Thứ Hai, 16 tháng 3, 2015

10 KINH NGHIỆM CHO NGƯỜI MUỐN VIẾT TRUYỆN TÌNH

10 KINH NGHIỆM CHO NGƯỜI MUỐN VIẾT TRUYỆN TÌNH
Nguồn: Blog Minh Moon
(minhmooon.wordpress.com)

 Cảnh báo: Bài viết của cá nhân Minh Moon, mang tính chia sẻ, không mang tính học thuật nên không tránh khỏi các ý kiến có tính phiến diện, một chiều. Vui lòng tôn trọng người viết.

Mọi ý kiến đóng góp, bổ sung, bình luận đều được hoan nghênh. (Minh Moon)


Từ ngày tập tành viết truyện và post lên mạng, tận cái thuở Phòng đọc trực tuyến trên E-thuvien còn rộn ràng kẻ ra người vào, sau đó rục rịch mở cái wordpress Cung trăng này, rồi xuất bản “Nụ hôn bánh mì” và cho đăng “Có ai yêu em như anh!”, tớ nhận được rất nhiều comment, email, messages từ các độc giả. Bên cạnh việc bày tỏ niềm yêu thích, đồng cảm với tác phẩm thì cũng có không ít các bạn viết gửi tớ như sau: “Chị/bạn/ấy thật là siêu. Em/Tớ/ Mình cũng thích viết truyện (tình yêu/ ngôn tình) lắm nhưng không biết viết như thế nào!” hoặc “Em/Tớ/Mình ngưỡng mộ chị/bạn/ấy lắm. Em/Tớ/Mình cũng viết truyện nhưng không dám cho ai đọc.” hoặc “Làm thế nào để truyện của mình được xuất bản như chị/bạn/ấy?”……..

Nhận thấy nhu cầu muốn viết truyện của các bạn rất cao, trong khi đó nhiều bạn lại không biết bắt đầu từ đâu, Moon tớ quyết định sẽ chia sẻ với mọi người những kinh nghiệm “thực tiễn” rút ra từ chính bản thân và chặng đường (ngắn ngủn) viết lách của mình. Hy vọng đây sẽ là những gợi ý để các bạn có thêm động lực hoàn thành một tác phẩm cho riêng mình!

Trước khi bắt đầu, tớ muốn nhấn mạnh một điều: Hãy viết chỉ vì bạn muốn viết! Trước tiên, bạn hãy viết cho chính bản thân bạn nếu điều đó làm bạn thấy vui thích. Đừng suy nghĩ rằng ồ, tôi viết là để xuất bản, ra sách, tôi viết để mọi người ào ào vào blog của tôi… Hãy loại bỏ suy nghĩ đó nếu nó đang manh nha trong đầu bạn.

Bài viết sẽ gồm 10 bí quyết, cụ thể:

Bí quyết 1: Từ bỏ ngay việc đọc cái gọi là “convert”

Bí quyết 2: HE, SE or OE – that’s the question!

Bí quyết 3: Xây dựng giọng văn của riêng bạn (hay phong cách kể chuyện)

Bí quyết 4: Nam chính, nữ chính & “tuyệt chiêu” xây dựng nhân vật

Bí quyết 5: Tại sao lại phải có “người thứ ba” xông ra ngáng đường?

Bí quyết 6: Văn miêu tả trong truyện tình yêu

Bí quyết 7: Tôi hay cô ấy, cô ấy hay nàng, nàng hay… chị???

Bí quyết 8: Thử bắt đầu bằng một truyện ngắn

Bí quyết 9: Hãy giấu tác phẩm của bạn đi!

Bí quyết 10: Cứ “phớt lờ” độc giả!

Nào, bây giờ chúng ta cùng bắt tay vào bí quyết đầu tiên:

Bí quyết 1: Từ bỏ ngay việc đọc cái gọi là “convert”

Bạn sẽ phải công nhận với Moon tớ, rằng “đọc” cũng là một phần của “viết”. Vì thế, hãy đọc một cách có ý thức. Vì là người mới bắt đầu, có nghĩa là một cây bút còn “non”, chúng ta dễ bị tiêm nhiễm bởi những thứ văn phong không “thuần”. Để cho dễ hình dung, các bạn cứ tưởng tượng như thế này: Chúng ta giống như một bông hoa hồng trắng muốt. Nếu bạn cắm cành hoa của mình vào một cốc nước đục, những cánh hoa sẽ bị đốm bẩn do hiện tượng mao dẫn. Vậy là hỏng bét. Các bạn phải cắm cành hoa của mình vào một cốc nước càng tinh khiết càng tốt để giữ cho bông hoa luôn tươi sắc và thuần khiết.

Bông hoa đó chính là “văn” của các bạn còn cốc nước chính là thứ mà bạn đang đọc. Muốn cho văn vẻ của mình không bị vẩn đục, trước tiên, bạn phải đọc – có – ý – thức.

Muốn vậy, hãy tránh xa những thứ gọi là “convert”

Tớ sẽ cho các bạn một ví dụ:

“Cái này cản đường thiếu niên gọi Chu Khảm, cùng Chu Hằng cùng tuổi, cũng là 17 tuổi. Bất quá tu vi của hắn có thể so sánh Chu Hằng cao nhiều hơn, đã là Luyện Thể sáu tầng, còn kém một bước liền có thể đặt chân Luyện Cốt cảnh!

Chu Khảm phụ thân gọi Chu Kiếm Minh, tư chất cũng coi như không tệ, không may cùng hắn cùng thời đại còn có Chu Định Hải như vậy một thiên tài! Tại Chu Định Hải quang quầng sáng xuống, Chu Kiếm Minh tự nhiên ảm đạm thất sắc, vẫn luôn là lấy ra đương lá xanh so bi kịch nhân vật.”

Cái khỉ gì thế này? Nó là cái quái gì vậy? À, vâng, “convert” đấy ạ! Thật đáng buồn là nó nhan nhản trên mạng và đáng buồn hơn nữa là trên thực tế, có rất nhiều bạn đọc thứ hỗn loạn này. Quả thật tớ phải dùng từ “hỗn loạn” để hình dung. Đoạn trích trên là tớ “zớt” đại từ 1 diễn đàn và đã có khoảng 300 người “thanks” bài post này. Một con số đáng ao ước mà những truyện được viết hay dịch tử tế còn khuya mới đạt được.

“Convert” là cái cốc nước “cứng” bẩn nhất, nhiều tạp chất nhất mà ta từng thấy, vậy mà không hiểu sao có bạn vẫn cứ vô tư uống thứ nước này hằng ngày. Đừng mong bạn sẽ viết tốt nếu cứ tiếp tục đọc convert nhé!

Tiếp theo, hãy đọc có chọn lọc. Thị trường truyện bây giờ ấy mà, ối trời ơi, vô thiêng lủng. Truyện ta, truyện tàu, truyện tây, truyện mỹ… đủ kiểu tình yêu trên giời dưới đất cứ gọi là hoa hết cả mắt. Rồi thì truyện do nhà xuất bản phát hành, truyện các bạn tự dịch, rồi mấy năm nay chẳng biết từ bao giờ rộ lên phong trào tự “edit” cuốn các con mọt sách chạy theo tơi tới… Thế đấy! Mà cũng chẳng sao. Quan trọng là bạn kia mà. Chính bạn mới là người quyết định bạn muốn đọc cái gì kia, nhớ không!

Theo kinh nghiệm của tớ thì:

– Không phải truyện xuất bản nào cũng hay.

Bây giờ khâu biên tập và xuất bản của các công ty sách quá kém. Dường như họ chỉ để ý số lượng mà không quan tâm chất lượng thì phải. Nhất là truyện “ngôn tình Trung Quốc”, nhiều truyện non tay kinh khủng mà vẫn lên kệ sách ầm ầm. Ví dụ như truyện của Sói xám mọc cánh hay là Hân hân hướng vinh và còn rất nhiều những tác phẩm khác viết như thể là bản nháp vậy mà vẫn được các bác nhà ta mua về cho in thành sách, hay ghê chứ! Họ đã quá coi thường trình độ đọc của độc giả.

Vì vậy, để cho lành thì các bạn nên tìm đọc truyện của những tác giả có “thương hiệu” như: Tân Di Ổ, Phỉ Ngã Tư Tồn, Đồng Hoa, Đường Thất Công Tử, và một vài tác giả viết chắc tay khác như: Lâm Địch Nhi, Cố Tây Tước, Điện Tuyến, Thái Trí Hằng, Hồng Cửu…

– Truyện Tây – Mỹ cứ chọn “best-seller” mà đọc

Về kinh nghiệm đọc thể loại romantic novel của Âu-Mẽo của tớ thì thế này. Các tác giả nữ thường có một cách viết không đổi trong tất cả các tác phẩm của họ. Ví dụ như Julia Quinn và series về nhà Bridgerton chẳng hạn. Tớ chỉ cần đọc một quyển là đủ ngấm rồi, những quyển còn lại khỏi cần đọc cho mất thời gian (Ồ, nhưng nếu bạn có thời gian thì cứ đọc, không cấm, hì hì…)

Với các tác giả nổi tiếng khác như Mac Levy, Nicolas Sparks, Guillaume Musso… thì cứ chọn cuốn nào best-seller để đọc. Lẽ dĩ nhiên là sau này bạn sẽ thấy cái danh “best-seller” nó cũng hơi bị tùy hứng nhưng trước mắt thì cứ thế đã!

– Đừng xem nhẹ truyện Việt

Nhiều bạn mang một định kiến rất khó hiểu là cứ truyện Việt thì bỏ qua, không cần biết nội dung sẽ như thế nào!

Nếu như bạn muốn viết truyện thì bạn càng cần phải đọc truyện của các tác giả Việt đã xuất bản, đọc càng nhiều càng tốt. Đọc đến độ khi đọc xong có thể bạn sẽ chép miệng: “Xời, viết thế này mà cũng được xuất bản. Mình viết còn hay hơn!” Thế là ổn rồi đấy! Bạn sẽ bắt tay vào viết tác phẩm cho riêng mình!!!

– Đọc các thể loại bạn chưa từng đọc

Một thời điểm nào đó, bạn bắt đầu thấy không còn gì để đọc. Những cuốn truyện tình hay đi đâu cả rồi? Sao tác giả ngày trước làm mình mê mẩn bây giờ lại viết chẳng cuốn hút gì cả… Những dấu hiệu này cho thấy đây là thời kỳ bạn đã bị “bội thực” bởi các tác phẩm tình yêu. Nên thay vì cứ đâm đầu đi tìm vào đọc các tác phẩm mới chẳng ra sao, chỉ tổ khiến bạn bực mình vì mất thời gian và tiền bạc, bạn hãy đọc các tác phẩm thuộc các thể loại khác nhé! Những tác phẩm kinh điển thế giới, các tác phẩm đoạt giải Nobel, các tác phẩm thuộc các dòng văn học đặc thù (huyền ảo, hiện sinh, vị lai…)… có rất nhiều điều mới mẻ thú vị đang chờ đón bạn.

Như tớ chẳng hạn, các cuốn sách của tớ phần nhiều lại là các cuốn “chuyên ngành”, ví dụ như sách dạy làm bánh, sách về các làng nghề Việt Nam, sách quản trị, pháp luật, du kí… để làm tư liệu tham khảo hơn là để “enjoy” như bình thường.

Hãy tin tớ đi, khi dạo qua một vòng các cuốn sách hay và chất lượng, bạn sẽ thấy tự tin hơn vào “trình độ” đọc của mình. Và nó cũng giúp ích cho bạn rất nhiều khi bạn bắt đầu cầm bút.

– Đọc tất cả mọi thứ bạn gặp

Đây là cấp độ cao nhất của quá trình đọc. Khi mà bạn đã rèn luyện cho mình được độ “tỉnh táo” nhất định thì lúc này, đọc gì không còn là vấn đề. Có nghĩa là dù bạn có cắm bông hoa của mình vào bất cứ dung môi nào, thì các mao dẫn của cành hoa sẽ luôn biết cách “lọc” lấy nguồn nước tinh khiết nhất và loại bỏ các tạp chất ra ngoài.

Ở đây, trong khi đọc, bạn không để bản thân mình chìm đắm trong tất cả những gì mà tác giả bày ra cho bạn, mà bạn đã có chủ kiến, biết đánh giá được tác phẩm mình đọc trong tầm mức độ nào đó. Bạn xuýt xoa với cái hay của tác phẩm, nhưng đồng thời cũng nhíu mày khi thấy những chỗ chưa hay, chưa hợp lý. Ở mức độ cao hơn nữa, bạn bắt đầu suy nghĩ, nếu là mình, mình có viết như thế này không? Mình sẽ hướng câu chuyện đi theo cách nào khác để hấp dẫn hơn… Cứ như thế, từ “tư duy” đọc, bạn sẽ nghiêng dần về “tư duy” viết và đó chính là những tiền đề quý báu cho sự nghiệp viết lách của bạn.

À, nếu đã luyện đến trình độ này thì convert sẽ là cái “đinh” nhá. Có khi convert lại giúp ích cho bạn ở một khía cạnh nào đó như là tham khảo các tình tiết chẳng hạn, nhưng với điều kiện là bạn đủ kiên nhẫn và không bị hoa mắt khi đọc nó. Lol…

Đúc kết kinh nghiệm 1: Đọc nhiều và đọc có chọn lọc. Trong khi đọc, hãy cố gắng tưởng tượng nếu là bạn, bạn có thể thay đổi câu chuyện này như thế nào.

Đường dẫn: https://minhmoon.wordpress.com/2013/12/15/10-kinh-nghiem-cho-nguoi-muon-viet-truyen-tinh/


Bí quyết 2: HE, SE or OE – that’s the question!

(Có hậu, vô hậu hay lơ lửng hậu – đó là vấn đề lớn đấy!)

Basic CMYK

Giải thích một chút nhé, cho phải đạo! (Chứ thực ra các tềnh iu cũng biết hết rồi!)

HE = Happy Ending = Truyện kết thúc có hậu.

SE = Sad Ending = Truyện kết thúc không có hậu, buồn, day dứt

OE = Open Ending = Truyện kết thúc mở, không nói rõ ràng kết cục như thế nào mà có tính gợi mở cho độc giả suy đoán.

Hai “phương pháp” sáng tác truyện tình

Khi bắt tay vào viết một tác phẩm , bạn có cần định trước một kết cục cho các nhân vật của mình hay không?

Trên thực tế, có hai kiểu sáng tác:

- Một là sáng tác dựa trên một cái xương cá. Bạn vẽ sẵn cái xương cá, từ đầu cá cho đến đuôi cá và để đó. Sau đó bạn mới bắt đầu quá trình “gia công” hoàn thiện đắp thịt thà, vảy viếc vào cho con cá trở thành toàn vẹn.

- Hai là sáng tác dựa trên việc xâu chuỗi hạt. Bạn tỉ mỉ xâu từng hạt châu một, khi xâu đến hạt cuối cùng thì chuỗi hạt cũng hoàn thành.

Hai ví dụ cụ thể bên trên để giúp các bạn hình dung về hai kiểu sáng tác: loại thứ nhất các bạn lên “layout” sẵn, sáng tác dựa trên một dàn ý (sơ lược hay chi tiết tùy mức độ) hoàn thiện mà các bạn vẽ ra ngay từ lúc manh nha tác phẩm. Loại thứ hai bạn cứ cầm bút lên mà không có ý định gì cụ thể, viết đến đâu thì nghĩ đến đó. Có người thích hợp với phương pháp 1, nó cho thấy một cách làm việc khoa học, logic, có chuẩn bị và do đó công việc viết lách sẽ trở nên dễ dàng hơn khi bạn có thể “quản lý” câu chuyện của mình ở tầm vĩ mô. Ví dụ như cuốn “Có ai yêu em như anh!” của tớ lên tới 150 ngàn chữ, một số lượng chữ khổng lồ với các tình tiết ngồn ngộn và viết trong vòng 2 năm trời, thử hỏi nếu không có cái “xương cá” ban đầu thì mình sẽ bị loạn hết cả lên, chẳng biết đâu mà lần.

Tuy nhiên, có một số người lại thực sự thích (thậm chí chỉ viết được) khi áp dụng phương pháp 2. Phương pháp 2 đề cao sự ngẫu hứng, tính tức thời trong sáng tác (mà thường cho ra những kết quả rất ấn tượng) và sự mới mẻ trong sáng tạo. (“Hạt hòa bình” của tớ được viết theo cách này! *_*) Văn chương rất kỳ lạ, có khi dọn sẵn ra chờ ăn thì lại không viết được. Còn khi không lơ đãng ngồi cầm bút lại cho ra vài tuyệt phẩm như chơi!

Câu hỏi đặt ra ở bài viết này là vậy thì với một người mới bắt đầu tập tành viết, chúng ta nên theo “trường phái” nào. Theo Moon tớ thì bạn nên áp dụng phương pháp 1.

- Hãy chuẩn bị một cây bút và một tờ giấy, sau đó viết xuống tên tác phẩm của bạn. (Nhớ chia sẻ với Moon tớ tựa đề nhé! ^_^). Viết tên hai nhân vật chính (mà hai người này sẽ yêu nhau – tất nhiên, vì chúng ta viết truyện tình mà), cùng nghề nghiệp của họ.

- Bạn viết xuống hoàn cảnh mà họ gặp nhau lần đầu.

- Bạn lên kế hoạch cho con đường tình yêu của họ: Ai rung động trước, ai tỏ tình, những hiểu lầm, cản trở, sự xa cách, người thứ 3…

- Cuối cùng, bạn định hướng một cái kết.

Ví dụ nếu anh là bác sĩ, chị là giáo viên thì nơi hẹn hò đầu tiên của họ sẽ hoặc là trường học, hoặc là bệnh viện. Các tình tiết sẽ tiến triển trong hai “môi trường” chính này. Thấy chưa, mọi việc đã dễ dàng hơn nhiều rồi, đúng không?

Chúng ta nên định sẵn một cái kết!

Với tất cả các công đoạn “phác thảo” bên trên, phần quan trọng nhất của tác phẩm chính là cái kết. Một cái kết hay sẽ tôn giá trị của tác phẩm lên rất nhiều, thậm chí “xí xóa” phần nào những đoạn chưa thật tốt trước đó. Có rất nhiều tác giả viết sẵn một cái kết ưng ý trước rồi mới quay trở lại phần giữa. (“Nụ hôn bánh mì” của tớ là một ví dụ. Tớ đã viết cái kết trước, trong lúc chờ diễn biến câu chuyện vốn đang bị “bí” trong cách triển khai).

Phần “khung sườn” của tác phẩm có thể bạn bỏ qua, không làm, nhưng theo kinh nghiệm của tớ, các bạn nên cố gắng hình dung trước cái kết của tác phẩm như thế nào, càng cụ thể càng tốt. Mục đích của điều này là bạn tạo ra một “điểm neo” cố định, giúp cho con tàu “tác phẩm” của bạn đi đúng hướng và nhanh về đích.

Trong trường hợp xấu nhất là bạn không thể định sẵn một cái kết (hoặc quá lười để suy nghĩ), thì việc tối thiểu mà bạn phải làm, đó là quyết định rằng: Tôi sẽ viết HE, SE hay OE! Tức là, trong cái tờ giấy mà bạn chuẩn bị ở trên, hãy khoanh tròn cho tớ HE, SE hay OE.

Lợi, hại của HE, SE & OE

Có lẽ nhiều người sẽ bảo, trời, cái kết là do tình tiết đưa đẩy, do tự thân nhân vật suy nghĩ, hành động thôi thúc mà nên… nên ngay từ đầu đã định sẵn một cái kết thì quả là khiên cưỡng.

Ấy nhưng có tác giả nào nói với bạn như thế thì chớ có tin 100% nhé, người ta chỉ nói hoa mỹ bay bướm và có vẻ thần bí magic vậy thôi chứ bạn thử nghĩ mà xem, suy nghĩ, hành động của nhân vật thì cũng chính là do người viết quyết định cơ mà. Không phải nhân vật suy nghĩ mà là người viết suy nghĩ. Không phải nhân vật hành động mà là người viết buộc họ phải hành động. Thế nên, cái nào có lợi cho mình thì mình làm thôi!

 Trước hết về HE. Đây là cái kết được nhiều người mong đợi nhất. Phần lớn độc giả đều thích một HE và nhiều người đã thẳng thừng tuyên bố rằng chỉ khi biết chắc có HE họ mới đọc. Nhưng nhược điểm của cái kết hoàn mỹ quá lại là nó ít đọng lại dấu ấn trong tâm trí độc giả về lâu về dài.

Ngược lại, nếu bạn chọn SE, bạn sẽ lấy được nước mắt của độc giả. Họ sẽ day dứt, vương vấn với nhân vật trong tác phẩm, muôn vàn câu hỏi vì sao được đặt ra mà không có câu trả lời. Vì day dứt, vì không được hồi đáp, thế nên nó sẽ để lại ấn tượng sâu sắc cho người đọc.  Tuy nhiên, SE khiến bạn mất một số lượng độc giả “yếu tim”, không đủ can đảm để học một chuyện tình buồn. ^^

Về OE, đây là một lựa chọn thú vị, nhưng cũng hết sức mạo hiểm. Vì các độc giả luôn là những người thiếu kiên nhẫn. Họ không thích một cái kết lửng lơ mà thay vào đó phải là một cách giải quyết rõ ràng, dứt khoát. Ưu điểm của OE là người viết khỏi mất công suy nghĩ kết cục, vừa được tiếng là “kết thúc ấn tượng”, lại vừa tiết kiệm được khối thời gian đi làm chuyện khác. Bên cạnh đó, OE giúp gợi mở suy nghĩ của độc giả, tạo điều kiện cho trí tưởng tượng của họ bay cao bay xa… nên ở một mức độ nào đó, OE cũng khiến cho độc giả nhớ về tác phẩm nhiều và lâu hơn HE. (Tất nhiên, cần phân biệt kết mở với kết cụt! Cái này cần có nghệ thuật mà khuôn khổ bài viết này không đủ để nhắc tới.)

HE, SE hay OE chưa biết ai lợi hại hơn ai, mèo nào cắn mỉu nào. Bình thường thì người ta sẽ khuyên bạn chung chung là tùy theo sở thích và năng lực mà chọn nhưng tớ thì khác (đây là ưu điểm của tớ ha ha ha). Lời khuyên của tớ là chọn HE! HE cho người mới bắt đầu! (giống bông hồng cho tình đầu quá!). Viết HE dễ hơn, phấn khích hơn, tâm trạng người viết thoải mái, độc giả cũng ủng hộ, cả làng đều vui vẻ vẫn tốt hơn nhỉ!!!

Đúc kết kinh nghiệm 2: Dành một buổi để suy nghĩ về đề cương tổng quát của tác phẩm bạn định viết. Chí ít, bạn cũng nên quyết định mình sẽ viết HE, SE hay OE! Và hãy ưu tiên HE!


Bí quyết 3: Xây dựng giọng văn của riêng bạn (hay phong cách kể chuyện)

Để mở đầu, chúng ta hãy cũng xem xét hai ví dụ bên dưới nhé!

Ví dụ 1:

“Cảnh sắc ban đêm bên ngoài ô cửa vô cùng mờ ảo.

Thực ra, ở thành phố C này, bất kể ban ngày hay đêm tối, cảnh vật đều mờ ảo, bởi đây là thành phố công nghiệp nặng với mức độ ô nhiễm vượt tiêu chuẩn cho phép một cách nghiêm trọng. Để bảo vệ di sản lịch sử văn hóa mà tổ tiên lưu lại cho chúng tôi, khu công nghiệp – nơi sản sinh ra lớp khói bụi của thành phố này – không thể không được xây dựng ngay trước cửa ngõ của khu dân cư hòng tránh khu di chỉ kiến trúc cổ với số lượng lớn quan tài nằm trong đó. Vậy là, mỗi lần nổi gió, khói bụi của cả khu công nghiệp đều bao trùm khắp cả dải diện tích rộng lớn của thành phố, dẫn tới việc thành phố C không thể không mờ ảo, điều khác biệt chỉ là đôi khi nó có chút mờ ảo, đôi khi nó vô cùng mờ ảo.”

– Trích “Năm tháng là đóa lưỡng sinh hoa” – Đường Thất Công Tử

Ví dụ 2:

“Xe đi rất chậm, lướt đi trong màn đêm đầu mùa đông, hai bên con đường dài là ánh đèn rực rỡ, giống như hai chuỗi minh châu, uốn lượn rạng rỡ kéo dài về nơi xa. Màn đêm mềm mại như nước, bên trong xe không khí quá ấm, đôi má Giai Kỳ đỏ bừng lên, nói với anh: “Lúc học đại học không có việc gì, khi hoàng hôn liền một mình ngồi lên xe bus 300 đi một vòng thành phố, ngồi trên xe không nghĩ gì, chỉ đờ đẫn, nhìn trời tối dần từng chút từng chút một.”



Anh nói: “Lập dị.”



Cô nghĩ một lúc, gật đầu thừa nhận: “Có lúc tôi rất lập dị.”



Anh im lặng, bởi vì thật ra vẫn còn một nửa câu chưa nói, sự lập dị của cô từ trước đến nay rất đáng yêu.”

– Trích “Giai kỳ như mộng” – Phỉ Ngã Tư Tồn

Lẽ ra tớ phải lấy nhiều ví dụ hơn cho các bạn dễ hình dung nhưng dạo đầu năm con ngựa mà thân trâu lại ì ạch quá, thêm vụ đón giao thừa tết Tây mất ngủ giờ đầu óc cứ lơ ma lơ mơ nên không đủ kiên nhẫn để tìm thêm nên thôi đành để các bạn xem xét tạm hai ví dụ nhạt bên trên vậy.

Cả hai đoạn văn của hai tác giả bên trên đều có một điểm chung là nói về cảnh sắc ban đêm của thành phố nhìn từ bên trong xe, nhưng lối viết của hai tác giả hoàn toàn khác nhau. Đọc đoạn của Đường Thất, chúng ta thấy có một sự châm biếm nhẹ nhàng, giọng điệu của nó khi đọc lên rất hóm hỉnh, ý vị. Cô dùng các cách diễn đạt hài hước như: “Để bảo vệ di sản lịch sử văn hóa mà tổ tiên lưu lại cho chúng tôi”, “khu di chỉ kiến trúc cổ với số lượng lớn quan tài nằm trong đó”, “dẫn tới việc thành phố C không thể không mờ ảo, điều khác biệt chỉ là đôi khi nó có chút mờ ảo, đôi khi nó vô cùng mờ ảo.”

Thực ra, với những dòng chữ bôi đậm, ta có thể xóa đi mà không ảnh hưởng gì tới nội dung chung của đoạn văn, nhưng nếu như xóa đi thật, thì cái chất hóm hỉnh, tưng tửng của Đường Thất cũng theo đó mà biến mất.

Trái lại, đoạn do Phỉ Ngã Tư Tồn viết lại được kể bằng một giọng điệu rất nhẹ nhàng, rất ngọt ngào và lãng mạn. Tác giả sử dụng những câu văn rất dài, những hình ảnh đẹp và nên thơ. Đến cả cái cách các nhân vật đối thoại cũng được kể bằng một nhịp chậm rãi. “Cô nghĩ một lúc (phẩy) gật đầu thừa nhận…”, “Anh im lặng(phẩy) bởi vì thật ra vẫn còn một nửa câu chưa nói”…

Bây giờ ta lại nhảy qua một ví dụ tiếp (chợt nhớ ra bà bạn này he he):

“Ở đây”.

Dương quay phắt lại nhìn. Không thể tin được vào mắt mình, trước mặt cô là một khuôn mặt mà cô chỉ muốn … đấm cho một nhát. Quân nhướn nhướn đôi lông mày, nhìn cô nhe răng ra cười.

“Ô, làm gì như muốn giết người thế kia?”

Dương tức đến mức muốn xịt khói lỗ tai. Tức cái thằng trời đánh này một, tức chính bản thân mình mười. Sao cô có thể ngu si kì diệu vậy cơ chứ, không nghĩ đến chiêu lừa quá mức đơn giản này. Nhưng biết tức tối chỉ tổ làm mình thêm uất, không giải quyết được gì nên cô hất mặt.”

–  Trích “Gái già xì-tin” – Nguyễn Thu Thủy

sach Gai gia xi teenĐây là tớ và cuốn sách của bạn Thủy tặng, bìa của lần xuất bản đầu tiên.

Các bạn nào đã từng đọc tác phẩm này sẽ nhận ra cái “chất” rất quen thuộc của tác giả Nguyễn Thu Thủy, đó là một giọng điệu rất “nhắng nhít” và vui nhộn thông qua các cụm miêu tả như “nhe răng ra cười”, “xịt khói lỗ tai”, “chỉ tổ … thêm uất”…

Như vậy, tớ lấy các ví dụ ở bên trên để chứng minh một điều rằng mỗi tác giả khác nhau sẽ có giọng văn riêng của mình. Đó là một giọng điệu nhất quán xuyên suốt toàn bộ tác phẩm và dường như không đổi qua các sáng tác khác nhau của tác giả đó. Như Đường Thất Công Tử chẳng hạn, chất hóm hỉnh, hài hước, tưng tửng đều không vắng mặt trong toàn bộ các sáng tác của cô như series “Tam sinh tam thế” hay ngay đến cả cuốn truyện buồn như “Hoa tư dẫn”, cái chất hài ý nhị đó vẫn không hề mất đi… Trong khi Phỉ Ngã Tư Tồn thì giữ nguyên cái điệu buâng khuâng, da diết, đẹp đẽ và u buồn của riêng cô ở một loạt các tác phẩm như “Thiên sơn mộ tuyết”, “Đông cung”…

Bây giờ chúng ta cùng xem xét một vài đặc điểm của “Giọng văn”

– Giọng văn là thiên tính?

Cũng có thể nói như vậy. Bởi theo tớ, giọng văn có bị ảnh hưởng, thậm chí phần nhiều bị ảnh hưởng bởi tính cách của người viết. Trên thực tế, viết tiểu thuyết chính là quá trình bạn “kể” chuyện trên trang giấy. Người có tính cách vui vẻ sẽ kể câu chuyện của mình theo chiều hướng hài hước. Người sâu sắc sẽ kể với giọng điệu triết lý. Người cay độc sẽ kể với phần nhiều ý châm chọc, bè dỉu. Người hiền hòa sẽ kể với giọng nhỏ nhẹ. Người lãng mạn sẽ kể những câu chuyện với giọng điệu ngọt ngào… Đổi lại, nếu bạn là người hài hước, vui vẻ thì khó có thể tạo nên một câu chuyện sầu bi, ướt át. Đó là thực tế.

– Giọng văn là năng khiếu?

Cái này cũng đúng. Năng khiếu ở đây có thể diễn đạt theo cách khác đó là cái “duyên”. Bạn có đồng ý với tớ không, nhiều người kể chuyện bạn chỉ muốn lao tới khâu mồm anh ta lại vì quá dở. Nhưng có những người thì khi họ cất tiếng, bạn cứ phải há hốc mồm ra mà nghe. Ngày xưa gần nhà tớ có một chú kể chuyện rất siêu. Tối đến là đám con nít bu lại nghe ổng kể chuyện ma. Cũng là một câu chuyện thôi nhưng người khác kể nghe không thấy sợ gì hết mà đến phiên ổng là mình muốn nổi da gà.

Hoặc là cùng một câu chuyện buồn nhưng nghe người này ta thấy bình thường, nghe người kia kể thì ta lại rớt nước mắt. Năng khiếu nó là như vậy.

– Giọng văn là rất quan trọng?

Vâng, cực kỳ quan trọng. Theo Từ điển thuật ngữ văn học: “Giọng điệu là thái độ, tình cảm, lập trường tư tưởng, đạo đức của nhà văn đối với hiện tượng được miêu tả thể hiện trong lời văn quy định cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa gần, thân, sơ, thành kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm. Ngoài ra, giọng điệu còn phản ánh lập trường xã hội, thái độ tình cảm và thị hiếu thẩm mĩ của tác giả, có vai trò rất lớn trong việc tạo nên phong cách nhà văn và tác dụng truyền cảm cho người đọc. Thiếu một giọng điệu nhất định, nhà văn chưa thể viết ra được tác phẩm, mặc dù đã có đủ tài liệu và sắp xếp trong hệ thống nhân vật”

Ặc ặc… Cứ dính đến tí học thuật là lại đau cái đầu. Thôi dẹp qua một bên. Bây giờ thế này, có phải là bạn đang muốn viết truyện hay không? Sau “Bí quyết 2”, chắc hẳn bạn đã hình thành cho mình một cốt truyện cụ thể, nhân vật đã có, các tình tiết đã sẵn sàng, thậm chí kết cục đã được định sẵn, tất cả chỉ cần bạn cầm bút và viết ra. Thế nhưng… bạn lại không tài nào đặt bút viết xuống được. Vậy thì, đúng là bạn đang thiếu một giọng-văn-phù-hợp để định hướng ngòi bút của bạn đấy.

Câu hỏi đặt ra ở đây là, làm thế nào để xây dựng một giọng văn cho riêng bạn?

– Trước tiên, bạn phải tự hỏi mình, bạn thích cái gì? Bạn thích hài hước hay u sầu, bạn thích lãng mạn hay hiện thực, bạn thích tỉnh táo hay mơ mộng… Tất nhiên, tất cả những phong cách mà bạn muốn hướng đến phải phù hợp với cốt truyện mà bạn đã đặt ra.

– Thứ hai là bạn phải xem bạn hợp với cái gì. Sau khi đọc Đường Thất Công Tử, bạn mê quá nên quyết định “nhại” theo phong cách hài hước, tưng tửng của tác giả. Thế nhưng bạn lại không hợp với giọng văn này, cứ gồng mình theo thì quá trình sáng tác sẽ rất mệt mỏi, bạn có nguy cơ “treo bút” và “ngâm tôm tác phẩm” của mình đến vĩnh viễn.

Tìm ra được một giọng văn hợp với bạn là điều hết sức hệ trọng. Khi đó, ngòi bút của bạn sẽ như được tiếp thêm dầu bôi trơn, việc viết lách sẽ dễ dàng hơn và bạn sẽ thấy hứng thú mỗi khi đặt bút. Đôi khi cái bạn thích lại không hợp với bạn. Hãy nhớ điều đó để thận trọng hơn trong sáng tác.

– Tôi phải kể câu chuyện này như thế nào?

Sau đây là một kinh nghiệm quý giá của tớ trong việc xây dựng giọng văn cho riêng mình. Một kinh nghiệm thiết thực mà không phải tác giả nào, kể cả là người đã có nhiều tác phẩm được in thành sách cũng biết được. (Hoặc giả họ chưa từng nghĩ đến. Tất nhiên họ vẫn sáng tác và theo bản năng, các tác phẩm của họ vẫn có một giọng văn riêng nhưng nó sẽ rất khác nếu như bạn sáng tác có ý thức hơn). Moon tớ kẹt xỉ ở nhiều lĩnh vực nhưng lần này sẽ hào phóng chia sẻ với  mọi người. (Ai áp dụng thành công nhớ khao tớ đấy nhé, he he…)

Như tớ đã nói ở trên. Giọng văn là thiên tính và tùy thuộc năng khiếu. Nhưng đó chỉ là những ý kiến chung nhất. Ở từng tác phẩm, bạn lại cần phải xác định những thứ cụ thể hơn.

Tức là, sau khi đã có cốt truyện rồi, bạn đừng nóng vội cầm bút viết ngay mà xin hãy dành thêm một chút thời gian để suy nghĩ: tôi sẽ kể câu chuyện này như thế nào? Hoặc là tôi sẽ dùng giọng điệu nào để thể hiện câu chuyện này. Vẫn hơi mơ hồ phải không? Được rồi, tớ sẽ hướng dẫn cụ thể hơn nhé!

Các bạn, hãy tưởng tượng xem bạn sẽ đóng vai ai để kể câu chuyện của mình. Ví dụ như trong tác phẩm “Nụ hôn bánh mì” của tớ, tớ xác định ngay từ đầu là tớ sẽ kể câu chuyện bằng giọng điệu của một cô gái vừa phục hồi khỏi một tổn thương về tâm lý, ngoài tình yêu làm bánh ra, cô ấy không muốn quan tâm tới bất kì thứ gì khác nhưng cuối cùng lại không thể trốn tránh nổi sức hấp dẫn của tình yêu chân thành. Chính vì thế, trong tác phẩm, các bạn sẽ thấy một giọng điệu lúc thì trẻ con, lúc lại rất già dặn, lúc thì lạnh nhạt, lúc lại xét đoán, băn khoăn… có rất nhiều mâu thuẫn trong suy nghĩ và hành động của nhân vật.

Travelling with Bread Kiss - Resized“Nụ hôn bánh mì” viết bằng giọng văn của một cô gái có nhiều cảm xúc trái ngược.

Một ví dụ khác, tác phẩm “Gái già xì-tin” chẳng hạn. Hẳn tác giả đã xác định ngay từ đầu là sẽ kể bằng một giọng tưng tửng của một cô gái già ê sắc ế nhưng vẫn luôn muốn tìm thấy những niềm vui trong cuộc sống bình thường đến không thể bình thường hơn của mình…

Sau khi đã xác định được giọng văn phù hợp cho tác phẩm, các bạn sẽ thấy mình như được “khơi thông” trong việc sáng tác. Mỗi khi bí bách trong việc diễn đạt câu chuyện của mình, bạn chỉ cần nhẩm lại trong đầu, à, tôi đang đóng vai này này này nên tôi sẽ viết như thế này này này… để tìm lại cảm giác cho ngòi bút.

– Giọng văn có thể biến hóa nhưng phải giữ tính nhất quán.

Trong một tác phẩm, giọng văn phải giữ được tính nhất quán. Hay nói cách khác là bạn nên chỉ dùng giọng kể của một người cho toàn bộ câu chuyện. Tuy nhiên, bạn có thể biến hóa (tớ không dùng từ thay đổi nhé) giọng văn của mình cho phù hợp với diễn biến của chuyện. Ví dụ, với những chỗ cao trào, bạn có thể để cho giọng văn trở nên kịch tính hơn. Hoặc những lúc nhân vật suy tư, bạn có thể để cho giọng điệu sâu lắng và da diết hơn. Người kể mà, cũng có lúc vui lúc buồn, lúc tức giận, lúc xúc động, giọng văn vì vậy cũng cần phải điều chỉnh cho phù hợp, nhưng vẫn trong khuôn khổ nền tảng của tính nhất quán.

Có vậy thôi! Chúc các bạn hiểu được bài viết này vì thực ra từ hôm tết tây (hôm bắt đầu viết bí quyết này đến giờ), tớ cũng chẳng biết mình đang viết cái gì nữa. Ho ho ho…

Đúc kết kinh nghiệm 3: Xây dựng giọng văn riêng cho tác phẩm của bạn bằng cách đặt câu hỏi: tôi sẽ kể câu chuyện này bằng giọng điệu của ai, như thế nào? Giữ tính nhất quán và linh hoạt cho giọng văn của bạn.

Chúc các bạn viết thật hay!


Bí quyết 4: Nam chính, nữ chính & “tuyệt chiêu” xây dựng nhân vật

Để tìm hiểu các bí quyết khác, bạn hãy VÔ ĐÂY!

Ola! Bạn Minh Moon đã trở lại với seri truyền thụ bí kíp “luyện rồng”. Dạo này bạn ấy khá là bận rộn nên đã bỏ bê blog một thời gian, mặc dù vậy thỉnh thoảng nghía qua cái stats review thấy lượng khách khứa ra vô vẫn nhộn nhịp là thấy mừng lắm. Các tình yêu vẫn nhớ đến mình nè, he he he…

Thôi, chúng ta tiếp tục với bí quyết thứ 4 trong chuỗi 10 bí quyết viết truyện tình dựa trên kinh nghiệm của bạn Minh Moon nhé. Không biết mọi người còn nhớ ba bí quyết đầu không? Có ai có ý tưởng mới cho tác phẩm của mình? Câu chuyện của các bạn viết đã tiến triển tới đâu rồi?…

Bí quyết thứ 4 rất quan trọng, vì nó nói về nhân vật chính trong câu chuyện của bạn. Mọi câu chuyện đều phải có nhân vật. Nếu không có nhân vật, sẽ không có câu chuyện. Và tất nhiên, trong truyện tình thì chúng ta phải có nam chính và nữ chính.

– Nhưng ngay cả với nam chính và nữ chính, thì trong hai người này, sẽ có 1 người “chính” hơn người kia một chút. Tức là bạn sẽ phải chọn cho mình 1 nhân vật “chính nhất” và các câu chuyện sẽ xoay xung quanh người “chính nhất” này.

– Những chương mở đầu rất quan trọng, vì những chương này sẽ thiết lập “hình ảnh” của nhân vật chính trong mường tượng của độc giả. Đó cũng là những chương giới thiệu hoàn cảnh, gia thế, công việc và tính cách nhân vật chính. Những đặc điểm này sẽ “đóng khung” cho cô ấy/ anh ấy xuyên suốt tác phẩm nên bạn cần đầu tư kỹ càng một chút. Đừng để nhân vật của mình xuất hiện mơ hồ quá (trừ khi bạn có ý đồ khác)

– Khoảnh khắc xuất hiện của nhân vật chính nên là một khoảnh khắc đáng nhớ. Ví dụ như trong “Chàng Atlas của em” (tác giả: Minh Moon ), nếu các bạn đã đọc chắc còn nhớ cảnh nữ chính của chúng ta xuất hiện trong showroom nội thất. Mình đã cố ý để cho cô ấy là người đến cuối cùng, trong trạng thái được chờ đợi. Khi tiếng chuông đồng hồ ngân vang, hàng chục con mặt vồ vập nhìn ra cửa, và… cô ấy xuất hiện!

Cái cách nhân vật chính xuất hiện càng đặc biệt thì sẽ càng gây ấn tượng cho độc giả.

– Bạn có thể xây dựng bất cứ nhân vật nào: một cô nàng thỏ ngọc nai tơ không biết bụi trần hay một phụ nữ khôn ngoan sắc sảo, một cô lọ lem nghèo khổ yếu đuối hay một tiểu thư lá ngọc cành vàng đỏng đảnh, một sát thủ máu lạnh hay một nữ cảnh sát liêm khiết…, nhưng hãy chắc chắn một điều, nhân vật mà bạn xây dựng sẽ phải nhận được sự ủng hộ và quan tâm của độc giả. Nếu bạn kỳ công tạo ra một nhân vật chính mà người ta lại chỉ quan tâm đến… nhân vật phụ thì coi như bạn đã phần nào thất bại.

– Nói là “xây dựng nhân vật”, thực ra là bạn để cho nhân vật của mình suy nghĩ, hành động, ứng xử trong thế giới của câu chuyện. Độc giả cũng thông qua đó mà “hiểu” về nhân vật. Vì vậy, những tình huống đặt ra cho nhân vật càng độc đáo, càng quái chiêu, càng có tính thử thách thì hình ảnh nhân vật sẽ càng được khắc sâu.

– Nếu truyện của bạn có 100 chương thì ít nhất là đến chương thứ 30, bạn phải tạo ra một thay đổi có tính đột phá cho nhân vật. Nếu không, truyện của bạn có nguy cơ khiến độc giả buông sách đi ngủ khò là rất cao. Thay đổi này có tính tiên quyết trong việc chuyển hướng hành động và suy nghĩ của nhân vật, mở ra một thế giới mới mà ở đó, nhân vật phải giải quyết những mâu thuẫn ở mức độ sâu hơn, kịch tính hơn.

– Nhân vật của bạn phải trưởng thành. Tức là, so với phần mở đầu, tại phần kết của truyện, nhân vật phải thay đổi, có thể là thay đổi trong tư tưởng, thay đổi trong quan niệm hay một giá trị nào đó. Nếu nhân vật của bạn chẳng có thay đổi gì, chứng tỏ câu chuyện của bạn không có tính vận động và thiếu sức sống. Ví dụ, trong “Có ai yêu em như anh!” ở phần đầu truyện, ta có thể thấy Thảo Nguyên có 1 quan niệm rất cố chấp trong tình yêu: yêu là phải không tì vết. Nhưng đến cuối truyện, tư tưởng của cô ấy đã thay đổi. Khi biết tin Thế Phong có con với người khác, cô đã có thể nghĩ cởi mở hơn và sẵn sàng tha thứ cho anh.

Sẽ tuyệt vời hơn nếu như nhân vật có sự biến đổi từ xấu đến tốt, mang lại cái nhìn lạc quan cho tác phẩm.

– Luôn ghi nhớ 1 điều, hành động của nhân vật phải nhất quán với tính cách mà bạn xây dựng cho nhân vật. Một cô nàng kiêu kỳ sẽ không bao giờ bắt chuyện với chàng trai lần đầu gặp gỡ. Hay một gã trai nhu nhược sẽ không bao giờ dứt khoát được trong chuyện tình cảm. Nếu như gã có thể quyết đoán, ấy là lúc nhân vật thay đổi và câu chuyện của bạn phải rẽ theo một hướng khác.

Chúc mọi người viết thật trôi chảy!


Kinh nghiệm 5: Tại sao phải có người thứ ba xông ra ngáng đường

Các kinh nghiệm khác, mọi người VÔ ĐÂY để coi nhé!

Cái “người thứ ba” này, chị em ghiền ngôn tình Tung Của hay gọi là “Tiểu Tam”, “Tiểu Tứ” ý mà. Độc giả ai cũng căm ghét người thứ ba, nhưng nếu bạn là người viết, bạn phải “yêu quý” nhân vật này, vì đây chính là chiếc móc câu quan trọng để “câu kéo” độc giả của bạn đến với tác phẩm.

Hãy thử tưởng tượng mà xem. Nàng và chàng yêu nhau. Sáng yêu, trưa yêu, tối yêu. Thứ Hai, Thứ Ba, Thứ Tư… đều yêu. Năm ngoài, năm nay… cũng yêu. Đầu bài, thân bài, kết bài… vẫn yêu. Eo ơi, thế thì ngán muốn chết. Minh Moon tớ cá là chẳng độc giả nào kiên nhẫn mà đọc nổi một câu chuyện chỉ có… yêu yêu yêu như vậy. Ta-đa… lúc này, người thứ ba mới xuất hiện để khẳng định vai trò của mình.

Mục đích xuất hiện của “Người thứ ba” là gì?

Mục đích dễ dàng nhất đó là để tăng sự kịch tính cho câu chuyện. Một khi có người thứ ba xen vào câu chuyện tình yêu của hai nhân vật chính, điều đó sẽ tạo ra các mối xung đột trong quan hệ giữa các nhân vật. Việc bạn giải quyết các mối xung đột này chính là cách để câu chuyện của bạn phát triển và trở nên hấp dẫn hơn.

Nếu bạn đang cảm thấy truyện mình viết cứ nhạt nhạt, rồi thấy khó triển khai câu chuyện tình yêu của hai nhân vật chính, thì ngay và luôn hãy kiểm tra xem nhân vật “tiểu tam” của bạn đã mất tích ở chương nào rồi? Hãy cho cô/ anh ấy xuất hiện và “tung chiêu”, đảm bảo, câu chuyện của bạn sẽ tiếp tục một cách trôi chảy hơn trước.

Ngay cả bạn đang viết một câu chuyện mà ở đó hai nhân vật chung thủy, không hề bị tác động bởi bất kỳ một nhân tố thứ ba nào, thì sự xuất hiện của người thứ ba vẫn là cần thiết. Chỉ có điều, ở đây, các mâu thuẫn chỉ được sử dụng ở mức độ nhẹ nhàng và được giải quyết liền ngay sau khi phát sinh. Giống như một thứ “gia vị” khiến cho tình yêu của đôi lứa thêm đậm đà hơn.

Đấy, thế là bạn đã biết nhân vật thứ ba (một hoặc nhiều) cũng quan trọng đâu có kém gì hai nhân vật chính đâu. Cho nên, bạn nhớ cũng phải dành nhiều “nghĩ suy” một chút để chăm chút cho nhân vật này, đừng bỏ bê mấy em nó, tội nghiệp.

Các mẫu “Người thứ ba” thường gặp?

Vì người thứ ba đóng vai trò là người “ngáng đường”, cản trở chuyện tình yêu của hai nhân vật chính cho nên Moon tớ xin chỉ ra một vài trường hợp cụ thể như sau:

– TH1: Người thứ ba khiến cho nam nữ chính chia tay nhau ngay lập tức.

Cảnh kinh điển cho loại cao trào này là mấy cái cảnh “bắt gian tại giường” ý. Người thứ ba ở đây thường là người yêu điên cuồng nam hoặc nữ chính, sẽ dàn dựng các màn say rượu, bỏ thuốc mê, thuốc an thần, thậm chí thuốc lắc, ma túy gì đó… để nhân vật chính hôn mê hoặc bất tỉnh nhân sự, sau đó kéo lên giường và… tèng tèng…

– TH2: Người thứ ba khiến cho nam nữ chính hiểu lầm, không tin tưởng lẫn nhau, lâu ngày tích tụ, sinh ra oán hờn, cãi vã dẫn đến nguy cơ cao là cãi nhau và chia tay…

Người thứ ba ở đây sẽ là những người thân cận hoặc có mối quan hệ gắn bó từ trước với nam hoặc nữ chính như là bạn “thanh mai trúc mã”, người yêu cũ hoặc đồng nghiệp. Những người mà bất cứ lúc nào cũng có thể danh chính ngôn thuận “lởn vởn” ở bên cạnh nam/ nữ chính, đuổi không đi, xua không lại. Trong lúc nam/ nữ chính mệt mỏi vì cãi nhau với người yêu, người này sẵn sàng “chìa một bờ vai”, người kia bắt gặp, thế là… tèng tèng…

– TH3: Người thứ ba chả làm cái quái gì cả nhưng vẫn cứ lù lù như âm hồn bất tán trong mối quan hệ giữa hai nhân vật chính

Một ví dụ điển hình nhất đó là những người đã chết. Nam/ nữ chính sẽ luôn phải dằn vặt rằng mình chỉ là thế thân của người đã khuất…

– TH4: Người thứ ba quyền lực

Trên thực tế thì những người thứ ba này mới thật là những người danh chính ngôn thuận ở bên nam/nữ chính như là chồng/ vợ hoặc vị hôn phu chẳng hạn.

– THn: Ngoài ra, còn rất nhiều những trường hợp kỳ hoa dị thảo khác mà trong trường hợp cụ thể mới nói rõ được :)

Xây dựng nhân vật “Người thứ ba” như thế nào?

– Các mô-típ cũ thường xây dựng nhân vật người thứ ba là người xấu ơi là xấu, đích xác là nhân vật phản diện hung ác, hiểm độc. Nhưng ngày nay, mô-tip này đã cũ. Đúng là đa phần người thứ ba đều là mưu mô xảo quyệt, nhưng nếu bạn xây dựng họ thành những người “vừa đáng thương, vừa đáng giận” thì câu truyện của bạn sẽ thực tế và nhận được nhiều sự đồng cảm hơn từ người đọc. Nên phân biệt nhé, “người thứ ba” chưa chắc đã là người phản diện trong câu chuyện nhé.

– Ngược lại với trường hợp”xấu xa bỉ ổi” ở trên, rất nhiều tác giả rất “khoan dung” với người thứ ba, miêu tả họ là những con người chân thành, hết lòng vì tình yêu dù không được hồi đáp. Đây cũng là một khám phá thú vị trong sáng tác nhưng cá nhân Minh Moon tớ lại không đánh giá cao các nhân vật này thì họ thường sẽ nhạt nhòa quá hoặc giả lại hoàn hảo quá, có khi sẽ phản tác dụng, trở thành nhân vật được yêu quý hơn cả nhân vật chính thì nguy…

– Việc cho một hay nhiều “người thứ ba” xuất hiện là quyền ở bạn vì không nhất thiết là mỗi truyện chỉ có một nhân vật “người thứ ba”. Nếu cảm thấy một “người thứ ba” mà truyện vẫn hơi nhạt, chưa đủ ép phê thì bạn cứ mạnh dạn, tự nhiên thêm nhiều “người thứ ba” khác cho đa dạng và phong phú. Miễn là câu chuyện của bạn trở nên kịch tính, hấp dẫn hơn là được.

Tóm tắt bí quyết thứ ba: Bạn phải xây dựng nhân vật “người thứ ba”, là người cản trở diễn tiến tình yêu của hai nhân vật chính. Không giới hạn số lượng “người thứ ba”

TIÊU ĐIỂM: Bạn đã đọc “Thực ra, em đã rất nhớ anh” chưa? Người thứ ba của truyện là ai, bạn có biết không? Rất tinh vi đấy nhé! Chỉ đến cuối truyện thì bạn mới biết được. (He he… quảng cáo tí, mong bà con ủng hộ ^^)

*****
Rât tiếc chỉ tìm thấy bài viết đến kinh nghiệm thứ 5 theo các đường dẫn trong phần mở đầu. (Chùm Khế Chua)


Không có nhận xét nào: