì trong nhà. Chúng tôi không được cấp súng cho đến ngày thi hành nhiệm vụ.  Thỉnh thoảng có những cuộc lục soát bất thường khiến mọi người lo ngại bởi Vùng Xanh là khu vực của chính phủ và hầu hết những nhà chính trị ở trong đó. Chúng tôi sống trong biệt thự này và giả vờ là bảo vệ của một nghị sĩ. Salsal nổi nóng và đòi tôi giết chết con thỏ nhưng tôi từ chối và bảo hắn rằng con thỏ chẳng có liên quan gì với chuyện này.
“Thế không phải con thỏ của mầy đẻ cái trứng đó sao?” hắn tức giận nói khi đi lên lầu về phòng mình.
Tôi pha cà phê và xem con thỏ ăn phân của chính nó. Người ta nói phân thỏ có nhiều sinh tố B  được tao ra bởi những bộ phận bé tý trong ruột của nó. Một lúc sau, Salsal trở lại, mang theo cái máy tính xách tay của nó. Nó lầm bầm một mình, thỉnh thoảng chửi ông Salman. Nó nhìn trang Facebook của nó và nói phải cách giác 24/7. Hắn đề nghị tôi cùng ngủ trên tầng hai với hắn vì ở đó dễ theo dõi cổng và các bức tường hơn.
Chúng tôi tắt hết đèn và ngồi trong phòng của Salsal, chốc chốc thay phiên nhau đi kiểm tra quanh biệt thự.
Hai đêm trôi qua không có gì đáng ngờ. Biệt thự chìm trong vẳng vẻ, yên lặng. Khi ở trong phòng với Salsal, tôi biết được rằng hắn đăng ký Facebook dưới tên Chiến tranh và Hòa bình và dùng hình Tolstoy vẽ bằng than làm hình đại diện. Hắn có hơn một ngàn bạn Facebook, hầu hết là nhà văn, nhà báo và nhà trí thức. Hắn thường thảo luận với họ và giả vờ làm  một người hâm mộ thông minh. Hắn bày tỏ ý kiến và phân tích những vụ bạo lực trong nước một cách từ tốn và khôn ngoan. Ngay cả nó cùng tôi tìm kiếm tính cách của Quyền Bộ trưởng Bộ Văn hóa. Hắn nói ông này có văn hóa, nhân đạo và đặc biệt rất thông minh. Vào thời gian đó, tôi không thích nói về Quyền Bộ trưởng. Tôi bảo nó rằng những người làm công việc như chúng tôi không nên chat chít trên gì trên mạng. Nó tỏ ra chuyên nghiệp, nhìn tôi vẻ xem thường và nói, “Mày cứ lo chăm con thỏ đẻ trứng của mày đi, Hajjar.”
Khi ông Salman thăm chúng tôi lần cuối, Salsal bộc lộ hết giận dữ trước mặt ông, kể cho ông ấy nghe về chuyện cái trứng thỏ. Ông Salman chế nhạo câu chuyện của chúng tôi và loại bỏ mọi nghi ngờ về Umm Dala. Ông bảo đảm rằng bà ấy rất thật thà và làm việc với ông nhiều năm. Nhưng Salsal buộc tội ông phản bội và bắt đầu đấu khẩu với ông, còn tôi khi đó chỉ ngồi theo dỏi họ. Sau cuộc cãi lộn, tôi rút ra kết luận rằngtrong thế giới thủ tiêu vì chính trị và bè phái tôn giáo này người ta thường bị lừa vì những lợi ích lớn hơn. Trong nhiều trường hợp, các nhóm phái thường cho nhau mướn những kẻ giết thuê mà không đòi hỏi gì cả như là một phần của những thỏa thuận rộng hơn về địa vị chính trị hoặc để che đậy một vụ tham những cỡ lớn nào đó. Nhưng ông Salman từ chối tất cả cáo buộc của Salsal. Ông ta yêu cầu chúng tôi bình tỉnh vì vụ ám sát mục tiêu sẽ xảy ra trong hai ngày nữa. Chúng tôi vào ngồi trong nhà bếp và ông Salsan giải thích kế hoạch đến từng chi tiết. Ông lôi trong xách ra hai khẩu súng ngắn có bộ phận hãm thanh và nói chúng tôi  sẽ được trả tiền ngay sau chiến dịch và sẽ được đưa đến một nơi ở rìa thủ đô.
“Cái trứng thỏ. Hừm, này tay mơ. Bây giờ mầy trở thành tay nói đùa giỏi lắm,” Salman nói nhỏ với tôi trước khi ông ra về.
Vào đêm cuối cùng, tôi cùng Salsal thức khuya. Tôi lo cho con thỏ vì có vẻ như Umm Dala còn nghỉ phép lâu lắm. Con thỏ sẽ chết vì đói khát. Salsal vẫn bận rộn với Facebook như thường lệ.  Tôi đứng gần cửa sổ để nhìn ra vườn. Hắn nói hắn đang thảo luận với Quyền Bộ Tưởng Bộ Văn hóa về bạo lực giáo phái và những nguyên nhân của nó. Từ Salsal, tôi biết rằng ông bộ trưởng này là một nhà văn dưới thời Saddam Hussein,đã viết ba cuốn tiểu thuyết về đạo Sufi. Một hôm ông và vợ ông dự tiệc tại một ngôi nhà nhìn ra sông Tigris của một kiến trúc sư giàu có. Vợ ông đẹp, hấp dẫn và thông minh như ông. Bà quan tâm tìm hiểu về các bản viết tay cổ của Đạo Hồi. Giám đốc An ninh, một người bà con của tổng thống, cũng là khách mời của buổi tiệc.
Sau buổi tiệc, Giám đốc An ninh ra lệnh cho bộ phận giám sát đọc những tiểu thuyết của ông nhà văn này. Sau vài ngày họ ném ông này vào tù vì tội kích động chống Nhà nước. Giám đốc An ninh mặc cả với vợ của nhà văn để đổi lấy tự do cho chồng bà. Khi bị bà từ chối, Giám đốc An ninh cho người của ông ta hãm hiếp bà vợ ngay trước mặt nhà văn. Sau đó bà ấy sang Pháp và biến mất. Họ thả nhà văn vào giữa thập niên 1990 và ông ta sang Pháp để tìm vợ nhưng không tìm thấy tông tích của bà. Khi chế độ độc tài sụp đổ, ông về nước và được mời làm Quyền Bộ trưởng Bộ Văn hóa. Câu chuyện về cuộc đời của nhà văn giống như một truyện phim của Bollywood nhưng tôi không hiểu sao Salsal lại biết quá nhiều về ông ta như vậy. Tôi cảm thấy hắn khâm phục nhân cách và sự uyên bác của ông này. Tôi hỏi hắn ông ấy thuộc giáo phái nào. Hắn không chú ý đến câu hỏi của tôi. Rồi tôi cố kéo hắn về chuyện làm sao để nhận ra mục tiêu nhưng Salsal đáp rằng tôi là thứ tân binh tay mơ, chỉ việc lái xe còn chính Salsal mới là người bắn bằng khẩu súng hãm thanh.
Sáng hôm sau, chúng tôi đợi trước bãi đậu xe ở trung tâm thành phố. Mục tiêu được dự tính sẽ đến bằng xe Toyota Crown màu đỏ và ngay khi chiếc xe ấy vào trong bãi, Salsal sẽ ra khỏi xe, đi bộ theo hắn vào bên trong và bắn hắn. Rồi chúng tôi sẽ lái xe đến một nơi mới ở vùng ven thủ đô. Vì thế nên tôi mang theo con thỏ và nhốt nó trong thùng xe.
Salsal nhận một tin nhắn bằng điện thoại di động của hắn  và mặt hắn trắng bệch. Đáng ra chúng tôi không nên đợi mục tiêu hơn mười phút. Tôi hỏi hắn mọi việc có ổn không. Hắn chửi thề và vỗ đùi. Tôi lo lắng. Sau một chút do dự, hắn đưa điện thoại hắn cho tôi xem hình một con thỏ ngồi trên cái trứng. Đó là một tấm hình tào lao dùng photoshop. “Mầy biết ai gởi hình này không?” hắn hỏi.
Tôi lắc đầu.
“Quyền Bộ trưởng Văn hóa,” hắn nói.
“Cái gì!!?”
“Quyền Bộ trưởng là mục tiêu.”
Tôi ra khỏi xe, sôi máu vì sự ngu xuẩn của Salsal và sự điên cuồng của chiến dịch bẩn thỉu này. Hơn mười lăm phút trôi qua và mục tiêu không xuất hiện. Nó cũng ra khỏi xe và bảo tôi kiên nhẫn đợi thêm chút nữa, bởi vì cả hai chúng tôi đang bị nguy hiểm.  Nó vào lại trong xe và cố gắng liên lạc với Salman. Tôi đi bộ đến một cửa hàng gần đó để mua một gói thuốc lá. Tim tôi đập thình thịch như đang giận đến muốn phát điên. Ngay khi tôi vừa đến cửa hàng, chiếc ô tô nổ bùng sau lưng tôi và bốc cháy, thiêu con thỏ và Salsal thành than.
H.B.
(Dịch từ bài The Green Zone Rabbit đăng trên trang WORDS  WITHOUT BORDERS:




Thứ Ba, 2 tháng 7, 2019

ĐI XE ĐẠP KHI TRỜI GIÓ | Outhine Bounyavong (Lào)




Outhine Bounyavong là một trong những nhà văn đương đại nổi bật nhất ở Lào. Ông sinh năm 1942 ở  Sayabouri, một tỉnh ở miền tây bắc Lào. Mặc dù được học dưới mái trường thời thuộc địa, được giảng dạy bằng tiếng Pháp, và môn văn học chỉ tập trung vào các tác phẩm của người Pháp nhưng Outhine là một trong những nhà văn viết bằng tiếng Lào đầu tiên đương đầu với những ảnh hưởng tàn khốc của chế độ thực dân và những khó khăn trong việc duy trì những giá trị truyền thống của Lào.

Những truyện ngắn của ông trong tập Mother’s Beloved (Con Yêu Dấu Của Mẹ) mô tả bức tranh sinh động của đời sống xã hội đang thay đổi của người Lào, qua đó ông nêu cao những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của nhân dân Lào. Truyện của ông ca ngợi đức tính đơn giản, lòng nhân ái, sự tôn trọng tuổi tác và những tập quán làng bản của người Lào. Ông phê phán công nghiệp hóa và hiện đại hóa đã đánh mất những giá trị ấy. Ông cảnh báo việc phát triển kinh tế dẫn đến suy thoái môi trường. Ông lên án nạn tham nhủng đã tạo nên một nhóm nhỏ thượng lưu giàu có đối chọi lại với đa số dân nghèo. Ông cũng chê bai thói ích kỷ và tôn thờ vật chất. Sự tàn khốc của chiến tranh cũng là một trong những chủ đề của ông.





ĐI XE ĐẠP KHI TRỜI GIÓ

Outhine Bounyavong (Lào)

Người dịch: Nguyễn Khắc Phước.



Đi xe đạp mà gặp trời gió thì thiệt mát mẻ.

Tôi thường tự an ủi bằng cách nghĩ như thế. Mặc dù thoải mái nhưng chắc chắn là không hấp dẫn bằng đi xe máy hay ô tô, đặc biệt là khi trời mưa to hay nắng nóng. Dẫu sao, cứ mỗi lần đạp đến nóng người và mệt lã mà có một ngọn gió hiu hiu thì tôi cũng thích lặp lại với chính mình:

Đi xe đạp mà gặp trời gió thì thiệt mát mẻ.

  rất mệt khi đạp xe trong thời tiết nóng thế này, tôi cũng cảm thấy thương những người phải đợi bên đường. Tôi nghĩ mình nên chở giúp họ bởi có lẽ họ phải chịu nắng nóng nhiều hơn tôi. Tuy nhiên tôi không dám đề nghị vì tôi chẳng biết ai, hơn nữa, hoàn cảnh tôi cũng khó khăn. Đề nghị giúp đỡ người khác khi mình có địa vị cao hơn: đang đi xe máy hoặc ô tô mà chở giúp người ta thì thích hợp hơn.

Thế rồi một hôm tình cờ có một người chịu đi xe đạp với tôi.

“Chào anh bạn, sức khỏe thế nào? Lâu lắm rồi tôi không gặp anh đấy nhé. Cho tôi đi nhờ với, được không?” Anh ta vẩy tay ra hiệu cho tôi ngừng lại và chào hỏi thân mật. Tôi ngạc nhiên không biết mình đã gặp anh chàng này ở đâu nhưng vì anh ta tiến đến và chào hỏi thân thiện nên tôi cũng phải đáp lại như vậy. Thế là một trọng lượng hơn năm chục ký thêm vào bánh xe sau và tôi phải đạp mạnh hơn mới làm cho nó quay.

“Vậy anh đi bao xa?” tôi hỏi.

“Ồ, không xa lắm. Chút xíu là tôi xuống thôi.”

 “Tôi không thể chở anh xa hơn hai cây số bởi tới đó là nhà tôi, được chứ?” tôi cho anh biết trước.

“Ồ, tôi sẽ xuống trước khi tới đó,” anh ta đảm bảo với tôi.

Suốt quãng đường đó, anh ta cứ thao thao về việc tại sao anh phải đi bộ đến chỗ làm hôm nay. Nhà anh vốn có hai xe đạp nhưng một cái bị hỏng và chiếc kia thì vợ anh ta dùng để chở quà về thăm làng của chị. Rồi anh ta khen chất lượng của xe tôi, rằng nó khỏe, dễ đạp và chẳng tốn sức để nhảy lên… Suốt thời gian anh nói, tôi chỉ nghe và tự hỏi: Anh là ai? Tên gì? Tự nhiên hỏi lý lịch người ta như vậy cũng kỳ. Có thể anh sẽ trả lời, “Ủa, anh không nhớ tên bạn cũ à?” Có lẽ anh ta là một người quen cũ của tôi. Nghĩ vậy nên tôi im lặng mà đạp xe đi.

Chẳng bao lâu anh ta kêu, “Tới rồi, tới rồi! Tôi xuống nhé.” Tôi không cần phải ngừng xe. Tôi quay lại để nhìn kỹ anh ta  trước khi chia tay. Anh ta cám ơn và vẩy tay chào tỏ vẻ thân mật. Tôi gật đầu và tiếp tục đi. Vì tôi nghi ngờ trí nhớ của mình nên không quy kết anh ta là người lạ dạn dĩ. Ờ, mà nếu anh ta là người lạ thì sao nào? Có hại chi đâu. Thực ra, tôi cảm thấy sung sướng khi được giúp một người hoàn toàn xa lạ đến nơi nhanh hơn anh ta phải đi bộ. Ít nhất cũng giúp anh ấy đỡ mệt. Giúp đỡ người khác cũng là niềm vui. Tuy nhiên con người có lòng tự trọng, niềm kiêu hãnh và lối ứng xử cố định trong giao tế xã hội có thể nhận thấy khi tiếp xúc với người khác, đặc biệt là ở những thành phố lớn. Người cần giúp đỡ nhưng không dám hỏi vì sợ bị người ta khinh. Người muốn giúp đỡ lại ngần ngại vì sợ bị hiểu lầm. Thế nên người cần giúp và người muốn giúp không gặp nhau mặc dù họ đang đi trên một con đường.

Nhiều ngày sau, khi đang trên đường về nhà dưới cái nắng tháng Năm nóng bức, tôi thấy một ông lão đứng bên đường.  Mắt ông cứ lo lắng nhìn theo những chuyến xe qua. Khi tôi đến gần, đôi mắt ấy hướng về tôi. Nét mặt và đôi mắt của ông toát lên vẻ mong được giúp đỡ. Tôi dừng xe và đến gần ông.

“Dạ thưa, bác về đâu ạ? Cháu đang về nhà ở Sikhay. Nếu bác muốn thì cháu chở bác về nhà ạ.”

“Ồ, vâng. Cho tôi đi với.”

Vậy là tôi chở thêm một người lạ hoắc bằng xe đạp của tôi. Người này ở xa hơn nhà tôi nhưng tôi cũng quyết định chở đến nơi luôn rồi quay về nhà mình. Tôi cảm thấy vui  và tự nói với mình:

Đi xe đạp mà gặp trời gió thì thiệt mát mẻ.

Một lần khác, tôi được giao giữ một chiếc xe máy. Một người bạn nhờ tôi chăm sóc chiếc Honda màu xanh lục của anh  khi anh ấy đi công tác về một vùng quê. Vì anh ấy độc thân, sống trong cư xá công nhân nên anh để tôi sử dụng chiếc xe máy khi anh đi vắng. Thế là hằng ngày chiếc Honda trở thành phương tiện đi làm của tôi và tôi chăm sóc nó rất kỹ, tránh bị mất cắp hoặc bị hư. Trong hai tuần tôi làm chủ chiếc xe đã xảy ra nhiều chuyện hài hước vì sự bất cẩn của tôi và vì tôi muốn khoe khoang thì đúng hơn.

Tôi gặp một chị khoảng ba mươi, có lẽ hơn tôi chừng bốn hoặc năm tuổi. Lúc ấy chị đang đợi xe đò ngoài nắng. Chị đang vẩy tay để ngừng xe. Thoạt đầu tôi nghĩ chị vẩy tôi  nhưng đến khi thấy chiếc ô tô chậm lại mới vỡ lẽ. Chiếc xe đò không ngừng vì đã đầy khách. Thế nên tôi đổ xe gần chị và nói: “Cái taxi đó đầy rồi nên nó không ngừng. Chị có muốn tôi chở không?  Tôi sẽ đưa chị về nhà.”

“Kỳ chưa! Sao tôi lại đi với anh?” chị thụt lùi và tỏ vẻ không đồng ý.

“Chị không phải trả tiền. Tôi chỉ chở giúp chị mà thôi,” tôi thật thà trấn an chị.

“Không mất tiền tôi cũng không đi với anh, cho tiền tôi cũng không!”

“Tôi thấy chị đứng dưới nắng nóng, và thực tâm muốn giúp chị.”

“Thôi, được rồi. Nhưng đừng hòng chuyện gì khác nhé. Cảm ơn, à không, không cảm ơn.”

Tôi chẳng nấn ná mà phóng đi ngay lập tức, chẳng nhìn lui. Thái độ của tôi đã bị hiểu lầm. Tôi chẳng đánh giá gì người phụ nữ đó. Từ chối đi với người lạ là đúng.

Chị ta cẩn thận và cảnh giác. Tại sao một người phụ nữ đàng hoàng lại ngồi sau xe một người lạ hoắc? Cái câu  “Cảm ơn, à không, không cảm ơn” của chị cứ lảng vảng trong đầu tôi.

Không, tôi chẳng bực mình vì bị hiểu nhầm. Tôi cố nén để khỏi bật cười khi còn đang chạy xe. Nhưng tôi không từ bỏ việc giúp người bởi tôi tin ý định của mình là chính đáng. Nếu không thành công lần đầu, tôi sẽ thử lần hai xem thế nào. Nếu lần hai mà không được hoan nghênh thì tôi sẽ không cố nữa.

Vào một buổi sáng đang trên đường đi làm bằng xe máy như thường lệ, khi đến huyện Hua Muong, tôi thấy một phụ nữ trẻ đang đứng bên đường, một tay cầm cặp lồng đựng thức ăn. Tôi giảm ga để chạy chậm lại và cuối cùng chiếc xe ngừng cách chỗ chị kia không xa. Tôi xuống xe và làm bộ sửa chữa chỗ này chỗ kia một lúc. Rồi tôi thử khởi động xe, và vì chẳng hư gì nên máy nổ ngay. Tôi quay nhìn chị kia, thấy chị có vẻ đang rất lo lắng làm sao để đến nơi cho nhanh. Vậy nên tôi hỏi: “Xin lỗi, chị đang đợi ai, phải không?”

“Ờ ờ... đang đợi xe đò,” chị trả lời không thoải mái lắm.

“Nếu chị cần đi gấp thì tôi chở chị đi, được không?”

“Ờ ờ… đại để là mang thức ăn cho mẹ ở bệnh viện.”

“Chị có muốn tôi chở chị đi hay không?”

Quá vui vì đề nghị  của tôi, chị nhận lời và cảm ơn. Tôi chở chị đến cổng bệnh viện. Chị xuống xe và lẩm nhẩm cám ơn lần nữa. Và rồi chúng tôi mỗi người một hướng. Tôi đến chỗ làm sớm hơn năm phút. 

Sau hai tuần, bạn tôi về và lấy lại xe máy. Chiếc xe vẫn còn nguyên như  khi anh ấy giao cho tôi. Bạn nói sẽ sẵn sàng vui vẻ cho tôi mượn bất cứ khi nào tôi cần. Chúng tôi là bạn thân từ thời học sinh. Thế là tôi trở lại với chiếc xe đạp của mình. Khi tôi thấy người cao tuổi đợi bên đường, tôi thường mời họ cùng đi nếu họ đi cùng hướng và không quá xa. Có người từ chối có lẽ vì họ thấy ngồi trên yên sau xe đạp không êm ái gì cho lắm. Tuy nhiên tôi không mời chở bất cứ phụ nữ nào trừ khi họ yêu cầu.

Vào một tối thứ Bảy, tôi đến bệnh viện để thăm cháu tôi bị sốt xuất huyết. Bệnh dịch này đã lan đến Viengchan  ba tháng rồi. Đợt bùng phát này bắt đầu từ tháng Năm 1987 và lan khắp nước, được xem là nặng nhất từ trước tới nay.

Bác sĩ đưa ra nhiều biện pháp phòng tránh cũng như cách  chăm sóc người bệnh. Trẻ con được khuyên nên uống nhiều nước như nước dừa, nước chanh và nước trái cây khác.

Một nhóm chừng năm, bảy người đang tụ tập gần khoa nhi. Người thì đi chăm sóc con cháu, kẻ thì mang đồ đạc đến cho người bệnh. Họ nói đủ thứ chuyện. Người ta trao đổi về cách chữa bệnh truyền thống, về các tiệm thuốc tây, về việc đi lại…

“Nếu con tôi được chăm sóc ngay ban đầu, có lẽ nó không nặng thế này đâu. Phương tiện chở đi khó khăn quá. Nó bị sốt chiều hôm trước, nhưng đến ngày hôm sau mới có xe để đưa nó đi viện!” một người lo lắng than thở.

 “Tôi không dám liều vậy đâu. Khi thằng bé hơi bị sốt là tôi chạy đến chú ấy ngay. Rất may là hàng xóm có ô tô. Bất cứ khi nào có trẻ ốm là chúng tôi nhờ chú ấy. Chú tử tế lắm và thường đưa chúng tôi đến đây hết sức nhanh chóng!” một người khác nói với vẻ biết ơn. 

 “…Ai? Tôi hả? Tôi đến đây để hiến máu cho cháu tôi nhưng rủi thay tôi không cùng nhóm máu với cháu, vậy nên tôi quyết định hiến máu cho cháu nằm bên cạnh. Mọi người đều cần máu. Ước gì tôi có nhiều máu để ai cần thì cho.”

Rồi giọng một bà nói: “Tôi cũng vậy. Việc đi lại đối với tôi rất khó khăn. Tôi làm gì có nhiều tiền để đi bằng xe đò mãi thế này, đặc biệt là tôi có hai đứa cùng đau một lúc. Ngày hôm kia, con gái lớn của tôi đợi xe đò để đến đây mãi mà không có. Thế rồi một chú đi xe máy ngừng lại và ngỏ ý chở giúp nó nên nó đến đây thật nhanh. Quý chị thấy đấy, trên đời vẫn còn nhiều người tử tế lắm.”

Thật khó tin người đi xe máy đó là tôi vì cái việc đó đã xảy ta nhiều tháng trước. Có thể bà ấy cần có chuyện để nói và cứ lặp đi lặp lại cùng một chuyện, khiến dường như nó vừa mới xảy ra hôm qua hoặc hôm kia. Thực sự tôi không nghĩ bà ấy nói về tôi. Có thể một người khác đã chở giúp con gái bà ấy. Tuy vậy, tôi cũng cảm thấy vui  khi được nghe chuyện về những người tử tế và hào phóng.

Thế nên bất cứ lúc nào đi xe đạp, cho dù đôi khi không có gió, tôi vẫn thấy mát trong lòng.

Outhine Bounyavong



Dịch từ bài “Sacrifice” đăng trên trang Lao Short Stories - http://www.seasite.niu.edu/lao/LaoLiterature/short_stories/Laoshortstory.htm.