Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2011

ĐƯỢC BẠN BIẾU THƠ

 Tặng Ngô Hồng Trung


Thường khi chiều về mở cửa
Hoa mắt vì giấy nợ đòi
Hôm nay đi về mở cửa
Được bạn biếu thơ đọc chơi

Thơ mày tứ, từ tuyệt quá
Nhẹ nhàng như tấm thảm bay
Bao la một lòng nhân ái
Đơn sơ một bát nước đầy

Mầy bỏ ngang nghề dạy học
Đêm về đốt đuốc làm thơ
Thả hồn về nơi xứ mộng
Lang thang theo mối tình mơ

Tao cột đời vào lũ trẻ
Đêm đêm chong mắt soạn bài
Ngày khờ khan đe đứa dại
Hoài công, phí cả cuộc đời

Ra đường cứ đi lầm lũi
Sợ rằng ai đó kêu thầy
Bạn rồng xa về họp mặt
Phận giun chui lỗ, buồn thay!

Nếu có phút nào rãnh rỗi
Cũng liều ngước mặt nhìn mây
Xót xa một thời ấp mộng
Tang bồng tung cánh đó đây

Thà làm đám mây tan tác
Cũng còn thấy được thế gian
Còn hơn ao tù đục nước
Rửa chân lũ vịt đàn ngan

Văn thơ tao thì ngoại đạo
Quá buồn rán được vài câu
Tự chửi mình sao hèn thế
Sống mòn trong kiếp không đầu

Thơ mầy đầy ắp kỷ niệm
Mát lành như một giòng sông
Cho tao bơi thuyền ngược nước
Về thăm nguồn cội tấm lòng.

NKP

Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2011

BA NGÀY ĐI VỚI THƠ

Mời các bạn đọc bài BA NGÀY ĐI VỚI THƠ. Xin bấm vào ĐÂY

Thứ Hai, 16 tháng 5, 2011

CHUYỆN MỘT THẰNG DÂN PHỐ

một thằng dân phố cháy túi
không dám ngồi nhà
sợ những người đưa hóa đơn xuất hiện
bạn réo đang ngồi nhậu quán nọ hè kia
bèn để lại điện thoại
cuốc bộ đến siêu thị gần nhất
cho đỡ tốn xăng
ngẩng cao đầu bước vô
vì không ai biết nó cháy túi
lên cầu thang cuốn
thoải mái ngắm chân dài
không mất tiền
loanh quanh ngắm hàng hóa
thiệt giả không cần biết
vì đâu có mua
không dám ngó bảng giá
khỏi phải kinh hãi vì mỗi tháng chúng tăng ba lần
trong khi lương nó mỗi năm chỉ tăng một lần
được đi bộ thể dục trong phòng máy lạnh
thơm tho
đỡ tốn tiền điện
lại tăng sức khỏe
đôi khi túng tiền lại hóa hay
chán rồi đàng hoàng đi ra
không ai biết nó cháy túi
thằng dân phố túi rỗng vào tiệm sách
thoải mái đọc thơ
không ai đòi tiền
thơ khen vợ đẹp con ngoan
thơ nuối mối tình đầu
thơ sầu vì tình cuối
không thơ nào thở than vì nghèo
thời nay người ta giàu hết trơn rồi
hay mắc kẹt gì không nói?
sao nó cứ cháy túi
tháng trước rồi tháng này
nửa tháng ăn cơm vợ
riết rồi thành quen
với thói ngụy tín
cháy túi cũng không sao
không ai biết mình cháy túi
hai tuần nữa lại có lương
thằng dân phố lẩm bẩm
cháy túi cũng không sao
không ai biết mình cháy túi
cháy túi lại hóa hay
và cuộc đời rồi cũng qua
chai lì với cháy túi.

PHẬT PHÁP CỦA CHA TÔI: MỘT CÂY BON-SAI


Làng quê tôi cách Huế chừng 40 cây  số. Cha tôi là một nông dân. Thuở nhỏ, tôi thường theo cha đến chùa để tụng kinh niệm Phật. Mặc dù ít khi được thầy về làng thuyết pháp nhưng phật tử trong khuôn hội cũng thường giúp nhau tu học.

Cha tôi không được khỏe, thình thoảng dặn anh tôi lo chuyện hậu sự: sau khi ông chết thì phải làm thế này thế kia. Một hôm, nhân dịp cha tôi thọ thất tuần, một người bà con chơi cây kiểng mang đến tặng một cây bon-sai. Đó là một cây họ nhà sung, có ý chúc ba tôi mạnh khỏe và trường thọ. Thân  cây phủ chi chít trái nhỏ xinh xắn như những trái bồ đề,

Xưa nay cha tôi chưa bao giờ chơi bon-sai. Quanh sân chỉ có mấy bồn hoa vạn thọ và  chuối cảnh cho hoa quanh năm, chủ yếu để  phục vụ cúng kiếng.

Cây sung được đặt trên bàn tiếp khách ngay chính giữa nhà nhưng chỉ một tuần là trái bắt đầu rụng, có lẻ vì thiếu ánh sáng mặt trời. Cha tôi mang chậu cây sung ra để ở một góc sân. Vì bân việc đồng áng nên cha tôi quên bẵng, đến khi tình cờ thấy lại thì nó đã héo vì gần mười ngày không tưới nước. Để cho dễ thấy và tiện chăm sóc, cha tôi mang cây vào để trên hàng hiên.

Một chiều nọ khi đang ngồi nghỉ bên sây sung, không biết vừa nghĩ ra chuyện gì mà cha tôi à lên một tiếng rồi đốt một cây hương cắm cạnh gốc cây bon sai, hai tay chắp, miệng lâm râm khấn vái. Mẹ tôi thấy vậy, hỏi: “ Bữa ni chưa đến rằm mà ông thắp hương mần chi?” Cha tôi có lẻ mất hứng, thôi không khấn nhưng im lặng không trả lời.  Từ đó về sau thấy ông vui lên, không còn lo đau ốm.

Bữa nọ có chú Hoàng đến chơi. Chú là một phật tử ở chùa làng, thường hay giảng kinh, chính là người tặng bon-sai. Chú cười nói: “Nghe bác không thèm chơi bon-sai nên cho em xin lại”. Cha tôi nói: “ Mấy bữa trước chú lấy thì tui đưa, nay chỉ có trời lấy tui mới chịu”. Rồi ông nói: “Tui đã tìm thấy Phật trong cây bon-sai ni rồi”. Chú Hoàng nói: “Phật ở chùa chớ mần chi có Phật trong cây bon-sai. Bác nói bậy, Phật quở chết.” Cha tôi giải thích: “Tui bỏ cái cây trong nhà, thiếu ánh sáng thì cây không sống được, đem ra ngoài vườn quên tưới thì cây héo queo. Muốn cây tốt thì phải có phân tro. Nếu thiếu không khí thì cây cũng chết. Vậy cây cũng do tứ đại gặp duyên mà hợp thành, cũng như người ta đó thôi. Cây cũng khổ, cũng vô thường như mọi chúng sinh khác. Cái này cũng liên quan đến tứ diệu đế nữa chú ạ. Thấy cây héo phải tìm nguyên nhân là thiếu gì: nước, ánh sáng hay phân. Khâu này gọi là tập đế, phải không chú?  Biết thiếu gì thì bổ sung thứ ấy, tức là diệt khổ. Khâu này là diệt đế. Như người biết mình tham sân si, diệt tham sân si thì hết khổ, phải không chú? Nhưng nước, ánh sáng, phân tro phaỉ có thường xuyên và là thứ tốt để cung cấp cây mới sống khỏe, giống như người phải tìm đến đạo pháp, lấy đuốc tuệ mà soi sáng vô minh mới giải thoát được khổ đau, khâu này gọi là đạo đế. Đó, tui trả bài cho chú như rứa được chưa?”. Chú Hoàng nói: “Phật pháp của bác được bảy điểm rồi đó. Nhưng bác thấy tui lựa cho bác một cây có dáng đặc biệt, bác thấy dáng gì không?”. “Tui chưa thấy,” Cha tôi trả lời. “Dáng vị sư ngồi thiền đó, bác thấy giống không?” Cha tôi ngạc nhiền à lên một tiếng khoái chí và hỏi: “Rứa còn có ý nghĩa gì nữa không?” “Cái cây đâm rễ xuống đất để hút nước, hút  chất khoáng, biến chúng thành nhựa cây, liên tục đẩy lên để nuôi thân, nuôi lá, cây cũng biết tinh tấn trong chánh niệm, bác ạ, rồi cho hoa,  cho trái, có khác gì một vị sư đang ngồi thiền, loại trừ tạp niệm để hướng đến tuệ giác, phải không bác?”  Chú Hoàng là một huynh trưởng, chú  đã nói nhiều và rõ hơn nhưng tôi chỉ là một phật tử sơ cơ, chỉ thuật lại một cách chắp vá, hy vọng không sai nhiều lắm.


Sau ngày ba tôi mất, anh em chúng tôi, vì chiến tranh và công việc, phải phiêu bạt xa nhà, mẹ tôi lại mang cây sung ra trồng ở một góc sân. Hết chiến tranh chúng tôi về quê, mặc dù ngôi nhà đã cháy rụi nhưng cây sung vẫn còn đứng ở góc sân, giờ đã cao quá đầu tôi, rễ phụ to khỏe đâm xuống đất, trông xa tựa như một đại sư đang chống gậy đi khất thực. Tôi thắp hương vái lạy và cắm xuống chân vị phật của ba tôi, cầu mong cha tôi được phiêu diêu cõi niết bàn.