Thứ Tư, 6 tháng 4, 2016

NẤM LINH CHI - tạp bút

NẤM LINH CHI
(Nghe lỏm câu chuyện của hai bác nhà thơ ở quán cà phê)


Nhà thơ A vừa dựng xe máy trước hiên nhà của nhà thơ B vừa nói:
- May có bác ở nhà. Gọi mấy cuộc mà bác không cẩm máy.
- Có việc chi mà chú cần gặp tui gấp rứa?
- Câu lạc bộ thơ Đường của huyện mình dự định ra mắt tuyển tập thơ mừng lễ lớn, không có bài của bác thì không được.
- Răng lại không được?
- Vì bác là nhà thơ nổi tiếng, năm ngoái bác có một bài đoạt đến ba giải của huyện, tỉnh và Unesco, được hơn chục tờ báo đăng, hàng trăm tờ báo mạng đăng lại. Thơ của bác là nấm linh chi trị bá bệnh còn thơ của em chỉ là rơm rạ, chỉ để cho bò nhai đỡ đói. Không có thơ của bác thì ai thèm đọc thơ em.
- Chú khiêm nhường quá. Mỗi ngày chú làm một bài, bất cứ đề tài chi chú cũng xuất khẩu thành thơ được, đăng lên Facebook, bạn đọc vô số kể, trong khi suốt năm ngoái tui chỉ làm duy nhất được một bài, cho dù có giải nhưng làm sao nổi tiếng bằng chú được.
- Thơ em lượng thì nhiều nhưng chất thì ít còn thơ bác thì ngược lại.
- Ngày xưa tui cũng có học quy luật hay phép biện chứng của lượng và chất chi đó nhưng hoàn toàn không hiểu chi hết, chữ thầy trả lại thầy. Mỗi ngày tui cũng làm một bài như chú, với lại hồi đó không có mạng nên không ai đọc, lâu lâu phô-tô một tập tặng bạn bè, không biết họ có đọc không. Nay nhờ có thằng bạn cùng lớp sản xuất tinh bột nghệ nano, nó giải thích cứ 60 gam bột nghệ tinh chế được 2 gam nano curcumin, tui mới nghĩ đến câu “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, rồi liên hệ đến việc làm thơ và quyết định mỗi năm mình chỉ cần làm một bài thôi, nếu không hay thì cũng không dở.
- Em nghĩ mình viết nhiều để quen tay, một lúc nào đó sẽ thành thạo, không cần kiểm tra cũng không bị lỗi về niêm luật.
- Cách đó cũng hay, dành cho người mới bắt đầu. Theo tui bằng đại học thua bằng tiến sĩ không phải vì cấp học mà vì bằng đại học gồm nhiều học phần hay tín chỉ còn bằng tiến sĩ thì người nghiên cứu sinh không những phải có kiến thức uyên bác và làm chủ kiến thức về một đề tài khoa học mà còn phải mở rộng hay phát triển thêm tri thức về đề tài đó. Cũng như tui ngày xưa, chú làm nhiều quá nên không sâu. Hồi nãy chú nói thơ chú là rơm còn thơ tui là nấm linh chi. Để có nấm rơm chỉ mất khoảng 12 ngày nhưng nấm linh chi phải mất khoảng 75 ngày. Chú nói có gọi mấy cuộc nhưng tui không bắt máy vì kể từ hôm nay tui không dùng điện thoại nữa
- Răng rứa bác? Không có bác đọc thơ thì cà phê tụi em uống cũng mất ngon, coi chừng rã đám hết.
- Năm kia tui chưa có điện thoại, sáng một mình đi dạo bờ sông, nghĩ về bài thơ của mình, chiều đi dạo công viên cũng nghĩ về bài thơ đó, nhờ rứa tui mới có bài thơ đoạt giải. Còn suốt năm ngoái, sau khi được giải, tui được mời đi hội thơ này, câu lạc bộ nọ, nhóm này tổ chức giao lưu, nhóm thơ kia ra mắt tập thơ, không có mấy ngày được nghỉ, vậy thì giờ đâu mà làm thơ? Cho nên chú hỏi thơ thì tui không có. Hẹn chú một năm nữa. Kể từ hôm nay tui dành thì giờ để trồng nấm linh chi.



Nguyễn Khắc Phước
Tháng 4/2016




VỆT NẮNG - tùy bút

VỆT NẮNG

Sau những ngày mưa phùn gió bấc, bầu trời luôn xám xịt, chiều nay trời ít mây, le lói chút nắng nhạt. Trên nền nhà xuất hiện một vệt nắng vàng chiếu xuyên qua khe màn cửa số. Vệt nắng run run như đang cầm cự với cơn gió bấc giữa mùa.

Thằng bé gần một tuổi rưởi đang chơi với ông nội. Nó chạy lung tung, thấy cái gì cầm được là chộp liền rồi ném xuống cầu thang, bắt ông nó phải xuống lượm.

Trông thấy vệt nắng, thằng bé ngồi xuống chụp nhưng không lượm được gì. Thế nhưng nó không bỏ cuộc; cứ đi một vòng quanh nhà rồi trở lại chụp. Khi nó quay lại lần thứ năm thì nó òa khóc. Ông nội nó hỏi sao con khóc, nó chỉ vào chỗ có vệt nắng hồi nãy. Vệt nắng không còn, không biết nó đã di chuyển đi đâu. Ông giúp cháu tìm vệt nắng nhưng không thấy. Vệt nắng không còn nữa. Mặt trời đã trốn vào trong đám mây đen đang ủ mưa.

Thằng bé càng lúc càng khóc to, đòi cho được vệt nắng. Ông dỗ nó bằng cách bồng nó quanh nhà, giả bộ đi tìm, nói nắng đã vào ngủ trong buồng này, tủ kia. Chỉ có điều ông không thể giải thích cho nó hiểu vệt nắng thực sự đã đi đâu và càng không hiểu nếu ông nói với nó chính ông cũng chỉ là một vệt nắng chiều đông mà thôi.



Nguyễn Khắc Phước

ĐỐI THOẠI VỚI CAO TIỆM LY - Truyện ngắn

Ê này, Cao Tiệm Ly! Đi đâu mà vội. Ghé vào chùa ta sẽ thết ngươi một bữa cơm chay.

Tai sao ta nhận ra ngươi, chút nữa ta nói, còn ta là người chèo thuyền đưa Kinh Kha sang sông Dịch Thuỷ. Ta tưởng các người thầm lặng tiễn đưa trong bí mật, hoá ra lại rượu thịt, ca hát rình rang. Ta biết các người chẳng coi ai ra gì trong thiên hạ nhưng khinh địch bao giờ cũng khó thành công.

Ta biết ngươi đang hướng về kinh đô nước Tần để làm thích khách, nhưng tội chi ngươi phải gánh chuyện bao đồng. Ta nói chuyện bao đồng vì  nước Yên là của vua Yên. Không của vua Yên thì của vua khác. Phàm làm việc gì cũng phải nghĩ đến chính danh, không chính danh thì xã hội sẽ loạn.

À, thì ra ngươi không vì nước Yên, vua Yên, hay thái tử Đan gì hết  mà chỉ muốn trả thù cho Kinh Kha. Nhưng thử hỏi Kinh Kha có xứng đáng để ngươi xông pha vào hang cọp?

Với ta thì Kinh Kha chẳng phải là khách khanh văn giỏi vũ dũng mà là chỉ một tên du thủ du thực, kiêu căng tự phụ. Hai lần bị người ta mắng khi cùng bàn kiếm thuật, chứng tỏ kiếm thuật của hắn chưa thông; một lần đánh cờ bị người ta đuổi, chứng tỏ binh thư chưa thạo. Hắn lang bạt đến nước Yên làm bạn với ngươi chẳng qua vì tham ăn thịt chó; hát hò om sòm giữa chợ cũng chỉ vì tham uống rượu ngon; lại làm bộ làm tịch là người thâm trầm, khoe có bạn bè trưởng giả cốt để lừa bịp. Điền Quang tiến cử hắn chẳng qua biết mình thế nào rồi cũng phải chết, tìm cách chết ở nhà toàn thây. Thái tử Đan chọn Kinh Kha cũng giống như người đang sắp chết trôi vơ gặp ván. Trôi đây là  trôi giữa biển hận thù  vì tự ái cá nhân nhỏ nhen, cái này thôi không bàn đến. Nếu Kinh Kha là bậc chính nhân quân tử thì đâu chịu bán mạng mình cho rượu thịt, lụa là, mỹ nhân; nếu là kẻ nhân từ thì tại sao lại nhận cánh tay mỹ nhân làm quà vì lời khen đầu cửa miệng.

Còn ngươi, chẳng qua cũng chỉ là một chủ quán, hằng ngày quen tay thọc huyết chó, may có chút máu nghệ sĩ, lâu lâu thổi sáo giải khuây. Ngươi được Kinh Kha xem là bạn thân, cảm thấy hãnh diện, đem thân dựa bóng. Cái đuôi cọp chỉ là vật trang trí, không bao giờ biến thành con cọp. Người ta sợ cọp, không phải sợ cái đuôi của nó. Nhưng tiếc thay Kinh Kha không phải là con cọp mà chỉ là một con chồn.

Giết một ông vua đâu phải dễ dàng như dìm chết một con chó.

Người ta nói không thành công cũng thành nhân, nhưng một chiến sĩ, một thích khách chắc chắn trăm phần trăm thành công mới thực hiện.

Thử hói ngươi có đủ uy dũng như Tào Mạt, ngang nhiên ném chuỷ thủ trước mặt Hoàn Công mà lấy lại được ba thành? Liệu ngươi có đủ can đảm như Nhiếp Chính, ban ngày ban mặt, hùng hổ xông thẳng vào phủ, giết chết tướng quốc nước Hàn? Sáng mắt như Dự Nhượng, lại là tay kiếm khách cự phách, hai lần phục kích không giết được Tương Tử. Đui mù như ngươi, bỏ nghề giết chó từ lâu, chỉ có trong tay cây sáo, lại chỉ một lần duy nhất, liệu được mấy phần trăm thành công giết được vua Tần. Chuyên Chư chết nhưng công tử Quang được làm vua, còn  nếu ngươi giết được vua Tần cha, sẽ có vua Tần con lên thay, sẽ tàn bạo khốc liệt hơn vì ngươi đã giết cha nó. Chẳng những không có vua Yên nào được nhờ ngươi mà dân Yên đã bị đoạ đày rồi sẽ còn bị đoạ đày hơn nữa, hàng vạn dân Yên  sẽ phải chịu nô dịch để xây Vạn lý Trường Thành trước khi phơi thây nơi miền quan ải.

Ngươi nói đến sứ mạng của người nghệ sĩ ? Tạm chấp nhận ngươi là một nghệ sĩ.  Vậy ngươi phải dùng phương tiện của ngươi là cây sáo để sáng tác và biểu diễn sao  cho thật hay để lay động lòng người, kích động tinh thần yêu nước của người Yên chớ phải đâu đi làm thích khách chỉ với một cây sáo làm vủ khí. Lòng yêu nước không phải chỉ nghệ sĩ mới có. Ngươi có thể trở lại nghề thịt chó, biến quán thịt chó của ngươi thành chiêu anh quán, nơi giao lưu của các hào kiệt anh hùng. Những người ấy sẽ thay ngươi đi diệt vua Tần. Chuyện đơn giản như vậy  tại sao ngươi không làm được?

Hồi nảy ngươi hỏi làm sao ta nhận ra ngươi. Ngươi đã thay tên, đổi dạng hoàn toàn rồi, không một kẻ nào có thể nhận ra ngươi được. Ta cũng không nếu không nhận ra bóng ma Kinh Kha lảng vảng trên đầu ngươi, lòng căm thù  như hoả diệm sơn bốc lên cháy đỏ mắt ngươi, và một đàn ma chó đói đếm không xuể đang gầm gừ gớm ghiếc chạy theo sau ngươi không rời một bước.

Hoặc là linh hồn Kinh Kha sẽ giúp ngươi hoàn thành sứ mạng họăc là đàn ma chó sẽ nhập vào vua Tần để báo thù ngươi bằng cách thọc huyết ngươi hay dìm ngươi cho tới chết như ngươi đã từng hành hạ chúng.

Này Cao Tiệm Ly! Hượm đã! Đi  gì mà vội. Ta đã có lương thực dành cho ngươi.

Dù sao cũng chúc ngươi hoàn thành mục đích, dù là mục đích điên cuồng.

Hỡi ôi! Lấy ân báo oán, oán ấy tiêu tan, lấy oán báo oán, oán ấy chập chùng. Một tay giết thịt chó  chẳng bao giờ hiểu được lời Phật dạy.


Nguyễn Khắc Phước