BÁC SĨ ĐÔNG Y
Truyện ngắn của ANIL CHANDRA (Ấn Độ)
Người dịch: Nguyễn Khắc Phước
Tháng Năm, 1875, đông đảo dân chúng nổi lên chống lại sự cai
trị của người Anh. Đến tháng Bảy, 1875, sự kiện này mới xảy ra ở Sitapur, một
thị xã nhỏ gần Lucknow.(1)
Người dân Sitapur vừa mới được tin quân đội Anh bị đánh bại
và Bahadur Shah Zafar (2) là lãnh tụ mới của Ấn Độ ở Delhi. Trật tự mới được
công bố. Khắp nơi quanh Sitapur, người dân tha thiết mong mỏi mà đến lúc đó vẫn
chưa biết rõ ràng là gì.
Từ làng đến xã, tất cả người dân đều đóng vai người lính.
Anh thợ may trở thành đại tá và đảm nhận nhiệm vụ của cấp tướng; những thân thể
tráng kiện được trang bị súng lục, dao găm và băng đỏ; những công dân bình thường
trở thành chiến binh, chỉ huy những tiểu đoàn quân tình nguyện ồn ào và chửi thề
như lính tráng để tăng thêm vẻ quan trọng.
Chính việc được mang và sử dụng vũ khí đã khiến cho những
người bấy lâu chỉ quen dùng cân và thước trở nên phấn khởi. Họ xử tử mấy con
chó chạy lang thang để chứng tỏ ta đây biết bắn. Ai cũng tin mình được tuyển mộ
để đóng một vai vĩ đại trong quân đội.
Cho đến lúc ấy,
thị xã Sitapur vẫn chưa nhận tin tức đầy đủ từ quân đội và từ thủ đô Dehli. Tuy
nhiên, khoảng một tháng nay, người dân bị kích động bởi sự kình địch giữa hai
nhân vật quan trọng. Hạ sĩ Cảnh sát Sher Singh, một người nhỏ bé, đã già, vẫn
trung thành với người Anh và Bác sĩ Kamta Prasad, một thầy thuốc dược thảo ở địa
phương, một người có ảnh hưởng đáng kể và là nhà tổ chức lực lượng dân quân
nông thôn có nhiệm vụ bảo vệ Ấn Độ.
Trong vòng hai tuần, ông ấy đã thuyết phục được sáu mươi ba
người tình nguyện để bảo vệ đất nước – những người đàn ông đã có vợ, những người
cha của gia đình, những nông dân cẩn trọng, những người buôn bán trong thị xã.
Sáng nào họ cũng tập luyện trước nhà viên Hạ sĩ Cảnh sát.
Bất cứ khi nào viên Hạ sĩ xuất hiện, Tư lệnh Kamta Prasad, với
mấy khẩu súng lục mang quanh mình, hãnh diện bước qua lại trước đoàn quân và ra
lệnh họ hô to: “Vương quốc Ấn Độ muôn năm!”
Việc này khiến cho viên Hạ sĩ không chỉ bực mình mà còn cảm thấy trong
đó có sự đe dọa, sự thách thức và có lẽ cả những hồi ức khó chịu về thay đổi lớn
lao có thể xảy ra.
Sáng ngày 5 tháng 7, 1857, mặc đồng phục, súng lục trên bàn,
Bác sĩ đang tiếp và cố vấn cho hai vợ chồng nông dân già. Người chồng bị đau
bao tử đã hai năm kể cả chứng đau quặn nhưng đợi cho đến khi vợ ông cũng bị bệnh
đó để họ cùng đi khám cho đỡ tốn.
Bác sĩ Kamta Prasad mở cửa, có vẻ ngạc nhiên, đột ngột vươn
mình, hai tay đưa lên trời, tỏ vẻ tôn sùng một ai đó, lấy hết sức la lớn lên,
khiến hai người nông dân ngạc nhiên.
“Vua Mô-gôn muôn năm! Đế quốc Mô-gôn muôn năm! Vua Mô-gôn
muôn năm!”
Sau đó ông ngồi xuống ghế, có vẻ bớt xúc động.
Khi người nông dân trình bày rằng ông thường bắt đầu đau quặn
thắt trong bao tử rồi buồn nôn, Bác sĩ nói: “Ông khờ quá, tôi mất thì giờ với mấy
kẻ khờ như ông rồi. Đế Quốc Mô-gôn đã được tuyên bố! Người Anh đã bị đánh bại!
Đất nước ta đã được giải phóng! Ông không biết sao?” Rồi ông chạy ra cửa sổ kêu như rống:
“Yashodra! Nhanh lên. Yashodra!”
Chị đầy tớ sợ hãi vội vã chạy vào. Ông ta nói nhanh và cà giựt:
“Lấy giày … súng… hộp đạn… và… dao găm ở
trên bàn trong phòng ngủ của tôi. Nhanh lên!”
Bác nông dân bướng bỉnh lợi dụng phút im lặng lại bắt đầu
rên rỉ: “Mỗi khi nó đau thì nặng lắm, quặn chịu không thấu.”
Bác sĩ cáu tiết la: “Im đi! Ông chỉ cần ngưng ăn ớt và gia vị
thì sẽ hết đau thôi.” Rồi đến gần người
nông dân và nói như hét vào mặt ông ta: “Ông không hiểu chúng ta đang sống
trong đất nước của người Hindu mới sao, đồ ngu!”
Nhưng rồi tình cảm nghề nghiệp đột ngột làm ông bình tĩnh lại,
và ông tiễn vợ chồng ông nông dân ra cửa, nhắc lui nhắc tới: “Mai đến nhé, mai
đến nhé; hôm nay tôi bận quá.”
Trong khi trang bị từ đầu đến chân, ông ra một loạt mệnh lệnh
cho người đầy tớ gái: “Chạy đến nhà Trung úy Ram rồi đến nhà Hạ sĩ Mohommed và
bảo họ đến đây ngay. Bảo Iqbal mang trống đến.” Và khi Yashodra đi rồi, ông ngồi tập trung suy nghĩ và tìm
cách đối phó với những khó khăn của tình huống.
Ba người đàn ông cùng đến. Họ mặc quần áo lao động. Nghĩ là
họ sẽ mặc đồng phục nên tư lệnh của họ tỏ
ra ngạc nhiên.
“Các anh không biết gì, hử? Người Anh đã bị đánh bại rồi.
Bahadur Shah Zafar là lãnh tụ mới của
chúng ta. Chế độ quân chủ đã được tuyên
bố. Trật tự mới đã được thiết lập. Vị trí của chúng ta đang khó xử."
Ông ấy trầm ngâm ít phút trước những khuôn mặt ngơ ngác của
đám thuộc hạ rồi nói tiếp:
“Cần phải hành động. Không được chần chừ. Mọi thứ phải được
quyết định nhanh chóng. Ram, anh đi tìm thầy tế lễ, nhờ ông rung chuông để tập
họp dân chúng, tôi sẽ là người tiên phong. Mohommed, anh kêu gọi dân quân
mang theo vũ khí tập trung giữa
làng. Iqbal, anh mặc đồng phục ngay lập
tức, nghĩa là, áo khoác và mũ. Chúng ta
sẽ cùng nhau đi chiếm làng và gọi Hạ sĩ Cảnh sát Sher Singh đến trao quyền cho
tôi. Các anh hiểu chưa?”
“Dạ, hiểu.”
“Vậy thì hành động
nhanh lên. Iqbal, tôi sẽ đi với anh đến nhà anh vì chúng ta cùng có chung nhiệm
vụ.”
Năm phút sau, tư lệnh và thuộc cấp, vũ trang đến tận răng,
có mặt tại trung tâm làng ngay vào lúc viên Hạ sĩ Cảnh sát nhỏ bé mang chiếc quần
kaki ngắn rộng thùng thình và súng trên vai xuất hiện ở một đường phố khác, bước
nhanh, theo sau là ba người bảo vệ mặc quần kaki ngắn và áo sơmi, mỗi người
mang một cái gậy và một khẩu súng trên vai.
Trong khi Bác sĩ nhìn chòng chọc, gần như sửng sốt, bốn người
đàn ông bước vào nhà của Hạ sĩ Cảnh sát
và kép cổng.
“Chúng ta bị cản trở,” Bác sĩ nói khẻ. “Cần phải đợi quân tiếp
viện; không thể làm gì được trong mười lăm phút tới.”
Trung úy Ram xuất hiện. Anh ta nói: “Thầy tế lễ không tuân lệnh,
đóng cửa đền và ở trong đó với người phụ
việc rồi.”
Lúc ấy, mấy người dân hoang mang thò đầu ra ngoài cửa sổ hoặc đứng trên bậc thềm nhà họ, người ta nghe
tiếng trống, và Iqbal đột ngột xuất hiện, giận dữ đánh ba tiếng một để kêu gọi
vũ trang. Anh ta bước nhịp quân hành băng qua trung tâm làng rồi biến mất trên đường dẫn ra đồng.
Tư lệnh rút kiếm, đi giữa hai ngôi nhà đã bị địch thủ đặt
chướng ngại vật, rồi vung kiếm trên đầu, dùng hết sức của buồng phổi, hét lên:
“Đế quốc Mô-gôn muôn năm! Đả đảo người Anh!” Rồi ông quay lại chỗ mấy sĩ quan của
ông đang đứng. Chủ hàng thịt, chủ quán
trà và quán tạp hóa đẩy cửa chớp lên và đóng cửa hàng lại. Chỉ có tiệm bán vãi
lẻ vẫn còn mở cửa.
Trong khi đó, từng nhóm nhỏ dân quân đến, mặc đồ khác nhau
nhưng tất cả đều đội mũ, và cái mũ trở thành đồng phục cho toàn thể binh đoàn.
Họ được trang bị gậy, dao và vài cây súng rỉ.
Trông họ giống như một phân đội
lính nhà nước.
Khi có khoảng ba chục người chung quanh, tư lệnh giải thích
ngắn gọn về diễn biến tình hình. Sau đó,
quay sang chủ đề chính: “Chúng ta phải hành động ngay bây giờ.”
Trong khi dân chúng tụ
tập và bàn bạc với nhau về tình hình, Bác sĩ nhanh chóng định hình được kế hoạch
chiến dịch.
“Trung úy Ram, anh tiến tới cửa sổ nhà của Hạ sĩ Cảnh sát
và, dưới danh nghĩa chế độ quân chủ mới,
ra lệnh cho Sher Singh trao thị xã cho tôi.”
Nhưng viên Trung úy, vốn là một anh thợ nề, không chịu đi.
“Ông đúng là người xỏ lá. Định biến tôi thành mục tiêu chớ
gì nữa! Mấy người trong kia bắn giỏi lắm, ông biết rồi chứ. Không, cảm ơn ông!
Ông tự thi hành lệnh của ông đi!”
Tư lệnh đỏ mặt. Ông nói: “Tôi ra lệnh anh đi trên danh nghĩa
đất nước vĩ đại của chúng ta.”
“Tôi không muốn bị thương hay bị giết mà không biết lý do,”
Trung úy nói.
Những người thuộc quyền
đứng gần nghe được và cười. Một người nói to: “Đúng đó, Ram, chưa phải
lúc.” Bác sĩ làu bàu: “Lũ hèn nhát.” Rồi
giao gươm và súng của ông cho một người lính, ông bước đều tiến lên, mắt chăm
chăm nhìn vào những cửa sổ dường như đề phòng có khẩu súng hay đại bác nào đó
đang nhắm vào ông.
Khi ông đến chỉ cách ngôi nhà ấy chừng vài bước, ba con khỉ
từ trên cây nhảy xuống sân và giựt hai trái chuối từ tay hai bé gái vừa mới bóc
ra định ăn. Vài người trong đám đông huơ tay, tìm cách xua mấy con khỉ, những
người khác thì cười hoặc xem mấy con khỉ làm trò. Bác sĩ hầu như không hiểu
chuyện gì đang xảy ra.
Ngay khi bầy khỉ bị đuổi đi rồi, bác sĩ hỏi chuyện gì đã xảy
ra với vẻ ngạc nhiên, và rồi gọi to:
“Hạ sĩ Cảnh sát Sher Singh?”
Một cửa sổ trên tầng một mở ra và Sher Singh xuất hiện.
Tư lệnh bắt đầu nói: "Này ông Hạ sĩ Cảnh sát, ông đã biết
sự kiện vĩ đại đang thay đổi chính phủ. Phe ông đại diện không còn tồn tại.
Phía tôi đại diện bây giờ đã lên nắm quyền. Vào trường hợp đột xuất và quyết định
này, trên danh nghĩa của Vua Mô-gôn, tôi đến đây để yêu cầu ông trao vào tay
tôi chính quyền mà lực lượng đang tháo chạy đã trao cho ông.”
Sher Singh trả lời: “Này Bác sĩ Kamta Singh, tôi là Hạ sĩ Cảnh
sát Sitapur và với tư cách là Hạ sĩ Cảnh
sát Sitapur tôi vẫn sẽ ở đây cho đến khi có lệnh trên buộc tôi rời đi. Là Hạ sĩ
Cảnh sát, tôi có trách nhiệm ở Sitapur và tôi vẫn cứ như vậy.” Và ông ta đóng cửa
sổ.
Tư lệnh quay lại đoàn quân. Nhưng trước khi giải thích điều
gì đó, ông nhìn Trung úy Ram từ đầu xuống chân rồi nói: “Anh là người hèn nhát,
làm mất mặt quân đội. Tôi sẽ hạ cấp bậc của anh.”
Viên Trung úy trả lời: “Cứ
việc. Gì cũng được.”
Và ông đi vào nhóm dân sự đang nói chuyện thì thầm.
Thế rồi ông Bác sĩ chần chừ. Làm gì đây? Tấn công? Lính của ông có tuân lệnh ông
không? Ông giải thích cặn kẽ với đám
đông bàng quan đang phân vân; cho họ biết sự nguy hiểm của chính phủ dưới thời
Hạ sĩ Cảnh sát; sự tận tâm phục vụ của ông, yêu cầu mọi người tuân lệnh, và rồi
nhìn đám đông với vẻ không tin tưởng. Không thấy ai trả lời, ông quay lại đoàn
quân và rút trong túi ra năm rupi và nói: “Này các bạn, hãy đi kiếm gì ăn. Chỉ
rời khỏi đây từng nhóm mười người, không được bỏ đi hết khỏi nhà của Hạ sĩ Cảnh
Sát nhé.”
Đang nói chuyện với ông thợ mộc, Trung úy Ram nghe lóm được
chuyện trên. Ông ta cười kinh bỉ và nói: “Xin phép cho tôi được phát biểu. Nếu
họ đi ra sẽ có cơ hội cho ông đi vào. Nếu không thì tôi không biết làm sao ông
vào được trong đó.”
Bác sĩ không trả lời
và bỏ đi ăn trưa. Vào buổi chiều, ông chọn nhiều sĩ quan khắp nơi trong thị xã,
có vẻ như biết một sự thay đổi đáng ngạc nhiên sắp diễn ra. Nhiều lần ông đi
ngang nhà của Hạ sĩ cảnh sát nhưng không thấy có gì đáng ngờ.
Chủ hàng thịt, hàng
bánh kẹo, quán trả lại mở cửa, đứng trên bậc thềm và tán chuyện với nhau. Nếu người Anh đã bại trận
thì ắt phải có một đứa phản quốc ở đâu đây. Họ không biết tương lai ra sao.
Đêm đến. Khoảng 9 giờ, Bác sĩ lặng lẽ quay lại và một mình đến nhà Hạ sĩ Cảnh
sát, tin rằng đối thủ của ông đã bỏ đi. Và khi ông dùng rìu để mở một lối vào,
ông nghe tiếng la to dõng dạc của người lính gác: “Ai đó?” Bác sĩ liền nhanh
chóng rút lui.
Một ngày mới bắt đầu và tình hình không có gì thay đổi. Đội
dân quân vũ trang chiếm trung tâm làng. Người dân đứng quanh chờ đợi xem người
ta giải quyết ra sao. Nhiều dân làng bên cạnh cũng đến xem. Cuối cùng, nhận thấy tiếng tăm của mình có thể
bị đe dọa, Bác sĩ tìm cách giải quyết.
Một ý nghĩ làm ông khó chịu. Nếu tấn công, ông phải đi đầu;
và nếu ông chết, tất cả xung đột sẽ chấm dứt, bởi vì Hạ sĩ Cảnh sát và ba người
bảo vệ chỉ nhắm vào một mình ông mà thôi. Và họ nhắm đâu trúng đó! Trung úy Ram
đã nhắc ông điều đó.
Chợt một ý nghĩ lóe lên trong đầu, quay sang Ram, ông nói:
“Đi nhanh kiếm cho tôi một mãnh vãi trắng và một cây sào.”
Viên Trung úy vội vã ra đi. Bác sĩ dự định làm một băng khẩu
hiệu chính trị, màu trắng, có lẽ để tạo cho Hạ sĩ Cảnh sát cơ hội để đầu hàng.
Ram mang về một tấm vãi lụa và một cán chổi. Họ dùng dây buộc
thành một cây cờ. Hai tay cầm cây cờ, Kamta Prasad tiến về phía nhà của Hạ sĩ Cảnh
sát. Khi đến trước nhà, ông kêu to: “Hạ sĩ Cảnh sát Sher Singh!"
Cảnh cửa lớn lập tức mở ra, Sher Singh và ba người bảo vệ xuất
hiện. Theo bản năng, Bác sĩ lùi lại. Rồi ông lịch sự chào địch thủ và nghẹn
ngào xúc động nói: “Thưa ông, tôi đến đây để nói rằng sự rút lui lịch sự của
ông là mối quan tâm của chúng tôi…”
Ông kia không chào và đáp rằng: “Thưa ông, tôi đang có ý định
rút lui, nhưng không phải vì sợ hay tuân
lệnh cái chính phủ ghê tởm đã chiếm quyền.” Và nhấn mạnh từng tiếng một, ông
tuyên bố: “Tôi không muốn có mặt ở đây để phục vụ Vua Mô-gôn dù chỉ một ngày.
Thế thôi.”
Kamta Prasad ngạc nhiên và không trả lời. Sher Singh bước
nhanh ra khỏi nhà, theo sau là ba người bảo vệ. Họ đi khuất phía bên kia góc phố.
Thế rồi, đôi chút mất tinh thần, Bác sĩ quay lại đám đông. Khi đến gần họ, ông
hô to: “Hoan hô! Hoan hô! Vua Mô-gôn chiến thắng!”
Nhưng không ai tỏ vẻ hưởng ứng. Bác sĩ cố gắng lần nữa:
“Nhân dân được tự do. Các bạn được tự do và độc lập! Các bạn có hiểu không? Hãy
hãnh diện lên nào!”
Những người dân làng thờ ơ nhìn ông với đôi mắt mơ hồ về chiến
thắng. Đến lượt mình, ông nhìn họ, bực bội
vì vẻ hờ hững của họ, và tìm lời lẽ để tạo ấn tượng mạnh, truyền điện vào vùng
quê yên tĩnh này để hoàn thành nhiệm vụ của mình.Cảm hứng chợt đến, ông quay
sang Ram và nói: “Trung úy đi lấy cho tôi khung ảnh của Nữ Hoàng Anh ở trong
nhà của Hạ sĩ Cảnh sát, mang nó và một cái ghế đến đây.”
Và chẳng bao lâu người này trở lại, cắp nách một tấm ảnh và
tay trái mang một cái ghế bọc rơm chỗ ngồi.
Kamta Prasad cầm lấy cái ghế, đặt xuống đất, để tấm ảnh lên
trên ghế, bước lui ít bước, và hô to: “Đả đảo bạo chúa! Đả đảo bạo chúa!”
Ông đợi tiếng vổ tay. Nhưng chẳng có tiếng nói hay âm thanh
gì. Những người nông dân hoang mang giữ yên lặng.
Vẫn giữ mặt đối mặt với nhau như thế, khung ảnh của Nữ Hoàng
Victoria trên ghế, Bác sĩ ở phía trước, cách khoảng ba bước. Tư lệnh bỗng nổi
giận.
Phải làm gì đây? Phải có cái gì để lay chuyển những người
này và mang lại chiến thắng quyết định.
Tay ông tình cờ chống mông và đụng vào nút bao súng dưới giây thắt lưng.
Không cảm hứng, không lời nào được thốt ra. Thế là ông rút súng, tiến hai bước,
nhắm và bắn vào Nữ Hoàng Anh. Khung ảnh vở tan nhưng chẳng có ảnh hưởng gì với
đám đông. Rồi ông bắn phát thứ hai, phát thứ ba, rồi ông bắn liên tu đến hết đạn.
Đám đông vẫn giữ nguyên, không cảm kích. Cáu tiết, ông lấy tay hất tung cái ghế,
một chân giẫm lên khung ảnh vỡ, trong tư thế chiến thắng, ông hô to: “Tiêu diệt
Nữ Hoàng và nước Anh!”
Vẫn không có sự nhiệt tình nào được thể hiện. Và khi khán giả
còn trong trạng thái sững sờ ngạc nhiên, tư lệnh nói với dân quân: “Các anh về
nhà đi.” Và ông bước nhanh về phiá nhà mình, vẻ như có ai đang đuổi theo.
Khi ông đến nhà, người giúp việc của ông cho ông biết có mấy
người bệnh đang đợi ông trong phòng khám ba giờ rồi. Ông vội vã vào trong. Có
hai bệnh nhân đau bao tử đã trở lại từ lúc sáng sớm, bướng bỉnh nhưng kiên nhẫn.
Ông già ngay lập tức bắt đầu khai bệnh: “Tối hôm qua đau
không chịu được. Tôi cảm thấy sức khỏe suy sụp lắm rồi.”
Nguyễn Khắc Phước dịch.
*
(Nguồn: Bài đăng trên trang Truyện ngắn Ấn Độ của Anil
Chandra, http://www.indianshortstories.in, tên truyện: The Ayurveda Doctor.)
*
Chú thích:
(1) Thuộc bang Uttar Pradesh hiện nay.
(2) Đế chế Mogul (tiếng Việt là Mô-gôn) có nguồn gốc Mông Cổ,
cai trị một phần rộng lớn lãnh thổ Ấn Độ từ 1526 – 1858. Bahadur Shah Zafar là vị vua cuối cùng nổi dậy
chống lại sự cai trị của người Anh năm 1857 nhưng đã bị thất bại.
*
SƠ LƯỢC VỀ TÁC GIẢ:
Anil Chandra là một sinh viên khoa Hóa học nhưng lại đam mê
viết truyện ngắn và nghiên cứu lịch sử.
Ông đã xuất bản được 7 tập truyện ngắn và là tác giả của 3 tập
sách về lịch sử: Đại cương về Ấn Độ cổ đại, Đại cương về Trung hoa cổ đại, Đại
cương về lịch sử và văn hóa Trung Hoa (1200 đến 1949).
Chandra ủng hộ nhiều
tổ chức từ thiện vô vị lợi. Hiện nay ông đang sống ở New Delhi, Ấn Độ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét