Thứ Ba, 31 tháng 12, 2019

CHÚA Ở ĐÂU? - Thơ NGUYỄN KHẮC PHƯỚC



Chúa hiện diện trong từng cánh hoa
Chúa lượn quanh theo con bướm trước nhà
Chúa là nắng hồng bình minh rực rỡ
Là ngọn gió chiều mát rượi làn da

Chúa trong vòng tay anh mỹ miều
Chúa rộn ràng nhịp trái tim yêu
Chúa hãi hùng đạn bom chinh chiến?
Chúa kinh hoàng bão xoáy lửa thiêu?

Chúa cho ta cõi vô thường làm nôi
Chúa dạy ta luật nghiệp chướng luân hồi
Chúa chỉ đường để ta tự đến
Cõi vĩnh hằng ngay trong trái tim thôi

Chúa đã cho ta tất cả, đủ rồi
Đừng cầu xin chúa nữa bạn ơi
Hãy trở về cõi tâm tĩnh lặng
Để thấy trong ta đã có chúa rồi.

Thứ Tư, 25 tháng 12, 2019

NGƯỜI ĐÀN BÀ TUỔI DẦN - Truyện ngắn Nguyễn Khắc Phước





Nguyễn Khắc Phước
NGƯỜI ĐÀN BÀ TUỔI DẦN
Truyện ngắn

Tôi tên là Lê Thị Đảnh. Lúc đầu cha tôi làm khai sinh đặt tên Dần vì tôi tuổi Dần, nhưng mạ tôi không chịu, sợ sau khó lấy chồng, xin hộ tịch đổi lại tên Đảnh. Có lẽ Dần dễ sửa thành Đảnh, chớ lúc mới sinh, tôi có đỏng đảnh gì đâu. Thế nhưng tôi thích tên Dần hơn vì bọn con trai trong làng thường giễu tôi là “đỏng đảnh như mụ Cảnh n.l.”, bị tôi rượt chạy có cờ nhưng rồi chúng nó vẫn cứ nói câu bậy bạ đó.
Quê tôi miền Trung, có dòng sông nước bốn mùa trong vắt. Hồi tôi còn bé, hai bờ chưa bị xói lở như bây giờ. Mỗi xóm chọn một bãi tắm gần nhà. Chiều đến, nhất là vào mùa hè, dàn ông, đàn bà, già trẻ lớn bé đổ xuống bến tắm giặt. Mẩy ông lớn tuổi thoải mái cỡi truồng, hai tay bụm chỗ kín, tà tà lội xuống nước, cố tình lội ngang đám đàn bà và bắt chuyện: “Chiều ni nóng quá, mấy o hí?”
Mấy thằng cỡ 14, 15 bằng tuổi tôi lúc ấy chưa bao giờ mặc quần lúc tắm. Sáu Dư là đứa nghịch nhất bọn, thường bơi ngữa, mình chìm dưới nước, chỉ để lộ con chim trên mặt nước, tự gọi là tiềm thủy đỉnh. Đôi khi nó giả bộ bơi lộn sang đám con gái làm chúng tôi phải chạy tứ tán.  Có lần tôi vung tay qua lại nghịch nước, đụng phải vật gì đó, quay lại thấy Sáu Dư bụm chim chạy lên bờ, kêu đau quá đau quá rồi nằm lăn xuống cát. Tôi lên bờ, dựt tay hắn ra xem có sao không, hắn liền vùng dậy, vừa chạy vừa kêu: “Con Đảnh rờ chim tau, con Đảnh rờ chim tau, tụi bây ơi.” Đó là lần đầu tiên tôi dụng phải chim của Sáu Dư.
Sáu Dư cũng là thằng chuyên chơi trò tuột quần dây thun. Mỗi khi có nhóm bạn, đặc biệt khi có trai lẫn gái, lợi dụng lúc họ đang nói chuyện say sưa, hắn lén đến sau lưng một người, hai tay nắm hai bên hông quần, tuột xuống thật mạnh. Người bị tuột quần không bắt nó được vì hai tay phải nắm quần kéo lên. Sáu Dư thường bị rượt đuổi nhưng rồi hắn quay lại, nhe răng cười trừ.
Hết chiến tranh, tôi rời trại tạm cư về quê, lúc ấy đã là cô gái trên hai mươi. Tất cả ruộng tư đều sung vào hợp tác và tôi thành xã viên, bắt đầu học nhổ mạ, cấy lúa, gánh phân, làm cỏ. Sáng tinh mơ nghe kiểng là dậy, ăn vội mấy củ khoai hoặc sắn nấu sẵn từ đầu hôm, gói thêm mấy củ nữa dành cho bữa trưa, rồi tất tả ra đồng, tối mờ tối mịt mới rời ruộng, về đến nhà thì đã đỏ đèn. Bữa tối mới có chén cơm độn khoai sắn, chỉ vừa lưng bụng, nửa đêm thức giấc, đói thắt tha thắt thẻo, không ngủ được.
Trai gái trong làng cỡ tuổi tôi lần lượt lập gia đình, riêng tôi không ai ngó ngàng đến vì họ sợ tuổi Dần. Tôi ghét lão nào ngày xưa bắt con người cầm tinh con vật. Con người và con vật khác loài, mắc chi con người mang tuổi vật, vậy con vật mang tuổi gì? Trong khi đó, người và vật, theo nhà Phật, đều là chúng sinh như nhau. Cái thời con người và con vật sống bên nhau ấy đã xa lắc rồi. Thời đó, người còn ăn lông ở lỗ, cọp nhởn nhơ đầy rừng, sẵn sàng vồ người giết thịt, còn bây giờ, người ta giết cọp sạch trơn, chẳng thấy một con. Cọp thì không sợ, lại sợ người mang tuổi cọp. Vớ vẩn!
Sáu Dư lấy vợ, có hai con, trở thành đội trưởng đội sản xuất số 5, thường gọi là đội 5. Tên thôn, tên làng gần như bỏ hẵn, chỉ dùng tên đội. Tôi là đội viên của anh ta.
Bọn đàn ông ban ngày cày bừa, ban đêm tranh thủ cầm đèn đi soi, gặp con gì bắt con nấy, kể cả rắn độc. Riết rồi chẳng nghe thấy ếch, nhái, ểnh ương gì kêu hết trọi. Sau tối họp đội, họ thường đi soi tập thể, rồi tập trung tại một nhà ai đó làm mồi nhậu với rượu sắn, nói chuyện ba xàm tới quá khuya mới về. Còn bình thường, họ mang về nhà cho vợ con nấu cháo để được thêm chút đạm.
Tôi cấy chậm và thường ít điểm hơn người ta. Trong một buổi họp, đội cần một chân bảo vệ kho lúa ban đêm, hỏi ai cũng lắc đầu, tôi liền đưa tay xin nhận. Lúc đầu người ta nhìn tôi châm chọc nhưng cuối cùng phải nhận tôi vì trong đám thanh niên lúc ấy chỉ có tôi còn độc thân, những người còn lại đều đã có gia đình, ban đêm họ ôm nhau ngủ ấm, mắc chi phải ôm bao lúa cho lạnh.
Ban ngày tôi đi làm đồng, tối về ăn cơm xong, ôm mền lên kho lúa ngủ. Tôi dậy lúc sớm bửng khi dân làng còn ngủ, lén dấu mấy lon lúa lép trong mền, đem về cho vịt ăn.
Một sáng nọ, khi tôi vừa ra khỏi sân kho thì Sáu Dư xuất hiện, chỉ vào cái mền, ra lệnh: “Cái chi trong đó, bỏ ra coi.” Tôi lẹ tay hất cái mền, lúa lép bay tung tóe, và ngay lập tức, tôi cỡi quần nằm ngay xuống bãi cỏ, la lớn: “Dáu Dư hiếp tui, Sáu Dư hiếp tui, bà con ơi!” La lớn nhưng kho lúa cách nhà gần nhất cũng gần nửa cây số nên không ai nghe. Sáu Dư bỏ chạy mất dạng. Tôi bình tĩnh trở lại kho lúa, xúc lại mấy lon lúa lép, nếu không thì lấy gì cho vịt ăn!
Buổi họp đội sau đó chẳng thấy Sáu Dư nói gì về chuyện tôi ăn cắp lúa lép.
Sau buổi họp mấy đêm, lúc ấy đã khuya, tôi nghe có tiếng chân người ngoài sân, liền tằng hắng, cho biết mình đang thức. Có tiếng nói khẽ, đúng là giọng Sáu Dư. “Này này, lúa lép bữa nay có nhiều hạt chắc lắm nghe, sàng sảy ra mà dùng, đừng cho vịt ăn hết, uổng lắm.”
Tôi như mở cờ trong bụng, làm thinh, giả bộ không nghe, đoán biết hắn đã thấy cái gì hôm đó rồi, mà đã thấy thì không thể không thèm. Hắn cũng tuổi Dần như tôi, mà cọp thì thường trở lại bắt con mồi vồ trượt.
Chừng một tuần sau, cũng vào lúc nửa đêm, tôi nghe tiếng Sáu Dư thì thào: “Đảnh ơi!… Đảnh ơi!...” Tôi gắt giọng: “Ai đêm hôm khuya khoắt định đến ăn trộm lúa phải không? Đi đi, không tui đánh kiểng báo động xã viên tới bắt liền đó.” Sáu Dư nói: “Thôi mà, thôi mà! Sáu Dư đây. Tui báo công Đảnh làm tốt nên họ thưởng cho Đảnh tấm vải đây, mở cửa ra tui đưa cho.” “Có thiệt không?” “Thiệt chớ răng không.”
Tôi hé cửa và Sáu Dư lẻn vào. Trong bóng tối, hắn đưa cho tôi một gói giấy, tôi sờ và ngửi thì đúng là vải mới thật. Tôi nói: “Răng ban ngày ban mặt không đưa, mắc chi đêm hôm đi cho cực?” Sáu Dư nói: “Nói thiệt hôm trước chộ rồi, về khó ngủ quá, cứ tơ tưởng miết. Bữa ni cho chộ chút nữa được không?”
Đúng như tôi đoán, con cọp này trở lại tìm mồi lần nữa. Kiểu này thì không thể từ chối hắn được vì hắn đã bỏ qua tội tôi ăn cắp lúa lép, lại còn cho quà. Tôi ỡm ờ: “Tối thui thế ni mà chộ chi, để lúc khác được không?” Hắn nói: “Miễn răng tui chộ được thôi.”
Tôi để cho Sáu dư “chộ” thoải mái đến độ tôi không cịu được nữa, biểu hắn ngồi lên bao lúa giống trên đầu giường và tôi chồm lên. (Bởi cái giường tre tôi nằm quá ọp ẹp, không thể chịu đựng sức nặng của hai người.)
Mỗi tuần Sáu Dư đến với tôi hai, ba lần. Để cho an toàn nên anh ta ngủ với vợ rồi mới đi, nói ra đồng kiểm tra xem nước đã được trổ vào ruộng chưa hoặc đi đếm xem bao nhiêu bó mạ đã được nhổ tối nay. Vậy tôi chỉ hưởng chút xái tăng hai nên chẳng đâu vào đâu.
Chuyện vụng trộm ấy chẳng nhớ kéo dài được mấy tháng thì tai họa xảy đến. Một đêm hai đứa tôi mệt quá, ngủ đến sáng trợt, giật mình vùng dậy khi nghe tiếng đám đông bên ngoài sân kho. Thì ra vợ Sáu dư biết được, dẫn người đến vây kho lúa.
Sau vụ đó, Sáu Dư bị mất chức đội trưởng, bẽ mặt quá phải bỏ nhà ra đi. Còn tôi mất chân thủ kho, mất cả tư cách xã viên. May cho tôi là đàn vịt nhờ ăn lúa chắc đã phổng phao, bắt đầu đẻ trứng. Tiền bán trứng tôi dùng để gầy thêm một đàn vịt nữa. Chẳng bao lâu tôi trở thành một phụ nữ chăn vịt thả đồng chuyên nghiệp. Hằng ngày tôi lùa vịt ra đồng kiếm ăn, dẫn tới ao cho chúng tắm. Mùa hè tôi cắm trại luôn ngoài đồng, một phần để tránh mụ vợ Sáu Dư lâu lâu ngứa mồm lại đến nhà tôi chửi rủa.
Đàn bà mà dám ngủ một mình giữa đồng không mông quạnh bởi tôi biết đàn ông xứ này ớn con tuổi Dần này rồi, sợ đụng vào thì thân bại danh liệt, phải tha phương cầu thực như Sáu Dư, làm sao chịu nổi.
Những lần đi lại với Sáu Dư thực bụng tôi muốn tự túc một đứa con để sau này già mà cậy, thế nhưng rất tiếc tôi không mang bầu. Sau này tôi nghe chuyện phòng the của cánh phụ nữ mới nghiệm ra rằng một phần Sáu Dư đã trút hết cho vợ trước khi đến với tôi và một phần vì tư thế ngồi kiểu đó thì không có cái gì bơi đến nơi đến chốn.
Năm năm sau khi bỏ làng ra đi, Sáu Dư trở về với thân thể tiều tụy, nước da vàng tái mét. Nghe nói anh ta lên Tây Nguyên làm thuê cho bọn lâm tặc, vác cưa vào rừng trộm gỗ, nhiều lần bị kiểm lâm đuổi chạy. Kiểm lâm thì thoát được nhưng muổi thì chịu. Anh ta bị bệnh sốt rét, bị bọn lâm tặc đuổi việc, đành phải về quê. Tôi cảm thấy mình có lỗi, muốn tìm cách giúp đỡ nhưng không biết cách nào.
Sáu Dư về với vợ thấy êm ru, không hục hặc gì, lại còn được vợ bồi dưỡng nên sức khỏe ngày càng khá hơn. Ai cũng khen vợ Sáu Dư coi vậy mà chung thủy, rộng lượng, đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại.
Rồi vợ Sáu Dư có bầu. Hôm chị ấy sắp ở cữ, ý tá xã đoán khó sinh nên chuyển lên bệnh viện tuyến huyện. Vào buổi chiều, tôi thấy Sáu Dư và một thanh niên khác cùng cáng chị ấy lên đường lộ để đón xe, theo sau là mẹ ruột của chị.
Chừng hai hôm sau, khi tôi đang ngủ trong lều giữa đồng thì có ai đó đập vào mông, giựt mình thức dậy thì tháy Sáu Dư ngồi bên cạnh.
“Ủa, răng không đi theo vợ mà ở nhà rứa?”
“Một người được rồi, nhiều người làm chi cho tốn,” Sáu Dư thở dài.
“Vậy tối nay thoải mái nhé?”
“Thôi thôi, chịu rồi,” Sáu Dư buồn bã lắc đầu.
“Thiệt không? Tui kiểm tra nhe?”
Tôi vật Sáu Dư ra để kiểm tra thì quả thực cái đó còn mềm hơn cả ngón tay thứ sáu không xương của anh.
“Răng lạ rứa?” tôi ngạc nhiên hỏi.
“Thời thanh niên chỉ khoai sắn mà phục vụ một lúc tới hai bà, sau đó vào rừng làm việc như trâu, ăn uống thiếu thốn, bữa đói bữa no, lại còn bị sốt rét, thử hỏi còn sức đâu mà ham,” Sáu Dư lại thở dài.
“Rứa anh mần răng mà chị có bầu?”
“Tối nào cũng ôm ấp nhưng không mần chi được nên nó phải đi kiếm người khác. Ông ăn chả, bà ăn nem, thôi đành im cho rồi. Tại mình cả thôi, bụng làm dạ chịu. Cũng không tệ lắm, it bữa nữa, tôi sẽ được phân thêm ruộng. Con ai đem bỏ chùa này…,” Sáu Dư cười chua chát.
“Chấp nhận như rứa là tốt. Tui có ít tiền đây, mai anh mang lên trả viện phí và thăm vợ con.”
“Mắc chi mà trả. Thằng cha nó sẽ trả viện phí,” Sáu Dư vùng vằng.
“Nói rứa mà nghe được à! Anh vừa mới mừng sắp được phân thêm ruộng răng chừ nói ngược rứa? Không lấy tiền này để trả viện phí thì ngày mai ở nhà giữ vịt, tui sẽ lên thăm chị ấy,” tôi làm bộ quả quyết.
NKP




Thứ Ba, 17 tháng 12, 2019

CÓ QUA CÓ LẠI... - Truyện ngắn hài hước của Jon Langford - Nguyễn Khắc Phước dịch.




     "Chào ông, ông mua gì ạ?"
     "Tôi muốn trả lại cái đồng hồ báo thức."
     "Nó hư gì vậy, thưa ông?"
     "Báo thức không hoạt động."
     "Ý ông là sao?"
     "Không có âm thanh."
     "Ông đã đọc hướng dẫn sử dụng để sửa chữa chưa?"
     "Rồi."
     "Và nó vẫn không hoạt động?"
     "Không."
     "Được rồi, ông có biên nhận không?"
     "Không, tôi chẳng thấy biên nhận nào cả."
     "Vậy thì cháu không thể hoàn lại tiền cho ông được."
     "Ồ không, anh hiểu sai, tôi không muốn hoàn lại tiền, tôi chỉ muốn đổi nó để lấy một cái còn tốt."
     "Được rồi, ông có bao bì gốc không?"
     "Không, tôi đã vứt nó đi rồi."
     "Cháu không thể đổi mà không có bao bì ban đầu."
     "Nó có vỏ bọc bằng plastic, tôi phải mở bằng dao, tôi không hiểu tại sao anh lại cần bao bì?"
     "Chính sách của chúng cháu về việc đổi tất cả sản phẩm là phải được trả lại trong bao bì ban đầu của nó."
     "Đó chỉ là một cái bao nhựa thôi, tại sao tôi lại phải giữ nó?"
     "Trong trường hợp ông cần trả lại vật phẩm."
     "Tôi không nghĩ rằng một cái đồng hồ báo thức sẽ hư sau một vài tuần. Vậy mà anh lại nói rằng anh không thể làm bất cứ điều gì để giúp đỡ?"
     "Cháu muốn giúp ông nhưng cháu cần một số bằng chứng ông đã mua ở đây."
     "Tôi là bằng chứng, bây giờ tôi nói với anh rằng tôi đã mua nó ở đây, thực ra, tôi nhớ không lầm thì chính anh đã bán cái đồng hồ này cho tôi."
     "Ông đã đăng ký số bảo hành sản phẩm trực tuyến?"
    "Không."
     "Ah, đó là một vấn đề, ông trả tiền bằng cách nào? Tiền mặt hoặc thẻ?"
     "Tiền mặt."
     "Nếu ông đã thanh toán bằng thẻ, ông có thể nhận được một thông báo từ ngân hàng của ông chứng minh rằng ông đã mua hàng ở đây và vào ngày nào."
     "À, tôi đã trả tiền mặt."
     "Vấn đề là các cửa hàng khác cũng bán thương hiệu này. Ông có thể mua nó ở bất cứ đâu."
     "Tôi có thể, nhưng tôi không, tôi đã mua nó ở đây và nó không hoạt động và anh nợ tôi một đồng hồ báo thức."
     "Ông mua nó khi nào?"
     "Vài tuần trước."
     "Chính sách giao dịch của chúng cháu là 21 ngày và ông có thể đã hết hạn bảo hành."
     "Tôi đã mua nó vào tháng trước và tôi không nhớ ngày chính xác".
     "Chúng cháu đã bán mẫu đồng hồ này vài năm nay rồi."
     "Anh nói tôi nói dối à?"
     "Không, thưa ông, cháu chỉ đơn giản nói rằng ông có thể mua nó 22 ngày trước và trong trường hợp đó, ngay cả với biên nhận và bao bì gốc, cháu cũng sẽ không thể làm bất cứ điều gì để giúp đỡ."
     "Không làm gì được?"
     "Không."
     "Vậy tôi phải dùng cái đồng hồ báo thức bị lỗi này mãi à?"
     "Ồ, ông có thể gửi nó cho nhà sản xuất bằng một bức thư giải thích vấn đề."
     "Nó được sản xuất ở Trung Quốc, và chẳng đáng để chịu phức tạp như vậy."
     "Vậy thì cháu sẽ đề nghị ông mang nó đến một cửa hàng sửa chữa."
     "Mấy thứ này mà đem sửa chữa thì coi bộ tốn nhiều tiền hơn giá mua nó."
     "Cháu biết."
     "Tôi có thể nói chuyện với người quản lý không?"
     "Người quản lý nghỉ hôm nay."
     "Vậy tôi có thể nói chuyện với bất cứ ai phụ trách?"
     "Dạ, cháu đây."
     "Ngày mai người quản lý có đến không?”
     "Không."
     "Vậy ngày nào anh ta đến?"
     "Đó là một cô ạ."
     "Được rồi, khi nào cô ấy đến?"
     "Thứ hai."
     "Tôi sẽ trở lại vào thứ hai."
     “Dạ, được ạ. Hôm nay, ông có cần gì khác nữa không ạ?”
     "Có lẽ không."
     "Được rồi, ông có muốn mở thẻ cửa hàng không? Miễn phí hoàn toàn và ông nhận được 5% mỗi lần mua hàng".
     "Không, cám ơn."
     "Nếu ông mở ngày hôm nay, ông sẽ có được một món quà miễn phí."
     "Món quà miễn phí là gì?"
     "Đồng hồ báo thức."

Jon Langford
Nguyễn Khắc Phước (dịch)
Nguyên tác: Tên truyện: “The Exchange”, đăng trên eastoftheweb.com.







Bài thơ trên bao giấy đựng hàng đi chợ - Nguyễn Khắc Phước dịch



Đừng đứng bên mồ tôi mà khóc - Mary Elizabeth Frye

Mary Elizabeth Frye (1905-2004) vốn là một bà nội trợ kiêm nghề trồng hoa ở Baltimore (Maryland, USA). Năm 1932, xúc động trước nỗi đau của một phụ nữ láng giềng người Đức gốc Do Thái tên là Margaret Schwarzkopf không thể về dự đám tang mẹ ở Đức và cảm hứng từ câu nói “Tôi muốn về đứng bên mộ mẹ tôi để khóc” của người phụ nữ ấy, bà Frye đã sáng tác bài thơ chưa đặt nhan đề và viết ngay vào bao giấy đựng hàng đi chợ mặc dù trước đó chưa bao giờ làm thơ.

Bài thơ trở nên nổi tiếng nhờ được nhiều người thích, chép lại, phổ nhạc và thường đọc vào những dịp tang lễ khắp nơi trên thế giới trong hơn 60 năm nay. Năm 1998, nữ ký giả Abigail Van Buren đã điều tra và công bố tên tác giả nhưng ít ai biết thông tin này.

Bà Mary Elizabeth Frye có thể không phải là một Phật tử nhưng bài thơ trên thấm đẫm quan niệm về vô ngã của đạo Phật.

Có thể tìm thấy trên Internet vô số slide đẹp như thế này 


Do Not Stand at My Grave and Weep

Do not stand at my grave and weep,
I am not there; I do not sleep.
I am a thousand winds that blow,
I am the diamond glints on snow,
I am the sun on ripened grain,
I am the gentle autumn rain.
When you awaken in the morning’s hush
I am the swift uplifting rush
Of quiet birds in circling flight.
I am the soft starlight at night.
Do not stand at my grave and cry,
I am not there; I did not die.


Đừng đứng bên mồ tôi mà khóc
Tôi đi rồi. Tôi không ngủ đây
Tôi là ngọn gió lành đang thổi
Là tia sáng ngọc trên tuyết bay
Là nắng trên cánh đồng lúa chín
Là mưa rơi nhè nhẹ ngày thu
Lúc hừng đông còn trong tĩnh mịch
Là tiếng chim vỗ cánh êm ru
Là ánh trăng đêm chiếu dịu dàng.
Thôi đừng đứng đó để khóc tang
Tôi không chết. Không bao giờ chết
Tôi vẫn mãi hoài trên thế gian.

Nguyễn Khắc Phước sưu tầm, tạm dịch và giới thiệu.

Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2019

KỶ NIỆM VUI BÊN AO LÀNG – Htin Lin (Myanmar) - Người dịch: Nguyễn Khắc Phước






KỶ NIỆM VUI BÊN AO LÀNG
Htin Lin (Myanmar) 
Người dịch: Nguyễn Khắc Phước

Cứ đến hè và gần ngày Lễ hội Thắp đèn Thadingyut, tôi lại mong được về thăm làng của anh Hai Khant.
Thời học sinh, tôi thường về đó vào những dịp nghỉ lễ.
Cũng giống như những làng khác ở Mianmar, nhưng vì có anh Hai Khant  nên ngôi làng này trở nên tuyệt vời.  Ngay cả dưới nắng hè rộp da, tôi cũng được cười suốt vì những câu chuyện thú vị của anh.

Anh là một nông dân thô kệch bình thường nhưng đứng đắn, vui vẻ, thân thiện và có khiếu hài hước. Người làng mến anh và gọi anh là “Anh Hai (1) Khant” hoặc “Chú Khant” tùy trường hợp. Anh là người độc thân thứ thiệt và là người lớn tuổi nhất chưa vợ, cho nên anh trở thành người lãnh đạo không chính thức của đám trai làng (2). Cho đến khi tôi viết bài này, anh đang ở tuổi bốn mươi, vẫn chưa vợ, bố đã mất và anh sống với mẹ. Anh nói: “Mẹ tui biểu tui còn độc thân thì nên đi chơi cho vui vẻ, vậy nên tui phải đi, nhưng thực ra tui không còn trai trẻ nữa, ngay cả thị lực của tui cũng đã yếu rồi.”

Anh và tôi thường đi cà rỏng trên đường làng để ngắm các cô gái đi gánh nước, đặc biệt là những cô đẹp. Anh tán tỉnh, gọi họ là “em” hoặc “cháu”  tùy theo tuổi.  Không ai tỏ vẻ bực mỉnh. Họ giỡn lại, hoặc cười và liếc mắt nhìn anh.  Sao anh quen lắm cô thế này nhỉ! Số may thiệt! Tôi đâm ghen với anh. Nhưng không phải tất cả đều tử tế với anh.
 “Này anh, coi chừng đó nhé,”  một cô nói khi gặp anh.
“Ê, chuyện gì vậy, em? Anh có nên kể cho mọi người trong làng nghe không, hở?
“Thách anh đó! Đố anh dám! Tui sẽ cho anh biết tay!”


Cô này là người duy nhất tỏ vẻ giận dữ với anh. Tên cô là Ma Hla Aye, con gái ông U Thudaw, trưởng xóm. Tôi không hiểu sao một người được nhiều cô mến như Hai Khant lại bị cô này mắng như thế. Tôi hỏi anh thì anh trả lời ngượng ngùng: “Thôi, mầy biết làm chi.”
Câu trả lời của anh khiến tôi thêm tò mò.
“Anh Hai Khant này, hé mộtchút thôi, được không?”
Anh cứ cười cười, vẻ bí mật.
“Không có gì đâu, nhóc. Tao không muốn cho chú mầy biết đâu. Chỉ một từ cũng lộ cả câu chuyện."
“Một câu chuyện lận hả? Kể đi, kể cho em nghe đi. Bí mật, chỉ mình em thôi.”
Anh chẳng chịu kể nhưng cứ vừa đi vừa cười cười. Tôi tiếp tục van nài anh đến nỗi cuối cùng anh nói:
“Thôi được, nếu chú mầy tha thiết muốn biết thì tao sẽ phá lời hứa mà kể cho chú mầy nghe.”
Anh dừng lại để đốt tẩu thuốc, sau đó hai chúng tôi ngồi dưới bóng những cây Thabye mọc thành một vòng.

“Chuyện xảy ra vào Lễ Té Nước năm ngoái,” anh bắt đầu kể.
Anh ngậm tẩu và rít mấy hơi. Tôi nóng ruột chờ đợi.
“Trong thời gian lễ hội, như mầy biết, tất cả dân làng đều đến các thiền viện để ăn chay và giữ giới nhà Phật. Người ngồi thiền, người lần tràng hạt và cầu nguyện, do đó, không còn ai ở làng. Bọn trai làng chúng tao đi từ thiền viện này sang thiền viện nọ có vẻ như là mộ đạo lắm, nhưng thực ra để được các nhà sư và người cúng dường mời ăn, rồi sau đó, khi đã no nê, bọn tao tìm một bóng cây râm mát và ngủ trưa.

“Năm ngoái mẹ tao đi đến tu viện quá sớm nên tao nấu cơm và mang đến cho bà. Sau đó, tao nhác mang lồng cơm về nhà nên định đến nhà trọ trong tu viện để nghỉ trưa. Nhưng chỗ đó đông người quá nên tao định mượn sư một chiếc chiếu và mang ra chỗ bóng cây để nằm ngủ. Thấy tao, sư tưởng tao đến ăn chay nên vui vẻ, nhưng khi tao nói mượn chiếu thì sư không vui. Sư nói: ‘Vậy là anh định ngủ khò như cái xác, phải không?  Không có chiếu đâu, kiếm chỗ ngồi và lần tràng hạt đi. Nếu thấy anh ngủ thì thầy sẽ đánh đòn anh đấy nhé.’  
“Tao chẳng biết làm gì nữa. Tao nói đã bỏ quên tràng hạt ở nhà rồi và ngỏ ý mượn của sư.  Sư vui vẻ cho mượn ngay và khen tao.  Không có chiếu nên biết làm gì đây?  Tao cũng không muốn chọc sư giận đến nỗi phải đánh tao nên tao quàng cái tràng hạt vào cổ và bước đi. Tao tìm một chỗ cách xa thiền viện; vì nếu thấy tao ngủ, có thể sư sẽ đánh tao, sư biết tao từ hồi còn bé nên tao không dám liều. Thế là tao cứ đi mãi đến cái ao phía đông nam của thiền viện, chú mầy biết cái ao đó chớ?

“Chú mầy có nhớ mấy cây Thabye rậm rạp mọc trên bờ và  vươn cành  trên mặt nước không? Tao định ngủ dưới bóng cây nhưng thấy cái gì đó màu vàng nên tao trèo lên một cành to xoải trên mặt hồ. Chỗ này kín lắm, khó ai mà thấy.  Tao dựa lưng vào thân cây, treo cái áo mới lên một cái cành để nó khỏi nhăn và kéo gọn cái xà rông mới quanh đùi. Cha chả! Gió mát ơi là mát. Tao thử đếm tràng hạt nhưng sợ nó rớt vì buồn ngủ nên lại quàng nó vào cổ. Quá êm ái và thoải mái nên tao chỉ có việc…”

Anh kể đến đó thì  Ma Hla Aye lại đến múc nước. Khi đi ngang qua chúng tôi, cô dậm mạnh và liếc nhìn Hai Khant. Anh nhìn đuổi theo cô và nói thầm, “Tao muốn tát cái con bé đó,” và rồi cười một mình.
“Kể tiếp đi, Anh Hai Khant ơi,” tôi dục.
“Khi tao chỉ mới chợp mắt thì nghe ai đó bước xuống ao,” anh tiếp tục kể. “Tao nhìn xuống thì thấy con bé ở đó, thì Ma Hla Aye chớ ai nữa, hi hi…”
Anh hút pập pập và cái tẩu kêu rít rít, lấy bàn tay nắm tẩu, xoay cái cán, và sau đó, tháo rời ra.
“Mọi người đều được tắm ở đây? Không phải ao của thiền viện, hở?” tôi hỏi anh.
“Không, đây là cái ao khác, ai cũng tắm được; hôm đó mọi người đi hết nên ao vắng vẻ. Ao lấy nước uống ở gần thiền viện hơn.”
“Được rồi, kể tiếp đi,” tôi nói.
“Tao nhìn xuyên qua lá và thấy hình như nó không mang váy phụ,” anh nói.
“Thiệt vậy, hở? Rồi sao…?”
“À, thì không khó gì, cứ việc từ từ kéo váy lên khi xuống nước, và khi nước đã đến vai thì kéo váy để lên đầu, thế là váy vẫn khô,” anh nói. “Cũng có thể ném nó lên một cành cây. Nó nghĩ không có ai khác nên làm thế và bơi quanh. Tao sợ nó thấy tao nên không dám động đậy, thế nhưng một con kiến lửa cắn chân tao!”
“Chu cha, rắc rối rồi!”
 “Tao cố phủi con kiến đi nhưng không hiểu sao tao bị tuột khỏi cành cây và rơi tỏm xuống nước. Cái xà rông của tao vướng mắc vào cành nên tao trần truồng như nhộng.”
Tôi cười to. “Rắc rối rồi! Rắc rối rồi!”
“Đúng vậy, tao gặp rắc rối rồi. Nó đứng yên không nhúc nhích và tao cũng không thể lội lên bờ.”
“Rốt cục thì anh làm sao?”
“Trời ơi… Tao biểu nó hụp đầu xuống nước để tao trèo lên lấy xà rông nhưng nó nói không thể nín thở lâu được. Tao nói tao sẽ hụp đầu xuống nước khi nó lấy váy thì nó không tin tao không nhìn. Thực ra thì tao không muốn hụp đầu xuống nước tí nào, mầy biết chứ?”
“Vậy anh làm gì?”
“Lúc ấy tao nghe tiếng sư la mắng mấy đứa nhỏ và tao sợ sư đến và bắt gặp…”
Anh lại tỉ mỉ đốt tẩu.
 “Thế rồi nó bắt đầu tố tao trèo lên cây để xem nó tắm, dù tao nói là tao đến trước. Cái con bé đó hét vào mặt tao, dù tao cố giải thích mấy nó cũng không chịu, và tao đành đứng dầm nước với cái tràng hạt quanh cổ. Tao muốn cười nhưng không dám. Tao không biết làm sao để lấy áo và xà rông mới của tao và khi tao định quay đi để nó lấy váy của nó thì nó hét biểu tao đứng yên … thế nên tao chẳng dám động đậy.”

Câu chuyện đến đây thì Ma Hla Aye trở lại với chum nước đầy trên đầu. Tôi không nghĩ rằng cô ấy biết chúng tôi đang nói chuyện gì nhưng tôi buồn cười đến nỗi phải quay mặt đi và cười thầm. Ngay lập tức một màn gây gổ nổ ra giữa hai người.
“Hoàn toàn không, bọn mình đang nói chuyện khác.”  Hai Khant chống chế khi cô ấy buộc tội anh.
“Anh thề đi!. Anh thề cái gì sẽ bị cái đó!  Anh sẽ bị rắn cắn và sét đánh!” Ma Hla Aye hét to.
Ma Hla Aye nhờ trang điểm bằng bột Thanakha (4) nên trông khá xinh. Cô bối rối đến nỗi trượt chân và để chum nước rơi khỏi đầu. Cô nổi điên và bắt đầu ném mảnh chum vào chúng tôi khiến chúng tôi phải bỏ chạy.

Ngay khi chúng tôi về đến nhà, dì tôi cho tôi xem lá thư của mẹ tôi nói tôi phải về nhà ngay vì vợ chồng bác tôi từ Mandalay đã đến.
Tôi vội vàng bỏ đồ vào ba lô và lập tức đến ga xe lửa cách đó 5 dặm. Tôi muốn nhờ Hai Khant chở tôi đến ga bằng xe lôi để nghe anh kể nốt câu
chuyện nhưng anh nói “để sau”,  thế nên tôi rời làng mà chưa được thỏa mãn lắm. Sau đó, tôi không gặp lại anh. Mãi cho đến năm ngoái, khi anh có việc phải lên phố, tôi hỏi anh, “Làm ơn cho em biết anh đã ra khỏi ao bằng cách nào?” khi anh đang nói chuyện với ba mẹ tôi nên anh chỉ mỉm cười và nói, “Còn nhớ chuyện đó, hở? Kỷ niệm đẹp lắm đó!” rồi chẳng nói gì thêm. 

Với tôi, câu chuyện anh Hai Khant và cô Ma Hla Maye đứng trong nước vẫn còn dang dở và nếu tôi có chết thì không phải là một cái chết dễ dàng.

Htin Lin
Nguyễn Khắc Phước (dịch).

***
Nguồn: Tên truyện: Pleasant Pond trên trang web: Things Myanmar.

Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2019

KHÉO CAN ĐƯỢC DÂN LÀNG -Chuyện cổ cải biên - Nguyễn Khắc Phước




Nước Tề đời Vua Cảnh Công có một làng chuyên nuôi chó để săn bắn. Họ rất yêu quý chó và có lần đã đánh một người lạ đến chết vì có ý định trộm chó.

Một hôm Án Tử đang ngồi chơi ở quán ven đường thấy một nhóm người đang hung hản đuổi đánh một người đên gần chết, hỏi ra thì người ấy có ý định trộm chó. Thấy thế, An Tử vào can ngăn:

- Tên phạm này chưa biết rõ tội mà chịu chết thì vẫn tưởng là oan, vậy để tôi kể rõ tội nó rồi đánh chết cũng chưa muộn.

- Dân làng nói: Phải.

Án Tử bèn kể tội rằng: Nhà ngươi có ba tội đáng chết. Chó là vật nuôi và là tài sản của dân làng vậy trộm chó là tội đáng đánh chết. Trộm không được chó để những người ăn thịt chó không có thịt ăn làm họ thất vọng cũng đáng tội chết. Để dân làng này mang tiếng vì một con chó mà đánh chết một mạng người, khiến cho dân làng khác, dân huyện khác, dân tỉnh khác, thậm chí dân cả nước, đâu đâu cũng oán, người người đều khinh, không thèm kết bạn hay giao dịch buôn bán với kẻ bất nhân, khiến cho thịt họ săn được không có người mua, đời sống họ càng ngày càng khó khăn. Đó là ba tội dáng bị đánh chết. Bây giờ hãy đánh nó đi.

Dân làng nói: Thôi tha cho nó! Kẻo rồi chúng ta mang tiếng bất nhân.

Thứ Năm, 10 tháng 10, 2019

CON YÊU CỦA MẸ - Outhine Bounyavong (Lào) - Người dịch: Nguyễn Khắc Phước




CON YÊU CỦA MẸ
Outhine Bounyavong (Lào)

Chúng tôi đi bộ theo đường mòn rộng vừa đủ một chiếc xe bò. Sau hai giờ băng rừng, chúng tôi đến một đồng cỏ khoảng khoát. Về phía phải bên kia con đường là những ruộng bông vải, mè, dưa leo, và những  thứ cây đáng giá khác.  Xa hơn nữa là những cây dừa phủ bóng lên những cây nhỏ hơn. Thấp thoáng trong rặng cây có hai hoặc ba mái nhà, và còn có vài mái nhà khác núp sau tán lá dày. Cuối cùng, chúng tôi đang tiến gần nơi muốn đến.
Có hai nhà báo cùng đi với chúng tôi. Họ đến lấy thông tin về tỷ lệ người biết chữ ở làng, trong khi mục đích của tôi là ghi âm những chuyện dân gian truyền khẩu có thể dùng làm tài liệu giảng dạy.
Khi tôi đi trên đường mòn, nhiều tình cảm và kỷ niệm chợt bùng lên. Tôi nhớ mình đã rời đi rồi trở lại nơi sinh quán ra sao. Cùng với những hồi ức gây xúc động bất chợt đó, tôi ngửi thấy mùi hăng hắc của cỏ khio thoảng trong gió. Tôi nghe tiếng kẻo kẹt từ những ngọn tre… Từ rất xa, vọng đến tai tôi bản nhạc tưng bừng của những cánh ve. Tất cả âm thanh đó gợi lên không khí quen thuộc nơi sinh quán của tôi. Nhưng thực ra, tất cả chúng tôi đều đang trở về nơi sinh quán của Bounkham, một bạn đồng hành với chúng tôi.
Vừa khi trông thấy làng mình, Bounkham xúc động nói, “Hai chục năm rồi từ khi tôi rời chốn này! Khi tôi thấy con đường mòn, tất cả mệt nhọc hình như tan hết. Chẳng khác gì một bức tranh đã chạm vào ký ức tôi.” Giọng Bounkham có vẻ sung sướng.
Bounkham kể rằng anh được sinh ở đây. Đây cũng là nơi mẹ anh đã qua đời khi anh chỉ mới tám tuổi. Bố anh tục huyền, lấy một người phụ nữ làng khác làm vợ, và cả gia đình bỏ làng này sang làng nọ trong những năm chiến tranh và xung đột tàn phá đất nước. Mãi cho đến hôm nay, Bounkham mới có dịp trở về. Người cậu, em của mẹ, vẫn còn ở trong làng, nhưng đã già lắm rồi. Bounkham đã mua hai lon sữa đặc làm quà để bày bỏ lòng kính mến cậu. Anh không không thể mang nhiều hơn hai lon bởi con đường mòn gập ghềnh và thêm một lon nữa thì quá nặng.
 “Có ai trong làng còn nhớ anh không?” tôi hỏi.
“Có lẽ không còn ai nhớ, nhưng tôi sẽ hỏi dân làng xem nhà cậu tôi ở đâu, vì tôi không nhớ chính xác.”
Chúng tôi tiếp tục vừa đi vừa ngắm vẻ tươi tốt của những vườn rau và cây ăn quả. Thế rồi, từ một khu vườn bên trái, một phụ nữ có bầu xuất hiện, mang một rổ nhiều thứ rau.
 “Chào Dì, nhà Dì ở đâu?”  Bounkham lễ phép hỏi.
“À, gần đây thôi,” bà rụt rè trả lời,  vẻ nghi ngờ những khuôn mặt lạ.
 “Chúng tôi từ thành phố đến đây. Con là dân làng này nhưng đã đi xa nhiều năm rồi. Hôm nay con trở về thăm,” Bounkham giải thích, hy vọng làm bà ấy bớt nghi ngờ.
 “Ồ, vậy hả? Tôi không nhớ ai cỡ tuổi cậu lớn lên ở đây. Thế cậu con cháu nhà ai?”
Chúng tôi giới thiệu tên mình. Bounkham còn nêu tên cha mẹ và cậu của anh. Người phụ nữ có bầu bảo Bounkham rằng bà biết rõ cậu của anh: ông ở phía nam của làng. Bà ở phía bắc và tên bà là "Mae Poon." Bounkham có vẻ như chưa bao giờ nghe tên bà. Nhưng anh cẩn thận đáp, đường như anh biết tên bà: “Ồ, Mae Poon này, làng mình bây giờ ra sao?”

Bà bầu trả lời rằng mọi người đều ổn. “Họ có đủ ăn và kiếm tiền đủ sống. Chúng tôi bán nhiều sản phẩm nhưng kiếm được chẳng bao nhiêu tiền vì đường sá khó khăn.” Sau khi nói, bà đi xuống đám ruộng phía bên phải . Bà nói phải hái rau để cho heo ăn.
Bounkham lấy một lon sữa đặc và gọi bà, “Đợi đã, Dì ơi! Dì nhận giúp con cái này. Dì nhận giúp con cái lon sữa này nhé.”
“Cảm ơn, con,” bà bầu nói. Sau khi cảm ơn, bà đi về một hướng khác.
Chúng tôi tiếp tục theo con đường mòn. Tôi khen Bounkham tốt bụng. Anh mua hai lon sữa đặc biệt dành tặng cậu mình nhưng anh đã cho người lạ một lon.
Trong câu trả lời của Bounkham, tôi nghe có niềm hãnh diện và hạnh phúc.
“Trong gia đình, chúng tôi được dạy làm điều này, đặc biệt là tôi. Mẹ dạy rằng nếu khi ta mang theo thực phẩm mà gặp một phụ nữ có bầu thì ta phải chia một phần cho người ấy. Không kể ít hay nhiều cũng phải cho bà một chút. Đó là truyền thống của chúng tôi. Nhiều người trong làng này làm như vậy.
 “Bố tôi kể cho tôi nghe một chuyện mà mẹ đã kể với bố,” Bounkham tiếp tục nói. “Bố nói rằng khi mẹ mang bầu tôi, bà thích ra phía ngoài làng. Một hôm khi đang đi trên đường mòn, bà tình cờ gặp năm, sáu người làng vừa đi săn về. Họ đã lột da con nai và bắt đầu chia thịt. Mấy người thợ săn chia cho mẹ một phần, bằng phần hầu hết mọi người. Đây là quyền của phụ nữ có bầu, theo truyền thống của làng. Người được phần lớn hơn là người thợ săn có súng. Anh ta nhận phần gấp đôi, bao gồm cái đầu, bốn chân và bộ da.
Tối hôm đó gia đình tôi được ăn thịt nai. Gần sáng, mẹ tôi sinh được một thằng, chính nó bây giờ đang đi bộ về sinh quán của nó.”
Chúng tôi cảm thấy hết sức thú vị. Một nhà báo hài hước, “Con nai đó hẳn đã tái sinh thành Bounkham!”
“Dân làng nghĩ vậy đó. Nếu nai tái sinh thành nai, có lẽ nó lại sẽ bị bắn. Như tôi đã nghe dân làng nói mãi, rừng trong vùng này chẳng còn con nai nào,” Bounkham nói.
 “Tổn thất ghê gớm thiệt,” Tôi thêm, và Bounkham tiếp tục kể.
“Một bà bầu phải ăn nhiều để nuôi con trong bụng. Khi bà bầu thấy ai có thức ăn, bà bị cái đói thôi thúc, tưởng rằng có thể ăn hết một con voi. Một bà bầu đã kể tôi nghe chuyện này. Và nếu người ta không chia  phần cho bà, bà sẽ không bao giờ quên. Bà sẽ mãi mãi thất vọng về người không có lòng nhân ái với bà.
“Theo lời bố tôi, mẹ thương con nai bị bắn. Chính bà không bao giờ ăn thịt thú rừng, nhưng bà mang phần về để cho chúng tôi được dịp ăn thịt. Từ khi tôi sinh ra, mẹ đặc biệt thương tôi lắm. Nhưng bà không có dịp để nhìn thấy con trai khi nó trưởng thành. Bà đặt tên tôi là 91Bounkham, nhưng bà thích gọi tôi là 91Con Yêu Của Tôi hoặc Con Yêu Của Mẹ.”
Vào lúc ấy, chúng tôi đến gần cổng làng. Con đường gồ ghề, và cảm thấy phấn chấn bởi câu chuyện của Bounkham, tôi nhìn lui về hướng của người phụ nữ có bầu.  Bà đã đi khuất vào trong cánh đồng, nhưng hình ảnh bà vẫn còn trong trí nhớ của tôi.  Lần đầu tiên, tôi thấy mình phải có nghĩa vụ giúp đỡ  những sinh linh bé nhỏ sắp chào đời.

Outhine Bounyavong
Nguyễn Khắc Phước dịch.

Dịch từ bài “Mother’s Beloved” đăng trên trang Lao Short Stories -
http://www.seasite.niu.edu/lao/LaoLiterature/short_stories/Laoshortstory.htm.

&

Tóm tắt tiểu sử tác giả:


Outhine Bounyavong là một trong những nhà văn đương đại nổi bật nhất ở Lào. Ông sinh năm 1942 ở  Sayabouri, một tỉnh ở miền tây bắc Lào. Mặc dù được học dưới mái trường thời thuộc địa, được giảng dạy bằng tiếng Pháp, và môn văn học chỉ tập trung vào các tác phẩm của người Pháp nhưng Outhine là một trong những nhà văn viết bằng tiếng Lào đầu tiên đương đầu với những ảnh hưởng tàn khốc của chế độ thực dân và những khó khăn trong việc duy trì những giá trị truyền thống của Lào.
Những truyện ngắn của ông trong tập Mother’s Beloved (Con Yêu Dấu Của Mẹ) mô tả bức tranh sinh động của đời sống xã hội đang thay đổi của người Lào, qua đó ông nêu cao những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của nhân dân Lào. Truyện của ông ca ngợi đức tính đơn giản, lòng nhân ái, sự tôn trọng tuổi tác và những tập quán làng bản của người Lào. Ông phê phán công nghiệp hóa và hiện đại hóa đã đánh mất những giá trị ấy. Ông cảnh báo việc phát triển kinh tế dẫn đến suy thoái môi trường. Ông lên án nạn tham nhủng đã tạo nên một nhóm nhỏ thượng lưu giàu có đối chọi lại với đa số dân nghèo. Ông cũng chê bai thói ích kỷ và tôn thờ vật chất. Sự tàn khốc của chiến tranh cũng là một trong những chủ đề của ông.