Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2016

Tự học chụp ảnh bằng điện thoại

*Tham khảo từ Internet để tặng bạn Trần Văn Thản, NH6471QT.


Muốn chụp một cái ảnh đẹp phải có máy ảnh hàng hiệu giá vài chục triệu đến vài trăm triệu, ống kính đôi khi đắt hơn cả máy ảnh và phải học trường lớp đàng hoàng hoặc học kinh nghiệm của những tay máy nổi tiếng. Với máy điện thoại di động giá rẻ mà tính chuyện chụp hình cho đẹp là điều không thể thực hiện được. Tuy nhiền, lỡ mua cái điện thoại có tính năng chụp ảnh, khi gặp bạn bè bị người ta biểu chụp hoặc về quê thấy cảnh đẹp cũng cầm lòng không đậu và làm mấy pô rồi đưa lên mạng, bạn bè thấy không lẽ chê thì làm mình buồn nên khen vài chữ để khuyến khích. Do đó, phải tự học để chụp ảnh, để nếu đưa lên mạng thì người ta ngó được, không chê, chớ không mong gì có ảnh đẹp.


Người mới chụp ảnh thấy cảnh đẹp là cố lấy hết. Chỉ máy ảnh tốt mới làm được chớ máy ảnh trên điện thoại thì đừng nên, Nếu trong ảnh có quá nhiều chi tiết thì người xem bị phân tâm, không biết người chụp muốn chụp cái gì. Do đó nên chọn một mục tiêu đơn giản trong cảnh đó để chụp và bố trí sao cho mục tiêu bắt mắt người xem.





Hạ độ cao của máy ngang ngực hoặc thấp hơn cũng là một cách để tạo ảnh đẹp.



Khi chụp một vật xa nên lấy một vật ngay trước mắt để tạo chiều sâu cho ảnh. Vật ngay trước mắt có thể là lá, hoa, tảng đá… và nên hạ thấp máy để lấy được những vật này.





Ảnh có đường dẫn cũng tạo chiều sâu cho ảnh đồng thời làm người xem dường như đang bước vào khung hình, đi theo đường dẫn để khám phá cảnh vật trong đó. Đường dẫn có thể là đường ô tô, đường xe lửa, đường mòn qua đồi, con hẻm, cầu thang, tường nhà...



Cách đơn giản nhất để chụp một tấm ảnh "chuẩn" là theo luật ba phần. Chia tấm ảnh làm 3 phần bằng nhau theo chiều ngang và chiều dọc. Màn hình chia làm 9 ô bằng nhau. Điểm quan trọng của tấm hình nằm ở 4 chỗ giao nhau của 4 đường đó. (Những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp không theo luật này vẫn có ảnh đẹp nhưng những người nghiệp dư gà mờ như mình thì phải biết.) Nếu máy mình không có những đường kẻ này thì phải tưởng tượng ra.





Để trống hình cũng là một cách làm nổi bật vật / đối tượng muốn chụp. Đôi khi đối tượng chỉ chiếm 1/3, phần còn lại là không gian trống, có thể là bầu trời, bức tường, cây cỏ…





Góc chụp ảnh khác thường cũng tạo ảnh đẹp ví dụ từ dưới lên hoặc trên xuống. 





Ảnh cân xứng hai phía như nhau là một kiểu ảnh đẹp cổ điển.





Ảnh có nhiều vật xếp đều đặn cũng là một kiểu ảnh đẹp cơ bản.





Dùng ảnh phản chiếu cũng tạo ảnh đẹp. 





Dùng vật ở gần để làm khung cho cảnh xa.

Không nên zoom để lấy hình cho gần hơn mà nên đến gần đối tượng để chụp.

Không nên dùng đèn flash mà dùng ánh sáng tự nhiên.

Nên chụp vào lúc bình minh hoặc lúc chiều tối.

Nên chụp nhiều ảnh để rồi chọn một ảnh đẹp nhất.

Có thể dùng chế độ cắt ảnh trên điện thoại để loại bớt phần thừa và đưa điểm ảnh vào vị trí theo ý muốn.

Nếu ánh sáng và màu sắc của ảnh chưa vừa ý, thử dùng những ứng dụng trên điện thoại để chỉnh sửa, biết đâu ảnh sẽ đẹp hơn.

Ý và hình từ trang blog.hubspot.com và các trang khác.


Thứ Ba, 8 tháng 11, 2016

CHÙM THƠ LUẬT ĐƯỜNG



LỜI VỢ DẶN

Tốt nhất là ông cứ ở nhà
Vui chơi với cháu, hát ka ra
Ra đường xe chật coi chừng quái
Vào quán ngưòi đông cảnh giác tà
Hàng xóm nhiều ông ưa cãi cọ
Bạn bè lắm kẻ thích ba hoa
Chú tâm ghi nhớ lời tôi dặn
Tốt nhất là ông cứ ở nhà
.
NKP


ĐỪNG GỌI THẦY CÔ GIÁO LÀ NGƯỜI ĐƯA ĐÒ
Láy ý từ bài "Người lái đò lài ai?" của tác giả Nguyễn Phúc Vĩnh Ba.

Thầy cô sao gọi kẻ đưa đò?

Nghe riết rồi quen, chẳng nghĩ cho!

Kẻ đổ mồ hôi, văn hóa ít

Người lao trí tuệ, cấp bằng to

Kẻ đưa khách tới là quên khách

Người dạy trò xong vẫn nhớ trò

Nghề giáo xếp vào lao động thấp!


Học đường xuống cấp thấy mà lo!

NKP


***

NGHỀ CAO QUÝ?
Họa thơ bác Tâm Giao-Nguyễn Văn Tương

Khổ cực ba lăm năm, thoát rồi
Sáu tư tuổi trọn cũng vừa trôi
Mưòi ba ký độn lưng chừng bụng
Năm sáu đồng lưong lẩn quẩn đời
Sáng sáng đạp xe tắt nhịp thở
Đêm đêm soạn án toát mồ hôi
Ai cho nghề giáo là cao quý
Quần quật như là cái máy thôi

NKP


Bài xướng:
CHO NGÀY 20/11

Phấn trắng bảng đen tạm biệt rồi
Mấy mười năm lẻ tháng ngày trôi!
Xa nơi danh lợi thân thư thái
Biệt chốn bon chen thấy khỏe đời
Thành bại khơi mào bao phiền phức
Hơn thua chất chứa những tanh hôi
Tách trà thơ phú vui bè bạn
Xin góp với đời có vậy thôi

Tâm Giao (8/11/20156)


***


Họa thơ bác Tâm Giao-Nguyễn Văn Tương.

Bài họa:
DƯỚI MÁI NHÀ CHUNG

Từ ngày lên mạng lập trang Phây
Bè bạn muôn phương tụ ở đây
Dịch giả, nhà thơ từ xứ Bắc
Nông dân, bác sĩ tận miền Tây
Luận bàn nghìn chữ văn còn cạn
Sáng tác trăm trang nghĩa chẳng đầy
Nếu lỡ mai nầy Phây bị cấm
Mối tình tri kỷ vẫn không lay
NKP
(31/10/16)



Thơ mời họa:
TÂM TÌNH

Tam gia lão hủ thích chơi phây
Bút nhóm Ba Tê thành lập đây
Trao gởi tâm tư qua chữ nghĩa
Buồn vui san sẽ chút riêng tây
Tình đời bát nước còn chưa cạn
Ý thức trùng khơi vẫn chất đầy
Trời đất chong chênh mùa biến đổi
Lòng ta thường lạc chẳng lung lay!


Tâm Giao (31/10/2016)

***

CHÂM CHẬM CHẬM
Tặng Bs Đỗ Thanh Sơn

Sáng nay gặp bác sĩ Đông y
Mở máy, vừa nghe khuyên, tốc ghi
Chậm dậy, chậm ngồi, chậm xỏ dép
Chậm nằm, chậm đứng, chậm rời đi
Khi ăn, nhai mỗi miếng nhàn nhã
Lúc uống, nhấp từng ngụm tý ty
Quên tuổi, quên sầu, quên tật bệnh
Tuổi già thanh thản sống, lo gì?
NKP


***

MỪNG TÂN GIA

Mừng bác Lư ta xây mới nhà
Vũng Tàu Bà Rịa chẳng chi xa
Ở gần cha mẹ lo chăm sóc
Sồng với cháu con giữ thuận hòa
Sáng sáng lên non càng khỏe gối
Chiều chiều ra biển được hồng da
Cùng vui hạnh phúc gia đình lớn
Xin nhớ đừng quên mấy bạn già


NKP


***

CHẲNG BẰNG GẦN

Từ ngày lên nét viết thơ văn
Bè bạn khắp miền đến mấy trăm
Hội bút Đà Giang xin tác phẩm
Thi đàn Sông Hậu hỏi bài đăng
Trường xưa họp mặt ông kêu bận
Lớp cũ sum vầy lão vắng tăm
Giường bệnh hắt hiu không kẻ viếng
Tri âm xa ngái chẳng bằng gần.
NKP

***



CHƯA SỐNG

Mộng đã bay vèo theo gió mây
Rớt từ cung Quảng xuống ngồi đây
Công danh phú quý chưa từng trải
Âm nhạc thơ văn chỉ lúc say
Bè bạn giao lưu chừng mấy đứa
Người thân thăm viếng được đôi ngày
Suốt đời hì hục lo cơm áo
Chưa sống cho mình đến một giây

NKP



THAN THÂN

Sức khỏe năm nay đã kém dần
Ốm đau nằm viện đến ba lần
Sưng viêm cổ họng không thèm nói
Lép kẹp dạ dày chẳng muốn ăn
Thuốc uống uống hoài bong miệng lưỡi
Kim tiêm tiêm mãi nát tay chân
Nội soi mê sáng, chiều châm chọc*
Thôi kệ, lo gì thêm khổ thân
___
*Nội soi mê: nội soi gây mê.



Thứ Bảy, 2 tháng 7, 2016

SƯƠNG LẠNH PHỐ KHUYA

SƯƠNG LẠNH PHỐ KHUYA
(Chỉ là những giấc mơ)


Hội chợ xuân năm não năm nào
Nàng đi cùng chị bạn của tôi
Nhí nhảnh tung tăng như con sóc
Trong vườn hoa chỉ một nàng tươi

Hình như tôi bị bùa ngãi ám
Cứ mãi mong được gặp lại nàng
Quê nàng đâu chị bạn tôi chẳng rõ
Hình như đâu ở xứ Tháp Chàm

Trên một chuyến tàu đêm năm ấy
Hình như Ga Bình Thuận nàng lên
Kể tôi nghe thời nàng con gái
Yêu một người rồi bị bỏ quên

Đêm về sáng chập chờn mơ ngủ
Nàng xuống ga nào tôi chẳng hay
Chỗ ngồi nàng chỉ còn hơi lạnh
Sao nỡ nào chẳng nói chia tay

Đêm nay tôi nhớ nàng trằn trọc
Lang thang trên phố vắng khuya rồi
Bỗng thấy nàng ngồi bên vệ cỏ
Thẫn thờ buồn không nói một lời

Tôi trao nàng nụ hôn thắm thiết
Đôi mắt nàng thoáng chút tỉnh tươi
Miệng mỉm cười như tình yêu trở lại
Tôi ôm nàng nhưng nàng biến đâu rồi

Loanh quanh tôi tìm nàng trên phố
Nàng bước ra từ bậc thềm cao
Trắng muốt Sari như đi lễ hội
Môi má phớt hồng ôi đẹp làm sao

Đứng đây nhé, anh về mang xe đến
Em đi đâu anh sẵn sàng đưa
Đi vài bước tôi quay nhìn lại
Chẳng thấy nàng đâu
Chỉ sương lạnh phố khuya.

Nguyễn Khắc Phước


Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2016

MƠ CHIỀU

MƠ CHIỀU

Phi trường chiều mưa
Tiễn chân người bạn
Bất ngờ em đứng
Trong hàng checking


Em đi Bắc Kinh
Một tuần về lại
Rồi em sẽ gọi
Để báo tin mừng


Sao lạ quá chừng
Những lần gặp trước
Em đều từ khước
Thấy là tránh xa


Rồi anh phải ra
Trước sân gặp bạn
Tỏ bày tình cảm
Trước giờ chia tay


Khi bạn đã bay
Anh quay trở lại
Em vẫn còn đấy
Ngồi trong phòng chờ


Dáng em thẫn thờ
Nhưng không tuyệt vọng
Bị hoản hai giờ
Cà phê đi anh


Áo mưa màu xanh
Hai đứa cùng đội
Mưa rơi dữ dội
Ướt giày của em


Em cho anh tin
Thủ tục ly dị
Hai người đã ký
Chỉ chờ ra tòa


Anh thấy xót xa
Thương em bất hạnh
Bàn tay em lạnh
Bờ môi em nồng


Anh thương em không
Về bên nhau nhé
Duyên mình dù trễ
Vẫn chưa muộn màng


Nước dâng ngập đường
Chân anh sập hố
Té ngay tại chỗ
Ướt lạnh toàn thân


Mà anh chẳng cần
Phải thay quần áo
Bởi đang khô ráo
Thấy mình vừa mơ.




NKP
6/2016

Thứ Tư, 6 tháng 4, 2016

NẤM LINH CHI - tạp bút

NẤM LINH CHI
(Nghe lỏm câu chuyện của hai bác nhà thơ ở quán cà phê)


Nhà thơ A vừa dựng xe máy trước hiên nhà của nhà thơ B vừa nói:
- May có bác ở nhà. Gọi mấy cuộc mà bác không cẩm máy.
- Có việc chi mà chú cần gặp tui gấp rứa?
- Câu lạc bộ thơ Đường của huyện mình dự định ra mắt tuyển tập thơ mừng lễ lớn, không có bài của bác thì không được.
- Răng lại không được?
- Vì bác là nhà thơ nổi tiếng, năm ngoái bác có một bài đoạt đến ba giải của huyện, tỉnh và Unesco, được hơn chục tờ báo đăng, hàng trăm tờ báo mạng đăng lại. Thơ của bác là nấm linh chi trị bá bệnh còn thơ của em chỉ là rơm rạ, chỉ để cho bò nhai đỡ đói. Không có thơ của bác thì ai thèm đọc thơ em.
- Chú khiêm nhường quá. Mỗi ngày chú làm một bài, bất cứ đề tài chi chú cũng xuất khẩu thành thơ được, đăng lên Facebook, bạn đọc vô số kể, trong khi suốt năm ngoái tui chỉ làm duy nhất được một bài, cho dù có giải nhưng làm sao nổi tiếng bằng chú được.
- Thơ em lượng thì nhiều nhưng chất thì ít còn thơ bác thì ngược lại.
- Ngày xưa tui cũng có học quy luật hay phép biện chứng của lượng và chất chi đó nhưng hoàn toàn không hiểu chi hết, chữ thầy trả lại thầy. Mỗi ngày tui cũng làm một bài như chú, với lại hồi đó không có mạng nên không ai đọc, lâu lâu phô-tô một tập tặng bạn bè, không biết họ có đọc không. Nay nhờ có thằng bạn cùng lớp sản xuất tinh bột nghệ nano, nó giải thích cứ 60 gam bột nghệ tinh chế được 2 gam nano curcumin, tui mới nghĩ đến câu “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, rồi liên hệ đến việc làm thơ và quyết định mỗi năm mình chỉ cần làm một bài thôi, nếu không hay thì cũng không dở.
- Em nghĩ mình viết nhiều để quen tay, một lúc nào đó sẽ thành thạo, không cần kiểm tra cũng không bị lỗi về niêm luật.
- Cách đó cũng hay, dành cho người mới bắt đầu. Theo tui bằng đại học thua bằng tiến sĩ không phải vì cấp học mà vì bằng đại học gồm nhiều học phần hay tín chỉ còn bằng tiến sĩ thì người nghiên cứu sinh không những phải có kiến thức uyên bác và làm chủ kiến thức về một đề tài khoa học mà còn phải mở rộng hay phát triển thêm tri thức về đề tài đó. Cũng như tui ngày xưa, chú làm nhiều quá nên không sâu. Hồi nãy chú nói thơ chú là rơm còn thơ tui là nấm linh chi. Để có nấm rơm chỉ mất khoảng 12 ngày nhưng nấm linh chi phải mất khoảng 75 ngày. Chú nói có gọi mấy cuộc nhưng tui không bắt máy vì kể từ hôm nay tui không dùng điện thoại nữa
- Răng rứa bác? Không có bác đọc thơ thì cà phê tụi em uống cũng mất ngon, coi chừng rã đám hết.
- Năm kia tui chưa có điện thoại, sáng một mình đi dạo bờ sông, nghĩ về bài thơ của mình, chiều đi dạo công viên cũng nghĩ về bài thơ đó, nhờ rứa tui mới có bài thơ đoạt giải. Còn suốt năm ngoái, sau khi được giải, tui được mời đi hội thơ này, câu lạc bộ nọ, nhóm này tổ chức giao lưu, nhóm thơ kia ra mắt tập thơ, không có mấy ngày được nghỉ, vậy thì giờ đâu mà làm thơ? Cho nên chú hỏi thơ thì tui không có. Hẹn chú một năm nữa. Kể từ hôm nay tui dành thì giờ để trồng nấm linh chi.



Nguyễn Khắc Phước
Tháng 4/2016




VỆT NẮNG - tùy bút

VỆT NẮNG

Sau những ngày mưa phùn gió bấc, bầu trời luôn xám xịt, chiều nay trời ít mây, le lói chút nắng nhạt. Trên nền nhà xuất hiện một vệt nắng vàng chiếu xuyên qua khe màn cửa số. Vệt nắng run run như đang cầm cự với cơn gió bấc giữa mùa.

Thằng bé gần một tuổi rưởi đang chơi với ông nội. Nó chạy lung tung, thấy cái gì cầm được là chộp liền rồi ném xuống cầu thang, bắt ông nó phải xuống lượm.

Trông thấy vệt nắng, thằng bé ngồi xuống chụp nhưng không lượm được gì. Thế nhưng nó không bỏ cuộc; cứ đi một vòng quanh nhà rồi trở lại chụp. Khi nó quay lại lần thứ năm thì nó òa khóc. Ông nội nó hỏi sao con khóc, nó chỉ vào chỗ có vệt nắng hồi nãy. Vệt nắng không còn, không biết nó đã di chuyển đi đâu. Ông giúp cháu tìm vệt nắng nhưng không thấy. Vệt nắng không còn nữa. Mặt trời đã trốn vào trong đám mây đen đang ủ mưa.

Thằng bé càng lúc càng khóc to, đòi cho được vệt nắng. Ông dỗ nó bằng cách bồng nó quanh nhà, giả bộ đi tìm, nói nắng đã vào ngủ trong buồng này, tủ kia. Chỉ có điều ông không thể giải thích cho nó hiểu vệt nắng thực sự đã đi đâu và càng không hiểu nếu ông nói với nó chính ông cũng chỉ là một vệt nắng chiều đông mà thôi.



Nguyễn Khắc Phước

ĐỐI THOẠI VỚI CAO TIỆM LY - Truyện ngắn

Ê này, Cao Tiệm Ly! Đi đâu mà vội. Ghé vào chùa ta sẽ thết ngươi một bữa cơm chay.

Tai sao ta nhận ra ngươi, chút nữa ta nói, còn ta là người chèo thuyền đưa Kinh Kha sang sông Dịch Thuỷ. Ta tưởng các người thầm lặng tiễn đưa trong bí mật, hoá ra lại rượu thịt, ca hát rình rang. Ta biết các người chẳng coi ai ra gì trong thiên hạ nhưng khinh địch bao giờ cũng khó thành công.

Ta biết ngươi đang hướng về kinh đô nước Tần để làm thích khách, nhưng tội chi ngươi phải gánh chuyện bao đồng. Ta nói chuyện bao đồng vì  nước Yên là của vua Yên. Không của vua Yên thì của vua khác. Phàm làm việc gì cũng phải nghĩ đến chính danh, không chính danh thì xã hội sẽ loạn.

À, thì ra ngươi không vì nước Yên, vua Yên, hay thái tử Đan gì hết  mà chỉ muốn trả thù cho Kinh Kha. Nhưng thử hỏi Kinh Kha có xứng đáng để ngươi xông pha vào hang cọp?

Với ta thì Kinh Kha chẳng phải là khách khanh văn giỏi vũ dũng mà là chỉ một tên du thủ du thực, kiêu căng tự phụ. Hai lần bị người ta mắng khi cùng bàn kiếm thuật, chứng tỏ kiếm thuật của hắn chưa thông; một lần đánh cờ bị người ta đuổi, chứng tỏ binh thư chưa thạo. Hắn lang bạt đến nước Yên làm bạn với ngươi chẳng qua vì tham ăn thịt chó; hát hò om sòm giữa chợ cũng chỉ vì tham uống rượu ngon; lại làm bộ làm tịch là người thâm trầm, khoe có bạn bè trưởng giả cốt để lừa bịp. Điền Quang tiến cử hắn chẳng qua biết mình thế nào rồi cũng phải chết, tìm cách chết ở nhà toàn thây. Thái tử Đan chọn Kinh Kha cũng giống như người đang sắp chết trôi vơ gặp ván. Trôi đây là  trôi giữa biển hận thù  vì tự ái cá nhân nhỏ nhen, cái này thôi không bàn đến. Nếu Kinh Kha là bậc chính nhân quân tử thì đâu chịu bán mạng mình cho rượu thịt, lụa là, mỹ nhân; nếu là kẻ nhân từ thì tại sao lại nhận cánh tay mỹ nhân làm quà vì lời khen đầu cửa miệng.

Còn ngươi, chẳng qua cũng chỉ là một chủ quán, hằng ngày quen tay thọc huyết chó, may có chút máu nghệ sĩ, lâu lâu thổi sáo giải khuây. Ngươi được Kinh Kha xem là bạn thân, cảm thấy hãnh diện, đem thân dựa bóng. Cái đuôi cọp chỉ là vật trang trí, không bao giờ biến thành con cọp. Người ta sợ cọp, không phải sợ cái đuôi của nó. Nhưng tiếc thay Kinh Kha không phải là con cọp mà chỉ là một con chồn.

Giết một ông vua đâu phải dễ dàng như dìm chết một con chó.

Người ta nói không thành công cũng thành nhân, nhưng một chiến sĩ, một thích khách chắc chắn trăm phần trăm thành công mới thực hiện.

Thử hói ngươi có đủ uy dũng như Tào Mạt, ngang nhiên ném chuỷ thủ trước mặt Hoàn Công mà lấy lại được ba thành? Liệu ngươi có đủ can đảm như Nhiếp Chính, ban ngày ban mặt, hùng hổ xông thẳng vào phủ, giết chết tướng quốc nước Hàn? Sáng mắt như Dự Nhượng, lại là tay kiếm khách cự phách, hai lần phục kích không giết được Tương Tử. Đui mù như ngươi, bỏ nghề giết chó từ lâu, chỉ có trong tay cây sáo, lại chỉ một lần duy nhất, liệu được mấy phần trăm thành công giết được vua Tần. Chuyên Chư chết nhưng công tử Quang được làm vua, còn  nếu ngươi giết được vua Tần cha, sẽ có vua Tần con lên thay, sẽ tàn bạo khốc liệt hơn vì ngươi đã giết cha nó. Chẳng những không có vua Yên nào được nhờ ngươi mà dân Yên đã bị đoạ đày rồi sẽ còn bị đoạ đày hơn nữa, hàng vạn dân Yên  sẽ phải chịu nô dịch để xây Vạn lý Trường Thành trước khi phơi thây nơi miền quan ải.

Ngươi nói đến sứ mạng của người nghệ sĩ ? Tạm chấp nhận ngươi là một nghệ sĩ.  Vậy ngươi phải dùng phương tiện của ngươi là cây sáo để sáng tác và biểu diễn sao  cho thật hay để lay động lòng người, kích động tinh thần yêu nước của người Yên chớ phải đâu đi làm thích khách chỉ với một cây sáo làm vủ khí. Lòng yêu nước không phải chỉ nghệ sĩ mới có. Ngươi có thể trở lại nghề thịt chó, biến quán thịt chó của ngươi thành chiêu anh quán, nơi giao lưu của các hào kiệt anh hùng. Những người ấy sẽ thay ngươi đi diệt vua Tần. Chuyện đơn giản như vậy  tại sao ngươi không làm được?

Hồi nảy ngươi hỏi làm sao ta nhận ra ngươi. Ngươi đã thay tên, đổi dạng hoàn toàn rồi, không một kẻ nào có thể nhận ra ngươi được. Ta cũng không nếu không nhận ra bóng ma Kinh Kha lảng vảng trên đầu ngươi, lòng căm thù  như hoả diệm sơn bốc lên cháy đỏ mắt ngươi, và một đàn ma chó đói đếm không xuể đang gầm gừ gớm ghiếc chạy theo sau ngươi không rời một bước.

Hoặc là linh hồn Kinh Kha sẽ giúp ngươi hoàn thành sứ mạng họăc là đàn ma chó sẽ nhập vào vua Tần để báo thù ngươi bằng cách thọc huyết ngươi hay dìm ngươi cho tới chết như ngươi đã từng hành hạ chúng.

Này Cao Tiệm Ly! Hượm đã! Đi  gì mà vội. Ta đã có lương thực dành cho ngươi.

Dù sao cũng chúc ngươi hoàn thành mục đích, dù là mục đích điên cuồng.

Hỡi ôi! Lấy ân báo oán, oán ấy tiêu tan, lấy oán báo oán, oán ấy chập chùng. Một tay giết thịt chó  chẳng bao giờ hiểu được lời Phật dạy.


Nguyễn Khắc Phước

Thứ Ba, 5 tháng 1, 2016

ĐÊM BỆNH VIỆN - Hài kịch ngắn

ĐÊM BỆNH VIỆN
Hài kịch ngắn 

Tặng Phòng Bảo hộ Lao động thuộc Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng,

Nhân vật:

Y tá nam, người bị nạn tên Toàn, công nhân A (CN A), công nhân B (CN B), công nhân C (CN C), chủ tịch công đoàn (CTCĐ), Thoa, mẹ của Thoa, cha của Thoa .

MÀN 1

Bài trí: Một cái bàn, trên bàn có biển ghi: Y TÁ TRỰC, một điện thoại bàn kiểu cũ, một hộp đựng xi-ranh và bông, một ghế dựa. Bên cạnh bàn có một ghế dài. Trên tường có biển: KHOA CẤP CỨU.
Y tá: (Ngáp) Nãy giờ cấp cứu mấy ca, vất vả quá, đói rồi đây, chắc phải làm gói mì cua lót dạ, còn thức chiến đấu cả đêm nữa chứ.
(Tiếng la bên ngoài: Cấp cứu, cấp cứu).
Ý tá : (Giật mình đứng dậy, khoát hai tay lộ vẻ thất vọng)
(Ba CN và CTCĐ khiêng một băngca, trên đó có một người nằm).
Ý tá: Khiêng vô phòng, khiêng vô phòng. Tai nạn gì đây?
CN A: Máy cắt đứt tay. Nặng lắm, nặng lắm.
(Bệnh nhân được khiêng ra phía sau).
Ý tá: (Gọi điện thoại) A lô. Y tá trực đây. Có bệnh nặng. Mời bác sĩ về gấp. (Ra sau)
(Ba công nhân và chủ tịch công đoàn trở lại sân khấu).
CN A: May quá. Bác sĩ tới liền.
Ý tá : ( Vào sân khấu, tay xách 1 cái xô, vừa chạy ra vừa nói) Một anh chạy đi mua một xô nước đá, nhanh lên.
CN B: Trời ơi! Tình cảnh thế này mà còn uống trà đá!
Ý tá: Tầm bậy! Để ngâm cái tay đứt lìa, nếu không thì hoại tử là vứt, rõ chưa?
CN B: Rõ, xin tuân lệnh.
CTCĐ: Để tôi đi mua. (Cầm lấy xô và chạy đi).
(Y tá ra sau. Thoa vào ngồi trên ghế dài, không ai chú ý. Ba công nhân và CTCĐ đứng nói chuyện).
CN A: Toàn là vua cẩn thận sao bữa nay kỳ cục vậy không biết.
CN B: Sáng nay nó ngồi uống cà phê với tao, nó làm luôn hai ly, còn kêu thêm trà đá, chắc trưa nay mất ngủ, không ít thì nhiều cũng ảnh hưởng đến sự tập trung chú ý.
CTSĐ (Xách xô đá, mang vào phía hậu trường rồi ra đứng phía sau 3 CN, một tay quạt, một tay cầm cổ áo lắc lắc, miệng thở).
CN C: Chiều hôm nay trước khi vào ca nó nói chuyện hôn nhân của nó không được suôn sẻ. Bà mẹ cô gái coi tuổi hai đứa không hạp. Thấy nó buồn như người mất hồn. Tao nói chán chi con gái trong nhà máy xinh đẹp dễ thương mà không ưng, lại ưng người đâu đâu làm sao anh em giúp đỡ mầy được. Nó làm thinh. Tao nói bỏ mẹ đám đó đi, để tao làm mai con Nga bên tổ chị Huệ cho, thấy nó ngó ngó mầy hoài, chắc là ưng mầy rồi đó. Nó cũng làm thinh, mặt rầu như muốn ca bài “ Thôi chia ly từ đây” (Hát: Thôi chia tay nhau từ đây, nghe nước mắt vây quanh, biết lỡ yêu đương sẽ đau thương suốt cả cuộc đời. Nhưng mấy khi tình đầu kết thành duyên mong ước, mấy khi tình đầu kết trọn mộng đâu em…).
CN A: (Cắt ngang) Lộn rồi cha. Đó là bài “Người đi ngoài phố” của Đàm Vình Hưng.
CN B. Tầm bậy luôn. Bài hát này có từ xửa từ xưa, khi Đàm Vình Hưng còn chưa đẻ, làm sao sáng tác bài đó được)
CTCĐ (Đã ra đứng phía sau nghe ba CN cãi nhau) Thôi đừng cãi nhau lung tung. Vậy tai nạn này là do tâm lý cá nhân bị xáo trộn nên giảm tập trung chú ý. Đây là bài học nhớ đời, mấy chú thấy chưa? Trước khi vào ca, mấy chú phải tạm thời “tắt lửa lòng” và “cắt đứt dây chuông”, một trăm phần trăm tập trung vào công việc thì tai nạn sẽ rất khó xảy ra. Nhà máy chỉ khắc phục nguyên nhân khách quan chớ nguyên nhân chủ quan thì đang …nghiên cứu. Ngày xưa đôi khi mình cũng mất tập trung, sau đó phải theo học một khóa thiền mới đỡ.
CN A: Hèn gì anh hiền như cọp.
CN B: Chuyện này xin anh bỏ qua đừng báo cáo, nếu không thì nó mất việc luôn.
CTCĐ: Mấy chú khỏi lo. Bất cứ tai nạn lao động nào cũng có nguyên nhân chủ quan hết nhưng cấp trên không quy kết mà thôi. Mấy chú tưởng dễ qua mắt lãnh đạo sao? Lãnh đạo phải có nhân đạo. Không nhân đạo thì ai làm việc cho mình.
Ba CN: Hoan hô chủ tịch công đoàn.
Y tá (xuất hiện): Bệnh nhân cần tiếp máu, ai sẵn sàng cho máu đưa tay lên?
(Ba CN và CTCĐ đưa tay lên).
Y tá hỏi CTCĐ: Anh máu gì? A, B, AB hay O?
CTCĐ: AB.
Y tá. Bệnh nhân máu B. Vậy anh không thể cho máu.
Y tá (hỏi CN A): Anh máu gì?
CN A: Em không biết.
CN B: Nó máu dê, thấy gái là con mắt nó chớp chớp sáng rực.
Y tá (hỏi CN B): Anh máu gì?
CN B: Em không biết.
CN A: Nó máu sở khanh. Tán được con nào ít bữa là bỏ ngang, chạy theo con khác.
Y tá: Mời hai anh đến khoa huyết học thử máu. Anh máu gì? (Hỏi CN C)
CN C: Em không máu.
Ý tá: Không máu sao anh sống được?
CN C: Em máu không.
Y tá: Không phải máu không mà là máu Ô. Mời anh lên lên khoa huyết học hiến máu. (Với CTCĐ) Nhờ anh báo với anh em trong nhà máy ai muốn hiến máu cứ lên thẳng khoa huyết học. (Nói xong lui ra)
Thoa: Cho em hiến máu với.
CTCĐ: Cô là ai?
Thoa: Em là người dân bình thường, thấy tai nạn quá nặng nên em hiến máu.
CTCĐ: Cám ơn cô. Cô cứ đợi anh em công nhân nhà máy chúng tôi hiến máu xong đã nhé. Tôi phải lên khoa huyết học để xem anh em đến đông chưa. (Nói xong, lui ra)
Mẹ Thoa (xuất hiện): Thoa, con làm gì ở đây?
Cô gái: Mẹ đến đây làm gì?
Mẹ Thoa: Mẹ đi tìm con từ sáng đến giờ. Mấy người trong xóm nói thằng Toàn bị thương nên mẹ biết chắc chắn con đang ở bệnh viện. Thôi về đi con, không được quan hệ với thằng Toàn này nữa. Mẹ đã đi coi mấy ông thầy rồi, ông nào cũng nói hai đứa bây tuổi kị nhau khiếp lắm. Nó tuổi cọp, con tuổi lợn thì nó sẽ vồ và nhai sống nuốt tươi con mà thôi (hai tay vồ, miệng nhe răng, nhai).
Thoa: Mẹ thấy có ai nhai người ta như vậy chưa?
Mẹ Thoa: Xưa nay có ai tuổi Dần lấy tuổi Sửu đâu mà biết. Thầy nói có sách có vở, làm gì sai được. Mẹ nói dứt khoát không là không. Bây giờ nó mất một tay rồi, mầy lấy nó mà nuôi báo cô cả đời hay sao?
Thoa: Mất một tay thì làm việc khác, đời nào nhà máy người ta bỏ công nhân của mình chết đói đâu mà lo.
Mẹ Thoa: Con này cứng đầu quá. Mẹ nó nói mà cứ cãi ông ổng. Thôi về đi về đi.
Thoa: Con đợi hiến máu xong mới về.
Mẹ Thoa: Trời ơi, lại còn hiến máu hiến me. Có về không mẹ cắn lưỡi chết bây giờ. (Le lưỡi giả bộ cắn)
Thoa : Thôi con về đây (đi khỏi sân khấu)
Cha Thoa: (Xuất hiện) Bà làm cái gì kỳ cục vậy?
Mẹ Thoa: Tôi đi khám họng.
Cha Thoa: Bà cứ ra rả suốt ngày như thế thì khám cũng vô ích.
Mẹ Thoa: Tôi ra rả chuyện gì ông nói nghe coi?
Cha Thoa: Chuyện con Thoa với thằng Toàn chớ chuyện gì.
Mẹ Thoa: Thì tôi cấm tụi nó lấy nhau, ông làm gì tôi.
Cha Thoa: Bà khám họng mà tới khoa cấp cứu này làm gì?
Mẹ Thoa: Ông tới đây làm gì?
Cha Thoa: Bà tới đây làm gì?
Mẹ Thoa: Ông tới đây làm gì?
Cha Thoa: Bà tới đây làm gì?
Mẹ Thoa: Tui tới đây đuổi con Thoa về, không cho nó hiến máu để cứu thằng Toàn. Ông nghe chưa?
CTCĐ: ( Xuất hiện sẵn khi hai ông bà đang cãi nhau) Dạ thưa hai bác, con nghe hết rồi. Thưa hai bác, con đây là chủ tịch công đoàn nhà máy lớn nhất thành phố và đồng thời là ủy viên ban chấp hành công đoàn thành phố xin đọc bản luận tội như sau:
1. Xét điều 9 chương 2 luật hôn nhân của nước Cọng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam quy định nam 20 tuổi và nữ 18 tuổi có quyền kết hôn và việc kết hôn hoàn toàn tự nguyện, không ai được cưỡng ép hoặc cản trở. Như vậy ông bà đã vi phạm pháp luật.
2. Xét nội quy bệnh viện về việc hiến máu nhân đạo là hoàn toàn tự nguyện, không được ai ngăn cản nhưng ông bà đến đây để ngăn cản con gái ông bà hiến máu nhân đạo. Như vậy ông bà đã vi phạm việc hiến máu nhân đạo.
3. Xét nguyên nhân tai nạn của anh Toàn là do vấn đề hôn nhân của anh và chị Thoa bị cản trở khiến anh bị trầm cảm, u buồn, mất thăng bằng về tâm lý khiến mà sinh ra tai nạn. Vậy ông bà cũng có lỗi trong tai nạn này.
4. Xét rằng bệnh viện là nơi cần sự yên tĩnh để bệnh nhân chữa bệnh nhưng ông bà tới đây cãi cọ, phá rối trật tự an ninh, ngăn cản ý bác sĩ làm việc, chúng tôi sẽ nhờ bảo vệ mời ông bà đến đồn công an để nộp phạt.
Chúng tôi xin đưa toàn bộ vụ này ra tòa để ông bà phaỉ chịu sự trừng phạt của pháp luật và sự lên án của công luận.
Mẹ Thoa: Chết cha rồi ông ơi. Vậy nãy giờ mình vi phạm pháp luật mà không biết. Tại ông nhà tôi hết trơn, tôi không có tội chi.
Cha Thoa: Tại vì bà vợ tôi hết trơn, tôi không có tội chi. Tại bà không đồng ý cho hai đưa lấy nhau mới sinh chuyện thế này đây.
Mẹ Thoa: Bây giờ tôi đồng ý cho hai đưa lấy nhau, ông có đồng ý không?
Cha Thoa: Tôi đồng ý cả hai tay.
CTCĐ: Thưa hai bác, con xin làm chứng và xin xóa bỏ bản cáo trạng. Xin mời hai bác về nhà nghỉ.
(Hai ông bà kéo nhau đi khỏi sân khấu).
CTCĐ: (Một mình, tỏ vẻ vừa thắng lợi) Ha ha. Mình mới diễn kịch lần đầu mà đã thành công. Thế là thằng Toàn sắp được vợ rồi.
Ý tá (xuất hiện): Báo cáo anh chủ tịch công đoàn, cuộc giải phẩu nối tay anh Toàn đã thực hiện xong, hiện anh đã được đưa qua phòng hồi sức.
CTCĐ: Cái tay có nối vào được không anh?
Y tá: Đây là cuộc phẩu thuật khó khăn nhất lần đầu tiên xảy ra ở bệnh viện chúng tôi. Ê-kíp bác sĩ cùng ý tá đã nỗ lực hết mình để hoàn thành nhiệm vụ. Kết quả cánh tay đứt đoạn của anh Toàn đã nối liền từ xương, mạch máu cho đến thịt da. Hy vọng chỉ trong hai tuần nữa anh Toàn sẽ xuất viện với cánh tay lành lặn. Xin chúc mừng anh và nhà máy.
CTCĐ: Chúng tôi vô cùng biết ơn quý bác sĩ và y tá của bệnh viện đã nỗ lự hết mình để cứu cánh tay của bạn tôi. Tôi sẽ về báo cáo lại với ban lành đạo nhà máy và lãnh đạo chúng tôi sẽ đến tận đây để cám ơn quý vị.
(Cả hai đi khỏi sân khấu)


MÀN 2

Bài trí: Bàn ghế như trên nhưng thay biển KHOA CẤP CỨU bằng KHOA HỘ SẢN
Toàn bước vào sân khấu, tay xách lồng cơm, tay xách cái mền, bỏ lồng cơm và cái mền xuống rồi ngồi xuống bên cạnh, đưa một bàn tay ra, mở ra, nắm lại nhiều lần như đang tập cử động. CTCĐ và Ba công nhân xuất hiện.
CTCĐ: Toàn đây rồi. Vợ chú sắp sanh chưa? Tui tui tới động viên chú đây.
Toàn: Hy vọng chừng nửa tiếng nữa anh ạ.
CN A: Tay mầy ra sao rồi?
Toàn: Ổn rồi. Mầy đưa cái gì tao bóp cho mầy xem.
CN A: Trời ơi. Về hỏi vợ mầy có cái gì cho mầy bóp chớ sao lại hỏi tao? Mầy bóp liên tục như vậy vợ mầy chịu sao nổi?
Toàn: Vợ tao bắt tao bóp thường ngày đó mầy. Bả khoái lắm. Mầy biết tao bóp gì không? Nhồi bột cho vợ tao làm nồi bánh canh gánh đi bán.
CN A: Hóa ra mầy vừa bóp bột vừa tập phục hồi chức năng bàn tay.
Toàn: Mấy bửa nay vợ tao nghỉ sanh không làm bột nữa nên tao bóp không thế này đây.
CN B (hỏi Toàn): Thôi ngưng chuyện bóp biếc đi. Mầy ưng con gái hay con trai?
Toàn: Miễn sao mẹ tròn con vuông là tốt, trai gái gì cũng được.
CN B: Tao chỉ ưng con trai. Trai là số một, gái mà chi. Đứa nào có củ lẳng ấy thì con tui.
CN C: Tao chỉ ưng con gái. Gái là số một, trai mà chi. Đứa nào có bươm bướm ấy thì con tui.
CTCĐ: Trái gái là chuyện trời cho, ưng sao được? Trai mà chi, gái mà chi. Con nào có nghĩa có nghì thì hơn.
Toàn: Bây giờ tui xin kết hợp ba câu của các anh để biến thành ca khúc nhạc rap, chúng ta cùng hát, được không?
Tất cả : Được.
(Tất cả 5 người đứng hàng ngang, lần lượt hát theo điệu nhạc rap, tay chỉ vào mặt nhau và chỉ vào vào khán giả)
Toàn: (Hô: một, hai, ba)
CN B: Trai là số một, gái mà chi. Đứa nào có củ lẳng ấy thì con tui.
CN C: Gái là số một, trai mà chi. Đứa nào có bươm bướm ấy thì con tui.
Toàn: Trai mà chi, gái mà chi. Miễn là trót lọt, ấy thì khỏe re.
(5 người cùng đồng ca)
Trai mà chi, gái mà chi. Đứa nào có nghĩa có nghì thì hơn.
CTCĐ: Để đoán thử con của Toàn trai hay gái, mình đề nghị trò chơi này. Trừ Toàn ra, 4 chúng ta chia làm 2 phe bắt thăm. Mình sẽ làm 4 thăm, 2 thăm trai, 2 thăm gái. Chốc nữa vợ Toàn sanh, 2 bạn trật sẽ đãi 2 bạn trúng. Được chưa?
(CTCĐ lấy 4 tờ giấy nhỏ, viết lần lượt 2 thăm trai, 2 thăm gái, vừa viết vừa nói, vừa vo rổi bỏ vào mũ, xóc mũ) Thăm này Gái. Gái nữa. Thăm này trai. Trai nữa. Xong rồi, các chú bắt thăm đi.
CN A (bắt thăm và mở ra): Trai, he he, đúng ý em rồi.
CN B (bắt thăm và mở ra): Gái, he he, y chang ý mình.
CN C (bắt thăm và mở ra): Trai, y chang ý tui.
CTCĐ (bắt thăm và mở ra): Gái, các chú thấy chưa? Bây giờ chúng ta đứng ra hai phe cho rõ ràng đi. Chốc nữa lại cãi lộn thêm mệt.
(4 người chia 2 phe đứng ra hai bên sân khấu)
Y tá (xuất hiện): Tin mừng, tin mừng. (Tất cả 5 người chụm lại quanh y tá). Vợ anh Toàn vừa sinh được một cháu…
Phe trai : Trai
Phe gái: Gái
(Hai bên cãi qua lại vài lần)
Ý tá: Im lặng nghe đây. Vợ anh Toàn vừa anh được một cháu gái khỏe mạnh, cực kỳ dễ thương.
(2 người phe trai xụm xuống, 2 người phe gái lôi hai người phe trai đi. Toàn ôm mền và cặp lồng chạy theo y tá)


HẠ MÀN