Thứ Sáu, 29 tháng 12, 2017

MIỀN GÁI THƠM

Cảm ơn anh Võ Văn Hoa đã sưu tầm:

Thơ vui:
MIỀN GÁI THƠM

Về quê thấy gái tỉnh nhà
Đoan trang thùy mị nết na ngoan hiền
O nào cũng đẹp như tiên
Cũng xinh như mộng, bắt nghiền, bắt ham
Gặp o cụt đọt lỡ làng
Vừa sà vô tán, o nàng cười duyên
Xa quê mấy chục năm liền
Mới hay Quảng Trị là miền gái thơm!


Tháng 9/2010,
NKP

Thứ Tư, 13 tháng 12, 2017

LẠI CHUYỆN CÂY MƯNG



LẠI CHUYỆN CÂY MƯNG

Nguyễn Khắc Phước



Hơn chục năm trước, anh Phan Luận, một cán bộ kinh doanh thuộc Công ty  CP Cao su Đà Nẵng – DRC, thuê một chiếc tải nhỏ về quê An Đôn bên bờ sông Thạch Hãn mua gần chục cây Mưng mang vào tặng đồng nghiệp và bạn bè ở Đà Nẵng. Mặc dù tôi không biết anh Luận tặng bạn loại Mưng gì, nhưng bắt chước anh, tôi cũng về quê Lương Điền bên sông Ô Lâu bứng một cây Mưng nhỏ mang về trồng trên lề đường trước nhà.

Thấy tôi đang đào gốc cây, một bác bà con làng hỏi:

-Chú đào cây Mưng nầy mần chi rứa?

Nghe tôi nói ý định của mình, bác khuyên tôi:

-Chú nên tìm loại cây lá nhỏ mới có nhiều bông chớ thứ ni ít bông lắm.

Tôi giải thích với bác là tôi không rành cây kiểng, chỉ muốn về quê mang một cây gì đó vào trồng trước nhà cho có mùi vị quê hương, giống như người ta mang một nắm đất thiêng từ Jesusalem hay hay Bồ-đề-đạo-tràng về để thờ và kỷ niệm một chuyến hành hương.

Khoàng 5 năm sau, cây Mưng của tôi, được dân phố gọi là Lộc Vừng, đã lớn quá đầu người nhưng chẳng cho hoa nào, trong khi những cây Lộc Vừng của những nhà hàng xóm cao bằng nó thì đã cho bông xum xuê. Tìm hiểu, tôi mới biết bác người làng nói đúng. Chỉ cần đi quanh Đà Nẵng, cũng tìm thấy được ba loại Lộc Vừng. Loại lá nhỏ, loại lá vừa và loại lá lớn. Lá càng lớn thì bông càng ít nhưng càng to, ngược lại, lá càng nhỏ thì bông càng nhiều. Có người nói loại lá nhỏ mới chính là Lộc Vừng, còn các loại khác thì không phải, bởi hạt vừng (mè) mang hình ảnh nỏ bé. Người ta cầu mong được lộc nhỏ mà nhiều. Cây của tôi thuộc loại lá vừa nên sẽ cho bông ít. Không sao, bởi nó là cây Mưng chớ không phải Lộc Vừng và mục đích tôi trồng không phải để cầu lộc. Nếu đặt tên ghép với “lộc” thì nó là “Lộc đậu đỏ”, còn loại bông lớn là “Lộc đậu ngự” chớ không phải "Lộc mè".

Chỉ cần google một chút là có thêm thông tin:

Ở Việt Nam cây Lộc vừng có nhiều loại khác nhau, nhưng có dạng hình tương tự nhau với nhiều tên gọi khác nhau như: Lộc Vừng (Miền Bắc), Cây Mưng (Miền Trung), Cây Chiếc, Cây Rau Vừng (Miền Nam).

Loài Lộc Vừng phổ biến nhất: là Cây Chiếc hay Rau Vừng – Nam Bộ (Barringtonia Asiatica), có nguồn gốc từ môi trường sống ngập mặn trên bờ biển, hải đảo nhiệt đới của Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương. Loài này được trồng dọc theo đường phố cho mục đích trang trí và bóng mát. Ở Việt Nam, loài này mọc hoang ở vùng ven biển Nam Bộ và vùng ngập lũ Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên.

Loài thứ hai là Cây Lộc Vừng Hoa Đỏ (Barringtonia Acutangula), loài này có nguồn gốc từ vùng đất ngập nước ven biển ở Miền Nam Châu Á  và Bắc Úc , từ Afghanistan về phía đông Philippines và đảo Queensland. Loài này là Cây Lộc Vừng được người Pháp du nhập và cho trồng ở quanh bờ hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội). Đây là loài cây có công dụng dược liệu quan trọng.

Loại thứ ba là Cây Lộc Vừng Hoa Trắng hay Hồng (Barringtonia racemosa ( L. ) Roxb.). Loài này còn có tên là Lộc vừng Hoa Chùm, Chiếc Chùm. Có tên thường gọi trong tiếng Anh là Stream Barringtonia, Freshwater Mangrove, Indian Oak, Indian Putat, Fish killer tree.

Thông tin trên về cây Lộc Vừng nghe có vẻ phức tạp như một bài sinh vật học, nhưng như vậy, cây Mưng của tôi cũng thuộc họ Lộc Vừng, người dân phố gọi nó là Lộc Vừng cũng không sai.

Một ngày đầu xuân, tôi lại về quê và ghé thăm anh Lê Dư ở Hải Trường, được chiêm ngưỡng hai chậu Mưng đang trổ lộc đẹp không tả được. Vòm lá xum xê khiến người ta nghĩ đến sự phồn vinh, sung sức, no đủ, hạnh phúc. Hai cây Mưng kiểng này đã được anh hái lá vào một thời điểm thích hợp trước tết để đúng ngày Ba Mươi tháng Chạp là hé nụ và sáng Mồng Một là đâm chồi tím hồng  khắp cả cây.

-Năm ni bác Dư phát tài chi chưa chớ Lộc đến đầy sân rồi? Không phải Lộc Vừng nhỏ bé mà Lộc “đậu ngự”, lộc to lắm đây nghe.

Nghe tôi nói vậy thì một bác, cũng đang ghé thăm anh Dư, nói:

-Cái tên Lộc Vừng thì hay nhưng mà tui không ưa chú nờ.

Hỏi răng bác không ưa cái tên đó, bác ấy nói:

-Bởi nó làm người ta liên tưởng đến câu “Vừng ơi! Mở ra” trong truyện Ali Baba và Bốn Mươi Tên Cướp.

Rồi bác tóm tắt truyện đó như sau:

Ali Baba là một tiều phu nghèo, chăm chỉ và không tham lam, người anh trai tên là Kasim. Một hôm, tình cờ chàng phát hiện ra một cái hang bí mật chứa đầy kho báu quý giá của một băng cướp, với câu thần chú để mở và đóng cửa hang là: "Vừng ơi! Mở ra!" và "Vừng ơi! Đóng lại". Nhờ số của cải lấy từ hang bí mật về, chàng trở nên giàu có. Kasim được em mình kể lại tất cả sự việc liền nổi lòng tham, tự đi đến hang một mình mà không cần Ali Baba giúp đỡ. Vì choáng ngợp trước vàng bạc, của cải được phơi bày ra trước mắt mà Kasim đã quên mất câu thần chú mở cửa hang để đi về, do đó, bị băng cướp giết chết thành sáu mảnh. Việc khâm liệm Kasim được Morgiana (người được vợ chồng Ali Baba đem về nuôi từ bé và được coi như con đẻ) khéo léo thu xếp như với một cái chết bình thường để không ai nghi ngờ gì. Về phần băng cướp, sau khi biết hang bí mật đã bị lộ, tên tướng cướp lần lượt cử người ráo riết truy tìm cho bằng được tung tích của kẻ đã khám phá ra bí mật này. Nhờ mưu trí của Morgiana nên bọn cướp lần lượt bị tiêu diệt cho đến tên cuối cùng. Ali Baba tổ chức đám cưới cho con trai mình với Morgiana và từ đó cả gia đình họ sống rất hạnh phúc.

Bác nói tiếp: - Lộc đây vốn là của cải do sức lao động của người dân mà bọn cướp đã dùng vũ lực để cướp lấy. Một người không lao động gì cả, chỉ ao ước được lộc, dù đó là kết quả của cướp giựt, bóc lột, tham nhũng, quà cáp, thì người đó là kẻ tham lam, vô lương tâm bởi nếu mình được và sung sướng bao nhiêu thì người ta mất và đau khổ bấy nhiêu. Lộc là do nghiệp lành hoặc sức lao động mà có chớ không phải chờ của ăn cướp. Trong câu chuyện này chẳng thấy Ali Baba dùng của cải để làm việc thiện.

Truyện Ali Baba và Bốn Mươi Tên Cướp rất phổ thông, nhưng không biết có bao nhiêu người liên tưởng như bác nói. Dù sao, nhận xét của bác cũng khá thú vị.

Tôi nói: Ngày xưa vì còn khiêm tốn nên người ta lỡ đặt tên cây này là Lộc Vừng, chớ bây giờ, vào thời đại vật chất này, nếu đặt tên lại, người ta sẽ gọi nó là Lộc Hằng Hà, lộc nhiều như cát sông Hằng mới thỏa đó bác ạ.

NKP








Thứ Ba, 5 tháng 12, 2017

CÁI ÁO ĐẦM CỦA CHÁU GÁI TÔI - Truyện dịch

CÁI ÁO ĐẦM CỦA CHÁU GÁI TÔI
(Dịch từ Reader’s Digest.)


Trong một cửa hàng ký gửi, tôi nhìn thấy một cái áo đầm mà tôi biết cháu gái tôi sẽ rất thích. Nhưng tiền đã cạn túi, vì vậy tôi hỏi chủ cửa hàng có thể giữ nó cho tôi không đươc không. Một bà khách hàng hỏi: "Tôi mua chiếc aó đầm nầy cho ông nhé?” "Cảm ơn, nhưng tôi không thể nhận một món quà quá tốt bụng như vậy," tôi nói. Sau đó bà ấy nói với tôi lý do quan trọng tại sao bà giúp tôi. Bà nói bà bị vô gia cư trong ba năm,  và nếu không có sự tử tế của người lạ, bà đã không thể sống sót. "Tôi không còn là người vô gia cư nữa, và tình hình của tôi đã được cải thiện", bà nói. "Tôi đã hứa với chính mình rằng tôi sẽ trả ơn lòng tốt mà rất nhiều người đã dành cho tôi." Bà trả tiền cái áo đầm, và thứ duy nhất mà bà chấp nhận trả lại là một cái ôm chân thành.



My Granddaughter’s Dress

I saw a dress in a consignment shop that I knew my granddaughter would love. But money was tight, so I asked the store owner if she could hold it for me. “May I buy the dress for you?” asked another customer. “Thank you, but I can’t accept such a gracious gift,” I said. Then she told me why it was so important for her to help me. She’d been homeless for three years, she said, and had it not been for the kindness of strangers, she would not have been able to survive. “I’m no longer homeless, and my situation has improved,” she said. “I promised myself that I would repay the kindness so many had shown me.” She paid for the dress, and the only payment she would accept in return was a heartfelt hug.

Stacy Lee, Columbia, Maryland


(https://www.rd.com/true-stories/inspiring/kindness-strangers/)

Thứ Hai, 4 tháng 12, 2017

MỘT CỬ CHỈ TỬ TẾ

MỘT CỬ CHỈ TỬ TẾ
Bài viết bằng tiếng Anh từ trang: https://outlawnee.wordpress.com
Nguyễn Khắc Phước dịch


Một người đàn ông thường mua cam của một bà lão. Sau khi cân cam, trả tiền và bỏ cam vào túi xách, ông luôn lấy một trái từ trong túi xách của mình, bóc vỏ, bỏ một múi vào miệng, phàn nàn rằng cam chua và đưa trái cam cho người bán.

Bà lão bỏ một múi vào miệng và hỏi lại, "Cam thế này mà chua hả? Ngọt lắm mà", nhưng ngay lúc đó ông đã mang túi xách đi.

Vợ ông, luôn luôn đi với ông, hỏi, "Cam bà ấy bao giờ cũng ngọt, sao anh cứ đóng kịch hoài vậy?"

Ông mỉm cười, “Cam của bà thì ngọt nhưng chính bà không ăn. Đây là cách để giúp bà ấy ăn cam mà không mất tiền của bà. Thế thôi."

Chị bán rau bên cạnh bà lão, nhìn thấy cảnh này hàng ngày. Chị rầy, "Mỗi lần ông ấy làm bộ làm tịch về cam của bà, tôi thấy bà luôn cân thêm một chút cho ông ta. Tại sao?"

Bà lão mỉm cười, "Tôi biết ông ấy làm vậy chỉ để cho tôi ăn một quả cam,  nhưng ông nghĩ rằng tôi không hiểu. Tôi không bao giờ cân thêm. Tình cảm của ông ấy làm nghiêng cái cân một chút đó thôi.’

Niềm vui của cuộc sống nằm trong những cử chỉ nhỏ biểu lộ tình cảm ngọt ngào và sự tôn trọng đối với đồng loại.
  

&&&

Beautiful Story: Kindnes

A man often bought oranges from an old lady.

After they were weighed, paid for and put in his bag, he would always pick one from his bag, peel it, put a segment in his mouth, complain it's sour and pass on the orange to the seller.

The old lady would put one segment in her mouth and retort, "why, it's sweet," but by then he was gone with his bag.

His wife, always with him, asked, "the oranges are always sweet, then why this drama every time?"

He smiled, "the old mother sells sweet oranges but never eats them herself. This way I get her to eat one, without losing her money. That's all."

The vegetable seller next to the old lady, saw this everyday. She chided, "every time this man fusses over your oranges, and I see that you always weigh a few extra for him. Why?"

The old lady smiled, "I know he does this to feed me an orange, only, he thinks I don't understand. I never weigh extra. His love tilts the scale slightly every time."

Life's joys are in these sweet little gestures of love and respect for our fellow beings.




Thứ Bảy, 2 tháng 12, 2017

HÌNH ẢNH CON CHÓ TRONG NGỤ NGÔN CỦA AESOP

HÌNH ẢNH CON CHÓ TRONG NGỤ NGÔN CỦA AESOP
Nguyễn Khắc Phước

Aesop (phát âm tiếng Việt như là Ê-dốp, khoảng năm 620-564 trước CN) là một nhà văn Hy Lạp. Tư liệu về cuộc đời của ông không rõ ràng lắm và không có bản viết tay nào của ông còn tồn tại đến ngày nay nhưng ông được xem là tác giả của rất nhiều câu chuyện ngụ ngôn nổi tiếng trên thế giới, đã được truyền miệng và được sưu tập qua nhiều thế kỷ và bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. (Theo Wikipedia.)
Có một trang web sưu tập được 655 truyện, trong đó, khoảng 20 truyện có nhân vật là chó nhà hoặc chó sói.
Truyện Con Chó Và Cái Bóng là một trong những truyện phổ biến ở Việt Nam có lẽ qua bản văn vần của Jean De La Fontaine. 
Chuyện như thế này: Một con chó kiếm được một miếng thịt và ngoặm miếng thịt mang về nhà ăn cho thoải mái.  Trên đường về nhà, nó phải đi qua một tấm ván bắc qua một con suối.  Khi đang đi trên tấm ván, nó nhìn xuống và thấy bóng của chính nó phản chiếu bên dưới. Nghĩ rằng đó là một con chó khác với một miếng thịt khác, nó quyết định lấy cho được miếng thịt đó. Vậy nên nó đớp vào cái bóng ở trong nước, nhưng khi nó há miệng thì miếng thịt trong miệng nó rớt ra và rơi xuống nước, không thể tìm lại được.
Thông điệp của truyện: Hãy nhớ rằng bạn sẽ đánh mất cái có thật khi cố chộp lấy cái bóng.
Nói cách khác: bạn sẽ đánh mất bản thân mình khi chạy theo ảo ảnh.
Thành ngữ “Thả mồi bắt bóng” có lẽ bắt nguồn từ truyện này. “Đứng núi này trông núi nọ” cũng có nghĩa tương tự. Hãy biết mình đang có cái gì và bằng lòng với cái đó, đừng có tham lam những cái xa vời để rồi đánh mất tất cả. Đó cũng là bí quyết trong việc kinh doanh và giữ hạnh phúc gia đình.
Nhân dịp mừng Xuân Mậu Tuất, chúng tôi xin kể hầu quý vị thêm hai truyện sau để quý vị đọc cho con cháu nghe trong những ngày họp mặt gia đình.
CHÓ NHÀ VÀ CHÓ SÓI
Vào một đêm trăng, một coi chó sói gầy và đói gặp một con có nhà mập mạp, khỏe mạnh.  Sau khi chào xã giao, chó sỏi hỏi: Làm sao mà bạn trông có vẻ béo tốt như vậy? Có phải nhờ thức ăn hợp với khẩu vị của bạn hay không?  Còn tôi thì ngày đêm phải lo kiếm sống, chỉ mong sao thoát được cảnh đói khát.
Chó nhà nói: Chà, nếu bạn muốn có sức khỏe như tôi thì cứ làm theo tôi. Chó sỏi hỏi: Vậy tôi phải làm gì?  Chó nhà nói: Chỉ mỗi việc bảo vệ nhà ông chủ và giữ trộm ban đêm. Chó sói nói: Thú thiệt thời gian này tôi rất khó khăn. Mưa và sương giá khiến cuộc sống trong rừng rất cực khổ. Nếu được ở nơi ấm áp và ăn uống no đủ thì việc trao đổi ấy cũng không tệ lắm. Chó nhà nói: Vậy bạn chỉ cần theo tôi là xong.
Khi chúng đang chạy cùng nhau, chó sói thấy một vệt lạ trên cổ chó nhà bèn tò mò hỏi đó là cái gì. Chó nhà nói: Ồ, không có chi. Chó sói gặng hỏi: Cứ cho tôi biết đi mà.
Chó nhà nói: Chuyện nhỏ thôi. Đó là cái nịt cổ để buộc cái xích vào. Chó sói ngạc nhiên kêu lên: Xích hả? Vâỵ bạn không được đi lại tự do như bạn muốn hả? Chó nhà nói: Không hoàn toàn như vậy. Có lẽ họ thấy tôi có vẻ hơi hung dữ nên ban ngày họ buộc tôi lại, nhưng bảo đảm với bạn là tôi hoàn toàn được tự do vào ban đêm. Ông chủ cho tôi ăn bằng dĩa riêng và mấy người giúp việc thường cho tôi món ngon nữa. Mọi người đều thích tôi nên không có vấn đề gì hết. Ồ, bạn đi đâu vậy? Chó sói nói: Thôi nhé, chúc bạn ngủ ngon. Được bạn mời món ngon, nhưng với tôi, thà một mẩu bánh mì khô mà được tự do còn hơn bữa tiệc sang trọng của nhà vua mà bị xích.
Thông điệp của truyện: Thà đói mà tự do còn hơn no mà nô lệ. (*)
Thông điệp trên là của Aesop nhưng người kể lại truyện này có lời bình thêm như sau:
Nếu hiểu tự do là không bị ràng buộc bất cứ thứ gì thì đó là thứ tự do không bao giờ có. Con chó nhà bị ràng buộc bởi công việc và sợi xích thì con chó sói bị ràng buộc bởi thời tiết và đói khát. Tự do chỉ ở mức tương đối.
Mỗi người do hoàn cảnh, khả năng, tâm tính, sức khỏe và sở thích riêng mà chọn lựa cho mình một nơi, một nghề, một lối sống thích hợp, không ai giống ai. Người thành phố cho rằng cuộc sống ở thôn quê hay miền núi khó khăn, cực khổ, ngược lại, người ở những vùng đó lại chê thành phố là ô nhiểm, ồn ào, không tình cảm. Ngay cả sự tự do hay hạnh phúc, không phải ai cũng có quan điểm giống nhau.

CON CHÓ HUNG DỮ
Có một con chó hung dữ và nghịch ngợm đến nỗi chủ nó phải buộc một cái chuông nặng vào cổ nó để ngăn nó cắn người và làm phiền hàng xóm.
Con chó lấy làm hãnh diện về cái chuông đó và cứ đi diễu quanh chợ, vừa đi vừa lắc chuông ẩm ỹ để gây chú ý.
Bạn nó, một con chó lém lĩnh, nói thầm vào tai nó: Nhỏ nhỏ thôi, đừng ầm ỹ quá. Cái mầy đeo không phải để thưởng công gì mà là dấu hiệu của sự ô nhục.
Thông điệp của truyện: Người ta thường nhầm lẫn tai tiếng với danh tiếng và sẵn sàng làm những việc điên rồ để được nhiều người chú ý.
Lời bàn thêm của người kể lại: Câu chuyện này được kể khoảng 2800 năm trước tại Hy Lạp nhưng đến nay người ta vẫn thường xuyên cố tình làm những chuyện trái đời, tạo ra xì-căng-đan (scandal) để được nổi tiếng, nhất là trong giới showbiz. Khi người ta có nhiều tiền mà thiếu cái chuẩn mực đạo đức và văn hóa thì sẽ nảy sinh ra vô vàn những thói hư tật xấu. 
NKP
*http://www.aesopfables.com/aesop1.html / The Dog and the Wolf / Moral of the story: Better starve free than be a fat slave.

Thứ Năm, 9 tháng 11, 2017

CHUYỆN CÂY MƯNG - Tạp bút


Quê tôi có một cái đầm, gọi là đầm Miếu Cô.  Ngày xửa ngày xưa có một cô gái ngày ngày cầm dũi ra đầm dũi cá, rủi thay bị sẩy chân xuống lầy mất tăm mất tích. Nghe nói cô gái linh thiêng lắm nên người ta xây miếu bên cạnh đầm để thờ. Quanh miếu dần dần mọc lên một rú rậm, hầu hết là cây mưng. Mưng thích mọc bên bờ nước và chúng phát triển rất nhanh, cây nào cũng cao lớn. Người dân làng cần củi đốt nhưng họ không dám vào chặt mưng vì sợ cô bắt. 

Có một con suối chảy vào đầm phía tây và chảy ra phía đông, vào mùa hè thường trôi lềnh bềnh những đám hoa mưng giống như hội hoa đăng, đẹp không thể tả. Bọn con nít giữ trâu có đứa lấy bông mưng kết thành vòng hoa quàng cổ. 

Cái đầm miếu cô và rú mưng  đã được vài trăm tuổi. Đó là khu vực linh thiêng ít ai dám xâm phạm. 

Thế nhưng chẳng có gì trên đời này mà tồn tại mãi. 

Cách đây chừng hai chục năm, tôi về thăm quê, định ra con suối ngày xưa để câu cá, thì hỡi ôi, không hiểu vì cớ gì người ta đã đập nát miếu cô từ lúc nào. Rú mưng không còn linh thiêng nữa và bà con dân làng tha hồ vào chặt cành lấy củi. Chặt cành vì cây mọc trên đất lầy, nếu lấy gốc thì biết phơi bao giờ cho khô. 

Những cây mưng có vài trăm tuổi có sức sống dẻo dai  đến kì lạ. Càng chặt chúng càng đâm nhánh mới. Lại chặt, lại đâm nhánh mới. Chính vì thế nên cây mưng có hình dáng khúc khỷu, uốn lượn tự nhiên, biến thành những cây bon-sai cổ thụ lúc nào không hay. 

Có lần gần tết, tôi ngồi uống cà phê bên hè phố thấy người ta kéo cây đi bán,  tôi hỏi mấy thằng bạn: Cây gì trông giống cây mưng ở quê tao vậy, tụi bay? Tụi nó cười ha hả dễu cợt: Cây lộc vừng  sang trọng đáng tiền triệu của người ta mà mầy nói cây mưng cây mững gì, thằng này quê quá. Tôi dòm kỹ thì đúng là cây mưng. Tôi nghĩ bụng, chuyến này mình về quê bứng vài cây mưng ra phố bán thì chắc đủ tiền tiêu tết. 

Nghĩ là về quê liền, thế nhưng khi về đến nơi, hỏi ra thì rú mưng đã bị bứng sạch không còn lấy một gốc, chỉ còn trơ cái đầm nông choèn trông rất vô duyên. Bà con kể rằng có mấy người trên tỉnh về săn lùng cây kiểng vào đầm lén đào gốc mưng nhưng bị người đốn củi chặn lại. Họ trả giá rất cao và lúc này chính dân làng đua nhau đào gốc bán cho họ. Họ không gọi những cây này là cây mưng mà là lộc vừng. 

Thế là hết miếu cô với những câu chuyện linh thiêng, hết rú mưng rậm rạp vang lừng tiếng chim và tiếng kêu của những con cuốc mùa hè, và thôi rồi con suối đầy hoa mưng đỏ trôi lềnh bềnh. 

Đi đến những nhà hàng hoặc những quán cà phê sang trọng, người ta lại trông thấy những cây lộc vừng phơi thân trần sần sùi, đứng rất điệu đàng bên những hòn non bộ với con suối giả, nước chảy róc rách, trên đầu nguồn, hơi nước phun mờ ảo như cảnh thần tiên. Cây mưng lên đời, đã không còn cái chân quê, dường như đang làm bộ làm tịch như những cô gái làng lên tỉnh bán bia mặc váy mini ngắn cũn cỡn, cũng đẹp và khêu gợi chẳng kém gì ai, vừa rót bia vừa xoay xoay chai rất điệu nghệ. Hiếm khi người ta thấy cây mưng ở phố trổ hoa rộ như hồi còn ở đồng quê nếu nó không được trồng bên bờ sông hoặc bờ hồ, cũng như hiếm khi người ta thấy các cô gái bán bia bưng miệng thẹn thùng khúc khích cười duyên như khi ngồi giặt áo bên bến sông. 

Những cây mưng quê âm thầm bên đầm được người thành phố mang về tỉa tót, những cô gái quê chân lấm tay bùn được thoa phấn son, ăn mặc khêu gợi, đươc huấn luyện để biến thành món hàng làm giàu cho những người biết cách để móc túi những gã gốc nhà quê mới giàu lên nhờ có công ăn việc làm béo bở tại thành phố. 

Chuyện miếu cô tưởng như vậy là hết nhưng tháng Ba âm lịch vừa rồi, tôi nhận được giấy mời từ quê gởi vào: "Trân trọng mời anh về dự lễ khánh thành Miếu Cô vừa được xây dựng xong."


Thứ Ba, 22 tháng 8, 2017

CHIM CHÀO MÀO - Truyện ngắn


CHIM CHÀO MÀO
Truyện ngắn
Nguyễn Khắc Phước
    
Thấy bạn bè nuôi chim, tôi cũng kiếm cái lồng, mua một chú chào mào thả vào nuôi cho vui. Tôi chọn chào mào vì ngày xưa ở quê bố tôi chỉ thích nuôi chào mào và vì chúng hót thật hay.

Người ta có thể bắt chim bằng cách nhái được tiếng của chúng, riêng tiếng chào mào thì không ai nhái được vì tiếng kêu của nó có nhiều cung bậc khác nhau, khi bổng khi trầm, tiếng trong tiếng đục và liếng thoắng một hơi dài, người ta gọi là giọng thổ đồng, nghe rất khoái lỗ tai. Đang buồn mấy nghe tiếng chào mào kêu cũng thành vui. Nhớ quê mà nghe được tiếng chào mào thì lòng cũng nhẹ nhõm.   
 
Thế nhưng con chào mào của tôi đã hơn một tuổi rồi vẫn không một tiếng hót. Bạn bè đến chơi, có người nói chim anh ta chưa mọc hết lông đuôi đã biết kêu bảy tám tiếng. Có người bày tôi thay đổi thực phẩm, thay lồng lớn hơn, đem lồng treo ngoài vườn cho nó bắt chước tiếng đồng loại. Thế nhưng mọi biện pháp đều vô ích. Tôi định đem thả nó và mua con khác nhưng thằng con mười tuổi của tôi không chịu. Nó không cần tiếng hót vì nó chưa nghe chim chào mào hót bao giờ. Nó sợ thả ra thì chim đói chết. Tôi định bụng hôm nào đó sẽ mua một con biết hót, lớn bằng con này và thả vào lồng khi con tôi đang ở trường.    

Một bữa nọ tôi chở thằng con đến trường xong quay về nhà . Vừa mở cổng thì nghe trong vườn có tiếng chim chớp mào hót. Tôi ngẫn người ra. Tiếng chim quá tuyệt vời tôi chưa bao giờ nghe con chào mào hót hay thế kể cả những con chào mào của bố tôi ngày xưa.  Nó hót một tràng có đến ba mươi giây và rồi tiếp một tràng khác liền sau đó. Chắc là giọng thổ đồng đây rồi. Tiếng hót như một khúc nhạc được diễn tấu bởi một nhạc công trứ danh: dồn dập, liếng thoắng, trầm bổng, trong trẻo và dần cao vút lên. Tôi cảm thấy tâm hồn mình phơi phới nhẹ tưng. Tôi lắng nghe một hồi và biết nó đang ở trên cây khế trước nhà. Anh này muốn đến tán chim nhà tôi đây. Cứ ở đó mà hót, ta sẽ có cách bắt chú mầy. Không dưng mình lại có một con chim hót cực tuyệt.  
  
Tôi lén ra phía sau nhà nơi treo sẵn cái lồng sập. Lấy cái lồng sập xuống tôi kiểm tra lưới, cài  lên rồi đưa ngón tay vào thử xem lưới có sập không. Tốt! Quá nhạy! Tôi vào cửa sau định bụng ra hiên  lấy lồng chim chào mào xuống và thả con chào mào của tôi vào lồng sập để làm mồi. Thế nhưng hỡi ôi, cái cửa lồng mở toang và con chào mào của tôi đã bay mất. Tôi nhớ hồi sáng vì vội đưa con đến trường cho kịp giờ học nên đã quên đóng cửa lồng. Tôi dậm chân muốn kêu trời nhưng lại thôi vì tiếng chim ngoài kia vẫn đang thánh thót.  

Tôi rón rén nhẹ nhàng từ từ di chuyển đến gốc khế và nhìn lên. Hình như con chim thấy tôi nhưng nó không bay đi, chỉ nhảy lên một nhánh cao hơn. Chim nhà ai mà dạn dĩ thế này? Nhìn kỹ thì nó giống y chang con chào mào bạc má có cườm quanh ức của tôi. Đúng rồi, nó là con chim của tôi đã sẩy lồng ra đây. Không thể có con nào giống nó như đúc vậy được. Tôi mừng quá, con chim tôi không những biết hót mà hót hay vào bậc nhất. Nhưng tại sao bấy lâu nay ở trong lồng nó không hót nhỉ? Một tiếng cũng không.

NKP

CON NGƯỜI TA CÓ CÁI SỐ - Truyện ngắn

CON NGƯỜI TA CÓ CÁI SỐ

Truyện ngắn

     Sau ngày đất nước thống nhất, tôi nộp đơn xin làm ở một hợp tác xã. Hồ sơ xin việc phải có lý lịch được chính quyền địa phương chứng nhận. Tôi nghĩ mãi vẫn không kiếm ra một người bà con bên nội có tham gia cách mạng để khai vào lí lịch, bèn hỏi mẹ tôi. Mẹ tôi nói: "Cậu Thu mầy đi tập kết ra miền Bắc nghe nói làm bác sĩ, mầy không biết sao?" Tôi hý hửng khai vào lý lịch và đem lên Ủy Ban chứng nhưng họ từ chối, biểu về viết lại. Hỏi ra mới biết cậu tôi chỉ là dược sĩ đông y ở một bệnh viện huyện nào đó, không hiểu sao sau khi hòa bình bốn năm vẫn chưa về quê.

     Mợ tôi và thằng con trai đợi cậu hai chục năm không có tin tức rồi phải đợi thêm năm năm nữa cậu mới xuất hiện. Sau giây phút mừng rỡ cha con vợ chồng gặp nhau, câu đầu tiên cậu nói với mợ là xin đem bà vợ hai và hai thằng con trai ngoài ấy vào trong này sinh sống. Mợ và thằng con, sau ít phút ngạc nhiên, dần dần chuyển sang tức giận. Mợ chỉ khóc nhưng thằng con cương quyết đuổi bố nó đi.

     Cậu mang ba lô trở ra miền Bắc. Một vài tháng sau cậu lại trở vào cũng chỉ một mình. Cậu chuyển vào công tác tại một trạm đông y của huyện nhà và ở đó luôn không về nhà. Nghe nói mợ hai và hai thằng con ngoài kia cũng đuổi cậu đi khi được tin cậu đã có vợ con trong này.

    Thế là từ một người có gia đình với hai vợ và ba con trai nay trở thành người độc thân. Mỗi lần mẹ tôi đến thăm cậu, thường nghe cậu nguyền rũa mấy thằng con trai. Thề sẽ lấy vợ lần thứ ba và sẽ sinh con gái. Chuyện lấy vợ không khó khăn gì vì cậu tôi  mặc dù lớn tuổi vẫn trắng trẻo đẹp trai như thanh niên. Và rồi cậu tôi lấy vợ thứ ba thật. Đó là cô cấp dưỡng ở bệnh xá bấy lâu thường ngày nấu cơm cho cậu tôi ăn. Và đúng với ý nguyện của cậu, mợ ba sinh cho cậu một cô con gái.

   Sau khi mừng rỡ sinh được con gái mẹ tròn con vuông thì cậu tôi bắt đầu lo lắng vì con gái cậu có vẻ không bình thường. Càng lớn nó càng tỏ vẻ đờ đẫn, chậm phát triển về trí tuệ. Khám bệnh bác sĩ nầy cho là có triệu chứng bệnh đao, bác sĩ khác cho là bị nhiểm chất độc da cam. Môi nó dày, mắt to và lồi, người mập ú. Suốt ngày thấy gì cũng cười. Đặc biệt từ nhỏ đến lớn nó chỉ đòi cậu bồng ẵm, chăm sóc. Con bé nay đã hơn mười lăm tuổi chưa hề đi đến trường. Hằng ngày bố nó phải bưng cơm, kêu hà hà cơm này cơm này rồi đút cho nó như một đứa lên hai, chiều đến phải dắt nó vô nhà vệ sinh dội nước kì cọ tắm rửa. Tối nó vẫn ngủ với bố nó như từ bé đến nay, không chịu ngủ với mẹ hay ngủ một mình. Nghe nói thậm chí khi nó tới tháng, bố nó cũng phải thay băng vệ sinh, làm sạch chỗ dơ cho nó.   

      Việc chăm sóc một người bệnh từ đầu chí cuối với cậu không khó vì dù sao cậu cũng làm trong ngành y, nhưng điểm lại cuộc sống gia đình, vợ con của cậu thì chỉ thấy toàn khổ với khổ. Tôi hỏi sao cậu khổ mãi thế, mẹ tôi chỉ phán một câu: Con người ta có cái số và số của cậu mầy là vậy.


NKP

Thứ Hai, 21 tháng 8, 2017

CON VỊT QUA CA DAO


Lời thưa: Năm Dậu nói chuyện gà, vậy năm gì nói chuyện vịt? Không có năm nào cả bởi con vịt không có mặt trong 12 con giáp. Thấy thương con vịt quá nên tôi viết bài này. 

CON VỊT QUA CA DAO

Mùa hè bạn thường về miền quê để du ngoạn hay thăm bà con, làng xóm, quê cha đất tổ. Thật thoải mái biết bao khi đi ngang qua cánh đồng lúa xanh rì gợn sóng bồng bềnh mát rượi nhờ ngọn gió nồm êm ái. Cảm giác ấy tràn trề hơn hơn khi thấy trên cánh đồng có một hồ nước điểm những hoa sen trắng hồng, hoa súng tím vàng và một đàn vịt đang bơi hiền hoà trên mặt nước. Cảm giác thoải mái lên đến tột cùng khi bạn nghe văng vẳng đâu đây giọng hò của anh nông dân đang đạp guồng nước và chị thôn nữ đang nhổ cỏ lúa trên đồng.

Câu hò như thế này:

Con vịt nó kêu "cặp cặp"
Nó kêu không hồi không chặp kêu khắp dòng sông
Kêu "Đào hoa giang thượng tương chiếu hồng "
Kêu trai chưa vợ gái chưa chồng thành đôi
Kêu rồi nước chảy hoa trôi
Tiếng thời kêu "cặp" nhưng mồ côi một mình
- Con gà nó kêu "Chiếc chiếc"
Hắn kêu tha thiết kêu cả năm canh
Kêu: "Cô sản lưu thủy bất vị thần "
Trời kia khéo để duyên lành nhở nhơ
May mô ngộ gặp tình cờ
Tuy rằng kêu "Chiếc" nhưng bây giờ thành đôi.


Vịt không chỉ lội trên đồng, vịt còn đi vào trong câu hò câu hát. Con vịt gắn liền với đời sống kinh tế cũng như tình cảm của người nông dân. Nơi nào có đồng, có ruộng, có cái ao nho nhỏ là nơi ấy có vịt, thứ gia cầm dễ nuôi ít bệnh tật hơn gà.

Không kể những người nuôi vịt chạy đồng để làm kinh tế, bất cứ hộ gia đình nào cũng nuôi dăm con vịt chủ yếu để lấy trứng hoặc giết thịt. Người nông dân hằng ngày qua bữa bằng dưa cà còn vịt thì dành cho những dịp quan trọng:

Ra công trồng một vườn cà
Cà đem muối mặn cả nhà ăn chung
Vịt gà nuôi béo nhốt lồng
Chờ khi giỗ chạp vặt lông cúng thờ.

Đôi khi ông chồng muốn làm một con để ăn cho đỡ thèm thì bà vợ khoát tay:

Thôi thôi đừng vịt đừng gà
Cà non chắm mắm cà già làm dưa

Cụ Nguyễn Khuyến có ao, có vườn nhưng rất tiếc Cụ không nuôi vịt mà chỉ nuôi dăm con gà thả rông, để khi khách đến thì than: "Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà", vì nếu có vịt thì rất dễ đuổi bắt, trái lại,  những người nông dân mặc dù hiếm khi tự cho phép mình ăn thịt vịt nhà nhưng khá rộng rãi:

Ao ta ta thả cá chơi
Vườn rộng nuôi vịt, vườn khơi nuôi gà
Quanh năm khách khứa đến nhà
Ao vườn sẵn có lọ là tìm đâu.

Hay là: Khách đến nhà không gà thì vịt.

Người thành phố không mấy ai nuôi vịt nhưng có thịt vịt để ăn quanh năm. Thịt vịt là món bình dân. Sáng ra mới mở mắt thì đã nghe rao:

Cháo gà cháo vịt cháo thịt cháo cua
Cháo rùa cháo ếch cháo lệt cháo lươn
Mới ra đường nóng hổi vứa thổi vừa ăn
Cháo đây!

Ngoài thịt vịt, trứng vịt lộn cũng là món ăn khoái khẩu của người Việt ở thành phố. Nhà văn Lê Phi đã viết về nghề bán trứng vịt lộn ở Huế như sau: Thành phố Huế vào khuya lẫn trong tiếng động cơ thưa thớt là những lời rao: “Ai lộn đây…lộn nào…” nhọc nhằn của những phụ nữ nghèo mưu sinh chốn thị thành nhờ thúng trứng vịt lộn. (Lê Phi, Dân Trí, 20-4-08).

Những cái tên của các bà, các chị đã đi vào ca dao:

Ở Phú bài có cô Chín, cô Hai
Ở An Cựu có bà Tú, bà Ca,i bà Nghè
Trong thành nội có mấy o bán chè
Ngoài thành nội có mấy bà bán hột vịt lộn rao rè cả đêm.

(Bà Tú, bà Cai, bà Nghè mà phải đi bán trứng vịt lộn thì các bạn có thể đoán câu ca dao nầy xuất hiện vào thời điểm nào.)

Người sành ăn thịt vịt biết chọn vịt nào để làm thịt:
Vịt già gà non.

Thịt vịt thì hiền nhưng trứng vịt thì người đang ốm phải coi chừng: Gà độc thịt, vịt độc trứng.

Thịt vịt và trứng vịt là thực phẩm cho người còn vịt con thì:
Bao phen quạ nói với diều
Ngả Kinh Ông Hóng có nhiều vịt con.

(Kênh ông Hóng ở Bình Lãng, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An.)

Con vịt không chỉ là thực phẩm hay thương phẩm mà hình ảnh hiền hoà dễ thương cuả nó xuất hiện trong nhiều tình huống để làm vật trung gian, tạo điều kiện thuận lợi cho con người giao tiếp với nhau.

Ao bèo hồ sen với đàn vịt lội là nơi nhiều mối tình quê nẩy nở.

Chiều chiều vịt lội bàu sen
Để anh lên xuống làm quen với nàng.


Chiều chiều vịt lộ bờ làng
Thương người áo trắng vá quàng nửa vai

(Vịt lội bàu sen mà em cũng có thể đang lội bàu sen đang chăn vịt hay hái bèo. Có em thì có vịt. Em và vịt hai hình ảnh gắn liền nhau. Vịt dễ thương mà em cũng dễ thương.)

Và là nơi hẹn hò của bao cặp tình nhân.

Ngập ngừng vịt lội ao sen
Bữa nay gặp lại người quen tôi mừng.

(Vịt xuất hiện thì em cũng có mặt. Vịt là dấu hiệu của em. Vịt là cầu nối là kẻ mối mai se kết cho tình duyên của anh và em. Thương em thương cả...đàn vịt của em.)

Thế nên khi  phải xa nhau thì hình ảnh con vịt  gợi nhớ đến người mình yêu. Nếu là phụ nữ có chồng đi xa thì:

Vịt nằm bờ mía rỉa lông
Cám cảnh thương chồng nhạn lạc đằng xa.

Người đi xa lại cảm thấy lo lắng cho người yêu người vợ đang ở quê nhà vào mùa nước nổi. Khi nước lớn, con vịt lội tung tăng chẳng có gì nguy hiểm còn người vợ một thân một mình bên giòng nước xiết thì biết bao là hiểm nguy.

Chiều chiều vịt lội mênh mông
Cầu trôi ván nổi ai bồng em qua.


Khi đôi uyên ương quyết định thành vợ chồng thì con vịt cũng là món sính lễ:

Người ta giàu thì đầu heo nọng thịt
Tụi mình nghèo thì cặp vịt đôi bông
Sao mai mọc buổi hừng đông
Ước sao nên vợ nên chồng thì thôi.

Hình ảnh con vịt còn đi vào ngôn ngữ dân gian.


Khi uống vào mấy xị thì ông nào cũng hăng tiết vịt phê bình bạn mình là đá gà đá vịt nghĩa là làm ăn qua loa. Vợ chồng không hợp ý nhay, ông nói gà, bà nói vịt, chẳng ai nghe lời ai. Nói quá đến khi khan cổ thì nói khàn khàn như vịt đực. Không ưng thì thôi chớ mắc chi mà chê người ta: đầu gà đít vịt và thấp lè tè như vịt.

Các thầy cô giáo thường khổ sở vì các học sinh lười biếng, nói không chịu nghe, khuyên bảo gì cũng như nước đổ đầu vịt. Nhiều học trò thời nay suốt đêm thức chơi game và tới lớp thì ngủ gà ngủ vịt. Nếu thầy giáo lỡ quát mắng hay đánh học trò thì không dưng phải vạ vịt. Trẻ con cùng lứa tuổi thì xấp xỉ ngang nhau như trứng gà trứng vịt. Cũng có đứa thông minh nhưng gặp thầy giáo nghiêm khắc thì trò ra trò, thầy ra thầy, trứng không thể nào khôn hơn vịt.

Tội nghiệp những đứa trẻ mất mẹ phải sống với mẹ kế bởi vì: Mẹ gà con vịt chít chiu. Mấy đời dì ghẻ mà yêu con chồng.

(Vì vịt không ấp trứng nên nhờ gà mẹ ấp giúp, nở ra vịt con. Lúc nhỏ không nhận ra nhưng sau một hai tuần trộng trộng, gà mẹ thấy vịt khác với con mình, thường mổ cắn để đuổi đi.)

Trong bức tranh miền quê, hình ảnh con vịt trên hồ sen đem lại cảm giác an bình. Hình ảnh ấy gắn liền với những tình cảm thật thà, chơn chất, với những gì thân thương nhất như người yêu, người vợ, người chồng và đôi khi cả người mẹ nữa:

Lắng nghe chim vịt kêu chiều
Bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau.

Mặc dù đó là con vịt trời nhưng cũng là vịt đấy thôi.

Con vịt có nhiều ý nghĩa như thế, thịt vịt đối với người dân quê quý giá đến thế nên mẹ của bạn và cả gia đình bà con đang trông ngóng bạn về để thết bạn  thứ vịt đã được vổ béo bằng thứ lúa chín rụng sau mùa gặt, bằng con tôm, con tép dưới ao, bằng con giun, con dế trong vườn, là thứ thịt vịt ngon không thể nào tả được và đặc biệt thơm tho tình cảm quê hương.

Mai bạn có về quê cho tôi về cùng với nhé.

NKP



Thứ Hai, 7 tháng 8, 2017

TÌNH EM VIỄN XỨ - Võ Làng Trâm họa thơ NK Phước

GẶP LẠI NGƯỜI XƯA
Tặng các bạn đồng môn Hải Lăng & Nguyễn Hoàng.

Mấy chục năm trời ta lạc nhau
Mây bay trăm hướng biết về đâu
Quê nghèo vắng bóng người mi biếc
Xứ lạ đơn thân kẻ áo nhầu
Họ nói em theo chồng phá rẩy
Người đồn anh xuống biển lên tàu
Tình cờ tái ngộ bên sông cũ
Bối rối mắt nhìn chẳng một câu.
NKP

Bài họa:
TÌNH EM VIỄN XỨ
Bom vùi đạn lạc phải xa nhau
Có dịp chia tay nói chuyện đâu
Bạn bị đôn quân thi cử bỏ
Mình lo tị nạn áo quần nhàu
Xót xa biết mấy khi lìa xứ
Tê tái làm sao buổi xuống tàu
Người hỡi thôi đành xin giữ kín
Hồn thơ khô cạn chẳng thành câu . . .

Võ Làng Trâm

Thứ Ba, 4 tháng 7, 2017

BẠN CŨ - Truyện ngắn

BẠN CŨ
Truyện ngắn

Hơn chục năm nay, nhóm bạn cùng lớp 3 thằng: Xê, Lô, Cáp, đều U60, hầu như cuối tuần nào cũng tập họp ở quán cà phê bên bờ sông khá đẹp của thị xã để tán gẩu chuyện trên trời dưới đất cho đỡ buồn, nhưng nói hoài cũng hết chuyện.
Một hôm có thêm Ất từ nước ngoài dẫn vợ về thăm quê mấy ngày, nhóm cà phê trở nên rôm rả. Sau khi hỏi thăm về tình hình gia đình, dâu rể mấy người, cháu nội ngoại mấy đứa, cuối cùng rôm rả nhất là chuyện sức khỏe đàn ông. Ông nào cũng than thở rằng trên bảo dưới không nghe, khiến các bà vợ cứ mở miệng là ông không được chi hết mặc dù ông chẳng hề làm chi sai, và cũng chẳng thèm mở miệng khen một tiếng mặc dù ông vừa khéo léo sửa xong cái máng xối, vá xong mái tôn để chuẩn bị mùa mưa, sơn xong cái xe đạp mini cho cháu nội…
Cuối buổi cà phê, Ất nghe Xê than thở nhiều nhất nên nói với Xê: Tau có mang theo 2 viên Viagra để dùng, mi lấy 1 viên xài thử, nếu thấy ok thì lúc nào cần, ra tiệm thuốc tây mua mà dùng tiếp. Thuốc này khá đắt, một ngày công thợ nề của mi chỉ mua được một viên rưởi.
Thực ra, Ất có một vỉ 4 viên nhưng nói láo chỉ có 2 viên.
Hôm sau vợ Cáp đi chợ, ngạc nhiên thấy vợ Xê sao bữa nay mặt mày hồng hào tươi tỉnh, cặp mắt sang trưng, cử chỉ hoạt bát, miệng cười tươi rói, chào hỏi hết sức thân mật, không như mọi hôm, mặt nhăn mày nhó, cứ cằn nhằn ông xã tui tệ quá, dở quá, chi chi mô mô …
Vợ Cáp hỏi: Mới trúng số hay răng mà vui dữ rứa?
Vợ Xê nói thầm vào tai vợ Cáp: Không biết ông Ất cho ông Xê cái thuốc bổ chi mà hồi hôm ông húc như trâu. Nói thiệt, từ cha sanh mẹ đẻ tới chừ mới được một bữa…
Vợ Cáp nói: Để tui biểu ông Cáp xin ông Ất một viên, không biết có còn không.
Chiều hôm đó, Cáp gọi cho Ất: Nghe vợ tau nói mi cho thằng Xê cái thuốc chi đó mà hồi hôm hắn mạnh như voi, hắn cạp vợ hắn cả đêm. Cho tau một viên xài thử.
Ất nói: OK, tới đây. Tau chỉ còn một viên để dành phục vụ bà xã, nhưng thôi, tặng mi cũng được.
Sáng hôm sau, gặp vợ Cáp ở chợ, vợ Xê hỏi:
Hồi hôm ra răng, có đạt yêu cầu không?
Vợ Cáp tiu nghỉu: Nhanh như thổi bong bóng cho cháu chơi, được mấy giây là nổ cái bụp. Mi hỏi ông xã mi dùng cách răng chớ ông xã tau ngó bộ không biết chi trơn. Không lẽ ông Ất cho thuốc giả?
Chiều hôm đó Ất gọi điện hỏi Cáp, Cáp nói:
Tau tiết kiệm nên bẻ làm hai, chỉ ngậm một nửa dưới lưỡi.
Cũng chiều hôm đó, Lô gọi Ất để xin một viên.
Ất nói: Tiếc quá, chỉ có hai viên cho hai thằng rồi. Tau thấy mi còn phong độ chán, cần chi thứ đó? Tới đây chở tau đi nhậu, tau sẽ có cách.
Ất nghĩ đến lọ thuốc bổ đa sinh tố One A Day có mang theo, có thể dùng làm giả dược.
Ở quán thịt dê, Ất đưa cho Lô một viên sinh tố và dặn dò:
Bữa ni tau bao, nhưng chiều mai, chỉ hai vợ chồng mi thôi, tới tại tiệm thịt dê này nhậu một bữa, trước khi ăn uống viên thuốc này, ăn xong ra ghế đá bờ sông ngồi ôm nhau như thuở mới quen. Chừng một giờ sau thì dẫn nhau đến khách sạn, vào mở vòi sen hay bể tắm cùng tắm chung, kỳ cọ vuốt ve nhau, sau đó lên giường làm như thuở mới cưới, mơn trớn nhau một giờ, chịu khó ô ran cho điệu, biểu bà xã hen zop cho lâu.
Lô hỏi: Mi nói ô ran với hen zop là răng, tau không hiểu?
Ất nói: Mi coi mấy hình trong điện thoại của tau đây là hiểu ngay.
Hai ngày sau, Lô gọi cho Ất: Cảm ơn viên thuốc và hướng dẫn của mi, nghe.
Ất hỏi: Kết quả ra răng mà cảm ơn?
Lô nói: Kết quả khả quan, mi ơi. Mụ vợ tau nói giá mà mình biết làm như ri từ hồi mới cưới thì …

Nguyễn Khắc Phước