Nhưng một ngôi chùa ở tỉnh Prey Veng đang chuyển mình theo một
làn gió mới bằng cách trồng lương thực. Ngôi chùa này đã thu hút sự quan tâm của
người dân trên khắp Vương quốc vì nơi đó có một không gian xanh với nhiều loại
cây và rau được các nhà sư trồng và chăm sóc.
Tọa lạc tại làng Snay Proem của xã Senareach Udom ở huyện
Preah Sdech, cách Phnom Penh khoảng hai giờ đi bằng ô-tô trên Quốc lộ 1, chùa
Serei Sakor Daun Sdoeung được cho là là một trong những trung tâm Phật giáo tốt
nhất trong số 500 ngôi chùa ở tỉnh Prey Veng.
Được xây dựng lần đầu vào năm 1874, chùa gần như đã bị phá hủy
trong thời kỳ Khmer Đỏ. Sau khi chế độ tàn bạo sụp đổ, các nhà sư và dân làng bắt
đầu cùng nhau xây dựng lại từ đống đổ nát..
Các nhà sư đã trồng hơn 3.000 cây xung quanh chùa, trồng rau
và lúa để tự túc lương thực. Họ thực hiện lối sống thân thiện với môi trường và
nghiêm cấm sử dụng túi nhựa.
Lối sống bền vững được khởi xướng bởi nhà sư trụ trì của
chùa, Thầy Im Teang, người tin rằng cây có đời sống ngang bằng với con người.
“Chúng ta coi trọng mạng sống của mình, và chúng ta không
nên làm tổn thương mạng sống của người khác. Ngay cả cây cối cũng là những sinh
vật sống và chúng ta không nên làm hại cây cối hay thiên nhiên vì chúng cũng là
những sinh vật sống giống như chúng ta. Tôi yêu cây cối và thực vật,” nhà sư
nói.
Đức Phật Thích Ca đã thực hiện bài giảng đầu tiên của mình
và được giác ngộ dưới gốc cây. Phần lớn cuộc đời của Ngài gắn liền với rừng như
được miêu tả trong nhiều bức tranh đầy màu sắc trên tường và trần của chùa.
Tuy nhiên, chỉ một số nhà sư Phật giáo tham gia vào việc trồng
cây và rau. Ở một số vùng của Trung Quốc, Tây Tạng và Nhật Bản, các tu viện Đại
thừa thường tiến hành canh tác bằng cách trồng trọt hoặc chăn nuôi.
Giống như các quốc gia Đông Nam Á khác, các tu viện
Theravada ở Campuchia chủ yếu dựa vào sự quyên góp vì các nhà sư dành cả cuộc đời
của mình để tu học.
Các nhà sư Theravada vẫn thực hành theo cách truyền thống là
đi khắp nơi thu vật phẩm cúng dường, nhưng đại dịch Covid-19 đang hoành hành đã
tạo ra một thách thức đối với thực hành này, vì những các Phật tử được yêu cầu ở
nhà và một số gặp khó khăn về tài chính.
Việc làm nông nghiệp tại chùa Serei Sakor Daun Sdoeung được
coi là một ví dụ điển hình về một phương pháp tự chủ và bền vững.
Thầy Teang cho biết các nhà sư ở chùa của ông đã làm nông và
trồng cây được khoảng 10 năm nay, chủ yếu vì lý do sức khỏe, kinh tế và môi trường.
“Tôi coi trọng sức khỏe tinh thần và thể chất và tôi tin rằng
trồng cây ăn trái và rau màu có thể đóng góp cho cả hai khía cạnh của cuộc sống.
Trồng rau hữu cơ giúp các nhà sư và dân làng gần đó tăng cường sức khỏe nhờ họ
vận động thân thể và đổ mồ hôi khi làm việc trên đất chùa.
“Ngoài ra, nhà chùa không phải bỏ tiền ra mua rau và những
thực phẩm có hại cho sức khỏe.
“Một số loại trái cây và rau quả được coi là không tốt cho sức
khỏe do bị phun hóa chất và các phương pháp sản xuất nông nghiệp phi đạo đức
khác. Khi tiêu thụ những thứ như vậy, chúng ta sẽ đối mặt với nguy cơ mắc bệnh
cao hơn và cuối cùng phải chi nhiều tiền cho việc chăm sóc sức khỏe,” Thầy
Teang nói.
Vườn rau của chùa chỉ có diên tích 50m x 10m. Nhưng trong
không gian đó, có rất nhiều loại trái cây và rau quả bao gồm xà lách, rau muống,
rau bina, cải xoăn, cà tím, cà chua, ngô, sả, bí đỏ, dừa thơm, hoa súng, chuối,
mít, xoài, táo hồng. và đu đủ.
Chúng được trồng bằng cách chỉ sử dụng phân bón tự nhiên.
“Tôi cho rằng trồng rau hữu cơ không khó. Kỹ thuật quay trở lại thời kỳ đầu của
tổ tiên chúng ta.
“Trồng và ăn những gì bạn trồng sẽ tốt cho sức khỏe. Khi có
sức khỏe, bạn mới có thể học tập và làm việc hiệu quả. Không phải vô cớ mà người
ta nói: Bạn chính là những thứ mà bạn đã ăn," Thầy Teang nói.
Những ai có nhu cầu học cách trồng rau hữu cơ có thể ghé qua
chùa. Các nhà sư sẵn sàng chia sẻ kiến thức về canh tác hữu cơ.
Lối sống lành mạnh này cũng đã truyền cảm hứng cho người dân
trong làng trồng thực phẩm hữu cơ. Họ học được kỹ thuật canh tác từ các sư thầy
ở chùa và trồng trọt để nuôi sống gia đình, thậm chí tạo thêm thu nhập.
Để giúp dân làng trồng lương thực, chùa đã chia sẻ một số
cây lúa giống với người dân khi mùa mưa bắt đầu. Thầy Teang nói: “Chúng tôi
cũng chuẩn bị hạt giống rau cho những người cần chúng.”
Vào mùa thu hoạch, các sư thầy thay nhau ra đồng gặt lúa. Và
khi khó khăn, chùa Serei Sakor Daun Sdoeung cũng giúp dân làng đỡ bằng cách
chia sẻ gạo và rau của mình như là vật phẩm cứu trợ..
Thầy Teang nói: “Chúng tôi có nhiều rau và trái cây hơn nhu
cầu tiêu thụ hàng ngày. Ưu tiên của chúng tôi là dành chúng cho dân làng gần
đó. Người ở xa đến cũng có thể lấy nếu chúng tôi còn dự trữ ”
Bên cạnh việc trồng thực phẩm, thậm chí có những vườn hoa mà
Thầy Teang cho biếtchúng được xem như là chất xua đuổi côn trùng để ngăn sâu bệnh
phá hoại mùa màng của họ. Các cây dại cũng được trồng và có biển ghi tên loài
cây để người dân, đặc biệt là trẻ em tìm hiểu về các loại cây rừng.
“Nếu phải chặt bỏ một cây thì nên trồng lại hai cây. Cây cối
cung cấp một tán xanh cho trái đất và các sinh vật khác. Chúng bảo vệ trái đất
khỏi sự nóng lên toàn cầu, ” sư trụ trì
nói và cho biết thêm rằng chùa được mệnh danh là ngôi chùa Phật giáo xanh nhất ở
Campuchia.
Mặc dù trang Facebook của chùa có 11.000 người theo dõi, sư
trụ trì cảm thấy nhẹ nhõm vì chùa không đông đúc trong dịp Tết của người Khmer.
Một thông báo trên Facebook của chùa cho biết: “Quý vị có thể
đến chùa để cầu nguyện và cúng dường thức ăn cho các nhà sư như một việc làm tốt
bất cứ lúc nào.
“Nhưng điều quan trọng nhất là quý trọng sức khỏe của quý vị.
Chúng tôi không thất vọng khi thấy ít người đến hơn. Thay vào đó, chúng tôi rất
vui vì ngày càng có nhiều Phật tử quyết định ở nhà, giữ gìn vệ sinh và thực
hành giản cách xã hội. Chúc quý vị trường thọ và làm nhiều việc thiện hơn.
"Nguyện cầu tất cả đau khổ, bệnh tật và sợ hãi biến mất khỏi thế giới."
Nguyễn Khắc Phước thuật lại từ bài
Pagoda shows the way to sustainable green living
của tác giả Pann Rethea đăng trên Phnom Penh Post ngày 19/4/
2020.