Thứ Tư, 9 tháng 4, 2014

VỀ HỘI AN THĂM NHÀ THƠ NGUYỄN MIÊN THƯỢNG VÀ DỰ HỘI THƠ NGUYÊN TIÊU


Tin và ảnh: Nguyễn Khắc Phước

Cùng với đông đảo du khách từ rất nhiều nước trên thế giới, chúng tôi đi bộ qua các con phố thắp sáng bằng đủ loại đèn lồng, là nét đặc trưng của Hội An vào những lễ hội Đêm Rằm Phố Cổ. Nhà báo-nhà thơ Lê Bá Lư và tôi đến Hội An lần này cốt để dự Hội Thơ Đêm Nguyên Tiêu vào tối 14 tháng Giêng Giáp Ngọ nhằm ngày 13/2/14.





Trong khi chờ Hội Thơ khai mạc, chúng tôi tranh thủ đến thăm nhà thơ Nguyễn Miên Thượng, người xứ này thường gọi ông là “Kỳ Nhân Phố Hội” bởi ông có cuộc sống phiêu bạt suốt thời trai trẻ bằng nghề ảo thuật, có tài viết văn, làm thơ từ đầu thập niên 1960, in tập thơ đầu tiên năm 1973 và đặc biệt dù cuộc sống khá vất vả nhưng tinh thần thì luôn lạc quan, yêu đời. Ngay cả khi tuổi đã cao, mắt đã kém, gần như mù, vẫn tiếp tục sáng tác, biểu diễn ảo thuật cho người mắt sáng xem để gây quỹ cho các hội từ thiện.

Nhà thơ tiếp chúng tôi trước hiên một căn nhà nhỏ phía sau căn nhà lớn mặt tiền mà ông đã cho người ta thuê để kinh doanh. Trong diện tích khá khiêm tốn ấy đang sinh sống một gia đình với bốn thế hệ. Ông cho chúng tôi đọc một bài trên Tạp chí Đời Sống Hôn Nhân có nhan đề: Hạnh phúc giản dị trong gia đình "tứ đại đồng đường" của "Kỳ nhân phố Hội" viết về cuộc sống vật chất và tình cảm của mọi người trong đại gia đình của ông, nơi mà ai cũng yêu thương, kính trọng và đùm bọc lẫn nhau.

Nhà thơ tặng chúng tôi mỗi người một tập Quán Trọ, tập thơ thứ 9 của ông với 108 bài thơ tình.

Chúng tôi xin phép rời trước để dạo chơi một chút quanh phố cổ trước giờ Hội Thơ Nguyên Tiêu khai mạc, còn ông đi sau vì phải đợi mấy người bạn thơ đến để đi cùng.

Chúng tôi đến đúng 19g30 để dự khia mạc Đêm Thơ Nguyên Tiêu tổ chức tại công viên Kazik - số 138 đường Trần Phú – Hội An. Một sân khấu nhỏ đã dựng sẵn và ghế dành cho đại biểu và khán giả đã sắp ngay ngắn. Chẳng bao lâu, tất cả các ghế đã đầy khán giả, kể cả một số người nước ngoài.




Chương trình bắt đầu với với thi phẩm bất hủ Nam Quốc Sơn Hà của Lý Thường Kiệt có vẻ như không hợp lắm với chủ đề “Hội An, Tôi và Em” được ghi trên tấm phông, nhưng sau đó, khán giả được thưởng thức những thi phẩm của những nhà thơ quen thuộc của Quảng Nam, Đà Nẵng, những ca khúc về mùa xuân được các giọng ca từ Đà Nẵng biểu diễn, đặc biệt, được nghe chính các nhạc sĩ như Trần Ái Nghĩa, Nguyễn Đức, Minh Hải, Thu Thủy tự dệm đàn và hát các ca khúc của chính mình phổ thơ của các nhà thơ Quảng Nam viết về tình yêu quê hương, cuộc sống bình dị và tấm lòng mến khách của người Hội An. Tôi rất ngạc nhiên thấy sự xuất hiện của nhạc sĩ-họa sĩ Tôn Thất Bằng, một người quê Quảng Trị đang sinh sống tại Đà Nẵng và nghe anh hát ca khúc mới của anh. Đó là một ca khúc hết sức sôi động và khi anh kết thúc, tôi liền mang hoa tặng anh. Tôi chưa bao giờ nghe các nhạc sĩ ấy hát một cách say sưa như vậy. Còn nhiều tiết mục hấp dẫn khác mà tôi không thể nhớ hết để kể lại cho các bạn nghe.




Khá nhiều nhà thơ từ các thành phố khác đã đến tham dự và đọc thơ của mình. Bạn tôi là Lê Bá Lư từ TP Hồ Chí Minh cũng góp vui bằng bài thơ Lời Hẹn Đầu Năm của anh.




Người hạnh phúc nhất hôm đó có lẻ là nhà thơ Nguyễn Miên Thượng vì ông cười sảng khoái khi nghe nhạc sĩ Thu Thủy vừa đệm đàn vừa hát một ca khúc của chị phổ bài thơ Hoài Niệm Hội An của ông.

Một điều làm tôi cảm động là chỉ trừ vài người nước ngoài về sớm, còn hầu hết khán giả ngồi theo dỏi và tán thưởng từ đầu cho đến cuối chương trình, không một cái ghế nào bị bỏ trống. Điều đó chứng tỏ người Hội An rất mê thơ.

Đêm Nguyên Tiêu không chỉ là buổi đọc thơ mà chính nó cũng tạo ấn tượng và cảm xúc để các nhà thơ sáng tác. Sau một lần dự Đêm Nguyên Tiêu, Nguyễn Miên Thượng đã chong đèn để viết bài Gã Mù Và Đêm Nguyên Tiêu và tôi đã xin phép nhà thơ để chép lại từ tập Quán Trọ mà ông tặng tôi để hầu bạn đọc.

GÃ MÙ VÀ ĐÊM NGUYÊN TIÊU

                      Tôi viết tặng tôi

Ta thấy trăng lên đêm mờ mịt
Trần gian sâu lắng đến rợn người
Hình như em hát từ thiên cổ
Ngữ âm nức nở đến nghẹn lời

Ta ngồi đếm gió từ vô lượng
Thổi mù kỷ niệm mấy luân hồi
Làm chi ai biết ai tiền kiếp?
Mà nợ nần nhau cuộc đổi dời!

Chẳng lẻ mây bay từ phương lạc
Kéo về phủ kín chút trăng treo
Đan tâm che khuất tầm sương khói
Dần nát hồn đau bóng tịch liêu

Có phải vàng trăng mờ sương núi
Hong đêm trời lộng sáng nguyên tiêu
Mình ta côi cút đêm trừ tịch
Tràn xuống buồng tim lạnh tuổi chiều

Lơ ngơ về giữa đời ô trược
Có một gã mù lặng ngóng trăng
Cho dẫu ba mươi đêm vẫn sáng
Hồ huống chi em lộng lẫy rằm...

NKP

Nguồn: Datdung.com

3 nhận xét:

Vivi099 nói...

Khế thấy ngọt ...

Ngọc Dung nói...

Theo chân anh Ngọc Dung sang thăm,trước chúc sức khỏe và cảm ơn anh Hai Lúa đã ghé thăm,Ngọc Dung sẻ vào thăm trang
vannghequangtri.blogspot.com cùng trang nhà của anh thật nhiều để thưởng thức những bài thơ thật hay và cần học hỏi thật nhiều để tự hoàn thiện cho mình những bài thơ giàu cảm xúc,chúc chiều như ý anh nhé.

hợp âm Fa trưởng nói...

chúc a luôn khỏe nhé!