Thứ Hai, 16 tháng 3, 2015

HỌ ĐÃ VIẾT TRUYỆN NGẮN NHƯ THẾ NÀO? (và nhiều bài khác)

HỌ ĐÃ VIẾT TRUYỆN NGẮN NHƯ THẾ NÀO?

Tạp chí Tuổi Ngọc phỏng vấn  nhà văn Võ Hồng  

Nguồn: VietSciences

Ông đã viết truyện ngắn như thế nào ?
    Câu hỏi có thể hiểu theo hai cách :
    a) Vào trường hợp nào ông viết truyện ngắn ?
    b) Hãy nói phương pháp viết truyện ngắn của ông.


    a) Hồi học tiểu học, tôi không có năng khiếu đặc biệt gì về Việt văn hết. Hồi đó Pháp văn được coi là tiếng mẹ đẻ, được dùng làm chuyển ngữ, chúng tôi phải làm luận bằng Pháp văn hồi mới lên lớp nhì. Nhưng tôi có cái duyên may là được đọc tuần san Tiểu Thuyết Thứ Bảy và Ích Hữu do môi giới người chị một anh bạn tôi. Lên trung học, giáo sư dạy Luận quốc văn một hôm có ban cho tôi một lời khen sau khi chấm bài luận : "Tôi nhận thấy có vài đóa hoa trong bài của anh". Tôi không sung sướng nhiều lắm bởi vài đóa hoa vu vơ nào đó, trong khi các bạn tôi lại tỏ ra vui vẻ một cách hăng hái thay tôi. Họ bày làm thủ báo (báo viết tay) và bắt tôi phải góp bài. Bài viết xong, một bản tôi đưa đăng trên báo nhà, một bản tôi gởi ra tòa soạn Tiểu Thuyết Thứ Bảy ở phố Hàng Bông Hà Nội : Tòa soạn chẳng thư từ liên lạc gì với tôi hết, nhưng chừng một tháng sau tôi bỗng thấy bài đó được đăng. Ðầu đề của truyện là Mùa gặt. Dưới bút hiệu là Ngân sơn (Ngân Sơn là tên làng của tôi. Năm đó tôi học troisième année (tương đương với lớp Tám thời nay). Buổi chiều thấy bài mình và tên mình được đăng trên báo, tối đó tôi đi lang thang khắp các phố, đi đến mỏi chân. Sướng quá hóa dại. Ngồi trong nhà chịu không được. Mà đi thì rốt cuộc cũng chẳng làm biết làm gì. Ðó, tôi bắt đầu làm quen với thế giới truyện ngắn một cách khá ngớ ngẩn như vậy.

    b) Thường, một truyện ngắn được khởi đầu bởi một hoàn cảnh nào đó : một sự việc xảy ra, một cảm xúc chợt đến... Người cầm bút xây dựng thêm nhân vật, tạo thêm tình tiết để câu chyện diễn biến hợp lý, tạo ra một cái gút và tìm cách để mở cái gút đó cho tự nhiên. Cái khó nhất là tìm cách mở gút (dénouement). Thiếu nó thì câu chuyện mất đi phần hấp dẫn, không thỏa mãn người đọc. Phương thức viết truyện ngắn cổ điển là vậy. Có truyện tôi viết ra được đến hai phần ba rồi bỏ đó vì không tìm ra một cái mở gút nào cho tự nhiên. Tôi bỏ mặc đó hai hay ba tháng, một hay hai năm. Rồi bỗng vào một lúc bất ngờ có một việc chi xảy đến mình chợt thấy rằng nếu đem sự việc đó ghép vào câu chuyện dở dang kia có được đoạn kết. Ví dụ truyện Trả thù. Tôi viết nó vì một hôm thấy cái đam mê bủn xỉn của một người đàn ông ngồi két thay vợ, chậm rãi chọn những giấy bạc bẩn và rách để thối lại cho khách hàng. Nhưng viết đến đó rồi thì sáng kiến kẹt cứng. Mở gút như thế nào ? Tôi đành bỏ mặc đó. Ba năm sau nhân dịp đi chấm thi ở Quảng Ngãi tôi gặp một cô giáo sư cùng giám thị một phòng với tôi. Khuôn mặt đó, giọng nói đó, màu áo đó và cái hoàn cảnh mà cô tâm sự cho tôi nghe đã giúp tôi tìm đoạn kết cho câu truyện bỏ dở dang ba năm trước. Truyện Rồi cây trái sẽ chín cũng đòi hỏi một thời gian dài từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc. Thời gian không dưới bốn năm. Tôi không bao giờ vội vàng khi viết văn. Những đoạn quan trọng của truyện, nơi tập trung kịch tính, tôi viết đi sửa lại nhiều lần. Làm sao cho sự kiện được diễn ra thật rõ, thật linh động tự nhiên. Chúng quan trọng như những khớp xương cần cho bộ xương hoạt động nhẹ nhàng, dễ dàng.

    Viết truyện ngắn khó hơn hay viết truyện dài khó hơn. Nếu khó, như thế nào ? Nếu dễ, như thế nào ?

    Mỗi lối có cái khó riêng của nó, nhưng đem so với nhau thì một truyện dài viết hay phải khó hơn một truyện ngắn viết hay. Bởi lẽ dễ hiểu là truyện dài đã dài gấp 10 lần, gấp 20 lần thì người viết phải gặp khó ít nhất cũng đến 10 hay 15 lần. Cố nhiên là đây không nói đến trường hợp một truyện ngắn viết hay so với một truyện dài nhảm nhí. Một truyện dài có thể được ví với một thân cây rườm rà và một truyện ngắn là một cành được nhọn. Ðược chọn vì cành đó có cái dáng đẹp hay và có nhiều nụ hoa đẹp ở đây được ngưng tụ lại trong một diện tích nhỏ. Một truyện ngắn hay, ít nhất cũng có thể xem như một bức tranh có giá trị. Người họa sĩ sẽ chọn một góc của cảnh (tĩnh cảnh hay hoạt cảnh) một nét của người thể hiện nó ra bằng màu sắc. Người xem tranh xúc cảm, suy nghĩ, và bắt tư tưởng của họa sĩ. Họa sĩ đâu cần phải vẽ cả "một truyện dài bằng tranh". Huống chi so với một bức tranh vẽ thì truyện ngắn có khả năng đạo đạt tình cảm và tư tưởng đến người đọc hơn nhiều. Nhưng nói như vậy không phải chúng ta hạ thấp giá trị của truyện dài. Trái lại, truyện dài bao giờ cũng thể hiện đầy đủ tư tưởng của tác giả hơn. Nhưng truyện dài đòi hỏi công phu xếp đặt lâu hơn, vần mạch lạc, cần dài hơi... thế mà cuộc đời rộng lớn phức tạp cứ đập mạnh, đập tới tấp vào cảm quan người viết dưới nhiều vẻ khác nhau, trái ngược nhau nữa. Người viết thấy cần phải ghi lấy, cần phải nói lên, trong những trường hợp này thì thể truyện ngắn là thể thích hợp nhất để họ nói ý nghĩ của họ. Không ai chối cãi là thể truyện ngắn thật quá ngắn để nói hết tư tưởng. Nhưng bình tâm mà xét thì biết bao nhiêu mới hết ? Người viết truyện ngắn có tài và người viết truyện ngắn thông minh đều cùng cảm thông với nhau rằng : truyện ngắn giống như băng sơn (iceberg), phần nổi trên bể của một băng sơn thường chỉ là một phần mười của toàn khối. Chín phần mười giấu ở dưới mặt nước. Thấy một phần mười mà biết được cả mười phần, đọc truyện ngắn như vậy không thú sao ?

   Theo ông, những nhà văn Việt Nam nào viết truyện ngắn hay nhất, xin kể vài tác giả và tác phẩm của họ.

    Thời tiền chiến, trong nhóm Tự lực văn đoàn có Khái Hưng, Thạch Lam, trong nhóm Tân Dân có Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nguyễn Công Hoan. Thời hậu chiến, số nhà văn đông đảo hơn nên những người viết truyện ngắn hay cũng nhiều hơn. Bạn mới tập viết có thể học cách bố cục tình tiết một truyện nơi ông Bình Nguyên Lộc, ông Nguyễn Mạnh Côn, ông Hoàng Hải Thủy, học cách phân tích tâm lý nơi ông Võ Phiến, ông Dương Nghiễm Mậu, ông Nguyễn Ðình Toàn, học cách sử dụng ngôn ngữ nơi bà Túy Hồng, ông Mai Thảo, ông Sơn Nam. Ðó là những nhà văn trong danh sách Tuổi Ngọc đã chọn để phỏng vấn lần này. Còn nhiều vị viết hay nữa, mỗi người một vẻ.

    Truyện ngắn nào của ông được ông ưng ý?

    Thiệt khó mà nói đích xác mình ưng ý nhất truyện nào của mình. Bình thường mỗi truyện mình yêu một cách. Truyện Bên đập Ðồng Cháy được coi như có kỹ thuật vững. Truyện Con suối mùa xuân bâng khuâng dịu dàng như một dòng suối mát. Truyện Trầm mặc cây rừng làm tôi nhỏ mắt ngậm ngùi.

    Trong một cuốn sách bàn về nghệ thuật viết văn, ông Nguyễn Hiến Lê đã viết, đại ý : truyện dài là nhiều truyện ngắn kết hợp lại. Ông nghĩ sao ? Và từ câu trên, ông có chấp nhận định lý đảo : Truyện ngắn là một phần rút ra từ truyện dài ?

    Tôi chưa đọc cuốn sách nói trên của ông Nguyễn Hiến Lê nên chưa thể phê bình quan niệm của ông. Còn nếu căn cứ theo tóm tắt của Tuổi Ngọc rằng "... truyện dài là nhiều truyện ngắn kết hợp lại" thì tôi không đồng ý. Một truyện dài không thể là nhiều truyện ngắn kết hợp lại được. Cái định lý đảo có thể tạm chấp nhận được. Nhưng mà phải nói một cách khác. Ví dụ  "có thể rút từ truyện dài một đoạn để làm truyện ngắn". Có thể chớ không phải luôn luôn.

    Những người viết trẻ bây giờ thường thích viết truyện ngắn, ông có thể nói cho họ nghe một vài kinh nghiệm của ông ?

    Truyện ngắn, gọi đơn giản như vậy nhưng nó bao gồm nhiều thể, nhiều trường phái. Vậy kinh nghiệm của tôi thường chỉ giúp ích cho tôi thôi hoặc may ra thì có thể giúp chút ít cho bạn trẻ nào thích viết loại truyện ngắn như tôi vẫn thường viết.

    a)  Lúc mới tập viết, người viết thường hay chủ quan, nghĩ rằng câu chuyện của mình kể là hay lắm trong khi thực tế thì đến 80 phần trăm chuyện kể mang một nội dung nghèo, nhảm. Nữ sinh đệ nhất cấp thì ưa đưa ra hai nhân vật là hai cô bạn thân, rồi mẹ một cô bị bệnh, rồi cô kia lén ban đêm đến giúp thuốc men, rồi người mẹ lành mạnh, rồi hai cô cảm động cầm tay nhau. Nam sinh đệ Nhị cấp thì thường đưa ra một nhân vật nam thầm yêu một cô bạn của mình, rồi họ xa nhau, rồi họ bâng khuâng gặp lại nhau, vừa đủ để trao đổi một chút nghẹn ngào. Tôi nghĩ rằng nội dung câu chyện nên có một chút hấp dẫn nào đó, một sự khám phá nào đó (về tâm lý chẳng hạn).

    Những bạn mới viết chừng như không mấy chú ý mấy đến việc xây dựng cốt truyện, hoặc là họ thưởng thức cốt truyện của họ với nhiều chủ quan. Nhân vật thường là họ và người họ yêu. Họ chỉ kể lại chuyện gặp gỡ, chuyện nhớ nhung và chỉ bấy nhiêu đó thôi đã đủ đặt họ vào một không khí êm đềm sương khói, ấm áp ngọt ngào. Họ quên nghĩ rằng độc giả là kẻ xa lạ, lạnh lùng khách quan. Ðộc giả đòi hỏi tìm biết trong khi người viết đã thỏa mãn bằng những ý nghĩ và những kỷ niệm chủ quan của mình rồi.

    b)  Về hình thức phô diễn, - tức hành văn - một số bạn trẻ có vẻ coi thường, viết sao cũng được, miễn người đọc hiểu câu chuyện. Tôi thì không nghĩ vậy. Tôi thấy các tác giả luôn tìm những hình ảnh phô diễn mới, những dụng ngữ mới.

    Có lần tôi muốn tả đôi mắt của nhân vật Annie (truyện Con suối mùa xuân). Tôi không chịu dùng chữ trong, chữ sáng, chữ long lanh một cách đễ dãi. Tôi loay hoay tìm một hình ảnh lạ, mới để mô tả. Không dễ đâu. Tôi thay đổi chỗ ngồi, bỏ bàn viết ra ngồi ở xa lông. Lúc đó cơn mưa vừa tạnh. Nền trời sáng. Tôi nhìn ra cửa sổ nơi có hàng cây mãng cầu và cây mận. Tôi nhìn những giọt nước đọng ở đuôi lá. Nhìn từ trong cửa sổ, giọt nước phản chiếu ánh sáng long lanh. Bất chợt tôi tìm ra được hình ảnh rồi. Tôi viết : "Annie ! Ðôi mắt long lanh như hai giọt nước treo ở đuôi lá na lá mận được nhìn qua ánh sáng của khung cửa sổ..."

    Một mùa hè tôi về Ðà Lạt nghỉ chơi vài tuần . Ðem khuya vắng lặng, lắng nghe hạt sương rơi lộp độp từ mái nhà xuống sân, tôi chợt liên tưởng đến những giọt nước mắt, đến đêm lạnh, đến nỗi cô đơn của tôi. Và tôi viết  : "...Sương từng giọt từ mái bếp tôn lộp độp rơi xuống mặt đất. Giọt nước mắt của Ðêm. Những người buồn chắc sẽ cô đơn khi Ðêm tối cùng chung chia giọt nước mắt của họ..." (Bên kia đường).

    Các tác giả đều là những kẻ khéo tạo ra hình ảnh, khéo pha chế ngôn từ. Funck Brentano tả một buổi chiều : "Sương chiều xuống. Những mảnh kính cửa ở từng gác cao các ngôi nhà dọc bờ sông và mặt trời chiều đã đốt cháy, lần lần tắt từng mảnh một và giải ánh sáng ở chóp các ngọn tháp nhà thờ Ðức Bà, cùng lúc càng nhạt và mỏng, lướt dần vào đêm..."

    Muốn có chi tiết độc đáo thì điều kiện trước tiên là phải quan sát, quan sát thật kỹ, vì chỉ quan sát thật kỹ mình mới tìm thấy đặc điểm của vật mình tả. Ðại văn hào Flaubert dạy đệ tử của ông rằng : "Khi anh đi qua trước một ông chủ tiệm chạp phô đang ngồi ngoài cửa, qua trước anh gác cổng đang hút thuốc, qua một bến xe ngựa, anh hãy tả lại ông ông chủ tiệm, anh gác cổng đó, hình thù, dáng điệu làm sao cho tôi khỏi lầm với một ông chủ tiệm nào khác , một anh gác cổng nào khác. Và bằng một chữ thôi, anh làm sao cho tôi phân biệt con ngựa kéo xe mà anh tả để tôi khỏi lẫn lộn với năm chục con ngựa đang chạy trước nó hoặc  chạy sau nó."

    Có bạn sẽ nói "Tôi chú trọng nghệ thuật vị nhân sinh chứ không chấp thuận nghệ thuật vị nghệ thuật ". Tôi xin thưa "Nhưng trước hết, bạn có nghệ thuật chưa ? Có nghệ thuật chưa để mà vị cái này hay vị cái khác?"

    c)  Ðối với các bạn nói giọng miền Nam, có một khó khăn khá lớn dành cho các bạn mỗi khi các bạn sắp đặt cho các nhân vật đối thoại với nhau. Các bạn thường có khuynh hướng để nhân vật nói giọng Bắc. Lối đó phổ thông quá mà! Ca sĩ hát giọng Bắc đã đành (giọng Bắc phát âm rõ, tương đối dễ nghe) đến mấy chữ "Xin cám ơn quí vị. Ðể đáp lại thịnh tình của quí vị tôi xin..." mà cũng phải trọ trẹ giọng Bắc. Diễn giả nói chuyện trọ trẹ giọng Bắc. Ðến cả các nhân vật trong truyện, một bà già ở miệt ruộng Sa Ðéc, một anh lính nhà quê ở Quảng Ngãi Ðồng Sơn mà cũng nhé, cũng chán quá cũng vâng ạ thì thật là ngọng nghịu vụng về. Các bạn nên viết văn đối thoại cho tự nhiên. Cũng nhớ tránh văn hoa, lai căng nữa. Tôi nhớ có đọc ở một nơi nào đó, một bà mẹ nhà quê thấy con gái trang điểm lộng lẫy liền ôm chầm lấy con mà khen : "Ồ ! Con của mẹ đẹp lộng lẫy quá. Ðẹp như một nàng công chúa vậy.". "Con của mẹ" chắc được dịch từ "ma fille". Không biết bao nhiêu là lỗi trong một câu nói như vậy.

    Khi mô tả, thuật sự ta phải tránh đường mòn lối cũ (chẳng hạn nói Xanh như tàu lá, chim hót véo von, trên vạn nẻo đường đất nước v.v...) còn khi viết đối thoại thì phải rập đúng y nguyên lối nói thông thường, sát đúng với hoàn cảnh tâm lý, giai cấp và địa phương của nhân vật đó.

    d)- Truyện của bạn viết xong gởi đi các tòa soạn mà không được nhận đăng, các bạn cũng đừng vội buồn, đừng vội nản lòng. Hãy kiên trì hơn nữa, đọc thêm các tác giả lớn (cả Việt Nam lẫn ngoại quốc), tập phân tích tâm lý thêm tinh vi, tập quan sát cảnh, vật, người thêm sâu sắc. Thành công quá sớm không phải là điều đáng mừng vì luôn luôn có những sơ hở khi mình chưa nhiều kinh nghiệm. Lời nói bay đi chớ chữ in thì cứ nằm sờ sờ ra đó. Muốn chối bỏ không được, muốn sửa lại cũng không được nữa. Con người mỗi tuổi mỗi thêm khôn. Ðiều viết ra hôm nay thấy hay, một năm sau thấy dở, ba năm sau thấy tệ. Mong các bạn nhớ cái thực tế đó để tránh vội vàng.

    Một hôm tôi vào dạy một lớp, thấy học sinh dùng cuốn sách giảng văn trong đó có trích văn của tôi. Tôi chợt lo lắng hỏi thầm : "Chẳng biết bài văn trích của mình có hay không ? Thực tế có còn hay như hồi mình mới viết, mình mới quan niệm không ?" Và tôi lo lắng thật sự. Tôi cho học trò chép bài học trên bản vào vở, lợi dụng thì giờ đó tôi mượn một cuốn Giảng Văn, đi xuống cuối lớp, lén mở đọc bài văn trích của tôi. Tôi hồi hộp, tim đập khá rộn. Mặc dù bài văn đã kinh qua sự chọn lựa của soạn giả, - mà tôi không quen, - nghĩa là có sự bảo đảm về vô tư, mặc dù cuốn sách được tái bản nhiều lần và mặc dù tôi đã gián tiếp hay trực tiếp biết rằng bài văn được nhiều giáo sư đem giảng ở lớp hoặc đưa cho học sinh làm bài tập dịch.

Đường dẫn: : vietsciences.free.fr/vietnam/tiengviet/hodaviettruyenngannhuthenao.htm


*****

Carver, Raymond
KINH NGIỆM VIẾT TRUYỆN NGẮN
(Hoàng Ngọc-Tuấn dịch)
 Nguồn: Tiền Vệ

Tôi đã viết và đăng báo truyện ngắn đầu tiên của tôi vào năm 1963,[1] cách đây hai mươi lăm năm,[2] và bị lôi cuốn vào việc viết truyện ngắn kể từ đó. Tôi nghĩ một phần (chỉ một phần thôi) cái khuynh hướng thiên về tính cách ngắn gọn và căng thẳng phải có liên hệ đến sự kiện rằng tôi vừa là nhà thơ vừa là nhà viết truyện ngắn. Tôi bắt đầu viết và đăng thơ và truyện ngắn trên tạp chí hầu như cùng một lúc, từ hồi đầu những năm 1960, khi tôi còn là sinh viên cử nhân. Nhưng cái quan hệ nhị trùng này của một nhà thơ kiêm nhà viết truyện ngắn không giải thích được điều gì cả. Tôi bị dính vào việc viết truyện ngắn, và không thể thoát ra được, ngay cả khi tôi muốn thế. Mà tôi lại không muốn thế.

Tôi yêu cú nhảy nhanh chóng của một truyện ngắn hay, yêu cái cảm giác phấn khích thường nổi lên ngay trong câu văn đầu tiên của truyện, yêu cảm thức về cái đẹp và sự bí mật trong những truyện hay nhất; và yêu cái sự kiện -- cực kỳ quan trọng đối với tôi vào thời bắt đầu viết và thậm chí đến bây giờ vẫn còn là một điều tôi lưu tâm -- rằng truyện có thể được viết và đọc một mạch trong một khoảnh khắc. (Như những bài thơ vậy!)

Từ những ngày đầu tiên -- và có lẽ đến bây giờ vẫn thế -- tôi cho rằng những nhà văn quan trọng nhất trong lĩnh vực truyện ngắn là Isaac Babel, Anton Chekhov, Frank O'Connor và V. S. Pritchett. Tôi không nhớ lúc đầu ai đã đưa cho tôi cuốn Collected Stories của Babel, nhưng tôi còn nhớ đã thích thú với một câu tôi đọc được từ một trong những truyện ngắn kỳ vĩ nhất của ông. Người thuật truyện, khi bàn về Maupassant và lối viết truyện hư cấu, có nói: "Không lưỡi kiếm thép nào có thể đâm vào trái tim mạnh mẽ bằng một dấu chấm câu đặt đúng chỗ."

Khi tôi vừa đọc câu này, nó hiện ra trước tôi như một sức mạnh mở đường. Đây là điều tôi muốn thực hiện cho những truyện ngắn của tôi: đặt vào đó những chữ chính xác, những hình ảnh gọn gàng, cũng như lối chấm câu đúng chỗ và đúng cách khiến độc giả bị níu vào tham dự trong truyện và không thể rời mắt khỏi văn bản trừ khi ngôi nhà bén lửa. Đòi hỏi câu chữ giành lấy sức mạnh của hành động có lẽ chỉ là ước mơ hão huyền, nhưng hiển nhiên đó là ước mơ của những nhà văn trẻ. Dầu vậy, cho đến bây giờ tôi vẫn còn nuôi dưỡng ý tưởng về lối viết mạch lạc, có đủ quyền năng để giữ độc giả lại và đem họ vào tham dự. Điều này vẫn còn là một trong những mục tiêu chính của tôi bây giờ.

Tập truyện ngắn đầu tay của tôi, Will You Please Be Quiet, Please? (Xin vui lòng giữ im lặng, được chứ?), mãi cho đến năm 1976 mới xuất hiện, mười ba năm sau khi tôi viết truyện ngắn đầu tiên.[3] Từ việc viết, đến đăng trên tạp chí và in thành sách, khoảng cách thời gian kéo dài một phần vì tôi lập gia đình sớm, rồi bận bịu dồn dập trong việc nuôi con và làm những nghề lao động chân tay, rồi học thêm chút ít trong giờ nghỉ -- và chưa bao giờ vào mỗi cuối tháng tôi còn đủ tiền để tiêu dùng. (Cũng chính trong khoảng thời gian dài ấy, tôi cố gắng luyện tay nghề của một nhà văn, làm sao để chữ nghĩa được nhuần nhị chảy trôi như một dòng sông, dẫu cho hầu hết mọi thứ khác trong đời sống của tôi đều trúc trắc.)

Sau khi mất mười ba năm để viết đủ bài cho cuốn sách đầu tay và tìm được một nhà xuất bản (tôi xin nói thêm ở đây rằng nhà xuất bản ấy đã hết sức lưỡng lự khi nhúng tay vào một công việc quái gỡ như thế -- một tập truyện ngắn đầu tay của một cây bút vô danh!), tôi cố gắng học cách viết nhanh mỗi khi có thì giờ, viết truyện vào những lúc có cảm hứng và xếp truyện thành đống trong ngăn kéo, rồi trở lại để xem xét kỹ càng và bình tĩnh sau đó, nhìn lại từ một khoảng cách, sau khi mọi sự đã nguội xuống, sau khi mọi sự, thật đáng tiếc, đã trở lại “bình thường”.

Không tránh khỏi, đời là thế, vẫn thường có những mẩu thời gian ngon lành tự nhiên lại mất hút đi, những thời kỳ dài tôi không viết truyện nào cả. (Tôi ước ao phải chi giờ đây tôi lấy lại được những năm ấy!) Có khi một hai năm tôi không thể ngay cả nghĩ đến việc viết truyện. Tuy thế, tôi vẫn thường có thể sử dụng chút ít thì giờ trong giai đoạn ấy để làm thơ, và điều này đã chứng tỏ có chức năng quan trọng, vì việc làm thơ giữ cho ngọn lửa không hoàn toàn tắt lịm, như đôi khi tôi vẫn lo sợ nó sẽ xảy ra. Vì một lý do bí mật nào đó, hoặc tôi cảm thấy như vậy, rốt cuộc cũng đến lúc tôi lại viết truyện. Tình trạng đời sống của tôi lại đến hồi tốt đẹp hay ít nhất có khá hơn, và cái khát vọng điên dại được viết lách lại chiếm ngự tôi, và tôi lại bắt đầu viết.

Tôi đã viết tập truyện Cathedral (Giáo đường) trong chừng mười lăm tháng – tám truyện trong tập ấy được in lại trong Where I’m Calling From (Từ nơi tôi đang gọi). Nhưng suốt hai năm trước khi tôi bắt đầu viết những truyện ấy, tôi thấy mình ở trong một thời kỳ thu nhặt chất liệu, thời kỳ cố gắng tìm hướng đi cho bất cứ những truyện mới nào tôi sắp viết, và tìm xem tôi muốn viết chúng như thế nào. Về nhiều phương diện, cuốn sách của tôi trước đó, What We Talk About When We Talk About Love (Chúng ta nói gì khi nói về tình yêu), đã là một tác phẩm đánh dấu sự chuyển hướng bút pháp của tôi, nhưng nó là một cuốn sách tôi không muốn lập lại hay viết giống như thế nữa. Cho nên tôi đã chỉ chờ đợi. Tôi đã đi dạy ở viện đại học Syracuse. Tôi đã viết vài bài thơ, vài bài điểm sách, và mấy cái tiểu luận. Rồi một buổi sáng nọ có cái gì đó đã xảy ra. Sau một đêm ngủ ngon giấc, tôi đến bàn giấy và viết truyện "Giáo đường". Tôi biết nó là một loại truyện khác với những gì tôi đã viết, chẳng nghi ngờ gì nữa. Bằng cách nào đó tôi đã tìm thấy một phương hướng mới và tôi muốn tiến tới. Và tôi đã tiến tới. Nhanh chóng.

Những truyện mới trong Where I’m Calling From -- những truyện được viết sau cuốn Cathedral và sau khi tôi đã vui vẻ cố ý nghỉ "xả hơi" trong hai năm để viết hai tập thơ -- là những truyện khác biệt về dạng thức và cấp độ so với những truyện trước kia. (Ít nhất tôi nghĩ chúng có khác với những truyện trước kia, và tôi đoán rằng độc giả cũng có thể cảm thấy như thế. Nhưng bất cứ nhà văn nào cũng sẽ nói với bạn rằng y muốn tin tác phẩm của y sẽ trải qua một cuộc hoá thân, một cuộc thay đổi lớn lao, một tiến trình phong phú hoá, nếu y đã dừng lại đủ lâu ở một lối viết.)

Định nghĩa của V. S. Pritchett về truyện ngắn là "cái gì đó thoáng thấy nơi khoé mắt, rồi lướt đi." Trước hết là sự thoáng thấy. Rồi cái thoáng thấy ấy được ban sức sống, biến thành cái gì đó làm khoảnh khắc ấy rực lên và có thể nó để lại trong tâm thức của người đọc một dấu vết không thể tẩy xoá. Hemingway có cách nói hết sức thú vị: hãy biến nó thành một phần kinh nghiệm riêng tư của người đọc. Nhà văn nào cũng mãi mãi hy vọng làm được như thế. Mãi mãi.

Nếu chúng ta may mắn, cả người viết lẫn người đọc, chúng ta sẽ kết thúc câu cuối cùng của một truyện ngắn, rồi ngồi đó trong chốc lát trong yên lắng. Nói một cách lý tưởng, chúng ta sẽ nghĩ ngợi về những gì chúng ta vừa viết xong hay vừa đọc xong; có thể trái tim và trí óc của chúng ta đã nhích một chút xíu ra khỏi vị trí cũ. Thân nhiệt chúng ta có thể đã tăng lên một độ, hay giảm xuống một độ. Thế rồi nhịp hô hấp trở lại bình thường, đều đặn như trước, chúng ta định thần, cả người viết lẫn người đọc, đứng lên, trở về với con người "được tạo nên bằng máu và những dây thần kinh ấm áp" của mình, như một nhân vật của Chekhov đã nói, và tiếp tục bắt tay vào công việc kế tiếp: Cuộc Sống. Luôn luôn là cuộc sống.



Nguyên tác: "A Special Message for the First Edition",
trong Raymond Carver, Where I'm Calling From
(Franklin Center, Pa.: The Franklin Library, 1988) [vii-ix].
Nhan đề của bản Việt ngữ do người dịch đặt.
_________________________

Chú thích của người dịch:

[1]Đúng ra, Raymond Carver viết truyện ngắn đầu tay, "The Furious Seasons", vào năm 1960.

[2]Raymond Carver viết bài này vào năm 1988.

[3]Xem chú thích 1.

Đường dẫn: http://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=2230

*****


TRUYỆN NGẮN LÀ GÌ VÀ KỸ THUẬT VIẾT TRUYỆN NGẮN
Nghiên cứu văn học của Đào Văn Bình
Nguồn: Blog Thái Thụy Vy.

 Ngoài việc sáng tác truyện ngắn, tôi thường ham thích đọc truyện ngắn. Không phải vì truyện ngắn vốn ngắn nên cho phép mình có thể đọc một lèo, thay vì đọc truyện dài có khi phải mất cả tuần lễ hay cả tháng trời, mà vì truyện ngắn có nhiều nét độc đáo không thể tìm thấy trong tiểu thuyết hay truyện dài..

Chúng ta có thể tạm ví von như thế này: Khoái cảm khi đọc một cuốn tiểu thuyết hay tựa như cuộc sống hạnh phúc của một cặp vợ chồng. Còn cái thú vị khi đọc một truyện ngắn hay tựa như những giây phút tuyệt diệu của một cặp tình nhân sánh bước bên nhau. Hai niềm hân lạc này hoàn toàn khác nhau: một bên ý nhị, đằm thắm và kéo dài. Còn một bên thì nồng nàn, tha thiết, tha thiết chẳng muốn rời xa.

Nhưng hạnh phúc lại mau chóng qua đi trong tiếc nuối. Vả lại đối với các nhà bình luận văn học và viết truyện ngắn chuyên nghiệp thì kỹ thuật viết tiểu thuyết và truyện ngắn hoàn toàn khác nhau. Văn của truyện ngắn có tính hấp dẫn ngay từ lúc mở đầu và không thể có chi tiết nào dư thừa, lạc lõng. Bút pháp của truyện ngắn có thể ví như dòng suối chảy thôi thúc. Bút pháp của truyện dài lại như dòng sông chảy lững lờ.

Ngoài ra truyện ngắn không có ý định đề cập đến cả cuộc đời của một nhân vật hoặc một giai đoạn lịch sử nào đó mà chỉ nhằm đưa ra một nét chấm phá của cuộc sống, một góc cạnh của cuộc đời khiến người đọc phải suy nghĩ, ngậm ngùi hoặc ray rứt như trong các truyện ngắn của John Steinbeck, Hemingway, Tchekop, Jane Joyce…

1 – Truyện Ngắn Là Gì ?

Theo hầu hết các Nhà nghiên cứu văn học thì truyện ngắn là một tác phẩm tướng tượng ngắn hơn một cuốn tiểu thuyết. Hầu hết truyện ngắn có thể đọc luôn một lúc. Truyện ngắn là một trong các thể loại lâu đời nhất của văn chương. Ngay từ kỷ nguyên 300. B.C., những câu chuyện đã được chép ra ở Ai Cập. Thánh kinh bao gồm những câu chuyện ngắn gọi là Parables dùng để dạy dỗ, đề cao luân lý, đức hạnh. Tại Ấn Độ, những mẩu chuyện đạo, thực chất là những truyện ngắn dùng để phụ giảng vào phần giáo lý rất thịnh hành dưới thời Đức Phật Thích Ca ( 500-400B.C.)

Trong số những truyện ngắn cổ điển nổi tiếng phải kể đến hai tuyển tập xuất hiện vào thời Trung cổ. Đó là cuốn The Decameron (khoảng 1349-1353) gồm một trăm truyện của Nhà Văn nước Ý và cuốn The Cantebury Tales (khoảng 1385-1400) là một tuyển tập gồm 24 truyện ngắn của Nhà thơ người Anh tên Geoffrey Chaucer. Bộ Liêu Trai Chí Dị (khoảng 1707 đời Khang Hy, Nhà Thanh ) cũng là một tác phẩm xuất sắc của Trung Hoa.

Suốt thế kỷ 19, có rất nhiều Nhà Văn bắt đầu coi truyện ngắn là một thể chuyên biệt của văn chương. Edgar Allan Poe, Nhà Văn kiêm phê bình gia của Mỹ có lẽ là một tác giả đầu tiên phân tích và coi truyện ngắn là một thể loại văn học riêng. Trong một vài bài viết, ông đã chỉ rõ những xúc động mạnh mẽ của tình cảm con người như nỗi sợ hãi, sự ngạc nhiên có thể đạt tới qua truyện ngắn.

Cuốn sách đầu tiên bàn về truyện ngắn là cuốn The Philosophy Of The Short Story (1901) của Brander Mathews, một phê bình gia Hoa Kỳ. Cuốn sách này chuyên chở nhiều ý tướng của Poe.

Các Nhà Văn viết truyện ngắn đã phát triển một số kỹ thuật văn chương trong đó phải kể lối kết thúc bất ngờ hoặc nhận thức trực giác ( surprise ending and epiphany ). Hầu hết lối kết thúc bất ngờ bao gồm một biến cố ngoài tiên liệu hoặc một sự giải thích để tiết lộ cho độc giả biết. Lối kết thúc này là đặc phẩm của O’Henry, một Nhà Văn chuyên viết truyện ngắn Hoa Kỳ cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. ông đã sử dụng kỹ thuật này trong các truyện The Furnished Room (1904), The Gift Of The Magi (1905) và trong nhiều truyện ngấn khác. Còn nhận thức trực giác là một lời bình luận bất ngờ, một biến cố hoặc một biểu tượng có thể dùng bất cứ lúc nào trong câu chuyện để giải thích ý nghĩa của một diễn biến phức tạp. James Joyce, một Nhà Văn Ái Nhĩ Lan đầu thế kỷ 20 đã dùng kỹ thuật này trong các truyện ngắn của ông, trong đó có thể kể The Party (1888) và The Lady And The Dog (1899). Một số Nhà Văn về sau cũng bắt chước lối viết truyện ngắn này như các Nhà Văn Hoa Kỳ John Cheevor, John O’Hara và John Updike.

2- Những Thành Tố Của Một Truyện Ngắn (Bold):

Những thành tố của một truyện ngắn gồm: Nhân vật, bối cảnh, bố cục và chủ đề.

A) Bố Cục: Là sự sắp xếp những diễn biến của câu chuyện sao cho mạch lạc, hợp lý để câu chuyện hấp dẫn người đọc và đạt được tác dụng lớn nhất. Những thuật ngữ dưới đây sẽ cho biết bố cục (plot) gồm những gì và tại sao :

a- Sự Phơi Bầy ( Exposition ) : Tức là phần nhập truyện. Trong phần này người đọc sẽ gặp gỡ các nhân vật (characters), nhận được bối cảnh (ở đâu và lúc nào? Hoặc không gian và thời gian của câu chuyện), đồng thời bắt đầu theo dõi biến cố hoặc những xung đột (conflict) xẩy đến.

b- Đẩy Xung Đột Đi Tới ( Rising action ): Xung đột mỗi lúc một gay cấn hơn.

c- Điểm Bùng Nổ (Climax): Đây là điểm mấu chốt của câu chuyện. Đó cũng là điểm đột biến, là ngã rẽ của câu chuyện.

d- Xung Đột Giảm Dần (Falling action): Sau điểm bùng nổ, mọi diễn biến đi vào kết thúc.

e- Kết Cuộc (Resolution): Là sự kết thúc của câu chuyện.

B) Quan Điểm ( Point Of View ):

Người viết ở đây được gọi là người kể chuyện hay người tường thuật (narrator). Trong truyện ngắn, ông ta có thể chọn lựa đứng ở ngôi thứ nhất hoặc ngôi thứ ba. Nếu đứng ở ngôi thứ nhất thì truyện được kể lại bởi một nhân vật trong truyện. Do đó, tác giả thường dùng những từ: tôi hoặc chúng tôi. Nếu đứng ở ngôi thứ ba thì tác giả sẽ dùng các từ: chàng, nàng, nó, ông ta, hắn…

C) Văn Phong (Tone):

Ngoài bố cục, văn tài của mỗi người viết truyện còn được đánh giá qua văn phong được hiển hiện qua biệt tài làm cho văn chương của ông ta mang những nét châm biếm, hài hước, buồn man mác, cầu kỳ hoặc lãng mạn. . .Văn phong của một truyện ngắn hết sức quan trọng. Nó tựa như hương vị cà cuống của món bún thang, rau thơm và nước chấm của món chả giò, hương vị thơm tho của bát phở. .. .mà thiếu nó thì truyện ngắn sẽ trở nên lạt lẽo.

3- Nhận Xét Chung Về Truyện Ngắn :

Trong phần đề tựa cho Tuyển Tập Hay Nhất Thế Giới của Nhà xuất bản Bantam năm 1967, Roger B. Goodman đã viết như sau : ” Nhà Văn viết truyện ngắn chẳng khác nào một người câu cá đang theo đuổi một con cá hồi (salmon) rất tinh khôn. Muốn thế, ông ta phải sẵn sàng, đỉnh đạc và khéo léo . Con cá hồi tinh khôn ở đây không ai khác hơn là độc giả, là đối tượng có thể bị ông ta dẫn dụ cắn mồi và dính câu. Dụng cụ đầu tiên trong đám mồi của ông chính là nhan đề của câu chuyện, phải làm sao cho hấp dẫn người đọc. Nếu không thì giống như những con cá già buồn bực, chỉ ngửi rồi bỏ đi.

Nhưng cũng không giống người câu cá, Nhà Văn viết truyện ngắn không phải chỉ đơn thuần tạo sự chú ý nơi người đọc ông ta phải nắm lấy sự chú ý đó đồng thời còn phải mua vui cho độc giả. Bởi vì Nhà Văn thường viết về những con người, về nơi chốn và về những biến cố bất hạnh, không mấy vui hoặc xấu xa, cho nên công việc của ông ta cực kỳ khó khăn.

Truyện ngắn là một thể loại văn chương rất phong phú. Không một tư tưởng tình cảm nào của con người, không một đề tài nào quen thuộc hoặc xa lạ với truyện ngắn cả. Tài năng của Nhà Văn viết truyện ngắn là tấn công một cách sâu sắc và trực tiếp vào cốt lõi các vấn nạn của con người. Bởi lẽ tác phẩm của ông ta là con mắt nhìn một cách mới mẻ và sâu xa, là bàn tay điểm tô một cách mỹ thuật và có ý nghĩa.

Ngay khi nhìn vào bộ mặt của cuộc chiến tranh, nỗi thù hận. sự bất công hay suy đồi, người đọc bị lôi kéo bởi cái nhìn của Nhà Văn, bị dính vào những hình ảnh của cuộc đời mà ông ta mô tả rồi hi vọng làm giàu có những kinh nghiệm của con người cũng như nghệ thuật mà trong đó ông ta có tham dự một phần.

Tìm một định nghĩa chính xác cho truyện ngấn là điều vô vọng. Vì tính phong phú và đa dạng của nó, cho nên một số Nhà phê bình đã cắc cớ nói rằng : Truyện ngắn là một truyện ngắn. Và đó là là định nghĩa khái quát rõ nét nhất. Trong thể tiểu thuyết cho chúng ta thấy cảnh trí một xã hội đủ loại các mẫu người, khi truyện ngắn chỉ giới hạn vào một số nhân vật, thường không quá ba người. Trong khi tiểu thuyết thường tường thuật (miêu tả) một khoảng thời gian dài cùng rất nhiều biến cố trong cuộc sống của các nhân vật rồi cho thấy sự phát triển, sự lớn lên, sự đổi thay, qua đó bộc lộ cho chúng ta thấy những chi tiết và chiều sâu của nó.

Còn truyện ngắn luôn chỉ là một kẽ nứt trên bức tường biến cố và nhân vật, một góc của cả một khu vườn tình cảm của con người, là nơi mà người ta liếc sơ, nhìn vội vào điểm đột biến (khúc quanh) của một đời người. Chừng nào người đọc cười hay khóc với những gì mà Nhà Văn thấy hay nghe , cảm thấy bàng hoàng hay vui sướng, hoặc cảm thấy nhẹ nhõm hay thất vọng rồi độc giả thông cảm và hiểu biết, chừng đó mới có thể nói Nhà viết truyện ngắn đã thành công và người đọc đã được phục vụ đúng mức”.

                                                                                           Đào Văn Bình


*****



*****

KINH NGHIỆM VIẾT TRUYỆN NGẮN CỦA CÁC NHÀ VĂN
Nguồn: Yume.vn

Bùi Hiển: Truyện ngắn lấy một khoảnh khắc trong cuộc đời một con người mà dựng lên. Có khi nhân vật đặt trước một vấn đề phải băn khoăn, suy nghĩ, lựa chọn, quyết định. Có khi chỉ là một cảnh sống làm việc bình thường, trong đó nhân vật biểu lộ ý chí tình cảm của mình. Có khi có những hành động mãnh liệt những tình tiết éo le. Có khi chỉ là một tâm trạng, một nỗi vui buồn, một ý tình chớm nở. Nhưng phải chọn khoảnh khắc mà nhân vật thể hiện đầy đủ nhất (trong khía cạnh cần thể hiện)

Nguyễn Minh Châu: Tôi thường hình dung thể loại truyện ngắn như mặt cắt giữa một thân cây cổ thụ: chỉ liếc qua những đường ván trên cái khoảng gỗ tron tròn kia, dù sau trăm năm vẫn thấy cả cuộc đời của thảo mộc.

…Nói đến truyện ngắn là nói đến nghệ thuật của bố cục và sự hàm súc. Kỹ thuật viết truyện ngắn– nó có gì giống như kỹ thuật của người làm pháo: dồn nén tư tưởng vào trong một cái cốt truyện thật ngắn gọn, thật tự nhiên. Cho nên những người viết truyện ngắn bậc thầy đều cao tay trong kỹ thuật dựng truyện và tinh xảo trong ngôn ngữ

Nguyên Ngọc: Truyện ngắn mang rất rõ cái chất của từng người viết, nhất là cái chất quả quyết, đột ngột. Viết truyện ngắn phải có nghề lắm. Vả lại, phải viết về những cái mới, nhhững cái không dễ thấy, nhưng ở chiều sâu của nó, cuộc đời đang đặt ra.

Nguyễn Thành Long: Truyện ngắn phải mang dấu ấn của tác giả biểu hiện sự tồn tại của tác giả. Dấu ấn ấy trước hết là tấm lòng đằm thắm của anh sau đó là bút pháp, giọng nói, nhịp điệu câu chuyện của anh, những “cái áo”, “làn da” của tấm lòng tác giả. Nếu không có gì để nói, làm sao anh nâng nổi ngòi bút của anh cho được.

Nguyễn Quang Sáng: Viết truyện ngắn là chơi bố cục, thú lắm. Theo tôi quan niệm, truyện ngắn phải có “chuyện” tức có thể kể lại cho người khác nghe được. Mà muốn kể, câu chuyện phải chặt chẽ, hấp dẫn. Yêu cầu bố cục đặt ra từ đấy. Học các nhà văn nước ngoài, truyện ngắn nước ngoài cũng trông vào bố cục. Như Môpatxăng, như truyện ngắn Nga, toàn là bố cục khiếp cả.

Nguyễn Kiên: Truyện ngắn là một trường hợp trong đời sống. Cũng như một vài người khác, có lúc tôi đã băn khoăn: truyện ngắn có thể viết về cả một đời người? Hay chỉ nói được một ngày, một giờ, tóm lại là một khoảng thời gian nào đó? Để ý xem truyện ngắn xưa nay, và bản thân làm thử, thì thấy truyện ngắn không bị một giới hạn nào cả. Vậy cái điểm tựa của nó là ở đâu? Tôi lại nói: mỗi truyện ngắn là một trường hợp. Trong quan hệ giữa con người với đời sống, có những thời gian nào đó, khoảnh khắc nào đó, một mối quan hệ nào đó được bộc lộ đặc biệt. Truyện ngắn phải nắm bằng được cái trường hợp ấy. Có khi cái trường hợp nói ở đây là một màn kịch đầy đủ. Có khi, nó chỉ là một biến chuyển tâm lý, một trạng thái tình cảm. Nhưng nhìn chung thì vẫn có thể gọi nó là một trường hợp, nhờ đó, tình cảm con người bộc lộ, cả hai quấn quyện lấy nhau, như trên đã nói.

Tô Hoài: Người viết truyện ngắn phải rèn luyện đến từng dấu phẩy. Và anh chỉ viết được những gì anh hiểu khá kỹ càng. Có thể nói truyện ngắn đòi hỏi nhà văn phải lương thiện rất mực.

Tôi cho rằng truyện ngắn là một thể văn tập cho người viết nhiều nết quý lắm. Chỉ với truyện ngắn, người ta mới biết tận dụng từng chữ, lo săn sóc từng chữ. Nhà văn mình thường yếu, không tạo được phong cách riêng. Truyện ngắn đòi hỏi hoàn thiện, ở đây ta được rèn luyện đến việc dùng từng dấu phẩy…Nếu ký nặng về phần sự thực để minh hoạ ý thì truyện ngắn đã đứng hẳn ở phía của người sáng tạo.

Một truyện ngắn hay, không chỉ có ý nghĩa ở chủ đề tư tưởng và nhân vật mà từng câu, từng chữ của truyện ấy sẽ tạo nên nội dung cái hay cho chủ đề tư tưởng và nhân vật. Mỗi chữ có sức mạnh riêng đồng thời sức mạnh hoà chung cả hai phía ấy dựng nên hồn chữ, hồn câu toàn bài…

Nguyễn Thành Long: Nhà văn phải luôn luôn để ý, ghi nhạn ngẫm nghĩ. Bắt tay một người con gái, ta không thể nói vắn tắt: “Tôi bắt tay cô ta”. Bàn tay ấy nồng ấm, hay lạnh, hay hờ hững, hay trơn như lươn.

Vũ Thị Hương: Trong nghệ thuật, tình cảm phải được đẩy đến cùng. Đã ghen là ghen hết mức, đã yêu phải yêu nồng nàn, khi giận người ta giận run lên.

Nguyễn Công Hoan: Khi tôi thấy một hiện tượng (một câu nói, một cảnh, một việc) làm cho tôi xúc động, nếu bản thân hiện tượng ấy chưa thành truyện ngắn được, vì nó chỉ có thân mà chưa có kết, thì lập tức thói quen nghĩ truyện ngắn của tôi kết ngay dược truyện ấy.

Lúc bấy giờ, tuỳ theo cái kết tôi vừa nghĩ ra để tâm vấn đề nói vui hay thảm, chua chát hay nực cười, tôi phỏng theo hiện tượng ấy mà sáng tạo ra truyện, theo hướng vấn đề ấy.

Khi một hiện tượng chỉ gói ghém một ý hay thì tôi dùng hiện tượng ấy làm kết một truyện. Ngay lập tức, câu chuyện tưởng tượng, bố trí sẵn sàng theo cái kết ấy, hiện ra trong óc tôi như mở gói ấy cho tôi trong thấy.




VÀI Ý NGHĨ VỀ VIẾT TRUYỆN NGẮN
DIỆU TẦN NGUYỄN TINH VỆ
Nguồn:VietBang.com


Tôi xin nói ngay là bài viết này chỉ ghi lại những ý kiến, kinh nghiệm nhỏ bé của riêng tôi, những ý nghĩ chưa xếp thành hệ thống, xin được kể lại với bạn đọc. Tôi chưa dám nói đến viết văn nói chung. Viết tùy bút, ký sự, hồi ký, phóng sự cũng là làm văn chương. Viết tiểu luận, biên khảo, nghiên cứu, sưu tầm cũng là viết văn. Trong bài này, tôi chỉ giới hạn về kinh nghiệm viết truyện ngắn thôi.

Có nhiều người nói, và tôi nghiệm thấy khá đúng là con người ta thường hay khởi đầu làm văn nghệ bằng cách làm thơ, sau đó viết văn, rồi viết kịch và cuối cùng sẽ trở lại làm thơ hay làm công việc phê bình văn học. Nhà văn Mai Thảo, Võ Phiến ..., học giả Nguyễn Duy Cần viết văn, viết biên khảo suốt cuộc đời, giờ đây các ông ấy lại trở về với thơ phú. Quá trình này như một chu kỳ tất nhiên, tuy cũng có trường hợp khác biệt. Tuổi thanh niên, tuổi học sinh thì hay mộng mơ, mới biết yêu, yêu cảnh, yêu người, buồn vu vơ thường hay làm thơ gửi người yêu hoặc không bao giờ gửi. Rồi trưởng thành, va chạm nhiều với thực tế, quan sát kỹ đời sống, người ta bắt đầu viết văn. Nếu có năng khiếu về sân khấu, người ta sẽ viết kịch, vì kịch là bộ môn tổng hợp, phức tạp, phải mô tả đời sống thật tinh tế mới viết kịch được. Khi về cuối cuộc đời, khi đã tri thiên mệnh, mơ ước đã đạt hoặc chẳng bao giơ ợđạt được, khi thấu đáo phần nào lẽ ở đời, luật của Trời, người ta trở lại làm thơ hoặc sẽ trở thành một nhà phê bình văn học vô tư, nghiêm khắc. Thơ đó thường nhuốm mùi đạo hạnh, cao siêu, giàu triết lý.

Riêng tôi, thì về thơ, thú thật tôi cũng võ vẽ đôi bài, không hay lắm và chắc sau này cũng không làm thơ lại được. Tôi đã chọn viết truyện và viết kịch, nhất là ở xứ người, viết truyện ngắn là tiện hơn cả.

Đã có nhiều ý kiến khác nhau là truyện dài viết dễ hơn hay viết truyện ngắn dễ hơn. Tôi xin trả lời ngay, rất chủ quan là viết truyện ngắn dễ hơn. Chúng ta sẽ trở lại ý này, để đặt câu hỏi trước tiên đã: Viết truyện để làm gì? Viết cho ai?

Để tìm hiểu mục đích khi viết truyện và đối tượng truyền đạt đến, tôi chỉ đơn giản nghĩ rằng cầm bút viết truyện, điều trước tiên là viết cho chính mình. Cũng như con chim ngứa cổ thì hót, thích họa thì cứ vẽ, thích ca thì cứ hát lên cho vui, vậy thôi. Viết, vẽ, đánh đàn, ca hát là để tự tìm vui cho mình, tự bằng lòng mình trước đã. Sau đó vững lên, nếu thuận tiện, nếu muốn hãy tự khoác cho mình một trách nhiệm, một thiên chức, một sứ mạng nào đó, xin cứ tự nhiên, ngày xưa gọi là văn dĩ tải đạo. Tôi không dám nói đến những vị tin tưởng vào văn chương, để vạch ra một lối đi chính trị, những người đó đã vác thánh giá cho đời rất đáng cảm phục. Họ viết ra không những chỉ muốn tự hài lòng, giải trí cho mọi người mà còn muốn sửa đổi cái xấu của xã hội, xây dựng cái tốt, cái đẹp cho xã hội, để làm cách mạng. Dĩ nhiên những vị đó có những thông điệp giá trị, có sức thuyết phục dân chúng. Còn bình thường, nếu tiếng kèn thúc quân quá dở, bài văn viết chưa sạch nước cản thì xin chớ ôm mộng lĩnh thiên chức, nhận sứ mạng. Đừng để bị rơi vào tình trạng Lực bất tòng tâm', hoài bão lớn nhưng khả năng chẳng có bao nhiêu.
Với các bạn trẻ, các bạn mới viết truyện, cứ từ từ, khoan hãy nhận sứ mạng gửi thông điệp gì vội. Cứ thành thực, tự lượng sức mình, đến đâu hay đến đó. Tôi đã tự hài lòng tôi chưa? Tôi đã giải trí cho độc giả chưa? Nên có một chút năng khiếu, hay gọi là có chút tài mọn thì văn thơ mới có bề dầy, có chiều sâu. Khi đã được người đọc chú ý đến ta mới tính chuyện cao xa hơn. Nói như vậy không có nghĩa là thiếu khuyến khích các ban trẻ. Người ta có câu nói Thiên tài là kết quả của sự cố gắng liên tiếp, nhưng thiên tài kiểu đó rất vất vả, trong khi đó nghề viết lách khó nuôi sống con người . Những lớp hướng dẫn vẽ, nhạc, làm báo, viết văn, viết truyện... chỉ là những hướng dẫn ban đầu, những căn bản cần phải có thôi. Còn sau đó là do cái tài, sự thông minh của chính mình.

Năm ấy nhà làm nhạc Phạm Đình Chương còn sống, tôi được gặp ông một lần, dịp ông ghé nhà chơi, tôi có hỏi: Chắc khi anh sáng tác nhạc, anh phải có cái không khí, cái chung quanh đầy nhạc tính, anh mới viết nhạc, phải không? Phạm Đình Chương nhìn Mai Thảo và Trần Cao Lĩnh, mỉm cười, trả lời : Không, chẳng có không khí nhạc gì cả, có khi còn ngược lại. Ở đâu và lúc nào tôi cũng viết được, nhạc ở trong óc tôi này. Khi có tứ nhạc, sợ quên mất, tôi lấy đại vỏ bao thuốc lá ghi vội xuống cũng xong.

Người học vẽ cũng vậy, nếu không có hoa tay, dù có chịu khó vật lộn với màu sắc, cọ vẽ cho lắm thì cũng trở thành họa sĩ hạng thường vậy thôi. Người có tài là bảy bước thành thơ, thành văn. Văn thơ có sẵn trong tim óc, khi viết là cứ tuôn ra thôi. Nếu nói hơi ngoa một chút, giống như một máy điện toán kỳ diệu, hễ cứ bấm nút là chữ chạy ra.

Ngoài ra phải kể đến yếu tố di truyền. Trong gia đình, họ hàng, có ngừơi người viết văn làm thơ, thì con cháu dễ trở thành văn sĩ thi sĩ . Điều này trên thực tế ta đã thấy rõ. Họ Phạm duy, họ Lữ làm nhạc, ca hát hay.

Yếu tố khác, là phải có một môi trường thuận lợi. Nếu làm nghề và có một chung quanh liên hệ đến văn chương chữ nghĩa, thì dễ viết hơn, dễ bị lây hơn. Nhất là sống ở đất nước người, nơi đang định cư, nếu hòa mình vào sinh hoạt chung, gần gũi anh em cầm bút thì sẽ có sẵn đà để viết. Tôi có một bạn văn, anh là luật sư trước đây, nay là một kỹ sư trong hãng điện tử. Trước năm 1975 anh là một nhà văn nhà thơ, sáng tác nhiều bài có giá trị trên Văn Học, Bách Khoa, Sáng Tạo, nhưng giờ đây anh đành gác bút, tuy trong lòng vẫn còn thích viết lắm. Công việc thường ngày của anh đủ làm anh bù đầu, không giành được thì giờ, nơi anh cư ngụ lại không có nhiều văn nghệ sĩ, anh không có dịp gặp gỡ các bạn, không ngồi nhâm nhi ly cà phê, uống một chén rượu, tán chuyện văn thơ như ngày xưa nữa.
Tuy nhiên điều kiện này có trường hợp ngoại lệ, như ở vùng bắc California có nữ ca sĩ Thu Hà, tức bác sĩ Nguyệt Mehlert chuyên bắt mạch, thăm thai cho khách hàng, nhưng khi ra đứng trước micro hát vẫn hay như thường. Một số bác sĩ, nha sĩ, luật sư viết văn làm thơ cũng xuất sắc như ai..

Tôi còn nhớ trước năm 1954, ở Hà Nội cũng có trường hợp này. Nhà văn Nguyễn Minh Lang có nghề chính là thợ may âu phục, ông có tật là vừa viết văn vừa đo cắt quần áo ngay tại tiệm ở phố Tràng Tiền. Hồi đó anh em thường đùa với anh như sau: Bạn vừa tiếp một lính Pháp gốc Phi châu, đen như cột nhà cháy đến đo may bộ đồ lớn. Khi chú Tây đen đó vừa ra khỏi tiệm, bạn lại cầm bút viết tiếp: Than ôi! thế là em đã bỏ tôi ra đi trong chiều sương giá lạnh rồi Em trong truyện lãng mạn của Nguyễn Minh Lang nhất định phải là một cô gái đẹp, không thể là cái cột nhà cháy đó được!

Nói về đối tượng của người viết truyện ở hải ngoại thì đối tượng gần là độc giả xứ mình đang định cư, còn đối tượng xa là khối lượng người đọc to lớn ở bên nhà. Vì hoàn cảnh đặc biệt, chúng ta mong muốn độc giả trong nước đọc chúng ta. Nhưng họ có được đọc không, đọc nhiều hay đọc ít, có được tự do đọc hay không lại là chuyện khác. Cũng vì thế, nên có vài người cần nổi tiếng, cần độc giả bên nhà quá, đã tự cho phép xin in sách và xin được phổ biến tác phẩm của mình ở Việt Nam. Chúng ta cũng nghe nói đến công việc 'chuyển lửa về quê hương, trong đó có tờ Làng Văn đã thực hiện. Nhà Nước Cộng sản la ó lên rằng chúng ta đang muốn đem lửa về đốt cháy quê hương!!!

Bây giờ tôi chỉ xin nói đến độc giả ở ngoài nước thôi. Độc giả ở gần chúng ta khác với độc giả bên nhà trước 75 nhiều lắm. Có giới độc giả ít đọc truyện hồi còn ở VN , hiện nay lại đọc nhiều . Thanh thiếu niên sinh ra hay lớn lên ở xứ người, dĩ nhiên ít đọc sách truyện tiếng Việt. Rồi mải lo mưu sinh, chạy theo guồng máy làm việc, lối sống thực tế, phải nhận rằng, nói chung, đôỳc giả bớt đọc đi và ít chịu khó đọc. Người ta đọc, phần nhiều là để giải trí, để tìm quên trong chốc lát hơn là để thắc mắc, đào sâu suy nghĩ, giải quyết sự việc do tác giả nêu lên. Họ đọc truyện ngắn mất mươi mười lăm phút, hay đọc mẩu truyện -> chuyện dài đăng từng kỳ trên nhật báo, tuần báo. Không có nhiều người muốn bỏ ra 2, 3 tiếng đồng hồ hay hơn nữa để đọc truyện dài in thành sách. Mới đây lại có băng đọc truyện, giúp cho người nghe trở thành thính giả, chứ không cần phải mất công làm độc giả nữa.

Tuy nhiên, chúng ta cũng ghi nhận là vẫn có một số độc giả ưa thích đọc những đề tài chính trị xã hội, nhất là trong số đồng bào mới định cư ở nước ngoài và các vị lớn tuổi đã về hưu. Rất tiếc là số độc giả này không nhiều. Chưa kể các nhà xuất bản cũng khuyến khích người viết nên viết truyện ngắn rồi gom lại in thành tập dễ bán hơn. Bán một tập truyện ngắn 10,12 đô la thì còn có thể bán được , đắt hơn là khó bán. Người ta sẽ chọn lựa là mua một quyển truyện hay là ăn hai tô phở, uống một ly cà phê hơn? Đây là sự thật, tuy là sự thật hơi phũ phàng.
Do đó, như đã nói ở phần trên, truyện ngắn, còn gọi là đoản thiên tiểu thuyết, dễ viết và dễ ăn khách hơn, vừa hợp với đa số người đọc, vừa tiện cho người viết, người in. Dàn dựng một truyện dài cho ra hồn không phải là dễ. Quý vị cũng biết là Leon Tolstoi khổ công kỹ lưỡng ra sao, khi ông đã phải lập cả một danh sách tên nhân vật dày đặc trong tác phẩm để đời 'Chiến Tranh và Hòa Bình. Ông phải làm kỹ như vậy vì e rằng sẽ bỏ sót, sẽ quên, nhầm lẫn đã cho một nhân vật xuất hiện, rồi quên không bao giờ nhắc tới nữa, hoặc cho nhân vật đó chết hai lần. Cũng như chúng ta phải phục các tác giả Tam Quốc Chí, Thủy Hử là họ đã không bao giờ nhầm lẫn việc cho nhân vật xuất hiện và biến mất. Đó là những tác phẩm nổi tiếng thế giới, còn bây giờ và ở Việt Nam cũng như ở ngoài nước, truyện dài có chiều sâu có bề dày thấy hiếm có. Chúng ta chỉ thấy có được vài tác giả chịu viết truyện dài, có công phu thôi. Có lẽ sau này sẽ có người viết xuất sắc, chưa chịu xuất hiện, hay chưa thuận tiện để viết đó thôi. Những cuốn sách có bề dày ở hải ngoại.... lại là những cuốn hồi ký. Hồi ký thường mang nhiều chuyện riêng của tác giả, có tính cách ghi chép diễn trình về các biến cố chính trị, lịch sử và rất chủ quan. Thậm chí có vài quyển nói đến một sự việc, biến cố, có các tác giả đã quá chủ quan đưa quan điểm cá nhân vào, nên họ đã mô tả một sự việc hoàn toàn khác nhau.

Truyện dài, còn gọi là trường thiên tiểu thuết truyện dài nghiêm chỉnh, dễ tạo được giá trị trường cửu, được nhắc nhở đến nhiều hơn là truyện ngắn. Nhiều người viết ở đây đã than với tôi là không có đủ thì giờ để tìm tài liệu, thu thập dữ kiện, mẩu chuyện để dàn dựng bố cục hợp lý, hợp tình các sự việc, kiểm chứng cho chính xác và có hệ thống. Tuy đang ở thời đại máy vi tính, nhưng máy vi tính chưa giúp gì nhiều, nhất là fond chữ Việt chưa cung cấp đủ điều chúng ta cần. Có lẽ các bạn đã biết giá trị một vài truyện dài, đăng kiểu từng kỳ (feuilleton ) trên các báo hàng ngày, đã có nhiều cẩu thả, bôi bác cho đầy trang báo, có khi do chính tác giả tự thú nhận khai ra. Truyện ngắn, theo tôi dễ viết hơn ở thời điểm này, không gian này. Tuy vậy lại đòi hỏi sự gọn gàng chắt lọc, dứt khoát. Như làm thơ lục bát, hay thì sẽ thật hay, nhưng nếu không đạt, sẽ trở thành vè.

Bây giò nói đến nội dung. Nội dung được ưa chuộng vẫn là trong sáng lành mạnh. Nếu kể những câu chuyện đen tối, liên hệ đến súng đạn, máu, nước mắt, bóng tối, đêm đen...cũng nên có hứa hẹn, chuẩn bị một tương lai trong sáng. Truyện trinh thám lại là loại truyện khác. Dostoievki có sở trường khai thác truyện buồn thảm, u tối, nhưng không dễ gì theo được chân ông. Nếu có châm biếm, đả phá nên khéo léo dịu dàng, xây dựng. Chua cay độc địa quá gây mất lòng, tạo thù oán, lập thành khẩu nghiệp, có hại cho chính người viết. Chúng ta đã thấy vài ba trường hợp cũng chỉ vì khẩu nghiệp, người viết đã bị thiệt mạng, hay bị hành hung nặng nề. Ngoài ra, trong truyện mà đem ra những nhân vật thời đại, những mẩu chuyện thời sự, chuyện riêng tư của người ta, thì đó là một bài phóng sự, ký sự ít có giá trị lâu dài.

Nội dung truyện tùy theo tác giả, tùy theo nguồn ảnh hưởng người viết nhận được. Mỗi người có một hướng đi khác nhau, nói chung vẫn là đi tìm cái đẹp, cái hay cái tốt. Nguyễn Du nêu lên thuyết tài mệnh tương đố, số mệnh con người. Victor Hugo , Nhất Linh, Hoàng Đạo viết theo chủ đích chính trị, xã hội vì họ muốn thay đổi chế độ, sửa đổi chế độ. Erich Remarque thì ghi lại bối cảnh chiến tranh, sự tàn phá của bom đạn, để đi tìm sự thật và nguồn an ủi. Scott Fitgerald mải mê đi tìm dĩ vãng, nuối tiếc ảo tưởng, những hi vọng không thể thực hiện. Lê Văn Trương tạo nên những nhân vật người hùng....

Sau đó là kỹ thuật viết. Trước đây Nhất Linh, Bình Nguyên Lộc đã có nhiều bài hướng dẫn người mới viết, nên viết thế nào, viết ra sao? Ở Los Angeles trước đây có lớp hướng dẫn viết báo viết truyện. Viết truyện thường có mấy bước: Một là nhận xét mô tả , hai là bày tỏ thái độ, ba là nói rõ quan điểm, bốn là đặt vấn đề và năm là giải quyết vấn đề. Trong truyện ngắn thường chỉ có ba bước đầu. Bước thứ tư và thứ năm chỉ loáng thoáng, hoặc không có nữa. Thật ra độc giả rất nhiều khi không muốn đặt vấn đề và lại càng ngại giải quyết vấn đề. Chỉ ở trong truyện dài và những truyện mang nội dung phê phán xã hội, phê phán sự việc mới có hai bước này. Đẩy độc giả đến mức phải ưu tư, đào sâu suy nghĩ thì mệt cho độc giả quá, chúng ta đã biết rằng độc giả tìm đọc để giải trí để tìm quên, không muốn gánh chuyện nhức đầu.
Có nhiều truyện ngắn chỉ có phần mô tả, hoặc chỉ có thêm phần bày tỏ thái độ. Tác giả dành sự bày tỏ thái độ cho người đọc, có khi tác giả kín đáo đã tỏ thái độ một cách gián tiếp qua nhân vật truyện. Không có bước thứ ba, là vì muốn độc giả tự do đưa ra một quan điểm, sau khi đã gián tiếp bị tác giả dẫn dụ.

Vậy người viết truyện ngắn cần biết quan sát, nhận xét để mô tả con người, sự vật, cả ngoại hình lẫn nội tâm. Mô tả càng sâu sắc càng hay, nhất là diễn tả đến tận cùng, ngóc ngách, rốt ráo về tâm lý con người được càng hay. trường hợp này phải kể đến Võ Phiến. Trong những tùy bút sau này của ông, có người đã nhận xét là ông có tài chẻ sợi tóc làm tư trong phân tách tâm lý, trình bày tâm sự!

Tác giả luôn luôn bày tỏ thái độ và vạch rõ quan điểm một cách gián tiếp khéo léo qua lời nói, cách xử sự, lối suy nghĩ của các nhân vật trong truyện. Do đó dù muốn dù không tác gia vẫn để lộ cái tôi qua nhân vật. Điều này người đọc nhiều và các nhà phê bình văn chương sắc bén nhận ra ngay.

Một vài điểm nên chú ý trong kỹ thuật viết phải biết bỏ bớt, biết hi sinh chi tiết. Đó là nghệ thuật. Nghệ thuật không phải là sao chép nguyên bản sự vật, đời sống. Cần phải lược bỏ những gì không cần thiết. Người đầu bếp giỏi không bao giờ cho tất cả gia vị khác nhau vào một món ăn. Họa sĩ sao chép nhiều chi tiết cảnh vật là họa sĩ tay mơ . Ngay cả một bức ảnh đẹp cũng phải biết chọn lựa cắt xén, biết dùng kỹ thuật để làm thành tác phẩm.

Đừng nên bắt chước, nhất là các bạn trẻ mới viết. Hữu xạ tự nhiên hương Phải tự tạo ra bản sắc của mình. Bắt chước người đi trước, người nổi danh mà bấtcập , dễ trở thành ngơ ngẩn, vô hồn. Nhận ảnh hưởng của người đi trước, tiêu hóa đi thì được, nhưng đừng bắt chước máy móc.

Đừng gò bó. Không được cẩu thả, vô trách nhiệm nhưng không nên cầu kỳ, gọt giũa quá. Làm thơ mới cần gọt giũa, tuy nhiên nếu thơ gò câu ép chữ quá cũng mất hết hồn thơ. Gặp lúc không có hứng, nên ngưng viết, bỏ luôn, xé ngay đi đừng cố viết nữa. Không có gì tệ hại hơn là bí nguồn văn, cố nặn cho ra ý, gãi giấy mãi. Có ai bắt mình phải viết đâu? Viết một truyện ngắn không phải là cố làm xong việc ở sở ở hãng để lĩnh lương. Viết văn, thưa các bạn dĩ nhiên không phải là đi cày, đánh vật. Vì thế đã có nhà văn bị thúc bài quá, đã than: Viết văn chứ có phải bổ củi đâu mà giục quá thế! Tuy từ trước đến nay cũng có nhiều người kiếm sống bằng nghề viết truyện, nhưng ở ngoài nước và hiện tại, chỉ trông vào ngòi bút quả có sự phiêu lưu vất vả lắm. Chỉ nên coi viết văn là nghề trái, một món ăn chơi thôi. Theo tôi, viết tài tử tự do hơn,không có ai làm chủ mình, bảo mình phải viết thế này, viết thế khác. Cũng không lâm vào cảnh chán mứa vẫn phải viết cho đầy trang giấy theo đơn đặt hàng, có thể vì viết nhanh viết vội sẽ làm hạ giá trị truyện.

Nên viết theo sự thực hoàn toàn hay viết bằng hư cấu nhiều hơn? Phải dựa vào sự thật để làm cái cốt, rồi gạn lọc sự thật để pha trộn với hư cấu. Hư cấu là giả tưởng, là tưởng tượng, nôm na ra là bịa. Viết truyện phải có bịa. Cũng như vẽ tranh, làm kịch vậy thôi.Các họa sĩ trước kia vẽ theo người thật, cảnh thật được gọi là tả chân tả thực, rồi tiến đến ấn tượng tân ấn tượng, siêu thực, lập thể, trừu tượng, v.v. ... Siêu thực, lập thể, trừu tượng là hư cấu là bịa. Nhưng những hư cấu đó vượt lên trên tầm thường, bịa có sách, có khoa học, hợp kiểu. Nếu nói lập thể là hoàn toàn bịa, sẽ bị họa sĩ phái đó cự ghê lắm. Vì họ lý luận rằng họ vẽ đúng cái thật của sự vật. Miệng cốc đáy cốc là hình tròn, thì họ vẽ hai hình tròn. Mức nước trong cốc cũng hình tròn, họ vẽ thêm một vòng tròn nữa và như thế cái cốc có đựng nước gồm ba vòng tròn và hai gạch thẳng đứng! Họ bảo những người vẽ theo mắt thấy thông thường là vẽ sai, không khoa học!

Cái khó là viết hư cấu sao để người đọc cho đó là chuyện có thật, là tự nhiên. Nhưng nên có bao nhiêu phần trăm sự thực bao nhiêu phần trăm hư cấu? Điều đó tùy ở tác giả, tùy theo loại truyện. Thật ra gọi là hư cấu đấy, nhưng chính tự nó đã nằm sẵn trong sự thật rồi. Chẳng hạn như những kỷ niệm, kinh nghiệm đời sống chính tác giả, những chi tiết cuộc sống, lối sống, lời nói của bạn bè, người thân trong gia đình, ngay cả các giấc mơ của người viết... tất cả thấm sâu vào tiềm thức từ lâu lắm rồi. chìm lắng đâu đó trong tim trong óc. Lúc đẹp trời nào đó chợt nhớ lại, rồi thêm thắt, chắp nối vào để pha chế với sự thật 100%.

Còn chất liệu để viết, lấy ở đâu ra? Tất nhiên phải lấy ngay từ trong đời sống thực tại, đời sống, không khí mà tác giả đang thở. Nói văn hoa là nên có hơi thở thời đại nên đau buồn vui sướng cái vui buồn chung của thiên hạ. Ước mơ, xa rời cuộc sống ta cũng nên có, nhưng cứ ước mơ hoài, xa rời mãi cũng mệt cho tác giả và độc giả lắm. Lựa chọn đề tài phong phú từ đời sống thường nhật là dễ gần với người đọc nhất. Người viết văn nổi danh nào cũng phải bắt đầu từ kho chất liệu này.

Ernest Hemingway kể chuyện đi săn cá voi, săn sư tử ở Phi Châu vì ông đã trải qua chuyện đó. Mark Twain thì tả đời sống sông nước trên những con sông miền nam nước Mỹ với chiếc tàu chạy bằng guồng nước. John

Steinbeck chuyên kể về dãy núi và đời sống nông nghiệp bên trong thung lũng phía tây bang California . Mai Thảo thì chải chuốt, lãng mạn, nuối tiếc một thủ đô phải rời bỏ năm 1954, nói đến những cuộc tình, những bữa tiệc, những đêm khiêu vũ vì ông sống nhiều trong cái chung quanh đó. Võ Phiến bắt đầu viết kể chuyện đời sống thường ngày, chuyện nuôi bò, chuyện cán bộ ở quê nhà, tỉnh Bình Định của ông....

Ngoài ra tôi nghĩ viết truyện phải có kịch tính. Đời sống con người là cả một vở kịch dài đầy đủ buồn vui, đau khổ, sung sướng giận hờn. Cuộc đời là kịch, và có kịch là có mâu thuẫn. Có mâu thuẫn mới có truyện. Có ba mâu thuẫn chính, mâu thuẫn giữa con người và thiên nhiên, hai là giữƯa người và người, ba là mâu thuẫn giữa con người và nội tâm của con người ấy. Mâu thuẫn thứ nhất bây giờ ít được nhắc đến, bão lụt,động đất vẫn còn, nhưng mâu thuẫn này không hấp dẫn. Chỉ còn hai thứ kia, mà mâu thuẫn giữa con người và cái tâm của anh ta là thứ sâu sắc nhất, khó diễn tả nhất.

Như độc giả đã biết, tả cảnh, vẽ cảnh, tả người ở ngoại hình thì dễ, nhưng tả tình, tả tâm lý để nói lên được cái sâu thẳm lòng người mới khó. Truyện theo nghĩa cổ điển (conte ), nói chung không có mâu thuẫn, không có thắt mở là không có truyện. Đó chỉ là những ý nghĩ vụn, những tư tưởng rời rạc ghi trên giấy. Bình Nguyên Lộc gọi nouvelle (novel ) của Pháp là tân truyện, nhưng tôi nghĩ dịch như thế chưa sát, vì chữ ở Pháp và Anh này có hai nghĩa, một là danh từ, hai là theo nghĩa tính từ. Thật ra những truyện ngắn mới bây gìờ không có cốt truyện, không có chủ đề, mới đọc qua có vẻ như là kể lể con cà con kê, bí hiểm như xem tranh trừu tượng siêu hình. Nhưng có lẽ đọc kỹ sẽ thấy có nhiều tình tiết ở trong, rồi sẽ bắt gặp được ý nghĩ của tác giả, và thấy được đầu mối mâu thuẫn nội tâm trong đó. Chẳng hạn loại truyện ngụ ý hay ẩn dụ mới đọc qua chẳng có gì là hay, lạ nhưng suy nghĩ một chút sẽ hiểu ra và sẽ thấy hay.

Tôi cũng muốn nói đến chủ quan và và khách quan trong truyện. Thật ra khi viết văn, trên một khía cạnh nào đó, dù muốn dù không là đã bày tỏ một quan điểm về nhân sinh, một thái độ về xã hội chính trị, nếu hiểu chính trị theo nghĩa rộng rãi.. Thường thường người đọc thích sự việc được trình bày khách quan, không muốn bị người viết bảo mình phải nghĩ thế này thế khác, hoặc là bộc bạch hết quan niệm thái độ của mình ra. Tâm lý độc giả, thính giả, khán giả khá phức tạp, có khi kỳ lạ. Tuy có ít thì giờ suy luận, nhưng lại không ưa bị suy luận theo người khác. Người đọc muốn tự tìm hiểu, không thích người khác chỉ dẫn hay bày tỏ quan điểm hộ.Đem ý nghĩ chủ quan của mình nói thẳng ra, người ta sẽ chán, trừ trường hợp đó là bản hiệu triệu của lãnh tụ, bản thông cáo, hô hào của một hội đoàn... nhưng đó không phải là truyện. Truyện nên giữ thái độ khách quan, vì khách quan mới có nghệ thuật. Chủ quan là chính trị, không phải nghệ thuật. Nên cố viết khách quan hay cho có vẻ khách. Bởi như đã nói, viết ra là đã mang nét chủ quan rồi, chỉ che dấu đi bằng cách này hay cách khác thôi
Do đó chúng ta thấy những truyện mang nhiều tính chính trị thì chủ quan đầy mình, các bà nội trợ, các em học sinh không thích đọc. Trên mặt văn học đơn thuần, văn chương mang màu sắc chính trị thường khô khan, có tính thời sự, thiếu giá trị lâu bền. Nếu nặng về chính trị thì văn chương phải lùi bước, còn nặng văn chương thì nhẹ chính trị. Tuy nhiên nếu có chính nghĩa, hợp lòng người của thời đại đó thì văn chương nặng về chính trị có tính lịch sử như bản Bình Ngô Đại Cáo, bài thơ Nam Quốc sơn hà Nam đế cư, văn chương thật hay lại có tác dụng rất mạnh. Điều khó cho tác giả là làm sao đem tính chủ quan vào mà độc giả ít nhận thấy.

Tôi muốn nói thêm là đừng lập dị, lập dị để gây sự chú ý. Hữu xạ tự nhiên hương, quảng cáo nhiều nhưng chất lượng kém thì sẽ bị bể. Trước khi nhảy sangtrường phái mới, ít nhất phải qua bước căn bản đã. Pablo Picasso trước khi lập ra trường phái lập thể, ông đã đã vẽ chân phương vững vàng như ai.Đừng tự làm khổ mình, đừng quá lo lắng, nôn nóng khi viết truyện. Ngoài chuyện thiên chức, sứ mạng, trách nhiệm, văn chương thi phú là một cuộc chơi. Văn dĩ tải đạo là đúng, nhưng trước khi muốn tải được cái đạo, ít ra cũng phải viết cho ra hồn cái đã. Đánh cờ chưa sạch nước cản, làm sao đòi đấu cờ với các tay cao thủ? Vui vẻ, có hứng thì viết, đừng khổ công vất vả quá. Mỹ họ gọi là cứ relax đi, thoải mái đi. Cứ tự nhiên như chim hót, như hoa nở và để trái cây chín tự nhiên, đừng giữ ép .

Để chấm dứt bài này, tôi xin đưa ra một vài điển hình viết truyện, vài tác giả ở hải ngoại, tại ba nước có đông người Việt, để độc giả thấy lối viết cách viết của họ. Tôi chỉ nêu lên để làm ví dụ, chứ không làm công việc phê bình, chỉ tìm hiểu tại sao họ có nhiều người đọc.

Ở Gia nã đại có Nguyễn Ngọc Ngạn. Ông là một con dao pha, viết truyện ngắn, truyện dài, tiểu luận, ký sự, hồi ký đều đạt cả. Ông có cái khéo là nắm bắt được thị hiếu độc giả, viết truyện đúng lúc. Nguyễn Ngọc Ngạn viết về đảo tị nạn, vượt biên, về đời sống mới định cư ở xứ người, về chuyện du lịch Việt Nam, về xã hội đảo điên ở bên nhà, kịp thời, gõ đúng vào sự chờ đợi của độc giả. Ngoài ra ông có lối viết rất trơn tru, dí dỏm. Độc giã từ giới bình dân cho đến độc giả có trình độ cao đều ưa thích đọc ông. Văn ông không cần cầu kỳ gọt giũa quá, không cần sâu sắc lắm, không làm nhức đầu hợp với cảm quan của người đọc bây giờ và ở nước ngoài. Ông viết nhiều viết khỏe, có thể nói Nguyễn Ngọc Ngạn là một Lê Văn Trương thời nay, chỉ khác là ông chưa sản xuất truyện dài theo lối xưởng viết như Lê Văn Trương .

Ở Pháp phải nói đến Hồ Trường An. Dạo trước ở bên nhà, ông đã xuất hiện nhưng chưa nổi tiếng. Bây giờ ông đang tung hoành bên ấy và viết cũng rất khỏe, nghe nói ông còn giúp một người soạn luận án về văn chương nữa. Đặc biệt là Hồ Trường An có nhận xét về màu sắc, về âm nhạc rất tinh tế. Tuy không phả là họa sĩ, nhạc sĩ nhưng ông mô tả tiếng hát và màu sắc hoa cỏ trái cây, bánh mứt rất khéo léo. Lãnh vực đắc ý của ông là kể chuyện miền quê miền Nam, được gọi là văn chương miệt vườn , chuyện gia đình, chuyện các cô gái dưới quê, trên tỉnh, ghen tuông, yêu đương, ăn diện.Ông là một trong các nhà văn miền Nam nổi tiếng ở ngoài nước như Kiệt Tấn, v.v. .. ... Đọc Hồ Trường An là phải nhớ đến Hồ Biểu Chánh, người đi trước mà ông hâm mộ, nên đã lấy họ Hồ làm bút hiệu, chỉ khác là văn ông không dài lê thê như cụ Chánh.

Ở nước Mỹ rộng lớn này, trăm hoa đua nở, có rất nhiều nhà văn viết truyện ngắn. Tôi chỉ xin chọn lấy một cây bút tôi ưa thích. Đó là bác sĩ kiêm nhà văn Nguyễn Xuân Quang. Đúng ra nghề bác sĩ ít liên hệ đến viết lách, nhưng tôi nghĩ, nhờ có tí vốn liếng khoa học, nhãn quan của ông khoa học, chính xác và hợp lý hơn. Lối viết của Nguyễn Xuân Quang bạo dạn, mạnh khỏe, sắc như lưỡi dao giải phẫu. Ông hay dùng xen lẫn tiếng Anh, nhưng không dư thừa và không có tính khoe giỏi Anh ngữ. Dường như sau mỗi chuyến du lịch đến một tiểu bang khác, một nước khác, ông đều viết được mot truyện ngắn thực hay, lạ. Nguyễn Xuân Quang lấy chuyện đi chơi ở nơi đó, lồng vào một chuyện tình có thật hay hư cấu, có dục tình, pha lẫn một chút tình hoài hương, xót thương đất nước thân phận lưu đầy vào đó. Những truyện ngắn như Hái thận, Pho và Uống rượu Trường thành của ông vùa hấp dẫn vừa khám phá.       

Tôi xin nhắc lại những điểm chính. Các bạn mới viết, các bạn trẻ muốn viết truyện, hãy viết truyện ngắn trước. Những người có khả năng có tài sẽ được nhận diện ra ngay. Cần thành thật, đừng gò bó, dao to búa lớn quá, đừng lập dị, bắt chước. Để làm hành trang lên đường nên có những yếu tố: Năng khiếu, môi trường thuận lợi và tự hỏi xem có máu di truyền văn nghệ hay không. Nếu không có ba yếu tố đó, nhưng lòng say mê viết lách quá nặng thì theo đuổi nghề văn khá vất vả. Nói thế không phải để chặn mầm non, mầm già, nhưng là sự thật.

Khởi đầu nên viết cho chính mình, hãy giải trí cho độc giả đã rồi hãy ôm hoài bão to lớn hơn. Những đường quyền cước, những bài múa gươm căn bản cần phải thuộc đã, sau đó muốn sáng chế ra bài bản nào, muốn lập ra môn phái nào thì cứ lập. Nên tả tâm lý nhân vật, vì diễn tả được điều này rất dễ thành công. Hãy tự nhiên, thoải mái khi viết, nên biết chọn lọc, bỏ bớt chi tiết không cần thiết, phải có kịch tính, nhất là kịch tính nội tâm và nên lấy chất liệu ở ngay chung quanh, đời sống hàng ngày.

DIỆU TẦN


*****

VIẾT & ĐỌC TRUYỆN NGẮN

Tác giả: QÚY THỂ

Nguồn: Việt Văn Mới


Lâu nay trên báo chí xuất hiện vô số bài văn xuôi kể lại một câu chuyện, tự gọi là” truyện ngắn”. Những cái đó có phải là truyện ngắn chính thống hay không? Tôi nghĩ đa số là không. Bởi đơn giản truyện ngắn không là một đoạn văn xuôi ngắn, cũng không phải là một câu truyện ngắn, thể loại ấy có những đặc trưng rất khác biệt. Song ở đây cũng chẳng phải là lúc để tham luận dông dài thế nào là truyện ngắn chính thống. Tôi chỉ xin nói một vài kinh nghiệm bản thân về viết và đọc truyện ngắn.

    Chúng ta đã từng nghe đâu đó câu :” Trong văn học không ai dạy ai được cả" Hết người nầy tới người khác bắt chước nhau nói rặt một điều như thế để được tiếng là khiêm tốn, thật ra chỉ là cách nói mị dân, ám chỉ, bất cứ ai biết chữ là viết được truyện ngắn. Có phải đúng thế không? Không và nói kiểu đó cũng chẳng có lợi gì cho người mới cầm bút, đôi khi nó còn gây phản tác dụng. Mấy “anh lính mới” nghe thế tưởng chuyện văn chương là cái gì bí ẩn, ghê gớm, có muốn dạy, chẳng thể dạy, và có muốn học cũng chẳng học được. Họ nghĩ ấy là thứ đặc quyền của một số người được “ơn trên” ban cho cái gọi là năng khiếu văn học, còn “bá tánh” thì không. Tôi nghĩ một cách thô thiển văn học vẫn có thể "dạy" và "học" được, nhà trường vẫn dạy và học đó! Dĩ nhiên môn văn ở nhà trường khác hẳn với việc sáng tác. Tôi hiểu “ dạy” và “học” theo cách người đi trước "chỉ"và "dẫn" người sau để bớt khó nhọc và mất thời gian .

    Thánh kinh từng nói:" Tìm thì thấy" Song mấy ai đủ kiên trì và can đảm đi trọn con rất dài, đầy chông gai, bất trắc luôn luôn chờ đón ở bất cứ đoạn nào. Trên con đường tìm đến văn học bao nhiêu người đã vấp ngã, có người gượng đứng lên đi tiếp, có người quị luôn. Số người đến bờ bên kia rất ít, đếm trên đầu ngón tay. Thử tưởng tượng, một cô một cậu nào đó tốt nghiệp phổ thông, rất yêu văn chương, nghĩ mình có năng khiếu, tự nguyện từ bỏ các cuộc đi chơi đi ăn với chúng bạn, ngồi nhà đóng cửa lại miệt mài viết cái truyện, gởi đến tờ báo cùng với cả hy vọng, song chẳng thấy đứa con tinh thần chào đời. Cái truyện giống như viết trên những lá chì ném xuống nước, chìm lĩm, chẳng tăm hơi. Thử hỏi, chừng đôi lần như thế, người kiên nhẫn cách mấy cũng phải nãn, bỏ cuộc. Vậy thì tại sao người đi trước, “có chút kinh nghiệm” lại không thể chỉ dẫn? Có gì là tự cao tự đại khi nói mình “có chút kinh nghiệm" ? Phải quan niệm cái “ Chút kinh nghiệm” cỏn con ấy không là cái đáng để kiêu hãnh. Kinh nghiệm chẳng qua chỉ là những thất bại, những bước lỡ lầm, sụp hầm hố trên con đường tìm đến văn chương, ai không thất bại? Nay ta quay lại nắm tay dẫn người đi sau dẫn qua an tòan, tốt quá chứ?
    Hiện tại có hai xu hướng dựng truyện. Truyện có cốt truyện và truyện không có cốt truyện. Cách nào cũng tốt và cũng có thể viết hay cả.

    Xưa, bên Âu châu, nhất là Anh, sau buổi ăn tối, cả nhà kéo nhau ra phòng ngòai, gọi là phòng hút thuốc ( Smocking room) bàn việc trong nhà, trong ngày. Gặp bữa không có việc, nhân dịp ấy một người đọc sách hay kể chuyện cho cả nhà nghe, thời chưa có những phương tiện nghe nhìn hiện đại TV, Radio, đó là một lối giải trí lành mạnh cho cả gia đình. Như thế truyện phải thuộc loại kể được. Muốn kể được phải dễ nhớ và cần có cốt truyện. Vì thế các nhà văn bắt buộc phải viết truyện có chuyện dễ nhớ dễ kể. Cốt truyện, tứ truyện phải li kì, éo le, gay cấn,hấp dẫn ngay từ dòng đầu đến cuối. Vì thế lọai tiểu thuyết in báo nhiều kì ( feuilletons ) ra đời cùng với nhật báo. Đặc trưng của loại nầy là đọan kết hôm nay phải lôi cuốn cho ngày sau, ví dụ như:” Hung thủ rút dao ra đưa lên…” hoặc “ Nam đưa Nữ vô phòng, khép cửa lại…” luôn luôn có chữ “ còn nữa” và ba chấm lững hứa hẹn, mục đích cũng chỉ để bán được báo!
    Ngày nay,nói chung, khuynh hướng thứ nhất ( Truyện có cốt) đang và sẽ còn thịnh hành ở miền bắc. Xu thế thứ hai đang ở chiếm thế thượng phong ở miền Nam.

    Sêkov, ông vua truyện ngắn người Nga, lúc đầu cũng viết truyện có cốt chuyện song về sau ông, khi đã viết nhiều, thành thạo, viết một thời thấy chán cách dựng truyện cũ kĩ ấy. Ông nói:" Có cốt truyện thì cần phải có người hùng, hành động dũng cảm cao thượng, vị tha, hy sinh. Song mấy đức tính ấy tốt đẹp ấy ngày càng hiếm lấy đâu ra để viết mãi?. Con người thời đại “hơi bị” tầm thường! Cuộc đời nầy mấy ai là người hùng? Mấy khi xãy ra chuyện li kì ? Một người đàn ông, thường thường bậc trung, chủ gia đình trung bình, sáng vác ô đi tối vác về. Đââu phải ngày nào cũng lên bắc cực đánh nhau tay không với gấu trắng? Mà thường thì ở nhà, ăn xúp bắp cải, rửa chén, quét nhà, và….gây lộn với vợ!

    Cuộc đời nầy gồm những con người bình thường. Nhưng những cuộc đời bình dị ấy không có nghĩa cuộc sống le lói, buồn thảm, không có những điều thú vị, để khai thác viết thành chuyện …

    Viết theo phong cách nầy không phải dễ, vì không có cốt, nó giống như người không xương, oặt ọeo, viết không khéo sẽ thành tùy bút hay một cái gì đó tương tự. Vì thế nó rất cần một cái gì để tựa, với tôi, điểm tựa để dẫn dắt câu chuyện là cái "ý". Viết theo cái "ý"ù, cố tìm ra được một cái "ý" đặc sắc thì mới " ăn" thiên hạ, "ý"ù làng nhàng, có viết trăm truyện, chẳng đi đến đâu.

    Cái "ý" kiếm ở đâu? Mỗi người có một cách. Tôi cũng có "mánh" để tìm ra cái ý, không biết “mánh” nầy tốt không? Song chẳng giấu nghề, cứ bật mí. Đối với tôi, cái “ý”ù nó hiện ra từ cái "hình" bắt gặp trong cuộc sống, cũng có khi nó hiện ra trong khi nói chuyện. Trên bàn tiệc, bàn nước, trong sách báo, phim ảnh… song tình cờ là chính. Tôi thường tìm hình theo kiểu "mèo bắt chuột "Con mèo không bao giờ đi lang thang tìm chuột, biết chuột ở đâu mà tìm ? Chỉ còn cách nằm rình rập ở những nơi chuột thường xuất hiện như gầm bếp, đụn lúa, thấy chuột ló ra thì tóm, hoàn toàn ngẫu nhiên, may rủi, nhưng chẳng thiếu đâu. Cách viết nầy theo một trình tự bất biến sau : Hình sinh ý, ý sinh truyện.Thánh kinh mở đầu bằng câu: Bắt đầu là lời… Tôi nói bắt đầu là hình…

    Ví dụ, một lần đến thăm cửa hàng bán đồ lưu niệm, trong cái lọ thủy tinh chứa chiếc tàu nhỏ ghép từ những mảnh gỗ thông tí hon. Nhìn hình ảnh ấy, chỉ trong thời gian một cái chớp mắt, tôi" bắt" ngay được cái ý: Chiếc tàu tượng trưng cho sự tự do dọc ngang biển rộng sông dài. Cái chai lại là hình tượng gò bó tù hãm. Thế là hai hình tượng hoàn toàn đối lập, mâu thuẩn, lại dính liền với nhau, hiện ra cái tứ cấu thành truyện ngắn" Chiếc tàu trong chai" đầy tính nhân. Truyện chiếm giải nhất cuộc thi truyện ngắn báo Hậu Giang năm 1993. Sau được Nhà xuất Bản Kim Đồng in thành tập chung với một số truyện thiếu nhi của tôi và một lần nữa nó được giải cuộc thi của tờ báo Phật Giáo về đề tài những câu chuyện vị tha, thương yêu đồng loại, tờ Giác ngộ.

    Xin tóm tắt: Trong một quán rượu trên bến cảng có trưng bày mẫu vật chiếc tàu trong chai, một con tàu ba cột buồm, loại tàu buôn bằng gỗ thế kỉ trước. Mẫu trưng bày rất đẹp nầy để trên nóc tủ cao, nhiều năm qua chưa ai sờ đến. Vào một đêm rất khuya.Trong quán chỉ còn một thủy thủ già hết thời, ấy là lão Tâm, lão đã có cả một đời hào hùng dọc ngang trời biển .Nay lão không còn đủ sức phiêu lưu nữa, lên bờ giúp việc tồi tàn cho quán rượu nghèo dành riêng cho thủy thủ. Đêm đã khuya lão chưa được đi ngủ, còn lau chùi sàn nhà do bọn thủy thủ say mửa ra rất bẩn thỉu. Có một thủy thủ tên là Chín Thu, hắn cao to và rất khỏe. Hắn là đàn anh của bọn mới vào nghề, hắn rất ganh tị với ông lão vì nghe bọn đàn em ca tụng thành tích oai hùng của ông lão. Một mình ông chế ngự được con cá kiếm khổng lồ biển Bắc . Hắn muốn làm nhục ông lão. Khi thấy ông lau đến gần. Hắn tung chân đá văng sô nước, hét to, buột ông lão cởi chiếc áo thủy thủ đang mặc trong người ra lau sàn nhà. Ông lão lặng lẽ, nhẫn nhục cởi chiếc áo thủy thủ cũ ra lau. Thằng Chín Thu, còn bày nhiều trò hành hạ lão. Thế rồi chiều hôm sau, trời biển xám như chì, và cơn bão đang chực chờ ngoài khơi, biết hiểm nguy song cả bọn hết tiền phải từ giả vợ con đi vào cơn bão dữ. Thuyền ra tới khơi thì một cơn bão hung tợn kéo tới, chỉ qua vài con sóng lừng, sóng chụp thuyền chìm, mạnh ai nấy lo mạng sống, tìm ván, can nhựa ôm nổi trên biển hung tợn. Trên bến cảng, gia đình bọn thủy thủ nghĩ cả bọn chuyến nầy chôn thây trong bụng cá . Vợ con kéo nhau ra biển thương khóc, đắp một hàng mười mấy cái mộ cát, mả gió, đốt vàng mã tro tàn lả tả bay, cảnh tượng thật là đau buồn .Ông lão Tâm vội chạy ra kè đá tháo dây lấy chiếc thuyền nhỏ mở máy đạp sóng ra khơi. Nhờ bao năm đi biển, ông lái con thuyền nhỏ lướt sóng, đến nơi kịp cứu được hầu hết số thủy thủ. Người cuối cùng bị sóng cuốn đi xa quá là Chín Thu. Ông lão nghe tiếng kêu cứu vang trong gió ông vội lái chiếc thuyền con đến, thuyền chạy được một đoạn , xa xa đã thoáng thấy cánh tay vẫy nước kêu cứu thì con thuyền hết dầu. Ông không nở bỏ hắn chết, ông lão liều lĩnh lao mình xuống dòng nước sôi sục, tới nơi ông bảo hắn bám vào chiếc lưng người già nhăn nheo như làn da voi, Oâng lội về gần đền thuyền. Giờ đây bám vào lưng ông lãohắn mới thấm thía, chỉ mới tối qua hắn còn bày trò vật tay để hành hạ ông lão. Cánh tay khẳng kheo như củi mục của người già đã bị cánh tay vạm vỡ của hắn đè bẹp. Bây giờ chính cánh tay già nua ốm yếu ấy đang từ từ khoác nước đưa hắn đến chỗ sống. Gần tới con thuyền hắn buông ông già ra, nói:" Tui đủ sức bơi rồi, thôi lão cố bơi về đi " Lão Tâm tuổi già sức yếu, lạnh, và cũng vì khối thịt khổng lồ trên lưng làm cho hết cả sức lực, lão cố rướn tới, được mấy sải chìm lĩm,cả bọn trông thấy nhưng chẳng đứa nào cứu. Ngay trưa ấy cả bọn được tàu hải quân cứu. Thằng Chín Thu lên bờ trần truồng chạy như người điên trên bãi cát, hét:" Bà con ơi ! Ông trời không có mắt, sao cá xà cá mập không nuốt thàng Chín Thu bất nhân bất nghĩa nầy đi lại để cho biển nuốt vị Đại Thế Chí Bồ Tát !!!" Đêm ấy hắn lại vào quán uống rượu, thật say và thật khuya. Hắn lén bê" chiếc tàu trong chai" đem ra bãi biển. Dưới ánh trăng sáng vằng vặt hắn cẩn thận lấy đá đập vỡ chai, than thầm:" Lão BỒ Tát ơi ! Con tàu được tự do rồi đo ù!" Hắn đem chiếc tàu xuống biển đặt lên mặt nước, chiếc tàu hơi chòng chành rồi lấy lại thăng bằng. MỘt ngọn gió khuya thổi từ đất liền ra biển, con tàu bắt đầu ra khơi. Chín Thu gào lên :" Thuyền ơi ! Vươt ngàn trùng dương đi thật xa tới bên kia thế giới cặp vào bến bờ an lạc, đừng bao giờ quay về cái bến đời ô trọc nầy !!!"

    Tôi tóm tắt truyện nầy chỉ để nói, Bắt đầu từ một cái hình lạ thường, hình sinh cái ý, ý làm nên câu chuyện. Con tàu và cái chai là dựa theo thủ thuật hình ảnh đối lập. Trong truyện tôi còn sử dụng cả kĩ thuật” Phục bút”. Nhân vật Chín Thu lúc đầu là phản diện, sau hóa chính diện. Phục bút là cách dùng ngòi bút đánh lừa độc giả. Kĩ thuật phục bút là sở trường của nhà viết truyện trinh thám , vụ án. Ban đầu là một vụ án, người viết đưa ra một số nhân vật khả nghi, để lừa độc giả. Sau cùng mới tiết lộ thủ phạm . Thủ phạm càng bất ngờ càng thú vị.

    Thêm một ví dụ về hình sinh ý. Cách đây mấy năm ở Nha Trang còn phát truyền hình Liên Xô, phát suốt ngày đêm. Một lần tình cờ tôi thấy hình ảnh một người vừa mãn hạn tù. Hắn được dẫn đến văn phòng trại giam làm thủ tục phóng thích. Họ trả hắn tài sản đã gởi lại trước khi vào tù. Trong chiếc phong bì giấy ố vàng màu thời gian ấy có vật quí nhất là chiếc đồng hồ quả quít, rất cũ lớp vàng mạ trên nắp phai cả, đó là tặng phẩm của người cha kính yêu của hắn. Hắn mở nắp ra xem. Chiếc đồng hồ mười năm qua không được lên dây đã đứng từ ngày chủ nó vào tù. Nó dừng lại đúng vào lúc chín giờ sáng cách đây đúng mười năm. Mọi chiếc đồng hồ trên thế gian nầy đều chạy, chỉ riêng chiếc đồng hồ thằng tù là dừng mười năm, giống hệt cuộc sống của hắn cũng đã bị ngừng đúng mười năm. Từ cái hình ấy sinh ra cái ý, tôi viết truyện "chiếc đồng hồ". Sau nầy gởi báo Thanh niên lấy tên " Nụ cười gợi lại mùa xuân" đăng trong số báo xuân năm 95, Truyện rất ngắn, hai nghìn từ, viết trong một buổi, đánh bại hàng trăm truyện ngắn khác của những cây bút tên tuổi, nhuận bút đủ ăn tết.

    Xin tóm tắc để minh họa :" Lúc ra tù, hắn đến đâu đều bị xua đuổi, kể cả vợ con. Ai cũng ghét cũng sợ cũng khinh, đến chó thấy hắn, tới gần hít ống quần nhận ra cái "mùi thằng tù, mùi bất lương" xông vào sủa. Trong lúc ấy bọn xấu nghe tin hắn được tự do liền đến móc nối, với bao nhiêu đề nghị cướp ngân hàng, bắt cóc con tin, giết người thuê, bao nhiêu cuộc làm ăn bất chính song rất hấp dẫn người trong cảnh hắn. Lần nầy hắn cương quyết không làm người xấu nữa. Thế nhưng cũng từ đây thế giới những con người lương thiện đã khai trừ hắn, hắn không làm sao hội nhập được. Hắn đi xin việc khắp nơi song chẳng nơi nào chấp nhận cho hắn công việc dù đó là công việc nặng nhọc tồi tàn lương ít nhất. Cuối cùng hắn tìm được việc làm, một công việc rất đặc biệt, rất nguy hiểm , rất dễ nãn mà lương thì rất thấp nên chẳng ai nhận làm. Aáy là việc cạo lớp vôi cũ bên ngoài những tòa nhà cao tầng. Suốt ngày hắn treo mình lơ lửng trên cao, hàng trăm mét sống trên tấm ván nhỏ ăn, uống, nghỉ ngơi và làm việc, được cái suốt ngày chẳng giao tiếp với ai, giờ đây hắn mắc cái bệnh rất lạ là bệnh "sợ người". Một hôm đang làm việc thì từ trong cửa sổ tầng lầu thứ mười có chiếc máy bay giấy bay ra, chiếc tàu bay lượn đảo nhiều vòng cuối cùng bay đến chỗ hắn, hắn thuận tay bắt lấy. Có hai đứa bé chồm người ra cửa sổ nhìn, bọn chúng tưởng chiếc tàu bay đã lượn xuống tới đường phố dưới kia. Không ngờ có người đàn ông đang treo mình lơ lửng bên ngoài căn hộ cầm chiếc tàu bay giấy. Bọn trẻ con rất dễ thương, nói :" Bác ném cho nó bay nữa đi !" Hắn ném. Chiếc máy bay mở ra nhiều vòng tròn rất đẹp lượn lờ mấy vòng xuống thấp dần , hồi sau mất hút trong dòng xe cộ . Bọn trẻ con reo hò thích thú. Mẹ chúng đi tới của sổchồm người nhìn ra. Một khuôn mặt phụ nữ khả ái dịu dàng, thấy hắn, cô ta nở nụ cười đầy thiện cảm. Hắn cười lại, lòng như nở hoa, và hắn bỗng thấy rất ân hận, tự trách mình đã nghĩ sai về con người, con người đâu phải ai cũng tệ bạc ? Hắn thấy từ đây đời hắn mới được thực sự hồi sinh. Hắn cho tay vào túi lấy chiếc đồng hồ ra lên dây đưa lên tai lúc lắc. Đồng hồ kêu tích tắc…tích tắc…tích tắc…như tiếng quả tim tái sinh…

    Đừng sợ hết, những hình ảnh đậïp mạnh vào tâm hồn ta nhiều lắm, miểng tâm hồn ta là chiếc chuông đồng hay sợi dây đàn thì nó sẽ ngân lên. Cuộc sống giàu có lắm, nó thiên hình vạn trạng, cung cấp cho ta biết bao nhiêu cái tứ. Vấn đề là ta có tinh tế nhận ra và có kịp thời tóm lấy nó và dựng lên câu truyện tráng lệ, cống hiến lại cho đời hay không ?...

    Còn nhiều thủ thuật rất đáng để cho chúng ta học tập trong khi viết truyện ngắn. Tôi rất thích cái thủ thuật tạm gọi là “ Dĩ tiểu vi đại”, lấy cái nhỏ để ám chỉ cái lớn. Trong phim Titanic( Phim nầy tôi chỉ thích các tiểu tiết , chứ sự vĩ đại tốn hàng mấy trăm triệu Mỹ kim tôi không phục) để mô tả sự kiện chiếc tàu khổng lồ đâm phải núi băng, Cái hay ở chỗ với một sự kiện va chạm khủng khiếp đó được đạo diễn cao tay nghề, tài năng mô tả bằng một hình ảnh rất nhỏ, rất nhẹ: một rung động mong manh, chiếc cốc cà phê trên bàn ngủ chỉ hơi sóng sánh. Lấy cái nhỏ để nói cái lớn là thế. Nếu là nhà văn ta thế nào cũng sử dụng thành ngư õø” Long trời lỡ đất”…Hay nhà đạo diễn non tay nghề của ta thế nào cũng cho mô hình chạm phải băng sơn, một tiếng nổ lớn, bao nhiêu đồ đạc đổ vỡ, hỗn độn cùng với tiếng kêu thét rùng rợn… Trong truyện ngắn” Trưởng nam của đá” của tôi, để mô tả sự kiện một hòn đá khổng lồ, to như cái nhà lầu, tròn như quả trứng , gọi là Hòn Trứng, đang đứng lưng chừng Núi Sạn, cao hàng trăm mét so với mặt đất, hõng chân lăn như một quả bóng xuống sông Cái Nha Trang, tôi không dùng thành ngữ” Long trời lỡ đất” bình thường mà mô tả sự việc một cách gián tiếp :” Người vợ chuyển bụng, vừa sổ đứa con, bà mụ hối anh chồng ra dây phơi quần áo rút mấy cái tả. Chồng sờ thấy mấy chiếc tả trẻ con xé bằng thứ vải mỏng như cánh chuồn, phơi nắng suốt ngày vẫn còn ướt nhẹp. Anh ta kinh ngạc, tưởng mưa, nhìn lên mái ngói thấy đỏ au và hai chú bồ câu đang gù nhau trong nắng…” Đọan đó tả về sự chào đời của “vị trưởng nam của đá”. Hóa ra Hòn Trứng lăn xuống sông làm nước bắn lên rất cao rơi xuống thành cơn mưa làng Vĩnh Ngọc bên kia sông. Lấy cái kết quả nhỏ để nói cái lớn, không cần dùng dao to búa lớn , đại ngôn, cường điệu mà vẫn đạt hiệu quả.

    Trong văn học những câu nói chung chung. Những tràng lý luận dông dài, những lý sự về việc đời, dù là khuôn vàng thước ngọc đi nữa cũng chẳng ăn thua gì, không gây được ấn tượng. Phải là tìm cho ra cái cụ thể, càng cụ thể càng tốt. Cụ thể là cái có thể sờ mó được, nắm được, thấy được. Lấy cái "sắc sắc" để nói cái" không không". Lấy vật thể nói cái điều trừu tượng. Một truyện ngắn Trung Quốc hiện đại nói về anh chàng tham ô, không cần phải nói ấy là một nhân vật thoái hóa suy đồi ăn hối lộ, xấu xa…nói thế không gây ấn tượng bằng chỉ cần một chi tiết? Cái bậc thang bằng gỗ vào nhà anh mấy năm sau khi anh giữ chức trưởng ban tổ chức đã mòn đi do bàn chân của những người đến lo lót… Trong bộ sách chiến tranh trứ danh đông phương, mà theo tôi còn hay hơn " Chiến tranh và hòa bình". là bộ Tam Quốc diễn nghĩa người viết không cần tả Quan Vân Trường ,vị tướng hào hùng nghĩa khí ra sao. Chỉ cần một chi tiết gồm mấy con số. Nói về sự dũng mãnh của Quan Công chỉ cần một câu, cũng hết sức sinh động " Quá ngũ quan trảm lục tướng"( qua năm cửa ải chém sáu tướng) Hay để nói cái cảm nghĩ xót xa bẽ bàng của người hùng trong cảnh cá chậu chim lồng, người viết chú ý tới cái mông của Quan Vân Trường, mông ấy trước đây suốt ngày cùng với con chiến mã lăn lóc chiến trường da dày như da trâu. Nay được Tào Tháo nuôi dưỡng, an nhàn vô vị, sờ thấy làn da mỏng và mềm đi. Người hùng ngậm ngùi không được tung hoành chiến trận… ấn tượng biết bao?! Cụ thể là tình tiết sờ sờ ra đó. Để tả cái dũng mãnh của Quan Công, có một chi tiết rất hay, rất thơ. Quan Công đơn thương độc mã, phi ngựa xông vào thành địch, chỉ một cái huơ đao, chém bay đầu hai viên đại tướng Nhan Lương, Văn Xú, quay ngựa trở về tướng phủ Tào Tháo, chén rượu tiển hâm nóng, vẫn còn ấm ! Không cần dài dòng, chỉ cần hình ảnh bậc cửa mòn, làn da mỏng, chén rượu ấm…bằng cả mấy trang giấy dông dài tả tình, tả cảnh. Tôi tuy không sánh với người xưa song rất khoái viết về các chi tiết cụ thể. Trong truyện "Mộng bá vương", Thay vì viết:"…mấy kép hát khi hạ vai tuồng ra trước cửa rạp ngồi ăn bắp nướng…" Viết như thế là chưa ăn thua! Chưa chi tiết, chưa sống, phải nói"… Mấy thằng kép tre,û kép tơ, kép độc, kép lẳng, khi hạ vai tuồng vào hậu trường vội vàng thay y giáp quan văn, tướng võ, mặc quần xà lõn ra trước cửa rạp ngồi chồm chỗm cạp bắp nướng…Bắp Cồn Hến, một cái cồn cát nhỏ Vỹ Dạ ngó qua, nổi tiếng có giống bắp ngọt. Muốn nướng cho ngon phải lựa bắp mới héo râu, nướng trên lửa than, rưới nước mắm mỡ, dằm ớt xiêm…" toàn là cái nhỏ, cái thấy được, sờ mó được. Nói về thủ thuật lấy hình ảnh cụ thể nói cái trừu tượng thì truyện ngắn "Con chuột vải , truyện nầy còn sử dụng cả thủ thuật “đặt cái đen cạnh cái trắng” là rất đắt.

    Xin kể để minh họa thủ thuật đặt cái trắng bên cái đen và dựa vào một chi tiết cụ thể: Hai nhân vật chính đều làm trong ngành y. MỘt (đen) nhà nghèo, không học, làm nghề Sơn Đông mãi võ, bán thuốc quảng cáo, ra chợ Đầm bán mấy viên kẹo xổ lãi xanh đỏ, thuộc ghẻ, thuốc bổ thận, tráng dương, dưỡng thai. Với đạo cụ chỉ là một con chuột thắt bằng chiếc khăn tay, nhảy nhót để dụ mấy đứa trẻ con bụng õng và mấy người nhà quê. Hắn kiếm tiền cũng kha khá…Nhân vật (trắng) kia là một bác sĩ danh giá đổ bằng tiến sĩ y khoa đại học y Paris về nước, xuất thân trong gia đình thượng lưu trí thức, quyền thế, bên vợ rất giàu. Ông bác sĩ một lần chở vợ đi chợ thấy chàng mãi võ chỉ với con chuột vải cũng sống được, sống lương thiện, sống đàng hòang. Ông nghĩ, cuộc đời nầy thật hào phóng. Cần gì phải chuẩn bị kĩ lưỡng phải học hành khổ nhọc hai mươi năm như ta mới vào đời sống được… Song đời chẳng phải đơn giản thế. Nhiều năm sau ông đổi lên Banmêthuột làm giám đốc bệnh viện. Đêm Nô-en năm ấy trời rất rét. Người ta chở tới bệnh viện một xác người lạnh cóng. Ông bác sĩ cố sức cứu hắn , nhưng không kịp, hắn chết, ông cho vào nhà xác để kịp về nhà rước lễ nửa đêm. Ăn Giáng sinh xong, mấy ngày sau ông bắc sĩ giám đốc tình cờ đi ngang qua nhà xác thấy người lao công bệnh viện ngồi gác. Ông hỏi:
    - Canh cái gì nơi đây?
  Lao công:
    -Thưa cái xác chết đêm Nô-en !
    - Tại sao lại phải canh, sợ nó chạy đi mất sao?
  Lao công:
   - Dạo nầy bệnh viện mình chuột nhiều lắm, chuột cả bầy, hôm kia chúng móc mắt cái xác của người đàn bà Thượng chết do sinh khó. Thế nhưng lạ quá, tôi lén nhìn vào khe cửa thấy chuột từng bầy từ mọi xó xỉnh kéo ra vây quanh cái xác nầy, không có con nào dám xâm phạm . Hình như hắn ta là “vua chuột”?
  Giám đốc cười:
    - Làm gì có “vua chuột”. Thế gia đình hắn chưa tới nhận xác sao?
    -Thưa chưa…Bệnh viện ta có giải phẩu bệnh lí không?
    -Không cần…Nguyên nhân cái chết của hắn đã quá rõ. Hắn chết đói và chết rét. Đêm ấy tìm mãi chẳng có ven( động mạch), tôi phải mổ ống chân hắn tìm mạch máu, lôi ra cái mạch máu màu tim tím, châm kim vào không hút ra được giọt máu nào. Như thế nửa phần cơ thể dưới của hắn đã chết rồi, song phần trên chưa chết, hắn còn lẩm bẩm mê sảng:”Ông Hai bên kia một chai.Bà Ba bên nầy hai gói…!” và hắn chết. Trước khi chết hắn mửa ra một đống bọt. Đó chính là kiểu chết đói.Chẳng cần mổ ra tôi cũng biết trong cái dạ dày lép kẹp ấy nhiều ngày chẳng có gì…Tội nghiệp!
  Lao công:
    - Thưa, bây giờ làm gì?
  Giám đốc :
    - Lục xem trong người hắn có giấy tờ tiền bạc gì không?
  Lao công:
    - Thưa tôi đã xem trong mớ áo quần như giẻ rách của hắn rồi. Chẳng có giấy tờ tiền bạc gì. Nếu có tiền thì hắn đã không chết đói. Trong người hắn không có gì cả. À quên ! - Dạ mà có… có một vật lạ lắm.
  Giám đốc:
    - Cái gì?
    - Một con chuột thắt bằng cái khăn tay…
  Giám đốc giật mình, lẩm bẩm:" Trời ơi ! Chuột vải, chuột vải sao? Lão “ con chuột vải” chết rồi sao? Thế thì cuộc đời này không phải dễ chịu hào phóng với tất cả mọi người như ta nghĩ.. Thôi không đợi thân nhân nữa. Hắn tứ cố vô thân. Lấy vải của bệnh viện khâm liệm, với cái hòm kha khá lo cho hắn.
  Nói xong ông Giám Đốc toan bỏ đi. Chợt nhớ điều gì quay lại nói:
    - Nhớ bỏ con chuột vải vào áo quan chôn theo hắn./.

**************.

    Viết văn dựa nhiều vào tiểu tiết, theo kiểu người Anh là hay hơn cả.Có người hài hước nói:” hơi đâu ngồi chẻ sợi tóc ra làm tư.” Người chê lắm, người khen cũng nhiều. Để nói về một trận đánh lớn, ông tướng dẫn đại hùng binh mấy vạn lính tráng xe pháo ra trận. Các chi tiết và những con số to lớn ấy, người ta chỉ viết thoáng qua một dòng là đủ. Song họ dừng lại, bỏ công viết nhiều trang về bữa ăn sáng của ông tướng mà chỉ chú tâm vào cái rất nhỏ là chén nước xốt :"…làm bằng gì? theo phong cách ẩm thực Pháp hay Anh ? Bao nhiêu đường ? Bao nhiêu muối ? Hạt tiêu đen hay trắng, bột ớt hay đinh hương …" Hình như độc giả chán cái lớn, thích đi vào cái nhỏ, cái tiểu tiết thú vị hơn. Tôi từng đọc đâu đó trận Điện Biên Phủ, bao nhiêu sự kiện to lớn tôi quên cả, lại chỉ nhớ cái việc mấy anh bộ đội nối dây thép làm dây tê-lê-phôn. Và việc một anh, dép cao su dẫm trong bùn sút quai, lay hoay mãi không làm sao rút quai dép, mượn không ai có, sau phải tự làm lấy cái dụng cụ đơn giản nầy bằng lưỡi lê và một nhánh tre…Theo kiểu đó tôi cũng đã từng nói về chén nước mắm Huế. Nếu chỉ viết :"… Bánh nậm chấm với nước nắm ớt "chẳng cụ thể sống động tí nào và cũng chẳng gây được ấn tượng cho người đọc bằng "…Bánh Nậm mới vớt ra khỏi cái xửng tre, trong ngần như bạch lạp mềm đẽo và nóng hổi, vừa chín tới , bột lọc trong, thấy cả con tôm đất đỏ màu gạch bên trong, lột lá chuối, xếp ra đĩa, chấm nước mắm nhỉ, dằm ớt sừng, ớt không đỏ, không xanh, mới hườm hườm, không cắt bằng dao kéo hay muỗng, phải xắn bằng đũa tre, mới ra hết chất cay chất thơm. Người Huế thử nước mắm ngon dở bằng cánh bỏ vào hạt cơm, nó nổi là ngon, hạt ớt trắng nổi đầy kín mặt chén đất, men xanh vẽ sơ sài mấy lá trúc…"Như thế mới đúng là nước mắm ăn bánh nậm, bánh bèo Huế.

    Truyện ngắn bắt buộc phải có một cái điểm nhấn gọi là cái "nhân". Về sau người đọc sẽ quên , quên tất cả, may ra họ còn nhớ được cái "nhân" của câu truyện. Ví dụ đọc truyện ngắn "đấu bò tót" của HEMINGWAY, dù là truyện rất hay của một nhà văn đại tài, nhưng đọc một thời gian sau cũng sẽ quên cả, tôi chỉ còn nhớ cái "nhân" truyện là anh chàng phục dịch trong khách sạn nghèo của những tay đấu bò tót hết thời. Hắn ta chịu làm việc nơi đây chỉ vì mê cái hào quang, mặc dù đã tàn phai nhiều rồi của những tay đấu bò. Ban đêm, sau khi đã xong mọi công việc, hắn ở dưới bếp lấy cặp dao phay bén nhọn cột vào chân ghế tạo thành chú bò mộng giả, nhờ người cầm ghế lao tới húc thật nhanh, thật mạnh vào hắn, để hắn tập đấu với con bò giả nầy! Hắn đã chết vì một cú đâm như thế. Đó là “thủ thuật lộng giả thành chân". Hay hình ảnh con mụ tham ăn trong truyện " Bữa ăn trưa" của SOMERSET MAUGHAM. Hai truyện ngắn của tôi có gây chút dư luận là truyện”Tiếng chim”, và truyện “Đêm mưa” đều sử dụng kĩ thuật” lộng giả thành chân”. Tiếng chim là tiếng chim giả, ghi âm trong máy cát xét. Đêm mưa cũng là mưa giả, phun nước lên mái nhà, dùng máy ghi âm giả làm tiếng sấm, đèn làm ánh chớp, quạt máy làm gió…Hoặc một truyện ngắn gì đó của Vũ Hạnh, tôi quên tất cả, chỉ còn nhớ cái "nhân" của nó là vào thời kì Phật Giáo miền nam chống Diệm Nhu, dân chúng đêm lại đi chùa nghe kinh rất nhiều. Có một mụ già mỗi lần đến chùa mang đôi dép mòn, đứt quai, thứ bán phế liệu không ai mua. Đến nơi, mụ ta để dép đúng nơi qui định, vào chùa kính cẩn thắp hương lễ Phật, vẻ mộ đạo hơn ai cả, đôi khi mụ ta còn giảng giải lời thầy cho người khác nghe. Lúc ra về mụ chọn đôi dép tốt nhất, đắc tiền nhất mang về, mỗi đêm mụ làm vài vụ, chưa lần nào thất bại, kiếm đủ tiền nuôi con. Sau nầy cách mạng thành công, ai cũng hồ hỡi, phong trào chống Diệm Nhu tắt hẳn, dân chúng không đi chùa nữa. Mụ ta không còn ra tay, rất buồn…Cái nhân là một chi tiết đắt làm người ta nhớ mãi, có thể nhớ suốt đời.

    Cũng cần cho cái truyện của bạn đội một chiếc mũ đẹp, trang trí cho cái đầu truyện thật đẹp, thật gợi mở, kêu gọi sự tò mò, để người đọc đã cầm lên, đọc qua vài dòng, khó mà bỏ xuống. Cái đầu câu chuyện là buổi sơ giao, cần tạo ấn tượng đẹp, nhưng chớ lộ ra điều gì, chỉ hứa hẹn thôi, kĩ thuật nầy các cô gái các bà vẫn thường dùng, buổi đầu làm cho người ta mê mà chẳng hé ra chút gì.

    Đối với tôi, đuôi truyện, cái kết, là quan trọng nhất. Tôi theo cách của loài rắn lục, con rắn lục cái khi có chửa đuôi nó hồng dần lên, chóp đuôi tụ máu đỏ rực. Aáy là nó dồn hết tinh lực vào khúc đuôi, bạn cũng cần đem hết tâm huyết, trau chuốt cho đoạn kết. Đến đây đã tới lúc bạn sắp sửa chia tay với người đọc. Cần có một cuộc chia li thật cảm động để họ nhớ tên bạn. Tình yêu lạ lắm, chỉ cần một lần yêu, yêu mãi. Bạn đã có một chỗ đứng trong tâm hồn bạn đọc.Về sau thấy tên bạn đâu người ta vồ lấy.

    Theo tôi truyện ngắn rất cần tả cảnh. Không nên tả cảnh theo công thức, ước lệ và lấy lệ, lối mòn. Tả cảnh phải công phu và hiểu biết nhiều lĩnh vực, kể cả khoa học tự nhiên. Cái khó của thảnh là tả cảnh gì chưa ai tả. Đừng kết thúc bằng cái cách muôn thuở:” Hai người ngồi bên nhau dưới ánh trăng hạ huyền…!”

    Còn” Vốn sống”? Đừng nghe người khác nói đến cái gọi là" vốn sống" mà sợ mình còn trẻ không có, vốn sống không phải là độc quyền của người già. Sống trăm tuổi mà sống hời hợt cũng chẳng có gì để viết. Vốn sống chẳng là gì ghê gớm cả. Nó chỉ là cái mình cảm, nghe, thấy, gặp…đầu óc ta tự động ghi vào bộ nhớ, và bộ óc con người còn tinh vi hơn cả máy vi tính, chẳng phải "kích chuột", khi cần dữ liệu sẽ tự động bật ra. Nếu cần tả cảnh bình minh thì trong đời ta đã chứng kiến hàng ngàn lần cảnh mặt trời lên, sẽ có cảnh bình minh ở rừng, ở biển, tùy lúc mà hiện ra, mình là họa sĩ vẽ lại bằng chữ trên giấy…Tả cảnh làm sao cho người đọc xong than:” Ôi dễ dàng và đơn giản thế mà sao trước đây chưa ai viết mà mình nghĩ mãi cũng không ra!”

    Cần ghi chép không? Cần, song thú thật với tôi vẫn tự hỏi:” Ghi cái gì? Cuộc sống sinh động và nhiều quá làm sao ghi chép? ”. Tôi vốn lười, không bao giờ ghi chép, viết nhật kí, trí nhớ tôi cũng thuộc lọai tồi! Thế nhưng ký ức như cuộn tơ rối, tìm được mối, phăng dần rồi cuối cùng cũng gỡ xong. Vấn đề là không phải sống lâu, ghi chép nhiều, mà phải sống có ý thức, sống thực, dấn thân, sống hết lòng, không được sống hời hợt. Muốn làm " giàu" vốn sống phải biết làm giàu từ bé, không phải, cứ "đi thực tế " một vài ngày là "ngồn ngộn" vốn sống như vài người vẫn nói. Muốn viết văn phải làm giàu vốn sống, mọi lúc, mọi nơi, suốt cả đời.

******

    Tôi cứ mạnh dạn viết tất cả những gì từ lao động trực tiếp trong nhiều năm ra đây. Người nệ cổ, nệ kinh điển sẽ rất ngạc nhiên khi thấy tác giả không bàn tới, dù là một câu cái gọi là đề cương, cấu trúc, bố cục. Tôi quan niệm, nhân vật là do ta sinh ra, nhưng chúng lại sống cuộc đời của chúng, không phụ thuộc mình, không cần sắp xếp. Số phận chúng ra sao là do cá tính của nhân vật, cái đó là do bạn, vì bạn là người sinh thành ra nhân vật, không phải ông trời nào cả. Cứ có một cái hình đẹp, một cái ý hay thì không cần đề cương, cấu trúc đọc vẫn thấy chặt chẽ sống động. Nhân vật cựa quậy nhảy nhót, muốn vượt ra khỏi quyển sách, không phải là những con nộm thiếu sức sống. Còn cuộc đời trong truyện của bạn cũng sẽ sinh động giống như xô cửa sổ ra ngắm đường phố. Đề cương là cái lồng ta làm ra để nhốt mình, là sợi thừng ta bện ra để trói buột tay chân ta. Bạn đọc cũng chẳng nghe nói điều gì xa gần về các thước đo giá trị văn học cổ điển : giá trị tư tưởng, giá trị hiện thực, giá trị thẩm my, tính logique… Tôi nói hơi cực đoan:” nghệ sĩ được quyền phi logique”Những thứ “xiềng xích” ấy đã có thời kì dài hành hạ bao nhiêu người rồi! Sau khi bạn đã để hết cả tâm lực làm việc, tác phẩm hoàn thành, tự nó sẽ phát sáng, thứ ánh sáng lạnh, không lóa mắt, không hời hợt bên ngoài, ấy là ánh sáng sâu trong lòng chất ngọc. Dù quan sát dưới ống kính nào, nó vẫn lấp lánh, có tìm cách phủ nhận cũng không được.
    Nếu bạn đã mơ hồ cảm thấy có "một cái gì" chớ vội vàng, cứ để nó chín dần trong bạn. Cuộc hoài thai có thể nhanh hay chậm. Có thể nó hành hạ, như người mẹ ốm nghén, nhất là nghén con so. “Cái gì” đó đã chín tới, đến kì nở nhụy khai hoa, bạn dành hết tinh huyết, gạt hết mọi thứ ra khỏi đầu, tĩnh lặng ngồi trước máy vi tính hay tập giấy, chật vật đau đớn một lúc rồi sẽ sinh thành, bạn sẽ thấy khoan khoái vô cùng, sung sướng tột độ, giống như mình thoát khỏi sức hút trọng trường, cảm thấy có thể quạt tay bay lên. Bạn bay như chim và nở ra như hoa. Ngọn bút, sẽ bứt ra khỏi sự tầm thường cất cánh bay lên. Trái xanh sẽ chín. Đóa hàm tiếu sẽ mãn khai. Tác phẩm đầu tay của các bạn trẻ là hoa quả đầu mùa ngon ngọt, cống hiến trả ơn đời.

(Viết xong vào ngày cuối cùng thế kỉ 20, thiên niên kỉ thứ 2)

QÚY THỂ

Đường dẫn: http://newvietart.com/index4.1801.html


*****


BÀN VỀ TRUYỆN NGẮN
Diễn đàn Đọc truyện 360 – Tác giả: Quý

Cơ là Quỷ muốn mọi người cùng nhau trao đổi thôi! Hôm nay bàn về truyện ngắn nhá! Muốn bàn về nó thì trước hết phải biết nó là gì đã nhỉ! *_* *Truyện ngắn là một thể loại văn học. Nó thường là các câu truyện kể bằng văn xuôi và có xu hướng ngắn gọn, súc tích và hàm nghĩa. *Thông thường truyện ngắn có độ dài chỉ từ vài dòng đến vài chục trang. Vì thế, tình huống truyện luôn là vấn đề quan trọng bậc nhất của nghệ thuậttruyện ngắn. *Truyện ngắn thường chỉ tập trung vào một tình huống, một chủ đề nhất định. Do đó, truyện ngắn thường hết sức hạn chế về nhân vật, thời gian và không gian. Đôi khi truyện ngắn chỉ là một khoảng khắc của cuộc sống. *Ví dụ một truyện ngắn kể về Nhà chứa Telliercủa Maupassantthời gian chỉ 24 giờ; Lời phán quyết của Kafka chỉ xảy ra trong vài tiếng. Trong khi cuốn tiểu thuyết Đi tìm thời gian đã mấtcó thời gian cốt truyện khoảng 40 năm và đến tận ba nghìn trang. Tiểu thuyết Chiến tranh và hòa bình có tới trên 500 nhân vật. ¤Paul Bourget, nhà văn và nhà phê bình Pháp thế kỷ 20 có nhận định về hai thể loại trên, qua đó cũng giải thích phần nào về sự chênh lệnh số trang của chúng: "Phong cách của truyện ngắn và của tiểu thuyết rất khác nhau. Phong cách của truyện ngắn là thuộc về tình tiết. Cái tình tiết mà truyện ngắn dự định diễn tả, truyện ngắn đã tách nó ra, làm cô lập nó lại. Các tình tiết mà cả dãy đã làm nên đối tượng của tiểu thuyết, tiểu thuyết đã làm ngưng kết chúng, nối chúng lại với nhau. Tiểu thuyết tiến hành thông qua các triển khai, còn truyện ngắn thông qua sự tập trung... Truyện ngắn là độc tấu. Tiểu thuyết là giao hưởng". Như vậy, thông thường tiểu thuyết phải dài hơn truyện ngắn. Song không phải bất cứ một tác phẩm dày nào cũng là tiểu thuyết. Một tác phẩmdài hay ngắn chỉ còn là tương đối để phân biệt. Phần quan trọng để được gọi là tiểu thuyết còn ở cấu trúccủa nó. *Có hai cách để phân biệt truyện ngắn hay tiểu thuyết: 1.Căn cứ theo số trang mà truyện có thể in ra. 2.Căn cứ theo cách viết của cả truyện: Tiểu thuyết hay truyện dài thì cứ triền miên theo thời gian, đôi khi có quãng hồi ức trở ngược lại. Truyện ngắn thì gây cho người đọc một cái nút, một khúc mắc cần giải đáp. Cái nút đó càng ngày càng thắt lại đến đỉnh điểm thì đột ngột cởi tung ra, khiến người đọc hả hê, hết băn khoăn. *Ở Phương Đông Trung Quốcvà Nhật Bản, trước đây người ta vẫn coi truyện ngắn thuộc thể loại tiểu thuyết, được gọi là "tiểu thuyết đoản thiên" để phân biệt với loại tiểu thuyết chương hồi dài tập hay "tiểu thuyết trường thiên". Người Việt nam ngày nay dùng từ truyện ngắn để chỉ "tiểu thuyết đoản thiên" và tiểu thuyết để chỉ "tiểu thuyết trường thiên". *Ở Phương Tây ở phương Tây, thể loại truyện ngắn ra đời tương đối muộn, xuất hiện trên một tạp chíxuất bản đầu thế kỷ 19, phát triển lên đến đỉnh cao nhờ những sáng tác xuất sắc của văn hào E.T.A. Hoffmannvà Anton Chekhov, sau đó trở thành một hình thức nghệ thuật lớn của văn học thế kỷ 20. Mặc dù, trước đó, truyện ngắn đã tồn tại dưới hình thức truyền miệng truyền thống trong dân gian như các truyện ngụ ngôn, nhưng chỉ đến khi có sự xuất hiện ồ ạt của một tầng lớp độc giả biết đọc biết viết ở thế kỷ 19 ở phương Tây.

Đường dẫn: http://doctruyen360.vn/threads/kinh-nghiem-viet-truyen-ngan.169/

*****

Một chút kinh nghiệm khi học tập viết truyện ngắn
Blog TẦM TAY – Tác giả: Waynei.

Khi viết bài này tôi cũng có nghĩ đến trường hợp một vài người sẽ nghĩ tôi khoe khoang kinh nghiệm trong khi truyện viết cũng chưa phải là hay lắm. Nhưng tôi vẫn muốn chia sẻ những điều mình biết, những kinh nghiệm đúc kết được trong quá trình học hỏi và tập viết lách của mình.
Tháng trước tôi vô tình tham gia một cuộc thi viết truyện ngắn do trang mạng tầm tay tổ chức.
Tôi đã xem qua rất nhiều bài viết tham gia cuộc thi đó và cũng rất tiếc cho những bạn đã viết rất hay nhưng bài không thể được đăng báo. Truyện ngắn là một lĩnh vực mới mẻ và tương đối khó.
Có lẽ bạn sẽ nghĩ nó dễ ở cái chữ : ngắn. Nhưng không, truyện ngắn đòi hỏi bạn phải biết đặt dấu câu đúng chỗ của nó , để làm cho cảm giác đọc và mạch truyện êm ả như một dòng chảy. Ồ, nếu như đang đoạn kích tính và cảm xúc đang dâng cao và bạn chấm một cái sẽ khiến nó hẫng đi đúng không?
Tôi rất thích câu nói của Babel, ông đã nói rằng: "Không lưỡi kiếm thép nào có thể đâm vào trái tim mạnh mẽ bằng một dấu chấm câu đặt đúng chỗ."

Viết truyện không giống như làm tập làm văn vì chúng ta không cần câu nệ phải biết bố cục : mở bài, thân bài và kết bài. Bạn có thể phóng trí tưởng tượng xa bao nhiêu tùy thích và viết như thế nào là phong cách của riêng mỗi người. Nhưng nếu không nắm rõ bố cục thì truyện nó không được liền mạch và dễ đi vào ngõ cụt, khó có thể tháo nút.

Thế nào là ngắn? Ngắn là cái chúng ta nhìn lướt qua và biết được cái trọng tâm hay phát giác ra một chân trời mới mẻ. Truyện dài có thể nói về cả một đời của nhân vật đó nhưng truyện ngắn chỉ là một khoảng thời gian kịch tính nhất của cuộc đời nhân vật đó. Như cái cây sống lâu năm bạn cắt nó đi và nhìn vào những khoanh tròn sẫm màu sẽ biết được nó bao nhiêu tuổi, nó đã sống như thế nào. Truyện ngắn cũng như thế, lướt qua thôi nhưng nắm được tất cả.

Việc khó đầu tiên của viết truyện đó là làm sao có một mở đầu lôi kéo người đọc sẽ đọc đến kết truyện mà không bỏ xuống nửa chừng.

Dù truyện bạn có hay cỡ nào nếu người ta không đọc thì sao biết nó hay? Bạn cần giật tít một chút, một tựa truyện hay ho sẽ hút người đọc tìm xem, ít ra thì họ cũng sẽ xem lướt mấy dòng đầu tiên rồi mới quyết định sẽ đọc hay là bỏ xuống.

Điều tiếp theo là một mở đầu cuốn hút khiến cho người xem không thể bỏ xuống dù chỉ đọc lướt những dòng đầu tiên. Đó là cái khó. Mới đầu chúng ta không nên mở đầu bằng tự sự như giới thiệu cá nhân nào đó mà hãy viết về : Bối cảnh ở đâu , thời gian, nhân vật xuất hiện gồm những ai, đang làm gì. Nói như thế có lẽ khó hình dung, tôi sẽ ví dụ một cách cụ thể hơn đó là bạn tự nghĩ ra một câu truyện dài và tìm xem đoạn kịch tính trọng tâm nhất của câu truyện đó rồi tự bạn sẽ biết bắt đầu viết từ tình tiết nào để dẫn đến phần quan trọng. Một số người đã chọn cách viết mở đầu như một kiểu tự sự và theo tôi nhìn nhận nó chỉ là một kiểu nhật kí chứ chưa là truyện ngắn.

Chúng ta không nên phô bày tất cả ý nhị của câu truyện mà cần phải hơi lấp lửng một chút như một cái khóa hờ. Rồi khi người đọc xem đến gần cuối nó sẽ như một cái gì đó nở bung ra, cảm giác mình vừa phát hiện ra một bí mật nào đó hay một kinh nghiệm sống. Đó sẽ là khoảng khắc lưu giữ cảm xúc của người đọc.

Quan trọng là chúng ta khóa thì phải tìm cách mở một cách khéo léo không bị gượng ép, giai đoạn tháo nút tương đối khó khăn. Tôi đã viết một số truyện và đã bỏ dỡ không ít. Không phải vì tôi không biết tình tiết tiếp theo sẽ thế nào mà tôi chỉ là không biết phải viết nó diễn ra như thế nào mà không gây mất tự nhiên. Một câu chuyện tôi viết được 2/3 và để đó chừng khoảng 1 hay 2 năm hay có thể lâu hơn nữa, tôi tình cờ nghĩ ra một tình tiết nhỏ có thể hợp lí và câu truyện của tôi hoàn thành. Cảm xúc hoàn thành một câu truyện sau một khoảng thời gian dài rất khó diễn tả, một chút vui sướng. Tôi nhớ rằng mình đã đạp xe đi lang thang khắp nơi với cái đầu trống rỗng, ngô nghê. Và tôi yêu văn từ đó

Chúng ta viết truyện như đang câu cá vậy. Mình cố gắng dẫn dắt những con cá đến gần mồi và khoảnh khắc họ nắm được tất cả truyện của bạn cũng như họ đã hoàn toàn cắn câu.

Một chút kinh nghiệm nhỏ nhoi của một kẻ vẫn đang cố gắng học tập viết một câu truyện để đời. Đừng cười chê nhe!

Không có nhận xét nào: