Quê tôi có một cái đầm, gọi là đầm Miếu Cô. Ngày xửa ngày xưa có một cô gái ngày ngày cầm dũi ra đầm dũi cá, rủi thay bị sẩy chân xuống lầy mất tăm mất tích. Nghe nói cô gái linh thiêng lắm nên người ta xây miếu bên cạnh đầm để thờ. Quanh miếu dần dần mọc lên một rú rậm, hầu hết là cây mưng. Mưng thích mọc bên bờ nước và chúng phát triển rất nhanh, cây nào cũng cao lớn. Người dân làng cần củi đốt nhưng họ không dám vào chặt mưng vì sợ cô bắt.
Có một con suối chảy
vào đầm phía tây và chảy ra phía đông, vào mùa hè thường trôi lềnh bềnh những
đám hoa mưng giống như hội hoa đăng, đẹp không thể tả. Bọn con nít giữ trâu có đứa
lấy bông mưng kết thành vòng hoa quàng cổ.
Cái đầm miếu cô và rú
mưng đã được vài trăm tuổi. Đó là khu vực
linh thiêng ít ai dám xâm phạm.
Thế nhưng chẳng có gì
trên đời này mà tồn tại mãi.
Cách đây chừng hai chục
năm, tôi về thăm quê, định ra con suối ngày xưa để câu cá, thì hỡi ôi, không hiểu
vì cớ gì người ta đã đập nát miếu cô từ lúc nào. Rú mưng không còn linh thiêng
nữa và bà con dân làng tha hồ vào chặt cành lấy củi. Chặt cành vì cây mọc trên đất
lầy, nếu lấy gốc thì biết phơi bao giờ cho khô.
Những cây mưng có vài
trăm tuổi có sức sống dẻo dai đến kì lạ.
Càng chặt chúng càng đâm nhánh mới. Lại chặt, lại đâm nhánh mới. Chính vì thế
nên cây mưng có hình dáng khúc khỷu, uốn lượn tự nhiên, biến thành những cây
bon-sai cổ thụ lúc nào không hay.
Có lần gần tết, tôi ngồi
uống cà phê bên hè phố thấy người ta kéo cây đi bán, tôi hỏi mấy thằng bạn: Cây gì trông giống
cây mưng ở quê tao vậy, tụi bay? Tụi nó cười ha hả dễu cợt: Cây lộc vừng sang trọng đáng tiền triệu của người ta mà mầy
nói cây mưng cây mững gì, thằng này quê quá. Tôi dòm kỹ thì đúng là cây mưng.
Tôi nghĩ bụng, chuyến này mình về quê bứng vài cây mưng ra phố bán thì chắc đủ
tiền tiêu tết.
Nghĩ là về quê liền, thế
nhưng khi về đến nơi, hỏi ra thì rú mưng đã bị bứng sạch không còn lấy một gốc, chỉ còn trơ cái đầm nông choèn trông rất vô duyên. Bà con kể rằng có mấy người
trên tỉnh về săn lùng cây kiểng vào đầm lén đào gốc mưng nhưng bị người đốn củi
chặn lại. Họ trả giá rất cao và lúc này chính dân làng đua nhau đào gốc bán cho
họ. Họ không gọi những cây này là cây mưng mà là lộc vừng.
Thế là hết miếu cô với
những câu chuyện linh thiêng, hết rú mưng rậm rạp vang lừng tiếng chim và tiếng
kêu của những con cuốc mùa hè, và thôi rồi con suối đầy hoa mưng đỏ trôi lềnh bềnh.
Đi đến những nhà hàng
hoặc những quán cà phê sang trọng, người ta lại trông thấy những cây lộc vừng
phơi thân trần sần sùi, đứng rất điệu đàng bên những hòn non bộ với con suối giả, nước chảy róc rách, trên đầu nguồn, hơi nước phun mờ ảo như cảnh thần tiên. Cây mưng lên đời, đã không còn cái chân quê, dường như đang làm bộ làm tịch như những
cô gái làng lên tỉnh bán bia mặc váy mini ngắn cũn cỡn, cũng đẹp và khêu gợi chẳng
kém gì ai, vừa rót bia vừa xoay xoay chai rất điệu nghệ. Hiếm khi người ta thấy
cây mưng ở phố trổ hoa rộ như hồi còn ở đồng quê nếu nó không được trồng bên bờ sông hoặc bờ hồ, cũng như hiếm khi người ta thấy các cô gái bán bia bưng
miệng thẹn thùng khúc khích cười duyên như khi ngồi giặt áo bên bến sông.
Những cây mưng quê âm
thầm bên đầm được người thành phố mang về tỉa tót, những cô gái quê chân lấm tay
bùn được thoa phấn son, ăn mặc khêu gợi, đươc huấn luyện để biến thành món hàng
làm giàu cho những người biết cách để móc túi những gã gốc nhà quê mới giàu lên
nhờ có công ăn việc làm béo bở tại thành phố.
Chuyện miếu cô tưởng
như vậy là hết nhưng tháng Ba âm lịch vừa rồi, tôi nhận được giấy mời từ quê gởi
vào: "Trân trọng mời anh về dự lễ khánh thành Miếu Cô vừa được xây dựng
xong."