Thứ Tư, 28 tháng 9, 2022

NHƯ CHƯA HỀ ĐOÀN TỤ - Truyện ngắn

 

Truyện ngắn

NHƯ CHƯA HỀ ĐOÀN TỤ

Nguyễn Khắc Phước

 

Buổi trưa ở thị trấn Prao, huyện Đông Giang. Trời nắng như đổ lửa nhưng học sinh đa phần là con em đồng bào Cơ-tu đi học về chẳng có em nào đội nón. Chúng tôi chỉ mất chừng năm phút để đi xe máy giáp vòng thị trấn, cuối cùng cũng kiếm được quán cơm duy nhất đói diện với một cơ quan nhà nước. Mặc dù đã vào giờ ăn trưa nhưng quán vắng ngắt. Trước quán có có một xe máy mang biển số Đà Nẵng của một người khách duy nhất đang ngồi ăn trong quán.  Tôi đưa tay chào để làm quen:

-Chào anh bạn từ Đà Nẵng nhé. Chúng tôi cũng từ đó lên đây.

Vậy là chúng tôi bắt đầu chuyện trò vui vẻ.

Đức là một người thích du lịch bằng xe máy, ngày nay gọi là “đi phượt”. Một mỉnh một xe máy, anh đã đến rất nhiều nơi, từ Lạng Sơn đến Cà Mau. Có lần anh sang Lào và vài nơi ớ Thái gần biên giới Lào.

Việc đi lại với anh có phần thuận lợi nhờ anh có bạn khắp nơi vi có một thời anh là tài xế xe tải, thưởng chở hàng hoá trong đó phần lớn là lốp xe của DRC - Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng đến các đại lý trong nước. Thế nhưng vì chuyện gia đình nên anh đã nghỉ việc gần mười năm nay.

Chuyện của Đức kể ở Prao chỉ đến đó khi chúng tôi rời quán ăn và Đức tiếp tục cuộc hành trình của anh.

Vài tháng sau, khi tôi được bạn mời vào họ nhà trai đến thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn để dự tiệc cưới và rước dâu về Đà Nẵng, tôi lại gặp Đức ở một quán cà phê. Tôi rủ Đức tối ở lại ngủ với tôi vì phòng còn dư một giường ở một khách sạn được trang bị khá cao cấp dành cho những tay buôn vàng và sâm Ngọc Linh.

Tối hôm đó, sau khi thử món thịt rừng với rượu ba kích, hai đặc sản của thị trấn miền núi này, chúng tôi về khách sạn và Đức kể tiếp câu chuyện của anh mà ở Prao chỉ mới khúc đầu.

Có một thời các thuỷ thủ ghé Nhật thường mua hàng nội địa cũ như máy giặt, máy điều hoà, máy cát-set mang về nước bán. Đức được thuê chở thứ hàng này nên anh ra vào cảng Đà Nẵng thường xuyên. Anh thường gặp Vĩnh là nhân viên thúế vụ ở đó. Hai người quen nhau rồi yêu nhau và tiến tới hôn nhân không mấy khó khăn vì cả hai đều có gia đình lâu đời ở trung tâm Đà Nẵng.

Cuộc sống tượng đối hạnh phúc, không thiếu thốn về vật chất cũng như tinh thần vi hai người chỉ có một cậụ con trai duy nhất.

Một ngày nọ, một bạn học cũ ở trường Phan Chu Trình mời Đức và hai bạn nữa vào TP HCM dự đám cưới của con trai anh ta. Một vài bạn cùng lớp khác cũng đến tham dự. Sau tiệc cưới, họ rủ nhau đến một quán nước để hàn huyên.

Đang ngồi cà phê, một bạn đứng dậy, bước nhanh ra đường và gọi một người phụ nữ đang đi ngang qua:

-Định, Định. Đức ở đây này.

Người phụ nữ kia quay lại và lớn tiếng mắng:

-Đừng có vớ vẩn nghe cha nội. Tui đâu phải Định mà kêu.

Đức bước ra xem chuyện gì và ngạc nhiên thấy chị kia giống vợ anh như đúc. Đức ôn tồn nói:

-Xin lỗi cô. Ông bạn của tôi nhầm cô với với vợ tôi vì hai người giống nhau như chị em sinh đôi vậy. Mong cô tha lỗi.

Người phụ nữ bớt giận và hỏi:

-Anh tử đâu đến?

-Từ Đà Nẵng.

-Tôi nghe mẹ nói tôi một người em sinh đôi ở Đà Nẵng đã mất liên lạc được từ 1972. Biết đâu vợ anh là em ruột của tôi.

Hai người nói chuyện một lúc và người phụ nữ kia mời anh đến nhà để mẹ chị gặp và trao đổi cho tường tận.

Đức xin địa chỉ và hứa ngày hôm sau sẽ đến vì hôm nay phải họp mặt với bạn bè mấy chục năm rồi mới gặp lại nhau.

Hôm sau, Đức tìm đến địa chỉ mà Vĩnh, người phụ nữ hôm qua gây lộn với bạn của anh, đã cho anh.

Tiếp anh là bà cụ đã trên 80 nhưng sức khoẻ còn khá tốt.

Mặc dù ở miền Nam mấy chục năm rồi, bà vẫn nói giọng Quảng Trị đặc sệt:

-Nghe con gái tui nói vợ chú ở Đà Nẵng giống hắn như tạc, mà hắn cũng có đứa chị sanh đôi mà năm 72 tui đã gởi người ta nuôi ngoài Đà Nẵng, từ đó đến chừ không liên lạc được vì mất tờ giấy ghi địa chỉ nhà cha mẹ nuôi.

Tay xách nách mang bốn đứa con chạy bộ từ Quảng Trị vào Huế. Bà và các con được một chiếc xe tải đưa từ Huế vào Đà Nẵng và cho bà và các con xuống tại trung tâm thành phố. Không nhớ chỗ đó là đâu. Đang lúc bơ vơ và đói lả, bà được một gia đình cho tá túc được vài ngày. Thời gian đó, có nhiều người cùng quê lang thang trên đường. Họ nói mấy trại tạm cư có phát gạo nên bà hỏi đường đến đó. Lúc rời nhà trọ, một trong hai bé sinh đôi, lúc đó mới hai tuổi, bị sốt nên ông bà chủ nhà trọ biểu để cháu ở lại để họ chăm sóc, ít bữa ổn định chỗ ở thì quay lại bồng cháu đi. Thế nhưng sau vài ngày ở trại tạm cư, có một chuyến xe duy nhất đến chở bà con đi kinh tế mới ở miền Nam, bà cùng ba con đành phải lên xe đi mà chưa kịp trở lại nhà trọ cũ để mang bé Định đi cùng.

Mọi chuyện đều như trên trời rớt xuống, Đức chẳng biết thực hư thế nào. Nếu thằng bạn của Đức không trông thấy Vĩnh thì không có chuyện rắc rối thế này.

Gia đình cha mẹ vợ của Đức là người gốc Đà Nẵng và gia đình anh cũng vậy. Vợ anh là người rất hiếu thảo, thường xuyên về nhà thăm cha mẹ ruột và bao giờ cũng mang theo quà biếu, không có dấu hiệu gì vợ anh là con nuôi.  Thế mà bây giờ lại xảy ra chuyện rắc rối, Đức không biết tính sao. Liệu anh có nên kể chuyện này với vợ và cha mẹ vợ?

Anh cảm thấy mình giống một nhân vật trong một truyện tương tự trong tập phim truyền hình Như Chưa Hề Có Cuộc Chia Ly của nhà báo Thu Uyên. Anh vốn là một tài xế, thường có phản ứng nhanh để giải quyết sự việc, vậy nên anh hứa với bà mẹ của Vĩnh sẽ mang chuyện bà kể vể thưa lại với cha mẹ vợ, thử xem sự thật thế nào, vợ anh là con ruột hay con nuôi của cha mẹ vợ.

Như Chưa Hề Có Cuộc Chia Ly kể về những cuộc sum họp gia đình rất cảm động, tưởng như chỉ có trong mơ, thế nhưng những gì xảy ra sau khi đoàn tụ thì mỗi gia đình mỗi cảnh, phim không bao giờ nói hết.

Về nhà, Đức vô tư kể lại chuyện trên cho vợ nghe. Sau đó, anh đến nhà cha mẹ vợ để hỏi chuyện ấy hư thực thế nào.

Đức được cha vợ dạy một bài học:

-Mầy là thằng ngu. Đang ăn yên ở yên, khi không mầy nghe chuyện tào lao ngoài đường lại cho là thực và đem về nhà thêm sinh chuyện. Giá như mầy im đi, chuyện đâu để đó, thì chẳng có chuyện gì rắc rối xảy ra. Ví dụ như mầy ra đường nghe ai đó nói thằng Tuấn không phải là con ruột của mầy, mầy có tin không? Rồi mầy nghe lời người ta tức tốc đi làm xét nghiệm ADN. Biết bao thằng làm như vậy nhưng chúng là những thằng ngu. Thằng khôn biết suy nghĩ thì không bao giờ làm vậy. Chăm sóc một đứa trẻ từ lọt lòng đến khi trưởng thành, biết bao nhiêu là công sức, của cải và tình yêu thương dành cho nó. Gia đình hạnh phúc, trên dưới thuận hoà.  Đùng một cái phát sinh chuyện xét nghiệm ADN, khiến gia đình tan nát. Kết quả nó là con ruột của mầy thì mầy cũng mất thằng con vì nó chẳng còn kính trọng mầy. Tình cảm vợ chồng mầy cũng sụp đổ vì mầy là kẻ tâm thần, đồng bóng, hoặc đang thực hiện âm mưu thâm độc bằng cách dựng chuyện để bôi nhọ danh dự gia đình. Nếu kết quả nó không phải là con ruột của mầy, vậy là công nuôi dưỡng của mầy bấy lâu thành công cốc. Công sinh sao bằng công dưỡng. Mầy mất một thằng con. Mầy biến một đứa trẻ có cha mẹ đàng hoàng thành đứa mồ côi. Có ác độc không? Có vô nhân đạo không? Mày chưa đến tuổi để ngộ ra rằng sinh ra một đứa trẻ là đưa một sinh linh vào vòng sinh lão bệnh tử. Nó phải tiêm đến 10 thứ  vắc-xin mới có thể sống sót. Rồi học hành, thi cử, kiếm công việc làm, thực ra là đi làm đầy tớ cho người ta chỉ để kiếm cái ăn, cái mặc, cái nhà … cũng giống như những sinh vật khác, thậm chí còn khổ hơn bởi những loài khác không có chiến tranh. Con ruột và con nuôi, chưa biết đứa nào có hiếu hơn đứa nào. Mầy không thấy hai đứa con ông Năm Giỏi nghe tin cha ốm tìm về, nhưng khi nghe nhà đã cầm cố để lấy tiền chửa bệnh cho cha thì hai đứa lặng lẽ bỏ đi.  Hoá ra chúng về chỉ  để chia gia tài. Ông Tám Khéo có một đứa con gái duy nhất lấy chồng ở nước ngoài, nay trên 80 rồi, mặc dù không thiếu thốn vật chất nhưng thiếu thốn tình cảm, thấy hai ông bà thui thủi, rất buồn. Nếu hồi trẻ ông bà xin một đứa con nuôi thì nay đã có người lui tới chăm sóc. Thế nên tao định khuyên vợ chồng bây nên xin một đứa con nuôi, gọi là làm phúc, làm phước để tạo nghiệp lành. Nuôi con gái càng tốt vì lớn lên mình gả chồng cho nó là hoàn thành nhiệm vụ.

 

Chuyện về vợ Đức có cô chị sinh đôi lắng xuống một thời gian  đến khi Tuấn, con trai của họ vào TP HCM dự thi vào đại học và vợ anh dẫn Tuấn đi, nhân tiện vào thăm bà mẹ và chị gái mà Đức đã đến thăm mấy năm trước.

Hai mẹ con trở về khi Tuấn thi xong. Vĩnh vui vẻ cho Đức biết là hai chị em đã đi xét nghiệm ADN và kết quả họ là chị em ruột. Đức dặn vợ phải giữ bí mật, không những không cho ông bà ngoại của Tuấn biết mà còn thường xuyên đến chăm sóc và tặng quà.

 

Tuấn đươc trúng tuyển vào Đại học Kiến trúc TP HCM và lên đường nhập học. Không lâu sau đó, Vĩnh nhắn tin Định vào gấp vì mẹ đau nặng, hai anh đã ở nhà riêng nên cần Vĩnh vào chăm sóc. Ngoài ra hai anh còn đồng ý để mẹ chuyển quyền thừa kế ngôi nhà cho Vĩnh để bù lại thời gian phải làm con nuôi.

 

Vĩnh lặng lẽ đi Sài Gòn, không báo cho cha mẹ, bây giờ là cha mẹ nuôi, biết vì sợ họ buồn. Thực ra, ông bà không buồn lắm, cho rằng mình đã làm tròn nhiệm vụ.

 

Vì mẹ bị tai biến và nằm liệt giường nên Định phải túc trực ngày đêm. Đức không đi Sài Gòn được vì một mình quản lý cửa hàng xe đạp và phải thường xuyên đến thăm và tặng quà cha mẹ nuôi của vợ, nói dối là quà của vợ gởi biếu ông bà ngoại.

Đức và Định dần dần thưa điện thoại hoặc nhắn tin cho nhau vì Định không cầm máy. Tuấn ra trường và kiếm việc ở Sài Gòn nên không về nhà. Trong thời kỳ dịch Covid 19, Tuấn nhắn tin bà ngoại đã mất ở bệnh viện, mẹ nó nhận được hủ tro cốt mà người ta nói là của bà ngoại.

  

Đức một mình ở nhà. Thỉnh thoảng đóng cửa hàng để đi phượt bằng xe máy. Thời gian thấm thoát đã gần mười năm vợ chồng anh không gặp nhau.

 

Được hỏi tại sao Định có thể quên gia đình cha mẹ nuôi và chồng dễ dàng như vậy, Đức nói có lẽ ở nhà cha mẹ nuôi, vợ anh cảm nhận được mình là con nuôi và quen với lối sống tử tế ngoài mặt mà xa cách trong lòng. Đến bây giờ, anh mới nhận ra vợ anh chỉ làm cho xong phận sự của một người vợ, người mẹ chứ không tích cực hay sốt sắng vào bất cứ việc gì. Trong lòng Vĩnh có lẽ chỉ ấp ủ một thứ mà thôi, đó là ước mơ có ngày được đoàn tụ với gia đình ruột thịt.

 

Được hỏi Đức có định tái giá hay quan hệ tình cảm với ai nữa không, anh dứt khoát nói không. Anh hài hước thêm:

-Mình đã yêu và cưới một phụ nữ yêu mình, có lý lịch và nguồn gốc rõ ràng, hoá ra họ chẳng yêu mình và lý lịch chắp vá. Mình chỉ cưới được cái xác chứ không cưới được cái hồn, ôm đươc cái thân chứ không ôm được cái tâm. Nếu không có Eva và con rắn thì Adam vẫn thong dong vui chơi trong vườn địa đàng chứ đâu phải xuống trái đất để lao động khổ cực và chưa ai nói hai người đó được ly thân. Còn mình được Thượng đế cho ly thân với Eva và đưa mình trở lại thiên đường rồi, không dại gì mà quay trở lại bể khổ trần gian ấy nữa. Chuyện của mình chưa có hồi kết nên nếu Thu Uyên đưa lên phim thì phải đặt tên là: Như Chưa Hề Có Cuộc Đoàn Tụ.

 

 

 

 

 

 

 


Thứ Hai, 26 tháng 9, 2022

NGƯỜI BẠN CŨ - Truyện ngắn của Nguyễn Khắc Phước



NGƯỜI BẠN CŨ 

Truyện ngắn của Nguyễn Khắc Phước 

 

Nếu không có buổi họp chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường thì tôi đã không có dịp gặp lại Khoa, người bạn cùng lớp, sau 40 năm cách mặt. 

Khoa ngồi cùng bàn với tôi từ những năm đệ nhất cấp sang đệ nhị cấp, sau đó, khi rời Quảng Trị vào Huế, mỗi thằng học mỗi trường, nó học luật, tôi học sư phạm, ở cư xá khác nhau. Phần tôi vì sợ quân dịch nên túi bụi lo chuyện học hành, thỉnh thoảng mới gặp nhau ở quán cà phê đường Trương Định, chỗ sinh viên thường hay lui tới. 

Khi tôi đến dự buổi hội trường thì không biết Khoa đang có mặt ở đó. Nó ngồi đối diện với tôi nhưng tôi không nhận ra. Chỉ khi anh đại diện ban liên lạc giới thiệu, chúng tôi mới ồ lên ngạc nhiên rồi tay bắt, mặt mừng. Sau buổi họp, tôi mời Khoa ra quán nước để tâm sự cho thỏa. 

Hồi trung học, nó không những là bạn thân của tôi mà còn định làm em rể của tôi bởi nó léng phéng tán tỉnh Thúy - cô em gái của tôi. Nó thường la cà đến nhà tôi, giả bộ trao đổi chuyện học hành với tôi, nhưng thực ra chỉ để gặp Thúy và tặng thơ tình mà nó hầu như luôn để sẵn trong túi. Thúy thường cho tôi đọc thơ của nó, nhưng vì tế nhị, tôi không bao giờ kể gì với Khoa, với lại, tôi cho đó là việc của trẻ con, không cần quan tâm. Tuy nhiên, tôi không phải là thằng tốt đẹp gì nên thường tỏ ra có quyền hành với nó, thế nhưng nó luôn tử tế với tôi. 

Mấy năm ở đại học, vì quá bận học hành nên tôi không biết hai đứa nó có còn liên lạc với nhau không. Nếu hai đứa nó đến được với nhau thì tôi cũng mừng vì Khoa có đến hai giấy hoãn dịch, một vì lý do gia cảnh vì nó là con trai độc nhất, một vì lý do học tập. Tôi mà rớt thì phải ra chiến trường, còn nó rớt thì chẳng hề hấn gì, vẫn tiếp tục học thoải mái. Thế nhưng khi tôi sắp hết năm thứ hai thì Thúy buồn bã bỏ ăn mấy ngày, hỏi ra thì Khoa đã bỏ lên rừng theo Mặt trận, chỉ để lại cho Thúy ít dòng. Hồi đó, chuyện sinh viên bỏ lên rừng theo cách mạng là chuyện thường, không ai ngạc nhiên. Riêng Khoa thì hơi ngạc nhiên vì chưa bao giờ nghe nó nói chuyện chính trị, chỉ biết làm thơ tình. Với lại, nó chẳng tham gia hoạt đông tranh đấu của sinh viên như viết báo hay ứng cử vào ban đại diện sinh viên. Và ba nó, vì một chân có tật, phải đi khập khiễng, nên bên nào cũng chê. Nếu tôi phải đi lính,  e rằng có lúc hai thằng chúng tôi đã bắn vào nhau trên chiến trường. 

Mọi chuyện đều đi vào quên lãng trong cái vòng xoáy của thời cuộc. Thời buổi chiến tranh, chỉ lo cái thân nay còn mai mất, hòa bình thì lo miếng cơm manh áo, nên trong suốt mấy chục năm, thú thật, tôi quên phéng nó. Quên cũng là may cho nó bởi nó đã khiến em gái tôi phải ốm tương tư một thời gian dài. Chỉ một hai năm gần đây, nhờ công nghệ thông tin nên các bạn cùng lớp lập một danh sách gởi về cho tôi, trong đó có tên Lê Chí Khoa kèm ghi chú: "Nghe nói ở miền Nam, không rõ địa chỉ." 

Bây giờ, thằng Khoa bằng xương bằng thịt với mái tóc muối tiêu dài kiểu nghệ sĩ đang ngồi trước mặt tôi bên bờ sông Thạch Hãn và kể về phần đời của nó mà tôi không hề biết tới. 

Khoa kể khi tổ chức đưa nó lên chiến khu (à, thì ra nó thuộc một tổ chức cơ sở hoạt động bí mật ở nội thành mà tôi không hay), sau một trận đánh, nó bị thương nhẹ, được đưa ra Hà Nội chữa bệnh và học tiếp, không phải luật mà là văn. Sau ngày giải phóng, tổ chức phân công Khoa về miền Tây, phụ trách báo chí. Trước khi đi, Khoa có về thăm nhà và thấy cha mẹ nó đang nuôi một bé trai lai, môi dày, da ngăm, nên nó khá bực tức. Bao năm đi đánh Mỹ bây giờ về nhà lại thấy trong nhà mình có thằng con của Mỹ, thật là trớ trêu. Nó thấy thằng bé cũng dễ thương nhưng lại sợ ảnh hưởng đến lý lịch trơn tru không dính dáng một chút gì đến chế độ cũ của mình, lại thuộc vào thành phần cơ bản, được chiếu cố. Khoa khuyên cha mẹ nên gởi thằng bé lại cho cô nhi viện, nơi cha mẹ nó tản cư đến tạm trú một thời gian, nhưng lúc đó, một vì phần cô nhi viện nơi nuôi thằng bé đã giải tán, một phần vì cha mẹ nó nhất quyết không chịu, nói: Bao năm ba mẹ không biết con sống chết thế nào, nên cố xin thằng bé về nuôi để sau này nhờ cậy nó, bây giờ để người khác nuôi, sao đành. Với lại, những người phụ trách cô nhi viện đã tin tưởng gởi gắm và mình lại chịu ơn họ nên không thể thất hứa. Mình đưa nó về nhà mình chớ nó đâu có tự đến. Mình không nuôi nó thì có người khác xin ngay. Hơn nữa, nó khỏe mạnh cùi cụi, dễ bảo, sai đâu chạy đó. học hành thông minh. 

Khoa đành khăn gói lên đường làm nhiệm vụ, không biết chuyện gì sẽ xảy ra cho mình nếu chuyện này lộ ra. 

Chừng hơn mười năm sau, Khoa được tin Minh - thằng em nuôi của Khoa - được xuất cảnh theo diện con lai, và vài năm sau thì cha mẹ Khoa được xuất cảnh theo diện gia đình có con lai, sang sinh sống với Minh ở nước ngoài. 

Hôm cha mẹ Khoa vào Sài Gòn ở nhà người bà con để chuẩn bị lên máy bay, vợ chồng Khoa và hai con có đến thăm để tiễn đưa. Đó là lần Khoa gặp cha mẹ gần nhất và cũng là lần cuối. Chừng sáu năm sau khi cha mẹ Khoa ổn định chỗ ở và có thẻ xanh, vợ chồng Khoa và hai con được bảo lãnh xuất ngoại. Mặc dù đã làm thủ tục gấy tờ đầy đủ, nhưng đến phút chót, Khoa quyết đinh để vợ và hai con lên máy bay, còn Khoa ở lại một mình, nói lúc nào có điều kiện sẽ sang. Lý do mà Khoa không muốn đi là do trước đây Khoa đã lỡ khuyên cha mẹ đuổi Minh, mặc dù Minh không hề biết. Điều cha mẹ Khoa mong mỏi trước đây bây giờ trở thành hiện thực và Minh đúng là một người con có hiếu. "Nó là một thằng con nuôi lai nhưng tốt hơn nhiều thằng con ruột, trong đó có tao," Khoa nói. 

Hai lần Khoa cần sang Mỹ nhưng đi không được vì đều bận công tác, đó là lúc cha nó mất vì tuổi già, rồi không lâu sau, mẹ nó cũng theo ông. Rồi vì chờ quá lâu,vợ Khoa làm đơn ly dị và lấy chồng khác. Khoa không nói nhiều về chuyện vợ nó ly dị, có lẽ bởi đó là chuyện khó tránh của nhiều gia đình có hoàn cảnh tương tự và tôi cũng tế nhị không hỏi gì thêm. 

"Mấy năm làm việc bân rộn nên không biết buồn, nay về hưu, cảm thấy trống trải quá. Chợt nhớ quê hương, bà con, bạn bè nên bò về thăm," Khoa nói. 

"Tại sao mầy không sang sống với hai con cho sướng?" tôi hỏi. 

"Sướng cái con khỉ chùa cầu thì có! Mình không thạo tiếng người ta thì chỉ có ngồi nhà xem ti vi suốt ngày. Thì cũng được đi, nhưng oái oăm là thằng rể và con dâu tao đều là người bản xứ, cha chúng nó đều đã tham chiến tại Việt Nam và đều đã chết trận, ai cấm chúng nó nghĩ có thể bố vợ và bố chồng chúng nó đã từng bắn nhau với cha chúng?" Khoa nói. 

"Người ta đang kêu gọi bỏ qua quá khứ, cùng nhau hợp tác, hướng đến tương lai, còn mầy cứ khư khư ôm dĩ vãng nặng nề đó làm gì. Giả dụ như mày có đánh nhau với cha chúng nó cũng là chuyện thường tình của chiến tranh. Hơn nữa, thời gian mầy trực tiếp chiến đấu không lâu," tôi nói. 

"Biết vậy nhưng đó là chuyện quốc gia, còn riêng mình vẫn cảm thấy khó ở. Trong trường hợp của tao, vì cùng là thành viên của một gia đình cùng chung sống dưới một mái nhà nên cái tâm của mình không thể thoải mái được," Khoa nói. 

"Nghĩa là bây giờ mày sống tự do một mình bằng lương hưu, lâu lâu có các con tài trợ, phải không? Thỉnh thoảng giao du với em út? Vậy thì có tiên mới sướng hơn mầy, còn đòi gì nữa?" 

"Nhưng vẫn thường trực cô đơn và không biết làm gì cho hết thì giờ," Khoa nói, 

Khoa chuyển đề tài: "Cho tao gởi lời xin lỗi Thúy và cả mầy nữa, dù muộn." 

"Mầy có lỗi gì đâu. Bỏ một người để lo cho triệu người là chuyện chính đáng," tôi nịnh nó. 

"Mầy lên lớp chính trị thì thua tao dù mầy là giáo viên dạy văn. Bây giờ Thúy ra sao, đang ở đâu, gia đình thế nào?" Khoa hỏi. 

"Nó đang ở với con gái trên Đà Lạt. Chồng nó mất lâu rồi." 

"Tôi nghiệp Thúy! Thôi được, mầy cho tao địa chỉ của Thúy. Sau ngày hội trường, tao sẽ đi Đà Lạt."

 

18/4/2012

Nguyễn Khắc Phước

Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2022

THƯ HỒI ÂM

 

Thư hồi âm

(30 năm trước)

 

Thế nào sang năm anh cũng về thăm

Để mừng sinh nhật em bốn sáu

Để mừng em đủ chồng con cháu

Để nghe lại giọng cười thuở mười sáu vẫn còn tươi


Còn nhớ không, sáng mùa xuân mình đi rong chơi

Con đường ven sông dịu dàng nắng gió

Em nhí nhảnh cười đùa nghiêng ngó

Như chim sâu trong vườn ổi ven đường


Và đẹp làm sao tuổi thiên đường

Khi lang thang qua đồi sim chiều nhạt nắng

Ngồi bên nhau sân giáo đường yên vắng

Em trong trắng thiên thần anh khờ khạo con chiên


Lại hẹn nhau trên cầu Trường Tiền

Dịu dàng bay tà áo trắng hồn nhiên

Anh trao em chùm phượng hống hái từ vườn cư xá

Em cài lên tóc một đóa làm duyên


Cánh phượng ép thuở nào hẳn không còn nguyên

Nhưng ký ức thuở hoa niên vẫn còn tươi rói 

Hai mươi năm biết bao điều chưa nói

Gặp nhau lần này tâm sự sẽ triền miên

1992