Thứ Năm, 13 tháng 3, 2014

VỀ ĐỒNG TRŨNG HẢI LĂNG THĂM XÓM CÀNG

Nguyễn Khắc Phước


Địa hình huyện Hải Lăng đa dạng, ngoài vùng đồi bát úp phía tây quốc lộ, vùng cát phía đông quốc lộ, diện tích rộng nhất là vùng đồng trũng ở phía đông, thuộc vùng hạ lưu sông Ô Lâu.


Gọi là trũng bởi vì nó thấp hơn mặt nước biển từ - 0,30m đến -0,80m, có nơi - 0,1m. Mùa mưa từ tháng Bảy đến tháng Mười Một, nếu bạn có dịp đi ngang huyện Hải Lăng, từ Hải Quế lên Hải Thọ rồi rẽ sang quốc lộ cũ lên Hải Trường, Hải Tân, nhìn về phía tay trái, bạn sẽ thấy một cánh đồng bao la bát ngát hút tầm mắt. Nếu vào mùa mưa thì cánh đồng này trở thành một biển nước bất tận. Giữa cảnh đất trời mênh mông ấy, trong làn hơi nước mờ đục, thấp thoáng những ốc đảo như đang bập bềnh trôi trên sóng nước, đó là những “càng” - những xóm nhỏ giữa đồng không mông quạnh. So với những cù lao ở đồng bằng sông Cửu Long thì những càng này nhỏ bé hơn nhiều.


Càng Cây Da nhìn từ phia tây


Suốt hai mươi năm sống ở quê nhà bên sông Ô Lâu, tôi chưa nghe ai nói về “càng”. Cách đây mấy năm, bạn tôi là anh Võ Văn Hoa, phó phòng Giáo Dục-Đào tạo huyện Hải Lăng, cũng là một nhà thơ, gởi tặng tôi tập thơ thứ hai của anh: “Gió Cuốn Mặt Sông”, trong đó có bài thơ nhan đề “Về Càng”, địa danh nghe lạ quá, tôi không hình dung được ở đó như thế nào. Tôi gọi điện thoại về làng hỏi thăm bà con, họ nói biết nhưng không ai có việc gì phải đến đó (vì làng tôi không có càng). Bạn tôi là cán bộ ngành giáo dục của huyện nên định kỳ phải đi thanh tra trường lớp, do đó đã đến các càng nhiều lần, được ngắm phong cảnh nên thơ và được đồng nghiệp và bà con ở càng tiếp đón nồng hậu, như anh viết:

Lâu lắm anh mới về thăm Càng
Trong mùa nước nổi vượt đò sang
Bạn đem chai rượu ra mừng đón
Mồi sẵn xung quanh diệc với ngàn…

Bài thơ của bạn khiến tôi ước ao một lần về càng cho biết. Và tự nhiên rồi duyên đến, không phải một mà hai người bạn đang dạy học ở càng mời về chơi, đó là anh Hà Văn Lợi đang dạy ở càng Mỹ Chánh và cô Nguyễn Thị Thùy Dương đang dạy ở càng Cây Đa.



Càng Cây Da nhìn từ phia đông

Từ quốc lộ cũ ở xã Hải Thọ, tôi đi xe máy bò theo một con đường xi măng rộng hơn một mét và cao cũng chừng ấy, ngoằn ngoèo vòng vo giữa cánh đồng ngập nước để đến càng Cây Đa. Từ cha sinh mẹ đẻ đến hôm ấy, tôi chưa bao giờ đi băng đồng trên một con đường vừa dài, vừa hẹp, vừa uốn lượn như một con rắn khổng lồ! Không hiểu người ta làm con đường ngoằn ngoèo như vậy để làm gì, chỉ thêm tốn tiền và mất thì giờ, trong khi hai bên đều là đồng trống, không bị áp lực phải đền bù giải tỏa. Gió thổi khá mạnh và tôi sợ bị ngã xuống ruộng. Mỗi lần qua chỗ quẹo là tôi thấy ớn lạnh, hai tay run. Một đàn vịt hơn trăm con băng qua đường làm tôi chới với... Rốt cục thì tôi cũng đến được càng Cây Đa. Hú vía!


Cô giáo Thùy Dương đứng ở sân trường
Từ xa đã thấy ngôi nhà thờ cao vút khỏi hàng tre gầy, đến gần mới thấy nó quá to và đẹp so với xóm càng nhỏ bé. Để vào càng, cô Thùy Dương dẫn tôi qua một chiếc cầu bê tông dài chừng mười mét, rộng chưa tới một mét khiến tôi sợ quá phải dắt bộ.
Ngoài nhà thờ cao to bề thế thì nhà người dân đa phần đều nhỏ bé đến tội nghiệp, hầu hết đều xây bằng gạch không tô trên nền đất rất cao chừng một mét để tránh lũ. Tuy nhiên, theo lời cô Thùy Dương, vào mùa nước nổi vẫn bị ngập cả mét. Lúc đó, nhà thờ trở thành nơi tránh lũ của người dân và lớp học của con trẻ. (Cảnh này làm tôi nhớ đến làng nhà chồ ở Đà Nẵng cách đây hơn chục năm. Người ta làm nhà chòi trên nước nhưng không bao giờ bị ngập lụt).


Càng Cây Đa có gần bốn chục nóc nhà. Học sinh chưa tới hai chục em nhưng chia thành năm lớp, học trong một ngôi trường có hai phòng, mái lợp tôn. Trường dựng trên nền đất không cao nên chỉ học được vào mùa nắng. Những ngôi trường như thế này rất hiếm thấy ở vùng quê khác. Có hai lớp học chung trong một phòng gọi là lớp ghép. Cô Thùy Dương - bạn tôi đã nghỉ hưu 5 năm nhưng vẫn được mời dạy lớp bồi dưỡng học sinh giỏi. Mặc dù thù lao không nhiều nhưng cô cảm thấy hạnh phúc khi mang con chữ đến cho học sinh nghèo “vùng sâu, vùng xa”.



Đường vào càng Mỹ Chánh

Tôi đến càng vào ngày Chủ nhật, nhằm lúc nhiều học trò của cô đang tập trung ở nhà thờ nhận quà từ thiện. Những phụ nữ đi ngang trường đều chào cô và cô chào lại một cách thân thiện. “Bữa ni em dẫn bạn đi tham quan nên không ghé nhà chị chơi được nghe”, cô nói với một chị như vậy. Và tôi lại nhớ bài “Về Càng”, với khổ thơ tiếp theo:

Về càng mới thấy càng khổ học
Lội bùn cô giáo đến trường xa
Yêu thương con trẻ đâu còn nhọc
Những mầm, chồi, nụ biến thành hoa.

Sau khi ghé thăm trường của cô Thùy Dương, chúng tôi đến thăm càng Mỹ Chánh, nơi bạn tôi là anh Hà Văn Lợi đang dạy. Chúng tôi qua một chiếc cầu trước mặt nhà thờ dẫn đến một con đường xi-măng rộng chừng ba mét, đủ để một chiếc ô tô chạy được. Chiếc cầu và nhà thờ tạo thành một cảnh khá xinh, mà nếu chỉ lấy riêng cảnh này thì người xem sẽ không tưởng tượng nó nằm giữa vùng đồng không, chẳng có gì ngoài nước và trời. Buồn ơi là buồn! Người có chút tâm hồn đa cảm đến đây thế nào rồi cũng xúc động mà viết thành thơ.


Trường tiểu học càng Mỹ Chánh
Càng Mỹ Chánh cách càng Cây Đa chừng 2 cây số, có khoảng 40 nóc nhà và một nhà thờ nhỏ hơn nhà thờ Cây Đa, do một nữ tu quản lý. Ngôi trường tiểu học ở đây được xây kiên cố, mặt tiền khá đẹp, có hai tầng, mỗi tầng hai phòng, học sinh có 25 em, chia thành 5 lớp. Ngôi trường cũng là nơi tránh bão lũ của dân càng. Hôm nay nhằm ngày Chủ nhật nên thầy giáo Lợi không đến lớp và tôi cũng không có dịp được anh đãi món cháo nhái ngon tuyệt, là đặc sản của vùng này, như anh đã hứa.

Vùng hạ lưu sông Ô Lâu có đến 7 xóm càng và mỗi càng lại cùng tên với một làng trong vùng: càng Hưng Nhơn, càng An Thơ, càng Trung Đơn, càng Mỹ Chánh … và càng cách làng ít nhất là 5 cây số. Càng Mỹ Chánh cách làng Mỹ Chánh hơn 6 cây số đường chim bay.
Nhà thờ càng Mỹ Chánh
Tại sao gọi những xóm nhỏ ấy là “càng” mà không gọi là “làng”? Có nhiều cách giải thích khác nhau. Theo tôi, càng được thành lập do truyền thống nghề nông của vùng này. Từ xa xưa, khi đến vùng này cư trú, những vị khai canh chọn vùng đất cao phía tây để làm nhà, sau đó tiến về vùng đồng bằng bao la phía đông để khai khẩn, vùng đồng bằng thường ngập sâu trong nước thành ruộng lúa. Mỗi năm chỉ trồng được một vụ xuân hè, gặt xong thì rút quân về làng. Trong mùa vụ, mỗi làng cử một vài người ở lại để canh giữ lúa, hết mùa lúa cũng phải có người giữ, nếu không sẽ bị người làng khác đến dành, lâu dần họ biết cách tồn tại với lũ và mang vợ con đến để sinh sống lâu dài. Sự mở rộng và vươn xa của làng tựa như cái càng cua vươn ta từ thân cua nên người ta gọi những xóm nhỏ giữa đồng ấy là “càng”.


Nhà dân càng Mỹ Chánh
Người dân làng Lương Điền quê tôi đã từng về vùng trũng thuê đất màu mỡ để trồng lúa (vì làng tôi đến chậm nên không còn đất để lập càng). Hơn 50 trước, chính tôi đã chứng kiến những cuộc “hành quân” rầm rộ của người dân làng Lương Điền mỗi năm hai lần (cấy và gặt) xuôi về phía đông gọi là đi làm ruộng sâu. (Câu “Ruộng sâu trâu nái” khá đúng nghĩa ở đây). Mỗi lần xuất quân như vậy người ta bỏ cả tháng để lên kế hoạch, chuẩn bị phân, giống, trâu, thuyền, dụng cụ cày bừa, tre và tranh để dựng chòi, lương thực, nước uống… đầy đủ. Đến ngày đi, người ta thức dậy từ canh hai, chia làm hai toán, một toán chở cày bừa, phân giống, lương thực bằng thuyền xuôi theo dòng Ô Lâu. Một toán khác dẫn trâu theo đường bộ băng qua Hà Lỗ tiến về Văn Trị, Hưng Nhơn… Đến mùa gặt họ chuẩn bị ít hơn và chỉ đi bằng thuyền.


Ngoài nghề trồng lúa mỗi năm một vụ, người dân vùng này có thêm nghề nuôi vịt và đánh cá. Suốt mùa mưa chừng 5 tháng, đồng ruộng nhà cửa đều ngập nước, mọi sinh hoạt đều ở trên chạn nhà sát mái và đi lại bằng xuồng. Ngày xưa, trẻ con vùng này không được học hành. Ngày nay, nhà nước đầu tư tuyến đê bao kiêm đường giao thông nên việc đi lại thuận tiện hơn, đưa giáo viên về tận nơi nên tất cả trẻ em đều được học hành. Lương giáo viên dạy ở các càng được tăng 75%  và tổng thu nhập có thể bằng lương một bác sĩ tại một bệnh viện ở thành phố, nên có nhiều giáo viên xung phong đi đến nỗi ban giám hiệu phải ưu tiên cho những thầy cô gặp khó khăn như có cha mẹ già bị bệnh, có con đang học đại học v.v...

Điều đáng trân trọng ở đây là Nhà nước bỏ hàng tỷ đồng để đưa “điện, đường, trường, trạm” đến tận nơi cho người dân vùng sâu thay vì “quy hoạch” họ đến ở một chỗ cao hơn, biến họ từ nông dân trở thành người kẻ chợ như nhiều nơi khác đã làm.

Nếu những làng mạc vùng hạ lưu sông Ô Lâu này được thành lập sau khi vua Chiêm dâng hai châu Ô và Rí làm sính lễ xin cưới Huyền Trân công chúa, đất này đổi tên thành châu Thuận và trở thành lãnh thổ nước Đại Việt, thì đến nay đã hơn 700 năm và những vị khai canh đã truyền được trên 20 đời con cháu. 700 năm chịu đựng cuộc sống thô sơ này chắc phải có cái gì lôi cuốn khiến họ không muốn bỏ đất ra đi. Hoặc là họ theo lời dặn dò của tiền nhân như câu đối trong miếu thờ ở càng Hưng Nhơn: “Tiền nhân khai phá ma lâm xứ - Hậu thế bảo tồn Vĩnh Hưng thôn”,(tạm dịch: Người đi trước khai khẩn chốn rừng thiêng - Thế hệ cháu con gìn giữ mảnh đất Vĩnh Hưng) hoặc là họ đã quá thích nghi để sinh tồn trong môi trường gần hư hoang dã này, nói theo ngôn ngữ bây giờ là biết cách “sống chung với lũ”, nay lại được Nhà nước tôn trọng lối sống tự nhiên đó, cũng là tôn trọng quyền con người, đồng thời nâng cấp phương tiện giao thông và dân trí, thì chắc chắn đời sống của bà con ở đây mỗi ngày một tốt đẹp hơn, văn minh hơn, khiến họ mãi mãi bám đất bám làng, nối nghiệp cha ông.

Chuyến thăm những xóm càng của tôi rất tiếc phải tạm ngưng vì một trận bão mới sẽ tới miền Trung vào ngày hôm sau và tôi phải về Đà Nẵng gấp để neo chống nhà cửa. Cầu mong xóm càng an toàn trong mưa bão. Xin tạm chia tay với cô giáo Thùy Dương và bà con vùng đồng trũng, hẹn tái ngộ một ngày rất gần.

NPK

Không có nhận xét nào: