Thứ Sáu, 28 tháng 11, 2014

CẢM NHẬN VỀ TÌNH YÊU QUA CA KHÚC "TÌNH KHÚC ĐÊM XUÂN"CỦA CAO HỮU ĐIỀN


CẢM NHẬN VỀ TÌNH YÊU 
QUA CA KHÚC "TÌNH KHÚC ĐÊM XUÂN" 
CỦA CAO HỮU ĐIỀN

Nguyễn Khắc Phước


Ca khúc TÌNH KHÚC ĐÊM XUÂN của Cao Hữu Điền có hai lời, lời 1 của nhà thơ Phương Xích Lô, lời 2 của chính nhạc sĩ, và cả hai tác giả đều khá nổi tiếng trong giới văn học nghệ thuật đất Thần Kinh.


Vì tình yêu là thứ không nhìn thấy được nên cả hai tác giả  đều dùng những hình ảnh có tính ẩn dụ - dùng cái cụ thể để gọi tên những cái trừu tượng -   để diễn tả cho hết ý nghĩa tình yêu tha thiết  đậm đà say đắm của mình.

Phương Xích Lô sáng tác bài thơ này vào lúc giao thừa nên anh không tránh khỏi quan niệm cho rằng giao thừa là thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới - một̀ thời điểm quan trọng, trời đất giao hòa, âm dương hòa quyện để vạn vật bừng lên sức sống mới. Sự kết hợp giữa trời và đất là sự kết hợp dường như cố định và vĩnh viễn, vô thủy vô chung,  do bàn tay tạo hóa, ngoài sự hiểu biết của con người. Trời và đất là hai thực thể không bao giờ rời xa nhau. Có trời mới có đất, không có trời thì đất cũng không. Đất với trời là hai nhưng là một. Trong Kinh A Hàm, Phật dạy: Cái này nên cái kia có, cái này không nên cái kia không, cái này sinh nên cái kia sinh, cái này diệt nên cái kia diệt”. Đây một định về duyên sinh duyên khởi. Tất cả các pháp từ vô tình đến hữu tình đều vay mượn nhau, hỗ trợ nhau, nương tựa nhau mà sinh khởi và tồn tại. Lý duyên khởi giải thích sự tồn tại của vũ trụ và sinh vật nói chung, kể cả con người là giống hữu tình.

Mặc dù đất trời kết hợp để tạo nên vũ trụ, nhưng không phải ở đâu cũng có sự sống, mà  chỉ trên trái đất vào mùa xuân, sự sống mới đâm chồi nảy lộc.  Anh và em, chỉ có hai ta chớ không phải một người đàn ông hay một người đàn bà nào khác,  gặp nhau vào một địa điểm và thơì khắc mà có lẻ do nghiệp duyên đã định để nảy sinh tình yêu, sự sống và cả một vũ trụ riêng chỉ tồn tai có hai người và chỉ hai người đó mới trải nghiệm tường tận. Anh nương tựa vào em, em nương tựa vào anh. Sự tồn tại của một người phụ thuộc vào sự tương quan với người khác. Có anh thì có em, anh không có thì em cũng không tồn tại, tựa như sự sống tùy thuộc vào ánh sáng của mặt trời, không có mặt trời thì không có sự sống.Ta mất người yêu rồi thì vũ trụ cũng bằng không. Và có thể quan niệm này đã dẫn đến sự suy sụp về sau của anh chăng?

Đất và trời là nói đến vật chất, còn ngày và đêm, mùa đông và mùa xuân, tháng chạp và tháng giêng là nói đến thời gian. Phương Xích Lô có lẻ không có ý định diễn tả một tình yêu duy nhất có tính bất diệt, trường tồn bởi vì ngay cả vũ trụ cũng vô thường và thời khắc giao hòa đó rồi cũng qua đi. Anh nói Ôi tình yêu ta là mùa Xuân thì mùa Xuân ở đây không còn là mùa Xuân của đất trời mà là mùa Xuân trong tim, nó không có ngày tháng cụ thể mà  phụ thuộc vào  tình cảm giữa hai người, bao giờ ta còn yêu nhau thì còn mùa Xuân. Khi người ta yêu nhau say đắm thì thời gian dường như ngừng lại, mặc cho vũ trụ cơ học bên ngoài đổi thay, vũ trụ trong tim họ vẫn bất động, không lệ thuộc vào không gian, thời gian và cả nhân gian. Trịnh Công Sơn diễn tả cái vũ trụ riêng của tình yêu: Hãy yêu nhau đi khi rừng thay lá. Hãy yêu nhau đi, giòng nước đã trôi xa nhưng Phương Xích Lô chỉ nói một câu: Trời đứng yên đất mãi vần xoay !

(Những gì xảy ra về sau làm Phương Xích Lô sụp đổ, theo lời kể của Phùng Tấn Đông và Võ Thìn - hai người bạn khá thân với anh - không phải do lỗi của anh mà do anh quá tin vào vợ và bạn bè).

Nhìn bên ngoài thì thân thế, sự nghiệp, lối sống, tính tình, cách ứng xử với bạn bè và xã hội của Phương Xích Lô và Cao Hữu Điền hoàn toàn khác nhau. Thế nhưng Cao Hữu Điền đã bắt được cái gì đó trong bài thơ của Phương Xích Lô, không những phổ nhạc lại còn cảm tác thêm lời 2, dĩ nhiên, không phải để viết về tình yêu của bạn mình mà để diễn tả tình yêu của chính mình.

Mở đầu, Cao Hữu Điền viết: Ta yêu nhau như trời yêu mây. Bầu trời có thể có mây hoặc không. Không có mây, bầu trời vẫn tồn tại.  Nhưng một bầu trời không mây trở nên trống trải và cảm thấy thiếu một cái gì đó. Bầu trời không mây là bầu trời cơ học, vô cảm, có thể là bầu trời của hành tinh khác.  Trong hội họa, không ai vẽ một bầu trời không mây vì không diễn tả một cảm xúc nào cả. Cũng không ai vẽ một bầu trời đêm không trăng sao vì bức tranh sẽ là một tấm đen ngòm. Người ta có thể dự đoán chính xác thời tiết bằng căn cứ vào hình dạng của mây (và người ta cũng đoán được hạnh phúc một cặp vợ chồng ra sao khi nhìn sắc mặt người vợ).

Hãy tưởng tượng một thế giới không có phụ nữ! Có người cho rằng, lúc đó, hàng loạt nhà thơ, hoạ sĩ, văn sĩ, nhạc sĩ...sẽ tự sát vì không còn ai để cho họ ca ngợi, thăng hoa cảm xúc, trách móc, hờn dỗi, tôn thờ và đôi khi... căm hận.

Anh là bầu trời, em là mây. Em làm cho cuộc sống anh có ý nghĩa, có bồi hồi, có xúc động, có vui, có buồn, có hạnh phúc, có hờn giận, có sóng gió, có lặng êm. Anh là cây, em là cành. Cây không cành là cây khô cây héo. Em là hoa, anh là hạt mưa. Hoa đẹp nhưng hoa có hạt mưa hoa càng đẹp hơn, sinh động hơn. Sự kết hợp của hai thực thể ở đây  không phải là sự tồn tại hay không tồn tại, khác với những hình ảnh trong thơ của Phương Xích Lô. Sự kết hợp ở đây cũng không hoàn toàn quyết định sự hiện hữu của một sự vật như sự kết hợp của tứ đại trong Phật giáo, mà là sự kết hợp có tính mỹ học, như sự kết hợp của của ong và bướm, của chậu hoa bên cửa sổ, của làn gió và rèm cửa, của tài tử và giai nhân.

Trong ca khúc Đời sống không già chúng em  của Trịnh Công Sơn có đoạn: chúng em nên đời sống mãi không già. chúng em nên mặt đất luôn nở hoa. Bàn chân em đến giữa đời thế giới thêm niềm vui. Bàn tay măng non bên người tìm xoá những lo âu dài . Mặc dù đó là một ca khúc dành cho thiếu nhi nhưng Trịnh Công Sơn xem sự hiện hữu của người này luôn làm cho suộc sống người khác có ý nghĩa, một cuộc sống tràn đầy tình yêu và vị tha.

Quan niệm về tình yêu và có lẽ cả về cuộc sống của Cao Hữu Điền cũng như vậy nên cho dù sức khỏe kém vì tuổi cao, anh và phu nhân luôn hiện diện với khuôn mặt tươi cười hạnh phúc ở bất cứ cuộc gặp mặt của bạn bè và học sinh cũ nào, và ngay cả khi ở nhà anh cũng online đề gởi thơ và nhạc của anh làm món quà biếu, mang niềm vui và hạnh phúc đến cho mọi người khắp năm châu.

Nguyễn Khắc Phước

***

Ca khúc
TÌNH KHÚC ĐÊM XUÂN

Lời ca 1 : Nguyễn Phương (tức Phương Xích Lô)
Lời ca 2 : Cao Hữu Điền
Nhạc      : Cao Hữu Điền


Lời 1:
Ta hôn em trong giờ thiêng liêng,
Khi trời hôn đất, ngày hôn đêm,
Khi Mùa Đông hôn Mùa Xuân,
Và Tháng Giêng hôn Tháng Chạp !

Giữa tiếng pháo giao thừa rộn rã,
Ôi tình yêu ta là Mùa Xuân,
Và nụ hôn là hoa nở bình yên,
Ôi tình yêu, thật kỳ diệu !
Ta thấy đạo trong nụ hôn của em,
Em nghe thơ qua hơi thở nhiệm màu,
Ta và Em là con chiên Tình Giáo,
Chúa Tình Yêu đang mở rộng vòng tay, 
Đón chúng mình về quê hương đích thực,
Trời đứng yên mà đất mãi vần xoay,
Trời đứng yên mà đất mãi vần xoay !

Đêm Giao Thừa 1982


Lời 2: 

Ta yêu nhau như trời yêu mây 
Như ngày yêu đêm, cành yêu cây,
Như hạt mưa yêu nụ hoa,
Và giấc mơ yêu kiếp người,
Trong ánh nắng xuân về rực rỡ,
Ôi lòng ta như một bài ca,
Và tình Em làm tươi mát hồn ta,
Như trận mưa trong mùa Hạ !
Như mây của khung trời vẫn bay
Như dòng sông trôi trôi mãi một đời,
Như Mùa Xuân và tất cả thời gian,
Ôi tình yêu đang mở rộng vòng tay
        
Những phút bồi hồi,
Những cơn xúc động,
Trời đứng yên mà dất mãi vần xoay,
Trời đứng yên mà đất mãi vần xoay  !!!





1 nhận xét:

Ngọc Dung nói...

ND thì không rành gì về thơ,nhưng đọc cả hai lời bài Tình khúc đêm xuân ND nhận được trong mỗi lời đều có cái hay riêng của mỗi t/g,ở lời 1 ND thích nhất là câu" Ôi tình yêu ta là Mùa Xuân, Và nụ hôn là hoa nở bình yên" và ở lời 2 ND cũng rất thích câu" Ôi lòng ta như một bài ca, Và tình Em làm tươi mát hồn ta"cả hai lời thơ được bác t/g Cao Hữu Điền phổ nhạc hay lắm,ND gỡi lời chúc sức khỏe và chúc mừng đến hai hai t/g về bài nhạc thật hay,cảm ơn anh Nguyễn Khắc Phước đã chia sẻ,ngày mới vui anh nhé.