Thứ Bảy, 10 tháng 3, 2018

CHUYỆN PHIẾM VỀ BÀ ĐẦM, ĐÍT VỊT, ĐẦU RỒNG

CHUYỆN PHIẾM VỀ BÀ ĐẦM, ĐÍT VỊT, ĐẦU RỒNG
  
Bà Đầm không xuất hiện nơi công chúng?

Tình cờ tôi đoc trên mạng bài ĐÍT VỊT, ĐẦU RỒNG của nhà văn Hoàng Hải Thủy và ngạc nhiên thấy ông này cho rằng các quan Tây không bao giờ cho các bà vợ đi cùng nên không có cảnh “Bà Đầm ngoi đít vịt” trong thơ Tú Xương và cảnh ông Phủ cõng bà Đầm trong thơ Huyện Nẻ Nguyễn Thiện Kế.


Nhà văn Hoàng Hải Thủy đưa một tấm hình , trong đó, quan Tây đứng chung với quan ta mà không thấy bà Đầm nào. Dưới ảnh có ghi: “Ảnh ghi khỏang năm 1910 – 1915”, nếu vậy, trong thời gian đó có 2 kỳ thi Hương, và khả năng kỳ thi kia có vợ Tây đến dự thì sao?

Hoàng Hải Thủy viết:

“Nhưng không có bà Đầm trong những cuộc lễ của chính quyền. Bà vợ công chức Pháp không bao giờ đi theo chồng ra nơi công chúng. Vì vậy không có chuyện những ông Cử Nhân Việt phải quì lậy bà Đầm.

Không có cảnh:
Trên ghế bà Đầm ngoi đít vịt
Dưới sân ông Cử ngỏng đầu rồng.

…Những bà Đầm vợ các ông Công Sứ Pháp lại càng không xuất hiện bên ông chồng. Do vậy không thể có chuyện Ông Phủ Vĩnh cõng Bà Đầm như được tả trong bài thơ:
Thằng cha Phủ Vĩnh thế mà thâm
Nịnh Bố Cu Tây, cõng Mẹ Đầm.
Đôi vú ấp vai, đầu nghển nghển
Hai tay ôm đít, mặt hầm hầm.
Phen này cứng cựa nhờ ơn tổ
Lúc ấy sa chân chết bỏ bầm.
Chẳng thiết mề-đay cùng tưởng lục
Đưa tay lên mũi, miệng cười thầm.”
(Hết phần trích từ bài của HHT.)

Trong bài VỊNH KHOA THI HƯƠNG, Trần Kế Xương đã tả rõ ràng:
Lọng cắm rợp trời, quan sứ đến;
Váy lê phết đất, mụ đầm ra

Theo như sách sử cho biết, kì thi năm Đinh Dậu 1897 có vợ chồng Toàn quyền Paul Doumer và vợ chồng tôn công sứ Nam Định Le Normand đến dự. Như vậy ảnh chụp kỳ thi sau kỳ có bà Đầm đến dự từ 17 đến 22 năm.

Rất tiếc nhà văn Hoàng Hải Thủy không đọc hết tài liệu mà chỉ căn cứ vào một tấm ảnh để kết luận thiếu chính xác.

Một thiếu sót khác của Hoàng Hải Thủy là ông không biết tác giả bài Vịnh Tri Phủ Vĩnh Tường là ai.

Đó là ông Nguyễn Thiện Kế, một nhà thơ trào phúng yêu nước, mà nhiều con đường đã mang tên ông.
Nguyễn Thiện Kế (1849-1937) tên tự là Trung Khả, hiệu Đường Vân hay Nễ Giang, còn được gọi là Huyện Nẻ hay Huyện Móm, là một chỉ huy của khởi nghĩa Bãi Sậy trong phong trào Cần Vương và cũng là em ruột của Nguyễn Thiện Thuật, quê ở làng Xuân Đào, xã Xuân Dục, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Ngoài ra, ông còn làm thơ trào phúng và cũng là anh rể của thi sĩ Tản Đà.

Ông nổi tiếng về thơ phúng thế. Thơ ông phần nhiều nhắm vào đám qua trường tham ô, vào đám người có địa vị cao trong xã hội mà không biết trọng phẩm cách. Ông kịch liệt đả kích những thói hư tật xấu, nhiều khi đi đến chỗ thóa mạ nặng nề mất phong độ của làng tao nhã. Cho nên thơ ông hầu hết thuộc về loại châm phúng. Có thể coi là thơ trào phúng. (Theo thivien.net.)

Một số tác phẩm của ông có thể tìm thấy trên thivien.net:
Đánh tài bàn, Khóc vợ bé, Tổng đốc Hải Dương, Tri phủ Vĩnh Tường, Tuần phủ Thái Bình, Vịnh Kiều.

Tóm lại, bà Đầm trong thơ của Tú Xương và Huyện Nẻ là nhân vật có thực, chứ không phải bịa.




Ông Tây, bà Đầm cùng xuất hiện nơi công chúng, sao bảo rằng không?

Thưa Thầy, em nghĩ khác được không?

Tôi không đủ khả năng để bình thơ Tú Xương và nếu có bình thì là chuyện vô ích bởi bất cứ ai học qua chương trình phổ thông đều đã được thầy cô giảng kỹ rồi.

Tôi chỉ nói tào lao cho vui mà thôi.

Trước hết xin tóm sơ về những điều đã học được.

Thường thì thầy cô giảng về thơ Tú Xương như thế này:
-Hiện thực trong thơ Tú Xương là một bức tranh xám xịt, dường như chỉ có rác rưởi, đau buồn của xã hội thực dân - nửa phong kiến.
-Cảm hứng trong thơ ông là nỗi buồn đau trước vận nước vận dân.
-Với giọng văn châm biếm sâu cay, thơ văn của ông đã đả kích bọn thực dân phong kiến, bọn quan lại làm tay sai cho giặc, bọn bán rẻ lương tâm chạy theo tiền bạc, bọn rởm đời lố lăng trong buổi giao thời.

Và bài Giễu Người Thi Đỗ cũng trong quỹ đạo đó.

GIỄU NGƯỜI THI ĐỖ
Trần Kế Xương

Một đàn thằng hỏng đứng mà trông,
Nó đỗ khoa này có sướng không!
Trên ghế, bà đầm ngoi đít vịt,
Dưới sân, ông cử ngẩng đầu rồng.
Câu cuối cùng, có bản là:
Dưới sân, ông cử ngỏng đầu rồng.

Sau đây là ý của tôi.

1-Theo nhà Hán học Linh Đàn, “các kỳ thi hương đỗ đạt mỗi trường cỡ chừng 10 đến 20 thí sinh”, vậy trong lễ xướng danh không chỉ có một tân khoa đến dự, thế mà Tú Xương dùng đại từ “nó” trong câu thứ hai e rằng không đúng ngữ pháp. Phải là “chúng” mới đúng.

2-Tại sao không phải đít ngổng mà là đít vịt? Đít của bà Đầm có lẽ mập lắm khiến ông Tú phát thèm và vốn là dân nhậu nên liên tưởng đến món phao câu vịt béo ngậy.

3-Thầy cô thường giảng “đầu rồng” là ám chỉ nhà vua, nhưng theo tôi, Tú Xương là người cố thi đỗ để ra làm quan, tất nhiên phải thành thạo về kinh nghĩa, chiếu biểu, thơ phú, văn sách, thì không thể nào có ý tưởng “bài phong, phản đế” trong đầu được. Theo tôi, “rồng” ở đây liên quan đến sự tích cá hóa rồng, diễn tả ước mơ có cuộc sống đầy đủ, ấm no, hạnh phúc, có công danh sự nghiệp sau khi đã dồn hết tâm trí và sức lực để vượt qua khó khăn. “Rồng” theo nghĩa này rất thích hợp để chỉ những người vừa đỗ đạt, chuẩn bị ra làm quan sau một quá trình học tập và rèn luyên khó khăn.

4. Thầy cô giảng rằng các tân khoa phải cúi lạy ông Tổng đốc và quan Pháp nhưng tại sao Tú Xương không dùng từ “cúi” mà dùng từ “ngẩng / ngỏng”. mặc dù “ngẩng/ngỏng” và “ngoi” là động tác hướng về phia trên như nhau, do đó không đối nhau? Hành động “cúi” diễn tả sự chịu đựng nhục nhã chứ “ngẩng/ngổng” là sự vươn lên , không biểu lộ cái ý đó.

Theo tôi, mặc dù bà Đầm ăn mặc kín đáo (váy lê phết đất) nhưng thân hình phong nhũ phì đồn của bà đã làm ông Tú mê mẫn và rạo rực trong người đến nổi cái báu vật của ông không chịu nằm yên mà đòi ngỏng lên. Chính ông Tú, vốn là người ham mê gái gú, thoải mái đứng xem mới ngắm kỹ bà Đầm chứ các tân khoa đang làm lễ có lẽ không có thì giờ để làm việc ấy.

Từ “ngỏng” có lẽ hợp với ngôn ngữ của ông hơn là từ “ngẩng” vì Tú Xương không ngại nói tục. Ví dụ:
         
“Ðù cha, đù mẹ đứa riêng ai …”(Đùa Ông Hàn)
        
“Chiều khách quá hơn nhà thổ ế” (Gái Buôn)
        
“Mình tựa vào cây, cây chó ỉa” (Gái Góa Nhà Giàu)    
Dỉ nhiên, thầy cô không thể giảng “ngỏng đầu rồng” như tối viết mà chụp cho ông ta nhiều cái mũ đẹp hơn.


Có nên gọi bà Đầm là “đứa”, “nó”?

Trong bài “Thơ trào phúng Trần Tế Xương: Cười đó rồi khóc đó” của tác giả Dương Kim Thoa đăng trên www.baodanang.vn, 01 thg 7, 2013 có đoạn như sau:             

“Trước hết, ông tạo nên được những tình huống, tình thế đặc biệt. Chẳng hạn trong câu “Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt - Dưới dân ông Cử ngỏng đầu rồng”. Bà đầm vợ ông quan Tây đến dự lễ xướng danh thì ngồi trên ghế. Các ông quan thời đó ở dưới sân. Khi đọc xướng danh, phải lạy thiên tử. Khi người đỗ - tiêu biểu cho đạo học - lại ở dưới thấp và cúi lạy bà đầm - tiêu biểu cho bọn thống trị, ngồi ở chỗ cao thì Tú Xương lại chỉ lia cái ống kính của mình quay cận cảnh. Cái đứa ngồi ông chỉ quan tâm tới cái mông của nó. Còn người quỳ ở dưới, ông chỉ quan tâm tới cái đầu. Vậy tình thế ở đây là anh thống trị - anh bị trị, anh vô học - anh có học, cái đít vịt - cái đầu rồng, đó là cái đáng gây cười. Còn thái độ được biểu lộ qua chữ “ngỏng”, đó là chữ rất nghịch ngợm của Tú Xương. “Bà ngoi - ông ngỏng”, hình ảnh đó khiến sân khấu của lễ xướng danh thành ra như trò hề không ra đầu đuôi gì cả.”

Tôi xin có mấy nhận xét về một vài chi tiết trong  đoạn văn trên:

-Tác giả cho rằng: “Các ông quan thời đó ở dưới sân” là không đúng. Ở dưới sân là những ông vừa đổ cữ nhân đến dự lễ xướng danh, chưa được bổ chức quan nào hết.

-Tác giả viết: “khi đọc xướng danh phải lạy thiên từ” là không đúng. Cấp cao nhất đến dự lễ xướng danh là quan Tổng đốc,

-Tác giả viết: “Bà Đầm – tiêu biểu cho bọn thống trị” là không chính xác. Vợ các quan Tây chỉ đi theo chồng chứ không đảm nhận chức quan nào cả nên không thể đại diện cho chính phủ bảo hộ.  Tương tự như vậy: sau 1975, các sĩ quan VNCH bị tập trung cãi tạo còn  những bà vợ vẫn ở nhà bởi họ không có tội gì. vậy quan Tây mới có tội chứ bà Đầm được miễn tố.

Khi một ông Tổng thống nước ngoài đến thăm Việt Nam, ta tổ chức tiếp đón Tống thống chứ không phải  vợ  của ông ta bởi chỉ có Tống thống mới đươc đi trên thảm đỏ. Bà Đầm có mặt trong buổi lễ nhưng chỉ là người đi theo, không đại diện cho ai cả.  Các ông cử thực ra chỉ cúi lạy quan Tổng đóc và quan Tây chứ không phải cúi lạy bà Đầm.

-Tác giả viết: “Cái đứa ngồi ông chỉ quan tâm tới cái mông của nó.” Tú Xương sống dưới thời Pháp thuôc vẫn gọi vợ các quan Tây là bà Đầm, còn tác giả sống vào thời hiện đại lại dùng từ “đứa” và “nó”  trong một bài phê bình văn học có thể dùng trong nhà trường. Khi viết truyện có lời thoại, hoặc trong câu chuyện hằng ngày (informal), ta có thể dùng “thằng Pháp”, “thằng Tây”, “thằng Mỹ”, “chúng nó” v.v. nhưng trong sách lịch sử, trong các bài báo hay luận văn nghiêm túc (formal), ta nên dùng “người Pháp”, “người Tây phương”, “người Mỹ”, “họ” v.v. Riêng đối với bà vợ của Toàn quyền Doumer thì lại càng không nên dùng “đứa”, “nó” để gọi bà này vì về sau ông chồng bà trở thành Tổng thống Pháp thì bà ấy cũng trở thành Đệ nhất phu nhân, con cháu của họ có thể đang giữ chức vụ quan trọng trong chính phủ hay quốc hội Pháp, mà ta gọi bà cố, bà nội của họ là “đứa”, “nó” thì e rằng không hay về mặt ngoại giao.

-Tác giả viết: “Vậy tình thế ở đây là anh thống trị - anh bị trị, anh vô học - anh có học, cái đít vịt - cái đầu rồng, đó là cái đáng gây cười.” Tác giả không phân tích sâu nên người đọc không hiểu yếu tố gây cười là chỗ nào. “Anh vô học” là anh nào? Ở một buổi xướng danh của một hội đồng thi thì làm gì có người vô học tham dự. Chỉ có bà Đầm được nêu nhưng chi tiết nào cho phép tác giả gọi bà Đầm là người vô hoc? Không lẽ chỉ vì cái mông to mà trở thành người vô học?

***

Khi phê bình một bài văn hay bài thơ, người phê bình nên nhập vai tác giả của bài văn, bài thơ đó. Hãy tưởng tượng một người vừa thi hỏng lại có mặt trong buổi xướng danh người thi đổ sẽ phẩn uất, thất vọng, bực tức ra làm sao?

 Một người đàn ông được vợ nuôi để học hành nhưng không tập trung vào việc học, lại ăn chơi trác táng, mang tiền của vợ để nhậu nhẹt và gái gú thì đó là một người hư đốn, vô lương tâm, vô trách nhiệm đối với gia đình. Một người như vậy cho dù có chút văn tài nhưng có đáng tin cậy không?

Theo tôi, nếu có giới thiệu thơ Trần Kế Xương trong chương trình phổ thông thì cũng chỉ giới hạn ít thôi bởi tư cách của nhà thơ này không phải là “tấm gương sáng để học sinh noi theo”.



1 nhận xét:

Đỗ Văn nói...

DVD sang thăm nhà, thưởng thức bài đăng hay!
DVD chúc nhà thơ NKP ngày CN vui vẻ!