NHÀ THỜ HỌ
Truyện ngắn của Nguyễn Khắc
Phước
Bên kia đầm Thủy Tú, nhìn từ quốc lộ, là
một dãi xanh mờ gồm những làng chài nối tiếp nhau. Ngày xưa, dân chài ở đây nghèo
lắm. Họ đánh cá bằng ghe nhỏ, thúng, và kéo lưới ven bờ. Nhà họ là những mái
tôn tạm bợ, dễ dàng dựng lại sau cơn bão. Trong chiến tranh, người đi lính bên
này, kẻ bên kia, riêng thanh niên Trần Mẹo may mắn bị người ta chê vì đôi mắt
lé. Phụ nữ cũng chê lão lé và nghèo, chỉ đánh cá bằng cách kéo lưới ven bờ,
không có lấy một cái thúng, nên mãi đến quá nửa đời, sau chiến tranh, lão mới
lấy được vợ, một phụ nữ có chồng chết trận.
Những năm hòa bình mới lập lại cả nước, nhưng
làng này lại chẳng được yên. Dân thành phố đổ về đây thuê thuyền đi vượt biển.
Những chủ ghe, lúc đầu còn lưỡng lự, nhưng sau thấy được trả bằng vàng nhiều
quá bèn liều mạng chở họ ra biển. Trước khi đi, các chủ ghe đã bí mật tìm chỗ
chôn vàng và không quên dắt theo bà con để được vượt biên mà không mất tiền. Những
chủ ghe nghèo trở nên giàu có, và những gia đình khác có người thân ở nước
ngoài gởi tiền về cũng dần dà trở nên khá giả. Họ bắt đàu xây mộ, xây nhà. Khu
nghĩa trang của những làng này được người ta ví là những “thành phố ma” bởi vì
có quá nhiều lăng mộ cao lớn, rộng rãi, đủ kiểu dáng và màu sắc.
Tất cả đều đã đổi khác, giàu hơn, to hơn,
đẹp hơn. Riêng lão Mẹo thì không.
-Lâm
ơi, Lâm à. Dậy coi giấy mời có phải bữa ni họ Lê khánh thành nhà thờ không con?
Mới bốn giờ sáng mà lão Mẹo đã dậy, pha
xong ấm trà, thấy giấy mời trên bàn nước, bèn í ới kêu thằng cháu đích tôn.
Thằng cháu nội nói vọng từ giường của nó: - Đúng
đó, ông nội. Chín giờ sáng. Ông nội đi một chắc không được mô. Để con đi theo,
chắc chắn cũng được mời vô làm một bụng.
Vốn là một ngư dân nên đã gần chin mươi
mà lão còn khỏe. Trước đây, mỗi bữa lão ăn hai chén đầy, sáng còn ra biển tắm
một mình. Thế nhưng đúng cái ngày mở móng nhà thờ họ Lê, sức khỏe lão bắt đầu
suy sụp.
Là trưởng họ, nghĩ đến cái nhà thờ họ của
mình chỉ là cái nhà cấp bốn rộng đủ bỏ một cái ban thờ, lão nóng ruột.
Thực ra ba, bốn chục năm nay, lão thường
xuyên đau đáu về chuyện xây nhà thờ họ. Thấy người ta xây mộ, xây lăng, làm nhà
thờ tộc họ mà lão khổ tâm bởi giòng họ lão chẳng có ai làm quan chức, giàu có hay
Việt kiều.
Nói không ai trong tộc họ là Việt kiều
thì không đúng lắm. Có một người hiện đang ở Mỹ là Thảo, con gái của chú em
cùng chi với lão, gọi lão bằng bác thúc bá,
nghĩa là cha của hắn với lão cũng một ông cố.
Thời chiến tranh, lúc đó Thảo chưa tới
hai mươi, bỏ làng lên thành phố. Người làng đồn rằng hắn làm nghề trên đò, nói
nôm na là làm đĩ. Cái tin đó làm lão hỗ thẹn với bà con làng. Rồi nghe nói hắn được
một anh thông dịch viên đưa vào làm ở cửa hàng PX của Mỹ. Ở đây, hắn quen với
một phi công trực thăng của quân đội Mỹ và trở thành vợ chồng. Hết hạn quân
dịch, anh lính Mỹ này đưa hắn về Mỹ. Rồi hắn ly dị với anh chồng người Mỹ và
lấy một anh phi công ngưỡi Mỹ gốc Việt.
Lão không gặp lại Thảo kể từ ngày hắn rời
làng. Mọi người trong làng chẳng ai nhắc đến Thảo, và lão cũng quên hắn luôn.
Quên luôn đến hơn ba chục năm. Rồi ba năm trước, bỗng nhiên hắn gởi tiền về xây
mộ cho cha mạ hắn thật to. Điều khiến lão bực mình là mộ cha mạ hắn sát bên mộ
ông cố, hiện vẫn chỉ là cái nấm bằng xi-măng sơ sài. Ngày gia đình Thảo tạ mộ
có mời lão nhưng lão sai thằng con đi thay. Lão nói tau không không dự cúng giỗ
tiệc tùng bằng đồng tiền nhơ nhớp. Thằng con nói cha ở làng cả đời, không đi
lính và không hề lên thành phố thời đó thì biết chi mà nói. Chưa khi mô con
nghe mấy ông lính nói xấu gái làm tiền. Họ là chỗ dựa của nhau về vật chất lẫn
tình cảm. Lão huơ gậy nói mi biết chi mà bép xép lỗ mỏ. Có con chị như rứa mà
không biết nhục à? Mi định bênh cho chồng trước của mạ mi hay răng?
Không biết gia đình con Thảo có nói chi
với hắn không mà gần đây nghe nói hắn định gởi tiền về xây nhà thờ họ, nhưng
lão đánh tiếng từ chối.
Chuyện con Thảo xây mộ cho cha mẹ hắn chưa
quên, thì cách đây bốn tháng, nhà thờ họ
Lê nằm bên cạnh nhờ thợ họ Trần của lão bắt đầu khởi công xây mới.
Tài trợ chính không phải là
Việt kiều mà là Lê Tư, một đại gia trong họ. Lão không biết anh ta làm gì mà đi
xe sang trọng cùng đoàn tùy tùng về đo đạc, thiết kế và mời nhà thầu và thợ từ
thành phố về làm. Thằng con lão nói anh ấy khởi nghiệp bằng nghề buôn gỗ, lập
nhà máy xẻ gổ, và bây giờ là phó giám đốc một ngân hàng. Đất đai, khách sạn,
chung cư của anh tỉnh nào cũng có.
Từ ngày nhà thờ họ Lê khởi công, lão
không ra biển tắm nữa. Không muốn gặp ai. Lão kêu đắng họng và cơm chỉ mỗi bữa
một chén. Đêm thưởng thức khuya và húng hắng ho. Đi quanh sân phải chống gậy.
Lão buồn bực vô cùng mà không biết nói
với ai. Nói ra sợ con cháu nói mình ghen tuông với họ Lê. Thế nhưng lão cứ dày
vò vì nghĩ mình gần đất xa trời mà không xây được cái nhà thờ họ cho khang
trang để nở mày nở mặt với người làng, và khi xuống âm ty không bị tổ tiên la
mắng.
-
Chín giờ rồi ông nội ơi! Thằng cháu nhắc.
Từ khi nhận được thiệp mời, lão không
biết có nên đi hay không. Đi thì không biết khi nào mình xây được nhà thờ mới
để mời lại. Không đi thì người ta trách, bởi không chỉ vì lão là trưởng họ Trần
mà vì người làng đều là bà con ba bên bốn bề, không có mặt là không phải đạo.
- Mi lấy cái xách có để sẵn áo dài, khăn
đóng rồi dìu ông đi. Tới đó tau mới mặc, chớ mặc trước ở nhà, ra đường nóng
lắm.
Hai ông cháu đi chững mười phút là đến
nhà thợ họ Lê. Nhà tài trợ Lê Tư và các lão ông họ Lê đứng hai hàng ở cổng đón
chào khách.
Khi buổi tiệc vừa mới bắt đầu thì một xe
ô tô của công an đổ trước cổng. Ba ông công an đi vào và một người đọc lệnh bắt
và tạm giam Lê Tư vì tội trốn thuế và nhiều tội kinh tế khác. Họ còng tay Lê Tư
và dẫn ra xe.
Lão Mẹo đến vỗ vai thằng cháu đang ăn,
nói nhỏ:
-
Con cứ ngồi ăn, ông về trước.
-
Nhưng ông đi không vững, để con dìu ông về.
-
Không cần. Ông về một chắc cũng được.
-
Nhưng ông về chi sớm rứa?
-
Ông về nói gia đình con Thảo nhắn hắn gởi tiền về xây nhà thờ họ.
-
Nhưng ông chê tiền o ấy nhớp mà?
-
Nhớp nhưng sòng phẳng, không ăn cắp của ai.
Lão
Mẹo cởi áo dài, một mình len qua đám người nháo nhác trên sân và nhanh nhẹn
bước ra cổng. Lão không cần đến cái gậy nữa.
NKP
2 nhận xét:
Ôi, lão Mẹo ôi! Lão cứ chọn nếp mãi làm chi để rồi... mới thấy tẻ quý hơn nếp! Than ôi, già chưa hẳn đã thấu hiểu lẽ đời. Bác Phước ghi lại chuyện lão là đúng quá.
....Khi đã hiểu ra sự sòng phẳng,.....
Đăng nhận xét