(Đọc tập thơ “Giấc mơ hái từ cơn giông”
của Nhà thơ Lê Khánh Mai, NXB Hội Nhà văn, 2008)
NGUYỄN KHẮC PHƯỚC
Khi mùa thu đến, hình ảnh những chiếc lá vàng bay tơi tả giữa bão giông hay trôi vô định trong mưa lũ thường khiến người ta liên tưởng ngay đến kiếp phù du ngắn ngủi của đời người. Cũng với cảm nhận về lẽ vô thường của cõi nhân sinh, nhưng trong thơ Lê Khánh Mai hầu như không có bóng dáng một chiếc lá vàng, mà là những chiếc lá xanh đến hết mình hoặc rụng xuống bất thường khi đang tràn đầy nhựa sống. “Đời người như chiếc lá”, điều này Lê Khánh Mai không phải là người nói đầu tiên. Từ xưa đến nay, ở Việt Nam và trên thế giới nhiều người đã nói, hơn nữa từng có những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng bởi tác phẩm viết về lá. Vậy mà những chiếc lá xanh nhỏ nhoi, bình dị trong tập thơ “Giấc mơ hái từ cơn giông” của chị vẫn được soi rọi bởi một góc nhìn mới, cách nói mới, chạm vào cõi sâu cảm xúc và suy tư của người đọc.
Những chiếc lá của Lê Khánh Mai dù xuất hiện trong thi cảnh nào cũng đều có ý nghĩa biểu trưng cho đời người và phận người vì thế nó sống động và ám ảnh. Đây là chiếc lá xanh hiện thân cho cuộc đời ngắn ngủi của một người cha: “Chiến tranh/ cha tôi không về/ chiếc lá xanh đã rụng nơi cánh rừng xa hút” (Giấc Mơ). Nhà thơ nhận ra bản chất của chiến tranh qua hình tượng chiếc lá xanh rụng xuống, như một sự hy sinh thầm lặng. Sự kết thúc đời lá, đời người ở trường hợp này hoàn toàn không tuân theo quy luật tự nhiên, nói cách khác là phi lý. Chiến tranh đã cướp đi mạng sống của con người giữa tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất. Và, hệ lụy từ chiến tranh là “Cha tôi không về/ mẹ tôi còn trẻ/ ghì vào đêm/ mẹ đi qua tuổi xuân/ đi hết phận bạc…”. Câu thơ đằm bởi nỗi đau dường như đã được nén lại nhưng người đọc vẫn còn tiếp tục suy tưởng về rất nhiều chiếc lá xanh khác đã rụng xuống trong những cánh rừng chiến tranh tàn khốc.
Với mạch tư duy như vậy, ở bài thơ Lá, Lê Khánh Mai viết: "Đưa tay ngắt chiếc lá xanh/ rưng rưng cuống lá long lanh lệ đằm/ lá như con mắt khóc thầm/ trách người sao nỡ vô tâm bạc tình/ dẫu là một kiếp phù sinh/ vẫn xanh vật vã hết mình thì thôi”.
Chiếc lá buộc phải lìa cành chấm dứt sự sống tươi xanh bởi tác động của ngoại cảnh, của một bàn tay “vô tâm” hay kẻ “bạc tình” nào đó. Lê Khánh Mai thấu hiểu nỗi đau của chiếc lá “nạn nhân” ấy qua những giọt lệ long lanh trên mắt lá. Bài thơ không dừng lại ở thái độ phê phán hành vi thiếu nhân tính trong ứng xử với thiên nhiên, gây nên cái chết tức tưởi cho lá mà nhắc nhủ con người về vai trò của thiên nhiên đối với đời sống. Dù mỏng manh, chiếc lá cũng là một sinh linh từng xanh vật vã, mang lại vẻ đẹp cho đất trời, xứng đáng được nâng niu, trân trọng. Ở một tầng nghĩa khác, Câu thơ nói về một con người đã bị tước đoạt sự sống một cách oan uổng. Lê Khánh Mai triết luận về lá cũng là nhằm khẳng định thiên chức cao cả của sự sống muôn loài là dâng hiến hết mình, đồng thời sự sống cần phải được bảo vệ vì nó rất đáng quý.
Chiếc lá trong thơ Lê Khánh Mai mang thân phận con người. Nó luôn là đối tượng, là “nhân vật” gần gũi, thân thiết để nhà thơ trao gửi nỗi niềm sâu kín. Nhất là khi tâm hồn rơi vào trạng thái đau khổ, cô đơn, thất vọng, con người thường dằn vặt suy tư về lẽ tử sinh: “Có ban mai tôi như người ốm dậy/ ngập lụt nỗi buồn, gầy guộc niềm vui/…/ bên dậu thưa bướm vật vờ cánh mỏng/ sẽ sàng một chiếc lá xanh rơi” (Chiếc lá). Chiếc lá xanh rơi “sẽ sàng”, ngỡ như vô tình và thường tình, nhưng với một tâm trạng đang “ngập lụt nỗi buồn” thì đấy là một tín hiệu, một ám thị chăng? Có thể nói chiếc lá đã tham gia vào giải mã những cảm xúc vi tế trong nội tâm con người.
Ở một bài thơ khác, bài Bạn gái thì chiếc lá lại tượng trưng cho phận đàn bà: “Mang thân đàn bà phận lá/ Nào ai lường hết nẻo tình”. Người ta vẫn quan niệm đàn bà là phái yếu, nên chiếc lá mảnh mai có vẻ như tương đồng với họ. Nhưng điều mà Lê Khánh Mai muốn chia sẻ là thân phận tình yêu của những người đàn bà. Trong muôn nẻo tình, họ luôn gánh chịu phận mỏng manh, thua thiệt, bất trắc, như chiếc lá kia ai dám chắc sẽ ngự mãi trên cành.
Có thể nói, chiếc lá luôn được Lê Khánh Mai nhìn ngắm, lắng nghe và nhận biết bằng sự nhạy cảm tinh tế và cả nghiệm sinh. Đây là lời thủ thỉ của người mẹ trẻ với con về chiếc lá: “Đêm khuya căn phòng gài kín cửa/ Mẹ nghe rất rõ/ ở ngoài kia những chiếc lá rơi (Mặt trời của mẹ) . Không gian là đêm tối và căn phòng nhỏ. Đó là thế giới thu hẹp của người đàn bà, nhưng ở một nơi ngỡ như cách biệt với vũ trụ bao la, trái tim chị vẫn hướng về những những chiếc lá, nghe rõ tiếng rơi âm thầm của nó. Và, một ngày nào đó trở về quê hương, trước khu vườn dãi dầu mưa nắng chị nhìn thấy “Lá trầu không vẫy gió những bàn tay” (Trở về). Câu thơ bình dị mà khi gấp trang sách lại người đọc vẫn thấy như hiển hiện những bàn tay xanh ngát vẫy gió ở góc vườn.
Không chỉ nghe, nhìn, Lê Khánh Mai còn hiểu thấu “bản chất” của lá hiện thân cho những đức tính tốt đẹp hiền lành, cam chịu, nhẫn nhịn, hy sinh, qua đó nêu một “tấm gương” sống: “Sao không hiền lành như lá/ Xanh dịu lòng vẫn không lời/ Dẫu lìa cành vì bão gió/ Lặng lẽ nhường cây cho chồi” (Lá và cỏ)
Đọc những câu thơ trên, bỗng nhiên tôi nhớ đến một bài pháp thoại của Thiền sư Thích Nhất Hạnh có tựa đề là Thiên Thu Trong Khoảnh Khắc trong đó có đoạn ông nói về lá như sau:
“Tám tháng là một cơ hội. Trong tám tháng đó, chiếc lá này có thể đã làm ăn rất hay… Chiếc lá này đã chứng kiến trời xanh mây trắng, đã thu nhiếp ánh sáng mặt trời, đã chế tác nhựa nguyên thành nhựa luyện, đã nuôi cây và nuôi cành…Vì vậy nên nhìn vào lá là thấy cây, nhìn vào cây là thấy lá. Nhìn vào xác lá, chúng ta đừng tưởng tất cả chiếc lá đang nằm trong xác này. Không! Chiếc lá này vẫn còn đang nằm trong cây, vì suốt cuộc đời nó đã nuôi cây.”
“Chúng ta cứ để chiếc lá này mục đi, thành đất. Và cây có thể lấy chất liệu bổ dưỡng đó để làm những chiếc lá mới. Vậy thì chiếc lá này có thể luân hồi để thành những chiếc lá khác. Nhưng nó có thể không luân hồi thành lá mà luân hồi thành cây; nó có thể không luân hồi vào cây này mà luân hồi vào cây khác.”
“Chúng ta không khác gì chiếc lá.”
Thiền sư đã nói quá đủ về chiếc lá, tôi không dám bàn thêm.
Trong truyện ngắn Chiếc Lá Cuối Cùng (The Last Leaf) của O.Henry, Johnsy, một nhân vật nữ đang thập tử nhất sinh trên giường bệnh đã gắn số phận mình vào một chiếc lá cuối cùng trên một dây leo bên tường nhà hàng xóm vào những ngày cuối thu. “Nó sẽ rụng hôm nay và mình sẽ chết cùng với nó”. Johnsy đã vận số mệnh của mình vào chiếc lá một cách tuyệt vọng. Lê Khánh Mai cũng xem cuộc đời như chiếc lá, nhưng khác với Johnsy, chị có thái độ bình tâm của một người đã chứng ngộ. Chị biết sẽ có một ngày mình hóa thành chiếc lá thảnh thơi thả mình trôi theo dòng sông để được tan biến vào đại dương, hòa nhập vào vũ trụ mà không hề tuyệt vọng, không hề sợ hãi.
“Này sông/ về đâu vội vã/ bỏ ta đứng lại bên trời/ đợi ta hóa thành chiếc lá/ theo dòng ra bể rong chơi” (Hỏi).
Nếu như hình ảnh lá trong thơ Lê Khánh Mai tượng trưng cho sự mong manh, biến ảo, vô thường thì ngược lại hình ảnh cỏ trong thơ chị mang một sức sống mãnh liệt. Nó gần gũi, thường hằng, mà vĩnh cửu, mặc dù cỏ cũng chỉ là lá mà thôi.
“Lối nhỏ ra cánh đồng/ vấn vít cỏ dại/ nhành non vươn ấm mềm/ như ngón tay con gái” (Cánh Đồng Xuân).
Nhà thơ giao hòa với cỏ trong tình cảm dịu dàng, thân thương. Đi trong lối nhỏ mà cảm nhận được tình yêu của cỏ, của thiên nhiên trời đất giành cho mình. Loài cây vốn nhỏ bé thấp thỏi này hầu như không băn khoăn với thân phận bị lãng quên. Cỏ hồn nhiên, đơn sơ và hữu ích. Điều đó phải chăng đã khiến con người tự hỏi mình:
“Sao không đơn sơ như cỏ/ âm thầm góc ruộng bờ đê/ dâng tấm thảm nhung mềm mại/ bước chân hôm sớm đi về” (Lá Và Cỏ).
Dường như bất cứ ở đâu cỏ cũng sinh sôi, bất diệt. Người ta có thể dẫm đạp, dày xéo nhưng rồi cỏ vẫn xanh tươi, khồn sức mạnh nào có thể tàn phá. Theo nghĩa đó, cỏ tượng trưng cho phẩm chất của đại đa số người lao động, đặc biệt là người nông dân chân lấm tay bùn, với cuộc sống bình dị nhưng bền bỉ, đầy sức vươn dậy. Không leo cao nên không ngã đau. Không chạy theo hư danh nên không thất vọng. Thi nhân xưa từng ca ngợi “Khi bão mới hay rằng cỏ cứng” (Nguyễn Trãi). Còn Lê Khánh Mai thì tôn vinh loài cỏ lên hàng “đạo đức cao vời”:
“Phải kiếm tìm đâu xa lạ/ thiên nhiên đạo đức cao vời/ khi tôi rạp mình trước cỏ/ nhận ra ý nghĩa làm người” (Lá và cỏ).
Đây là sự tự ngộ về lẽ sống. Học cách sống của loài cỏ. Cúi rạp trước cỏ, nâng cuộc bình dị để yêu thương và thấu hiểu một chân lý giản đơn: được sống làm người thật hạnh phúc biết bao.
Điều cuối cùng mà tôi muốn nói và cũng là điều bất ngờ tôi gặp trong thơ Lê Khánh Mai, đó là, hình tượng cỏ được chị biểu đạt cho một nhân cách thơ. Chị viết:
câu thơ nước chảy bèo trôi
vẫn nghiêng về phía phận đời khổ đau
dù không nên hạt mùa sau
xin làm hương cỏ đọng màu thời gian.
(Hương cỏ)
Thi sĩ muôn đời vẫn mang trong mình khát vọng thi ca, mong uớc ký thác tiếng nói trái tim thành thực nhất cho muôn sau. Lê Khánh Mai từng thú nhận: “Tình yêu tôi ngát hương cỏ mật, cỏ gà/ Những cọng cỏ xanh tái sinh từ bùn đất” (Tôi sinh ra từ bùn). Chị nhất quán một quan niệm nghệ thuật: thơ phải nghiêng về phía phận đời khổ đau. Và Lê Khánh Mai tâm niệm thơ mình sẽ là hương cỏ, một thứ hương đồng, làm nên từ bùn đất, cần lao mà đọng mãi với thời gian.
Đà Nẵng, tháng 8 năm 2011
N.K.P
của Nhà thơ Lê Khánh Mai, NXB Hội Nhà văn, 2008)
NGUYỄN KHẮC PHƯỚC
Khi mùa thu đến, hình ảnh những chiếc lá vàng bay tơi tả giữa bão giông hay trôi vô định trong mưa lũ thường khiến người ta liên tưởng ngay đến kiếp phù du ngắn ngủi của đời người. Cũng với cảm nhận về lẽ vô thường của cõi nhân sinh, nhưng trong thơ Lê Khánh Mai hầu như không có bóng dáng một chiếc lá vàng, mà là những chiếc lá xanh đến hết mình hoặc rụng xuống bất thường khi đang tràn đầy nhựa sống. “Đời người như chiếc lá”, điều này Lê Khánh Mai không phải là người nói đầu tiên. Từ xưa đến nay, ở Việt Nam và trên thế giới nhiều người đã nói, hơn nữa từng có những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng bởi tác phẩm viết về lá. Vậy mà những chiếc lá xanh nhỏ nhoi, bình dị trong tập thơ “Giấc mơ hái từ cơn giông” của chị vẫn được soi rọi bởi một góc nhìn mới, cách nói mới, chạm vào cõi sâu cảm xúc và suy tư của người đọc.
Những chiếc lá của Lê Khánh Mai dù xuất hiện trong thi cảnh nào cũng đều có ý nghĩa biểu trưng cho đời người và phận người vì thế nó sống động và ám ảnh. Đây là chiếc lá xanh hiện thân cho cuộc đời ngắn ngủi của một người cha: “Chiến tranh/ cha tôi không về/ chiếc lá xanh đã rụng nơi cánh rừng xa hút” (Giấc Mơ). Nhà thơ nhận ra bản chất của chiến tranh qua hình tượng chiếc lá xanh rụng xuống, như một sự hy sinh thầm lặng. Sự kết thúc đời lá, đời người ở trường hợp này hoàn toàn không tuân theo quy luật tự nhiên, nói cách khác là phi lý. Chiến tranh đã cướp đi mạng sống của con người giữa tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất. Và, hệ lụy từ chiến tranh là “Cha tôi không về/ mẹ tôi còn trẻ/ ghì vào đêm/ mẹ đi qua tuổi xuân/ đi hết phận bạc…”. Câu thơ đằm bởi nỗi đau dường như đã được nén lại nhưng người đọc vẫn còn tiếp tục suy tưởng về rất nhiều chiếc lá xanh khác đã rụng xuống trong những cánh rừng chiến tranh tàn khốc.
Với mạch tư duy như vậy, ở bài thơ Lá, Lê Khánh Mai viết: "Đưa tay ngắt chiếc lá xanh/ rưng rưng cuống lá long lanh lệ đằm/ lá như con mắt khóc thầm/ trách người sao nỡ vô tâm bạc tình/ dẫu là một kiếp phù sinh/ vẫn xanh vật vã hết mình thì thôi”.
Chiếc lá buộc phải lìa cành chấm dứt sự sống tươi xanh bởi tác động của ngoại cảnh, của một bàn tay “vô tâm” hay kẻ “bạc tình” nào đó. Lê Khánh Mai thấu hiểu nỗi đau của chiếc lá “nạn nhân” ấy qua những giọt lệ long lanh trên mắt lá. Bài thơ không dừng lại ở thái độ phê phán hành vi thiếu nhân tính trong ứng xử với thiên nhiên, gây nên cái chết tức tưởi cho lá mà nhắc nhủ con người về vai trò của thiên nhiên đối với đời sống. Dù mỏng manh, chiếc lá cũng là một sinh linh từng xanh vật vã, mang lại vẻ đẹp cho đất trời, xứng đáng được nâng niu, trân trọng. Ở một tầng nghĩa khác, Câu thơ nói về một con người đã bị tước đoạt sự sống một cách oan uổng. Lê Khánh Mai triết luận về lá cũng là nhằm khẳng định thiên chức cao cả của sự sống muôn loài là dâng hiến hết mình, đồng thời sự sống cần phải được bảo vệ vì nó rất đáng quý.
Chiếc lá trong thơ Lê Khánh Mai mang thân phận con người. Nó luôn là đối tượng, là “nhân vật” gần gũi, thân thiết để nhà thơ trao gửi nỗi niềm sâu kín. Nhất là khi tâm hồn rơi vào trạng thái đau khổ, cô đơn, thất vọng, con người thường dằn vặt suy tư về lẽ tử sinh: “Có ban mai tôi như người ốm dậy/ ngập lụt nỗi buồn, gầy guộc niềm vui/…/ bên dậu thưa bướm vật vờ cánh mỏng/ sẽ sàng một chiếc lá xanh rơi” (Chiếc lá). Chiếc lá xanh rơi “sẽ sàng”, ngỡ như vô tình và thường tình, nhưng với một tâm trạng đang “ngập lụt nỗi buồn” thì đấy là một tín hiệu, một ám thị chăng? Có thể nói chiếc lá đã tham gia vào giải mã những cảm xúc vi tế trong nội tâm con người.
Ở một bài thơ khác, bài Bạn gái thì chiếc lá lại tượng trưng cho phận đàn bà: “Mang thân đàn bà phận lá/ Nào ai lường hết nẻo tình”. Người ta vẫn quan niệm đàn bà là phái yếu, nên chiếc lá mảnh mai có vẻ như tương đồng với họ. Nhưng điều mà Lê Khánh Mai muốn chia sẻ là thân phận tình yêu của những người đàn bà. Trong muôn nẻo tình, họ luôn gánh chịu phận mỏng manh, thua thiệt, bất trắc, như chiếc lá kia ai dám chắc sẽ ngự mãi trên cành.
Có thể nói, chiếc lá luôn được Lê Khánh Mai nhìn ngắm, lắng nghe và nhận biết bằng sự nhạy cảm tinh tế và cả nghiệm sinh. Đây là lời thủ thỉ của người mẹ trẻ với con về chiếc lá: “Đêm khuya căn phòng gài kín cửa/ Mẹ nghe rất rõ/ ở ngoài kia những chiếc lá rơi (Mặt trời của mẹ) . Không gian là đêm tối và căn phòng nhỏ. Đó là thế giới thu hẹp của người đàn bà, nhưng ở một nơi ngỡ như cách biệt với vũ trụ bao la, trái tim chị vẫn hướng về những những chiếc lá, nghe rõ tiếng rơi âm thầm của nó. Và, một ngày nào đó trở về quê hương, trước khu vườn dãi dầu mưa nắng chị nhìn thấy “Lá trầu không vẫy gió những bàn tay” (Trở về). Câu thơ bình dị mà khi gấp trang sách lại người đọc vẫn thấy như hiển hiện những bàn tay xanh ngát vẫy gió ở góc vườn.
Không chỉ nghe, nhìn, Lê Khánh Mai còn hiểu thấu “bản chất” của lá hiện thân cho những đức tính tốt đẹp hiền lành, cam chịu, nhẫn nhịn, hy sinh, qua đó nêu một “tấm gương” sống: “Sao không hiền lành như lá/ Xanh dịu lòng vẫn không lời/ Dẫu lìa cành vì bão gió/ Lặng lẽ nhường cây cho chồi” (Lá và cỏ)
Đọc những câu thơ trên, bỗng nhiên tôi nhớ đến một bài pháp thoại của Thiền sư Thích Nhất Hạnh có tựa đề là Thiên Thu Trong Khoảnh Khắc trong đó có đoạn ông nói về lá như sau:
“Tám tháng là một cơ hội. Trong tám tháng đó, chiếc lá này có thể đã làm ăn rất hay… Chiếc lá này đã chứng kiến trời xanh mây trắng, đã thu nhiếp ánh sáng mặt trời, đã chế tác nhựa nguyên thành nhựa luyện, đã nuôi cây và nuôi cành…Vì vậy nên nhìn vào lá là thấy cây, nhìn vào cây là thấy lá. Nhìn vào xác lá, chúng ta đừng tưởng tất cả chiếc lá đang nằm trong xác này. Không! Chiếc lá này vẫn còn đang nằm trong cây, vì suốt cuộc đời nó đã nuôi cây.”
“Chúng ta cứ để chiếc lá này mục đi, thành đất. Và cây có thể lấy chất liệu bổ dưỡng đó để làm những chiếc lá mới. Vậy thì chiếc lá này có thể luân hồi để thành những chiếc lá khác. Nhưng nó có thể không luân hồi thành lá mà luân hồi thành cây; nó có thể không luân hồi vào cây này mà luân hồi vào cây khác.”
“Chúng ta không khác gì chiếc lá.”
Thiền sư đã nói quá đủ về chiếc lá, tôi không dám bàn thêm.
Trong truyện ngắn Chiếc Lá Cuối Cùng (The Last Leaf) của O.Henry, Johnsy, một nhân vật nữ đang thập tử nhất sinh trên giường bệnh đã gắn số phận mình vào một chiếc lá cuối cùng trên một dây leo bên tường nhà hàng xóm vào những ngày cuối thu. “Nó sẽ rụng hôm nay và mình sẽ chết cùng với nó”. Johnsy đã vận số mệnh của mình vào chiếc lá một cách tuyệt vọng. Lê Khánh Mai cũng xem cuộc đời như chiếc lá, nhưng khác với Johnsy, chị có thái độ bình tâm của một người đã chứng ngộ. Chị biết sẽ có một ngày mình hóa thành chiếc lá thảnh thơi thả mình trôi theo dòng sông để được tan biến vào đại dương, hòa nhập vào vũ trụ mà không hề tuyệt vọng, không hề sợ hãi.
“Này sông/ về đâu vội vã/ bỏ ta đứng lại bên trời/ đợi ta hóa thành chiếc lá/ theo dòng ra bể rong chơi” (Hỏi).
Nếu như hình ảnh lá trong thơ Lê Khánh Mai tượng trưng cho sự mong manh, biến ảo, vô thường thì ngược lại hình ảnh cỏ trong thơ chị mang một sức sống mãnh liệt. Nó gần gũi, thường hằng, mà vĩnh cửu, mặc dù cỏ cũng chỉ là lá mà thôi.
“Lối nhỏ ra cánh đồng/ vấn vít cỏ dại/ nhành non vươn ấm mềm/ như ngón tay con gái” (Cánh Đồng Xuân).
Nhà thơ giao hòa với cỏ trong tình cảm dịu dàng, thân thương. Đi trong lối nhỏ mà cảm nhận được tình yêu của cỏ, của thiên nhiên trời đất giành cho mình. Loài cây vốn nhỏ bé thấp thỏi này hầu như không băn khoăn với thân phận bị lãng quên. Cỏ hồn nhiên, đơn sơ và hữu ích. Điều đó phải chăng đã khiến con người tự hỏi mình:
“Sao không đơn sơ như cỏ/ âm thầm góc ruộng bờ đê/ dâng tấm thảm nhung mềm mại/ bước chân hôm sớm đi về” (Lá Và Cỏ).
Dường như bất cứ ở đâu cỏ cũng sinh sôi, bất diệt. Người ta có thể dẫm đạp, dày xéo nhưng rồi cỏ vẫn xanh tươi, khồn sức mạnh nào có thể tàn phá. Theo nghĩa đó, cỏ tượng trưng cho phẩm chất của đại đa số người lao động, đặc biệt là người nông dân chân lấm tay bùn, với cuộc sống bình dị nhưng bền bỉ, đầy sức vươn dậy. Không leo cao nên không ngã đau. Không chạy theo hư danh nên không thất vọng. Thi nhân xưa từng ca ngợi “Khi bão mới hay rằng cỏ cứng” (Nguyễn Trãi). Còn Lê Khánh Mai thì tôn vinh loài cỏ lên hàng “đạo đức cao vời”:
“Phải kiếm tìm đâu xa lạ/ thiên nhiên đạo đức cao vời/ khi tôi rạp mình trước cỏ/ nhận ra ý nghĩa làm người” (Lá và cỏ).
Đây là sự tự ngộ về lẽ sống. Học cách sống của loài cỏ. Cúi rạp trước cỏ, nâng cuộc bình dị để yêu thương và thấu hiểu một chân lý giản đơn: được sống làm người thật hạnh phúc biết bao.
Điều cuối cùng mà tôi muốn nói và cũng là điều bất ngờ tôi gặp trong thơ Lê Khánh Mai, đó là, hình tượng cỏ được chị biểu đạt cho một nhân cách thơ. Chị viết:
câu thơ nước chảy bèo trôi
vẫn nghiêng về phía phận đời khổ đau
dù không nên hạt mùa sau
xin làm hương cỏ đọng màu thời gian.
(Hương cỏ)
Thi sĩ muôn đời vẫn mang trong mình khát vọng thi ca, mong uớc ký thác tiếng nói trái tim thành thực nhất cho muôn sau. Lê Khánh Mai từng thú nhận: “Tình yêu tôi ngát hương cỏ mật, cỏ gà/ Những cọng cỏ xanh tái sinh từ bùn đất” (Tôi sinh ra từ bùn). Chị nhất quán một quan niệm nghệ thuật: thơ phải nghiêng về phía phận đời khổ đau. Và Lê Khánh Mai tâm niệm thơ mình sẽ là hương cỏ, một thứ hương đồng, làm nên từ bùn đất, cần lao mà đọng mãi với thời gian.
Đà Nẵng, tháng 8 năm 2011
N.K.P
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét