Thứ Bảy, 2 tháng 12, 2017

HÌNH ẢNH CON CHÓ TRONG NGỤ NGÔN CỦA AESOP

HÌNH ẢNH CON CHÓ TRONG NGỤ NGÔN CỦA AESOP
Nguyễn Khắc Phước

Aesop (phát âm tiếng Việt như là Ê-dốp, khoảng năm 620-564 trước CN) là một nhà văn Hy Lạp. Tư liệu về cuộc đời của ông không rõ ràng lắm và không có bản viết tay nào của ông còn tồn tại đến ngày nay nhưng ông được xem là tác giả của rất nhiều câu chuyện ngụ ngôn nổi tiếng trên thế giới, đã được truyền miệng và được sưu tập qua nhiều thế kỷ và bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. (Theo Wikipedia.)
Có một trang web sưu tập được 655 truyện, trong đó, khoảng 20 truyện có nhân vật là chó nhà hoặc chó sói.
Truyện Con Chó Và Cái Bóng là một trong những truyện phổ biến ở Việt Nam có lẽ qua bản văn vần của Jean De La Fontaine. 
Chuyện như thế này: Một con chó kiếm được một miếng thịt và ngoặm miếng thịt mang về nhà ăn cho thoải mái.  Trên đường về nhà, nó phải đi qua một tấm ván bắc qua một con suối.  Khi đang đi trên tấm ván, nó nhìn xuống và thấy bóng của chính nó phản chiếu bên dưới. Nghĩ rằng đó là một con chó khác với một miếng thịt khác, nó quyết định lấy cho được miếng thịt đó. Vậy nên nó đớp vào cái bóng ở trong nước, nhưng khi nó há miệng thì miếng thịt trong miệng nó rớt ra và rơi xuống nước, không thể tìm lại được.
Thông điệp của truyện: Hãy nhớ rằng bạn sẽ đánh mất cái có thật khi cố chộp lấy cái bóng.
Nói cách khác: bạn sẽ đánh mất bản thân mình khi chạy theo ảo ảnh.
Thành ngữ “Thả mồi bắt bóng” có lẽ bắt nguồn từ truyện này. “Đứng núi này trông núi nọ” cũng có nghĩa tương tự. Hãy biết mình đang có cái gì và bằng lòng với cái đó, đừng có tham lam những cái xa vời để rồi đánh mất tất cả. Đó cũng là bí quyết trong việc kinh doanh và giữ hạnh phúc gia đình.
Nhân dịp mừng Xuân Mậu Tuất, chúng tôi xin kể hầu quý vị thêm hai truyện sau để quý vị đọc cho con cháu nghe trong những ngày họp mặt gia đình.
CHÓ NHÀ VÀ CHÓ SÓI
Vào một đêm trăng, một coi chó sói gầy và đói gặp một con có nhà mập mạp, khỏe mạnh.  Sau khi chào xã giao, chó sỏi hỏi: Làm sao mà bạn trông có vẻ béo tốt như vậy? Có phải nhờ thức ăn hợp với khẩu vị của bạn hay không?  Còn tôi thì ngày đêm phải lo kiếm sống, chỉ mong sao thoát được cảnh đói khát.
Chó nhà nói: Chà, nếu bạn muốn có sức khỏe như tôi thì cứ làm theo tôi. Chó sỏi hỏi: Vậy tôi phải làm gì?  Chó nhà nói: Chỉ mỗi việc bảo vệ nhà ông chủ và giữ trộm ban đêm. Chó sói nói: Thú thiệt thời gian này tôi rất khó khăn. Mưa và sương giá khiến cuộc sống trong rừng rất cực khổ. Nếu được ở nơi ấm áp và ăn uống no đủ thì việc trao đổi ấy cũng không tệ lắm. Chó nhà nói: Vậy bạn chỉ cần theo tôi là xong.
Khi chúng đang chạy cùng nhau, chó sói thấy một vệt lạ trên cổ chó nhà bèn tò mò hỏi đó là cái gì. Chó nhà nói: Ồ, không có chi. Chó sói gặng hỏi: Cứ cho tôi biết đi mà.
Chó nhà nói: Chuyện nhỏ thôi. Đó là cái nịt cổ để buộc cái xích vào. Chó sói ngạc nhiên kêu lên: Xích hả? Vâỵ bạn không được đi lại tự do như bạn muốn hả? Chó nhà nói: Không hoàn toàn như vậy. Có lẽ họ thấy tôi có vẻ hơi hung dữ nên ban ngày họ buộc tôi lại, nhưng bảo đảm với bạn là tôi hoàn toàn được tự do vào ban đêm. Ông chủ cho tôi ăn bằng dĩa riêng và mấy người giúp việc thường cho tôi món ngon nữa. Mọi người đều thích tôi nên không có vấn đề gì hết. Ồ, bạn đi đâu vậy? Chó sói nói: Thôi nhé, chúc bạn ngủ ngon. Được bạn mời món ngon, nhưng với tôi, thà một mẩu bánh mì khô mà được tự do còn hơn bữa tiệc sang trọng của nhà vua mà bị xích.
Thông điệp của truyện: Thà đói mà tự do còn hơn no mà nô lệ. (*)
Thông điệp trên là của Aesop nhưng người kể lại truyện này có lời bình thêm như sau:
Nếu hiểu tự do là không bị ràng buộc bất cứ thứ gì thì đó là thứ tự do không bao giờ có. Con chó nhà bị ràng buộc bởi công việc và sợi xích thì con chó sói bị ràng buộc bởi thời tiết và đói khát. Tự do chỉ ở mức tương đối.
Mỗi người do hoàn cảnh, khả năng, tâm tính, sức khỏe và sở thích riêng mà chọn lựa cho mình một nơi, một nghề, một lối sống thích hợp, không ai giống ai. Người thành phố cho rằng cuộc sống ở thôn quê hay miền núi khó khăn, cực khổ, ngược lại, người ở những vùng đó lại chê thành phố là ô nhiểm, ồn ào, không tình cảm. Ngay cả sự tự do hay hạnh phúc, không phải ai cũng có quan điểm giống nhau.

CON CHÓ HUNG DỮ
Có một con chó hung dữ và nghịch ngợm đến nỗi chủ nó phải buộc một cái chuông nặng vào cổ nó để ngăn nó cắn người và làm phiền hàng xóm.
Con chó lấy làm hãnh diện về cái chuông đó và cứ đi diễu quanh chợ, vừa đi vừa lắc chuông ẩm ỹ để gây chú ý.
Bạn nó, một con chó lém lĩnh, nói thầm vào tai nó: Nhỏ nhỏ thôi, đừng ầm ỹ quá. Cái mầy đeo không phải để thưởng công gì mà là dấu hiệu của sự ô nhục.
Thông điệp của truyện: Người ta thường nhầm lẫn tai tiếng với danh tiếng và sẵn sàng làm những việc điên rồ để được nhiều người chú ý.
Lời bàn thêm của người kể lại: Câu chuyện này được kể khoảng 2800 năm trước tại Hy Lạp nhưng đến nay người ta vẫn thường xuyên cố tình làm những chuyện trái đời, tạo ra xì-căng-đan (scandal) để được nổi tiếng, nhất là trong giới showbiz. Khi người ta có nhiều tiền mà thiếu cái chuẩn mực đạo đức và văn hóa thì sẽ nảy sinh ra vô vàn những thói hư tật xấu. 
NKP
*http://www.aesopfables.com/aesop1.html / The Dog and the Wolf / Moral of the story: Better starve free than be a fat slave.

Không có nhận xét nào: