Thứ Ba, 22 tháng 8, 2017

CHIM CHÀO MÀO - Truyện ngắn


CHIM CHÀO MÀO
Truyện ngắn
Nguyễn Khắc Phước
    
Thấy bạn bè nuôi chim, tôi cũng kiếm cái lồng, mua một chú chào mào thả vào nuôi cho vui. Tôi chọn chào mào vì ngày xưa ở quê bố tôi chỉ thích nuôi chào mào và vì chúng hót thật hay.

Người ta có thể bắt chim bằng cách nhái được tiếng của chúng, riêng tiếng chào mào thì không ai nhái được vì tiếng kêu của nó có nhiều cung bậc khác nhau, khi bổng khi trầm, tiếng trong tiếng đục và liếng thoắng một hơi dài, người ta gọi là giọng thổ đồng, nghe rất khoái lỗ tai. Đang buồn mấy nghe tiếng chào mào kêu cũng thành vui. Nhớ quê mà nghe được tiếng chào mào thì lòng cũng nhẹ nhõm.   
 
Thế nhưng con chào mào của tôi đã hơn một tuổi rồi vẫn không một tiếng hót. Bạn bè đến chơi, có người nói chim anh ta chưa mọc hết lông đuôi đã biết kêu bảy tám tiếng. Có người bày tôi thay đổi thực phẩm, thay lồng lớn hơn, đem lồng treo ngoài vườn cho nó bắt chước tiếng đồng loại. Thế nhưng mọi biện pháp đều vô ích. Tôi định đem thả nó và mua con khác nhưng thằng con mười tuổi của tôi không chịu. Nó không cần tiếng hót vì nó chưa nghe chim chào mào hót bao giờ. Nó sợ thả ra thì chim đói chết. Tôi định bụng hôm nào đó sẽ mua một con biết hót, lớn bằng con này và thả vào lồng khi con tôi đang ở trường.    

Một bữa nọ tôi chở thằng con đến trường xong quay về nhà . Vừa mở cổng thì nghe trong vườn có tiếng chim chớp mào hót. Tôi ngẫn người ra. Tiếng chim quá tuyệt vời tôi chưa bao giờ nghe con chào mào hót hay thế kể cả những con chào mào của bố tôi ngày xưa.  Nó hót một tràng có đến ba mươi giây và rồi tiếp một tràng khác liền sau đó. Chắc là giọng thổ đồng đây rồi. Tiếng hót như một khúc nhạc được diễn tấu bởi một nhạc công trứ danh: dồn dập, liếng thoắng, trầm bổng, trong trẻo và dần cao vút lên. Tôi cảm thấy tâm hồn mình phơi phới nhẹ tưng. Tôi lắng nghe một hồi và biết nó đang ở trên cây khế trước nhà. Anh này muốn đến tán chim nhà tôi đây. Cứ ở đó mà hót, ta sẽ có cách bắt chú mầy. Không dưng mình lại có một con chim hót cực tuyệt.  
  
Tôi lén ra phía sau nhà nơi treo sẵn cái lồng sập. Lấy cái lồng sập xuống tôi kiểm tra lưới, cài  lên rồi đưa ngón tay vào thử xem lưới có sập không. Tốt! Quá nhạy! Tôi vào cửa sau định bụng ra hiên  lấy lồng chim chào mào xuống và thả con chào mào của tôi vào lồng sập để làm mồi. Thế nhưng hỡi ôi, cái cửa lồng mở toang và con chào mào của tôi đã bay mất. Tôi nhớ hồi sáng vì vội đưa con đến trường cho kịp giờ học nên đã quên đóng cửa lồng. Tôi dậm chân muốn kêu trời nhưng lại thôi vì tiếng chim ngoài kia vẫn đang thánh thót.  

Tôi rón rén nhẹ nhàng từ từ di chuyển đến gốc khế và nhìn lên. Hình như con chim thấy tôi nhưng nó không bay đi, chỉ nhảy lên một nhánh cao hơn. Chim nhà ai mà dạn dĩ thế này? Nhìn kỹ thì nó giống y chang con chào mào bạc má có cườm quanh ức của tôi. Đúng rồi, nó là con chim của tôi đã sẩy lồng ra đây. Không thể có con nào giống nó như đúc vậy được. Tôi mừng quá, con chim tôi không những biết hót mà hót hay vào bậc nhất. Nhưng tại sao bấy lâu nay ở trong lồng nó không hót nhỉ? Một tiếng cũng không.

NKP

CON NGƯỜI TA CÓ CÁI SỐ - Truyện ngắn

CON NGƯỜI TA CÓ CÁI SỐ

Truyện ngắn

     Sau ngày đất nước thống nhất, tôi nộp đơn xin làm ở một hợp tác xã. Hồ sơ xin việc phải có lý lịch được chính quyền địa phương chứng nhận. Tôi nghĩ mãi vẫn không kiếm ra một người bà con bên nội có tham gia cách mạng để khai vào lí lịch, bèn hỏi mẹ tôi. Mẹ tôi nói: "Cậu Thu mầy đi tập kết ra miền Bắc nghe nói làm bác sĩ, mầy không biết sao?" Tôi hý hửng khai vào lý lịch và đem lên Ủy Ban chứng nhưng họ từ chối, biểu về viết lại. Hỏi ra mới biết cậu tôi chỉ là dược sĩ đông y ở một bệnh viện huyện nào đó, không hiểu sao sau khi hòa bình bốn năm vẫn chưa về quê.

     Mợ tôi và thằng con trai đợi cậu hai chục năm không có tin tức rồi phải đợi thêm năm năm nữa cậu mới xuất hiện. Sau giây phút mừng rỡ cha con vợ chồng gặp nhau, câu đầu tiên cậu nói với mợ là xin đem bà vợ hai và hai thằng con trai ngoài ấy vào trong này sinh sống. Mợ và thằng con, sau ít phút ngạc nhiên, dần dần chuyển sang tức giận. Mợ chỉ khóc nhưng thằng con cương quyết đuổi bố nó đi.

     Cậu mang ba lô trở ra miền Bắc. Một vài tháng sau cậu lại trở vào cũng chỉ một mình. Cậu chuyển vào công tác tại một trạm đông y của huyện nhà và ở đó luôn không về nhà. Nghe nói mợ hai và hai thằng con ngoài kia cũng đuổi cậu đi khi được tin cậu đã có vợ con trong này.

    Thế là từ một người có gia đình với hai vợ và ba con trai nay trở thành người độc thân. Mỗi lần mẹ tôi đến thăm cậu, thường nghe cậu nguyền rũa mấy thằng con trai. Thề sẽ lấy vợ lần thứ ba và sẽ sinh con gái. Chuyện lấy vợ không khó khăn gì vì cậu tôi  mặc dù lớn tuổi vẫn trắng trẻo đẹp trai như thanh niên. Và rồi cậu tôi lấy vợ thứ ba thật. Đó là cô cấp dưỡng ở bệnh xá bấy lâu thường ngày nấu cơm cho cậu tôi ăn. Và đúng với ý nguyện của cậu, mợ ba sinh cho cậu một cô con gái.

   Sau khi mừng rỡ sinh được con gái mẹ tròn con vuông thì cậu tôi bắt đầu lo lắng vì con gái cậu có vẻ không bình thường. Càng lớn nó càng tỏ vẻ đờ đẫn, chậm phát triển về trí tuệ. Khám bệnh bác sĩ nầy cho là có triệu chứng bệnh đao, bác sĩ khác cho là bị nhiểm chất độc da cam. Môi nó dày, mắt to và lồi, người mập ú. Suốt ngày thấy gì cũng cười. Đặc biệt từ nhỏ đến lớn nó chỉ đòi cậu bồng ẵm, chăm sóc. Con bé nay đã hơn mười lăm tuổi chưa hề đi đến trường. Hằng ngày bố nó phải bưng cơm, kêu hà hà cơm này cơm này rồi đút cho nó như một đứa lên hai, chiều đến phải dắt nó vô nhà vệ sinh dội nước kì cọ tắm rửa. Tối nó vẫn ngủ với bố nó như từ bé đến nay, không chịu ngủ với mẹ hay ngủ một mình. Nghe nói thậm chí khi nó tới tháng, bố nó cũng phải thay băng vệ sinh, làm sạch chỗ dơ cho nó.   

      Việc chăm sóc một người bệnh từ đầu chí cuối với cậu không khó vì dù sao cậu cũng làm trong ngành y, nhưng điểm lại cuộc sống gia đình, vợ con của cậu thì chỉ thấy toàn khổ với khổ. Tôi hỏi sao cậu khổ mãi thế, mẹ tôi chỉ phán một câu: Con người ta có cái số và số của cậu mầy là vậy.


NKP

Thứ Hai, 21 tháng 8, 2017

CON VỊT QUA CA DAO


Lời thưa: Năm Dậu nói chuyện gà, vậy năm gì nói chuyện vịt? Không có năm nào cả bởi con vịt không có mặt trong 12 con giáp. Thấy thương con vịt quá nên tôi viết bài này. 

CON VỊT QUA CA DAO

Mùa hè bạn thường về miền quê để du ngoạn hay thăm bà con, làng xóm, quê cha đất tổ. Thật thoải mái biết bao khi đi ngang qua cánh đồng lúa xanh rì gợn sóng bồng bềnh mát rượi nhờ ngọn gió nồm êm ái. Cảm giác ấy tràn trề hơn hơn khi thấy trên cánh đồng có một hồ nước điểm những hoa sen trắng hồng, hoa súng tím vàng và một đàn vịt đang bơi hiền hoà trên mặt nước. Cảm giác thoải mái lên đến tột cùng khi bạn nghe văng vẳng đâu đây giọng hò của anh nông dân đang đạp guồng nước và chị thôn nữ đang nhổ cỏ lúa trên đồng.

Câu hò như thế này:

Con vịt nó kêu "cặp cặp"
Nó kêu không hồi không chặp kêu khắp dòng sông
Kêu "Đào hoa giang thượng tương chiếu hồng "
Kêu trai chưa vợ gái chưa chồng thành đôi
Kêu rồi nước chảy hoa trôi
Tiếng thời kêu "cặp" nhưng mồ côi một mình
- Con gà nó kêu "Chiếc chiếc"
Hắn kêu tha thiết kêu cả năm canh
Kêu: "Cô sản lưu thủy bất vị thần "
Trời kia khéo để duyên lành nhở nhơ
May mô ngộ gặp tình cờ
Tuy rằng kêu "Chiếc" nhưng bây giờ thành đôi.


Vịt không chỉ lội trên đồng, vịt còn đi vào trong câu hò câu hát. Con vịt gắn liền với đời sống kinh tế cũng như tình cảm của người nông dân. Nơi nào có đồng, có ruộng, có cái ao nho nhỏ là nơi ấy có vịt, thứ gia cầm dễ nuôi ít bệnh tật hơn gà.

Không kể những người nuôi vịt chạy đồng để làm kinh tế, bất cứ hộ gia đình nào cũng nuôi dăm con vịt chủ yếu để lấy trứng hoặc giết thịt. Người nông dân hằng ngày qua bữa bằng dưa cà còn vịt thì dành cho những dịp quan trọng:

Ra công trồng một vườn cà
Cà đem muối mặn cả nhà ăn chung
Vịt gà nuôi béo nhốt lồng
Chờ khi giỗ chạp vặt lông cúng thờ.

Đôi khi ông chồng muốn làm một con để ăn cho đỡ thèm thì bà vợ khoát tay:

Thôi thôi đừng vịt đừng gà
Cà non chắm mắm cà già làm dưa

Cụ Nguyễn Khuyến có ao, có vườn nhưng rất tiếc Cụ không nuôi vịt mà chỉ nuôi dăm con gà thả rông, để khi khách đến thì than: "Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà", vì nếu có vịt thì rất dễ đuổi bắt, trái lại,  những người nông dân mặc dù hiếm khi tự cho phép mình ăn thịt vịt nhà nhưng khá rộng rãi:

Ao ta ta thả cá chơi
Vườn rộng nuôi vịt, vườn khơi nuôi gà
Quanh năm khách khứa đến nhà
Ao vườn sẵn có lọ là tìm đâu.

Hay là: Khách đến nhà không gà thì vịt.

Người thành phố không mấy ai nuôi vịt nhưng có thịt vịt để ăn quanh năm. Thịt vịt là món bình dân. Sáng ra mới mở mắt thì đã nghe rao:

Cháo gà cháo vịt cháo thịt cháo cua
Cháo rùa cháo ếch cháo lệt cháo lươn
Mới ra đường nóng hổi vứa thổi vừa ăn
Cháo đây!

Ngoài thịt vịt, trứng vịt lộn cũng là món ăn khoái khẩu của người Việt ở thành phố. Nhà văn Lê Phi đã viết về nghề bán trứng vịt lộn ở Huế như sau: Thành phố Huế vào khuya lẫn trong tiếng động cơ thưa thớt là những lời rao: “Ai lộn đây…lộn nào…” nhọc nhằn của những phụ nữ nghèo mưu sinh chốn thị thành nhờ thúng trứng vịt lộn. (Lê Phi, Dân Trí, 20-4-08).

Những cái tên của các bà, các chị đã đi vào ca dao:

Ở Phú bài có cô Chín, cô Hai
Ở An Cựu có bà Tú, bà Ca,i bà Nghè
Trong thành nội có mấy o bán chè
Ngoài thành nội có mấy bà bán hột vịt lộn rao rè cả đêm.

(Bà Tú, bà Cai, bà Nghè mà phải đi bán trứng vịt lộn thì các bạn có thể đoán câu ca dao nầy xuất hiện vào thời điểm nào.)

Người sành ăn thịt vịt biết chọn vịt nào để làm thịt:
Vịt già gà non.

Thịt vịt thì hiền nhưng trứng vịt thì người đang ốm phải coi chừng: Gà độc thịt, vịt độc trứng.

Thịt vịt và trứng vịt là thực phẩm cho người còn vịt con thì:
Bao phen quạ nói với diều
Ngả Kinh Ông Hóng có nhiều vịt con.

(Kênh ông Hóng ở Bình Lãng, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An.)

Con vịt không chỉ là thực phẩm hay thương phẩm mà hình ảnh hiền hoà dễ thương cuả nó xuất hiện trong nhiều tình huống để làm vật trung gian, tạo điều kiện thuận lợi cho con người giao tiếp với nhau.

Ao bèo hồ sen với đàn vịt lội là nơi nhiều mối tình quê nẩy nở.

Chiều chiều vịt lội bàu sen
Để anh lên xuống làm quen với nàng.


Chiều chiều vịt lộ bờ làng
Thương người áo trắng vá quàng nửa vai

(Vịt lội bàu sen mà em cũng có thể đang lội bàu sen đang chăn vịt hay hái bèo. Có em thì có vịt. Em và vịt hai hình ảnh gắn liền nhau. Vịt dễ thương mà em cũng dễ thương.)

Và là nơi hẹn hò của bao cặp tình nhân.

Ngập ngừng vịt lội ao sen
Bữa nay gặp lại người quen tôi mừng.

(Vịt xuất hiện thì em cũng có mặt. Vịt là dấu hiệu của em. Vịt là cầu nối là kẻ mối mai se kết cho tình duyên của anh và em. Thương em thương cả...đàn vịt của em.)

Thế nên khi  phải xa nhau thì hình ảnh con vịt  gợi nhớ đến người mình yêu. Nếu là phụ nữ có chồng đi xa thì:

Vịt nằm bờ mía rỉa lông
Cám cảnh thương chồng nhạn lạc đằng xa.

Người đi xa lại cảm thấy lo lắng cho người yêu người vợ đang ở quê nhà vào mùa nước nổi. Khi nước lớn, con vịt lội tung tăng chẳng có gì nguy hiểm còn người vợ một thân một mình bên giòng nước xiết thì biết bao là hiểm nguy.

Chiều chiều vịt lội mênh mông
Cầu trôi ván nổi ai bồng em qua.


Khi đôi uyên ương quyết định thành vợ chồng thì con vịt cũng là món sính lễ:

Người ta giàu thì đầu heo nọng thịt
Tụi mình nghèo thì cặp vịt đôi bông
Sao mai mọc buổi hừng đông
Ước sao nên vợ nên chồng thì thôi.

Hình ảnh con vịt còn đi vào ngôn ngữ dân gian.


Khi uống vào mấy xị thì ông nào cũng hăng tiết vịt phê bình bạn mình là đá gà đá vịt nghĩa là làm ăn qua loa. Vợ chồng không hợp ý nhay, ông nói gà, bà nói vịt, chẳng ai nghe lời ai. Nói quá đến khi khan cổ thì nói khàn khàn như vịt đực. Không ưng thì thôi chớ mắc chi mà chê người ta: đầu gà đít vịt và thấp lè tè như vịt.

Các thầy cô giáo thường khổ sở vì các học sinh lười biếng, nói không chịu nghe, khuyên bảo gì cũng như nước đổ đầu vịt. Nhiều học trò thời nay suốt đêm thức chơi game và tới lớp thì ngủ gà ngủ vịt. Nếu thầy giáo lỡ quát mắng hay đánh học trò thì không dưng phải vạ vịt. Trẻ con cùng lứa tuổi thì xấp xỉ ngang nhau như trứng gà trứng vịt. Cũng có đứa thông minh nhưng gặp thầy giáo nghiêm khắc thì trò ra trò, thầy ra thầy, trứng không thể nào khôn hơn vịt.

Tội nghiệp những đứa trẻ mất mẹ phải sống với mẹ kế bởi vì: Mẹ gà con vịt chít chiu. Mấy đời dì ghẻ mà yêu con chồng.

(Vì vịt không ấp trứng nên nhờ gà mẹ ấp giúp, nở ra vịt con. Lúc nhỏ không nhận ra nhưng sau một hai tuần trộng trộng, gà mẹ thấy vịt khác với con mình, thường mổ cắn để đuổi đi.)

Trong bức tranh miền quê, hình ảnh con vịt trên hồ sen đem lại cảm giác an bình. Hình ảnh ấy gắn liền với những tình cảm thật thà, chơn chất, với những gì thân thương nhất như người yêu, người vợ, người chồng và đôi khi cả người mẹ nữa:

Lắng nghe chim vịt kêu chiều
Bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau.

Mặc dù đó là con vịt trời nhưng cũng là vịt đấy thôi.

Con vịt có nhiều ý nghĩa như thế, thịt vịt đối với người dân quê quý giá đến thế nên mẹ của bạn và cả gia đình bà con đang trông ngóng bạn về để thết bạn  thứ vịt đã được vổ béo bằng thứ lúa chín rụng sau mùa gặt, bằng con tôm, con tép dưới ao, bằng con giun, con dế trong vườn, là thứ thịt vịt ngon không thể nào tả được và đặc biệt thơm tho tình cảm quê hương.

Mai bạn có về quê cho tôi về cùng với nhé.

NKP



Thứ Hai, 7 tháng 8, 2017

TÌNH EM VIỄN XỨ - Võ Làng Trâm họa thơ NK Phước

GẶP LẠI NGƯỜI XƯA
Tặng các bạn đồng môn Hải Lăng & Nguyễn Hoàng.

Mấy chục năm trời ta lạc nhau
Mây bay trăm hướng biết về đâu
Quê nghèo vắng bóng người mi biếc
Xứ lạ đơn thân kẻ áo nhầu
Họ nói em theo chồng phá rẩy
Người đồn anh xuống biển lên tàu
Tình cờ tái ngộ bên sông cũ
Bối rối mắt nhìn chẳng một câu.
NKP

Bài họa:
TÌNH EM VIỄN XỨ
Bom vùi đạn lạc phải xa nhau
Có dịp chia tay nói chuyện đâu
Bạn bị đôn quân thi cử bỏ
Mình lo tị nạn áo quần nhàu
Xót xa biết mấy khi lìa xứ
Tê tái làm sao buổi xuống tàu
Người hỡi thôi đành xin giữ kín
Hồn thơ khô cạn chẳng thành câu . . .

Võ Làng Trâm