Nguyễn Khắc Phước
NGƯỜI ĐÀN BÀ TUỔI DẦN
Truyện ngắn
Tôi tên là Lê Thị Đảnh. Lúc đầu cha
tôi làm khai sinh đặt tên Dần vì tôi tuổi Dần, nhưng mạ tôi không chịu, sợ sau
khó lấy chồng, xin hộ tịch đổi lại tên Đảnh. Có lẽ Dần dễ sửa thành Đảnh, chớ
lúc mới sinh, tôi có đỏng đảnh gì đâu. Thế nhưng tôi thích tên Dần hơn vì bọn
con trai trong làng thường giễu tôi là “đỏng đảnh như mụ Cảnh n.l.”, bị tôi rượt
chạy có cờ nhưng rồi chúng nó vẫn cứ nói câu bậy bạ đó.
Quê tôi miền Trung, có dòng sông nước
bốn mùa trong vắt. Hồi tôi còn bé, hai bờ chưa bị xói lở như bây giờ. Mỗi xóm
chọn một bãi tắm gần nhà. Chiều đến, nhất là vào mùa hè, dàn ông, đàn bà, già
trẻ lớn bé đổ xuống bến tắm giặt. Mẩy ông lớn tuổi thoải mái cỡi truồng, hai
tay bụm chỗ kín, tà tà lội xuống nước, cố tình lội ngang đám đàn bà và bắt chuyện:
“Chiều ni nóng quá, mấy o hí?”
Mấy thằng cỡ 14, 15 bằng tuổi tôi lúc
ấy chưa bao giờ mặc quần lúc tắm. Sáu Dư là đứa nghịch nhất bọn, thường bơi ngữa,
mình chìm dưới nước, chỉ để lộ con chim trên mặt nước, tự gọi là tiềm thủy đỉnh.
Đôi khi nó giả bộ bơi lộn sang đám con gái làm chúng tôi phải chạy tứ tán. Có lần tôi vung tay qua lại nghịch nước, đụng
phải vật gì đó, quay lại thấy Sáu Dư bụm chim chạy lên bờ, kêu đau quá đau quá
rồi nằm lăn xuống cát. Tôi lên bờ, dựt tay hắn ra xem có sao không, hắn liền
vùng dậy, vừa chạy vừa kêu: “Con Đảnh rờ chim tau, con Đảnh rờ chim tau, tụi
bây ơi.” Đó là lần đầu tiên tôi dụng phải chim của Sáu Dư.
Sáu Dư cũng là thằng chuyên chơi trò
tuột quần dây thun. Mỗi khi có nhóm bạn, đặc biệt khi có trai lẫn gái, lợi dụng
lúc họ đang nói chuyện say sưa, hắn lén đến sau lưng một người, hai tay nắm hai
bên hông quần, tuột xuống thật mạnh. Người bị tuột quần không bắt nó được vì
hai tay phải nắm quần kéo lên. Sáu Dư thường bị rượt đuổi nhưng rồi hắn quay lại,
nhe răng cười trừ.
Hết chiến tranh, tôi rời trại tạm cư
về quê, lúc ấy đã là cô gái trên hai mươi. Tất cả ruộng tư đều sung vào hợp tác
và tôi thành xã viên, bắt đầu học nhổ mạ, cấy lúa, gánh phân, làm cỏ. Sáng tinh
mơ nghe kiểng là dậy, ăn vội mấy củ khoai hoặc sắn nấu sẵn từ đầu hôm, gói thêm
mấy củ nữa dành cho bữa trưa, rồi tất tả ra đồng, tối mờ tối mịt mới rời ruộng,
về đến nhà thì đã đỏ đèn. Bữa tối mới có chén cơm độn khoai sắn, chỉ vừa lưng bụng,
nửa đêm thức giấc, đói thắt tha thắt thẻo, không ngủ được.
Trai gái trong làng cỡ tuổi tôi lần
lượt lập gia đình, riêng tôi không ai ngó ngàng đến vì họ sợ tuổi Dần. Tôi ghét
lão nào ngày xưa bắt con người cầm tinh con vật. Con người và con vật khác loài,
mắc chi con người mang tuổi vật, vậy con vật mang tuổi gì? Trong khi đó, người
và vật, theo nhà Phật, đều là chúng sinh như nhau. Cái thời con người và con vật
sống bên nhau ấy đã xa lắc rồi. Thời đó, người còn ăn lông ở lỗ, cọp nhởn nhơ đầy
rừng, sẵn sàng vồ người giết thịt, còn bây giờ, người ta giết cọp sạch trơn, chẳng
thấy một con. Cọp thì không sợ, lại sợ người mang tuổi cọp. Vớ vẩn!
Sáu Dư lấy vợ, có hai con, trở thành
đội trưởng đội sản xuất số 5, thường gọi là đội 5. Tên thôn, tên làng gần như bỏ
hẵn, chỉ dùng tên đội. Tôi là đội viên của anh ta.
Bọn đàn ông ban ngày cày bừa, ban đêm
tranh thủ cầm đèn đi soi, gặp con gì bắt con nấy, kể cả rắn độc. Riết rồi chẳng
nghe thấy ếch, nhái, ểnh ương gì kêu hết trọi. Sau tối họp đội, họ thường đi
soi tập thể, rồi tập trung tại một nhà ai đó làm mồi nhậu với rượu sắn, nói
chuyện ba xàm tới quá khuya mới về. Còn bình thường, họ mang về nhà cho vợ con
nấu cháo để được thêm chút đạm.
Tôi cấy chậm và thường ít điểm hơn
người ta. Trong một buổi họp, đội cần một chân bảo vệ kho lúa ban đêm, hỏi ai
cũng lắc đầu, tôi liền đưa tay xin nhận. Lúc đầu người ta nhìn tôi châm chọc
nhưng cuối cùng phải nhận tôi vì trong đám thanh niên lúc ấy chỉ có tôi còn độc
thân, những người còn lại đều đã có gia đình, ban đêm họ ôm nhau ngủ ấm, mắc
chi phải ôm bao lúa cho lạnh.
Ban ngày tôi đi làm đồng, tối về ăn
cơm xong, ôm mền lên kho lúa ngủ. Tôi dậy lúc sớm bửng khi dân làng còn ngủ,
lén dấu mấy lon lúa lép trong mền, đem về cho vịt ăn.
Một sáng nọ, khi tôi vừa ra khỏi sân
kho thì Sáu Dư xuất hiện, chỉ vào cái mền, ra lệnh: “Cái chi trong đó, bỏ ra
coi.” Tôi lẹ tay hất cái mền, lúa lép bay tung tóe, và ngay lập tức, tôi cỡi quần
nằm ngay xuống bãi cỏ, la lớn: “Dáu Dư hiếp tui, Sáu Dư hiếp tui, bà con ơi!” La
lớn nhưng kho lúa cách nhà gần nhất cũng gần nửa cây số nên không ai nghe. Sáu
Dư bỏ chạy mất dạng. Tôi bình tĩnh trở lại kho lúa, xúc lại mấy lon lúa lép, nếu
không thì lấy gì cho vịt ăn!
Buổi họp đội sau đó chẳng thấy Sáu Dư
nói gì về chuyện tôi ăn cắp lúa lép.
Sau buổi họp mấy đêm, lúc ấy đã khuya,
tôi nghe có tiếng chân người ngoài sân, liền tằng hắng, cho biết mình đang thức.
Có tiếng nói khẽ, đúng là giọng Sáu Dư. “Này này, lúa lép bữa nay có nhiều hạt
chắc lắm nghe, sàng sảy ra mà dùng, đừng cho vịt ăn hết, uổng lắm.”
Tôi như mở cờ trong bụng, làm thinh,
giả bộ không nghe, đoán biết hắn đã thấy cái gì hôm đó rồi, mà đã thấy thì
không thể không thèm. Hắn cũng tuổi Dần như tôi, mà cọp thì thường trở lại bắt
con mồi vồ trượt.
Chừng một tuần sau, cũng vào lúc nửa
đêm, tôi nghe tiếng Sáu Dư thì thào: “Đảnh ơi!… Đảnh ơi!...” Tôi gắt giọng: “Ai
đêm hôm khuya khoắt định đến ăn trộm lúa phải không? Đi đi, không tui đánh kiểng
báo động xã viên tới bắt liền đó.” Sáu Dư nói: “Thôi mà, thôi mà! Sáu Dư đây.
Tui báo công Đảnh làm tốt nên họ thưởng cho Đảnh tấm vải đây, mở cửa ra tui đưa
cho.” “Có thiệt không?” “Thiệt chớ răng không.”
Tôi hé cửa và Sáu Dư lẻn vào. Trong
bóng tối, hắn đưa cho tôi một gói giấy, tôi sờ và ngửi thì đúng là vải mới thật.
Tôi nói: “Răng ban ngày ban mặt không đưa, mắc chi đêm hôm đi cho cực?” Sáu Dư
nói: “Nói thiệt hôm trước chộ rồi, về khó ngủ quá, cứ tơ tưởng miết. Bữa ni cho
chộ chút nữa được không?”
Đúng như tôi đoán, con cọp này trở lại
tìm mồi lần nữa. Kiểu này thì không thể từ chối hắn được vì hắn đã bỏ qua tội
tôi ăn cắp lúa lép, lại còn cho quà. Tôi ỡm ờ: “Tối thui thế ni mà chộ chi, để
lúc khác được không?” Hắn nói: “Miễn răng tui chộ được thôi.”
Tôi để cho Sáu dư “chộ” thoải mái đến
độ tôi không cịu được nữa, biểu hắn ngồi lên bao lúa giống trên đầu giường và
tôi chồm lên. (Bởi cái giường tre tôi nằm quá ọp ẹp, không thể chịu đựng sức nặng
của hai người.)
Mỗi tuần Sáu Dư đến với tôi hai, ba lần.
Để cho an toàn nên anh ta ngủ với vợ rồi mới đi, nói ra đồng kiểm tra xem nước
đã được trổ vào ruộng chưa hoặc đi đếm xem bao nhiêu bó mạ đã được nhổ tối nay.
Vậy tôi chỉ hưởng chút xái tăng hai nên chẳng đâu vào đâu.
Chuyện vụng trộm ấy chẳng nhớ kéo dài
được mấy tháng thì tai họa xảy đến. Một đêm hai đứa tôi mệt quá, ngủ đến sáng
trợt, giật mình vùng dậy khi nghe tiếng đám đông bên ngoài sân kho. Thì ra vợ
Sáu dư biết được, dẫn người đến vây kho lúa.
Sau vụ đó, Sáu Dư bị mất chức đội trưởng,
bẽ mặt quá phải bỏ nhà ra đi. Còn tôi mất chân thủ kho, mất cả tư cách xã viên.
May cho tôi là đàn vịt nhờ ăn lúa chắc đã phổng phao, bắt đầu đẻ trứng. Tiền
bán trứng tôi dùng để gầy thêm một đàn vịt nữa. Chẳng bao lâu tôi trở thành một
phụ nữ chăn vịt thả đồng chuyên nghiệp. Hằng ngày tôi lùa vịt ra đồng kiếm ăn,
dẫn tới ao cho chúng tắm. Mùa hè tôi cắm trại luôn ngoài đồng, một phần để tránh
mụ vợ Sáu Dư lâu lâu ngứa mồm lại đến nhà tôi chửi rủa.
Đàn bà mà dám ngủ một mình giữa đồng
không mông quạnh bởi tôi biết đàn ông xứ này ớn con tuổi Dần này rồi, sợ đụng
vào thì thân bại danh liệt, phải tha phương cầu thực như Sáu Dư, làm sao chịu nổi.
Những lần đi lại với Sáu Dư thực bụng
tôi muốn tự túc một đứa con để sau này già mà cậy, thế nhưng rất tiếc tôi không
mang bầu. Sau này tôi nghe chuyện phòng the của cánh phụ nữ mới nghiệm ra rằng
một phần Sáu Dư đã trút hết cho vợ trước khi đến với tôi và một phần vì tư thế
ngồi kiểu đó thì không có cái gì bơi đến nơi đến chốn.
Năm năm sau khi bỏ làng ra đi, Sáu Dư
trở về với thân thể tiều tụy, nước da vàng tái mét. Nghe nói anh ta lên Tây
Nguyên làm thuê cho bọn lâm tặc, vác cưa vào rừng trộm gỗ, nhiều lần bị kiểm
lâm đuổi chạy. Kiểm lâm thì thoát được nhưng muổi thì chịu. Anh ta bị bệnh sốt
rét, bị bọn lâm tặc đuổi việc, đành phải về quê. Tôi cảm thấy mình có lỗi, muốn
tìm cách giúp đỡ nhưng không biết cách nào.
Sáu Dư về với vợ thấy êm ru, không hục
hặc gì, lại còn được vợ bồi dưỡng nên sức khỏe ngày càng khá hơn. Ai cũng khen
vợ Sáu Dư coi vậy mà chung thủy, rộng lượng, đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh
người chạy lại.
Rồi vợ Sáu Dư có bầu. Hôm chị ấy sắp ở
cữ, ý tá xã đoán khó sinh nên chuyển lên bệnh viện tuyến huyện. Vào buổi chiều,
tôi thấy Sáu Dư và một thanh niên khác cùng cáng chị ấy lên đường lộ để đón xe,
theo sau là mẹ ruột của chị.
Chừng hai hôm sau, khi tôi đang ngủ
trong lều giữa đồng thì có ai đó đập vào mông, giựt mình thức dậy thì tháy Sáu
Dư ngồi bên cạnh.
“Ủa, răng không đi theo vợ mà ở nhà rứa?”
“Một người được rồi, nhiều người làm
chi cho tốn,” Sáu Dư thở dài.
“Vậy tối nay thoải mái nhé?”
“Thôi thôi, chịu rồi,” Sáu Dư buồn bã
lắc đầu.
“Thiệt không? Tui kiểm tra nhe?”
Tôi vật Sáu Dư ra để kiểm tra thì quả
thực cái đó còn mềm hơn cả ngón tay thứ sáu không xương của anh.
“Răng lạ rứa?” tôi ngạc nhiên hỏi.
“Thời thanh niên chỉ khoai sắn mà phục
vụ một lúc tới hai bà, sau đó vào rừng làm việc như trâu, ăn uống thiếu thốn, bữa
đói bữa no, lại còn bị sốt rét, thử hỏi còn sức đâu mà ham,” Sáu Dư lại thở
dài.
“Rứa anh mần răng mà chị có bầu?”
“Tối nào cũng ôm ấp nhưng không mần
chi được nên nó phải đi kiếm người khác. Ông ăn chả, bà ăn nem, thôi đành im
cho rồi. Tại mình cả thôi, bụng làm dạ chịu. Cũng không tệ lắm, it bữa nữa, tôi
sẽ được phân thêm ruộng. Con ai đem bỏ chùa này…,” Sáu Dư cười chua chát.
“Chấp nhận như rứa là tốt. Tui có ít
tiền đây, mai anh mang lên trả viện phí và thăm vợ con.”
“Mắc chi mà trả. Thằng cha nó sẽ trả
viện phí,” Sáu Dư vùng vằng.
“Nói rứa mà nghe được à! Anh vừa mới
mừng sắp được phân thêm ruộng răng chừ nói ngược rứa? Không lấy tiền này để trả
viện phí thì ngày mai ở nhà giữ vịt, tui sẽ lên thăm chị ấy,” tôi làm bộ quả
quyết.
NKP