Thứ Tư, 13 tháng 12, 2017

LẠI CHUYỆN CÂY MƯNG



LẠI CHUYỆN CÂY MƯNG

Nguyễn Khắc Phước



Hơn chục năm trước, anh Phan Luận, một cán bộ kinh doanh thuộc Công ty  CP Cao su Đà Nẵng – DRC, thuê một chiếc tải nhỏ về quê An Đôn bên bờ sông Thạch Hãn mua gần chục cây Mưng mang vào tặng đồng nghiệp và bạn bè ở Đà Nẵng. Mặc dù tôi không biết anh Luận tặng bạn loại Mưng gì, nhưng bắt chước anh, tôi cũng về quê Lương Điền bên sông Ô Lâu bứng một cây Mưng nhỏ mang về trồng trên lề đường trước nhà.

Thấy tôi đang đào gốc cây, một bác bà con làng hỏi:

-Chú đào cây Mưng nầy mần chi rứa?

Nghe tôi nói ý định của mình, bác khuyên tôi:

-Chú nên tìm loại cây lá nhỏ mới có nhiều bông chớ thứ ni ít bông lắm.

Tôi giải thích với bác là tôi không rành cây kiểng, chỉ muốn về quê mang một cây gì đó vào trồng trước nhà cho có mùi vị quê hương, giống như người ta mang một nắm đất thiêng từ Jesusalem hay hay Bồ-đề-đạo-tràng về để thờ và kỷ niệm một chuyến hành hương.

Khoàng 5 năm sau, cây Mưng của tôi, được dân phố gọi là Lộc Vừng, đã lớn quá đầu người nhưng chẳng cho hoa nào, trong khi những cây Lộc Vừng của những nhà hàng xóm cao bằng nó thì đã cho bông xum xuê. Tìm hiểu, tôi mới biết bác người làng nói đúng. Chỉ cần đi quanh Đà Nẵng, cũng tìm thấy được ba loại Lộc Vừng. Loại lá nhỏ, loại lá vừa và loại lá lớn. Lá càng lớn thì bông càng ít nhưng càng to, ngược lại, lá càng nhỏ thì bông càng nhiều. Có người nói loại lá nhỏ mới chính là Lộc Vừng, còn các loại khác thì không phải, bởi hạt vừng (mè) mang hình ảnh nỏ bé. Người ta cầu mong được lộc nhỏ mà nhiều. Cây của tôi thuộc loại lá vừa nên sẽ cho bông ít. Không sao, bởi nó là cây Mưng chớ không phải Lộc Vừng và mục đích tôi trồng không phải để cầu lộc. Nếu đặt tên ghép với “lộc” thì nó là “Lộc đậu đỏ”, còn loại bông lớn là “Lộc đậu ngự” chớ không phải "Lộc mè".

Chỉ cần google một chút là có thêm thông tin:

Ở Việt Nam cây Lộc vừng có nhiều loại khác nhau, nhưng có dạng hình tương tự nhau với nhiều tên gọi khác nhau như: Lộc Vừng (Miền Bắc), Cây Mưng (Miền Trung), Cây Chiếc, Cây Rau Vừng (Miền Nam).

Loài Lộc Vừng phổ biến nhất: là Cây Chiếc hay Rau Vừng – Nam Bộ (Barringtonia Asiatica), có nguồn gốc từ môi trường sống ngập mặn trên bờ biển, hải đảo nhiệt đới của Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương. Loài này được trồng dọc theo đường phố cho mục đích trang trí và bóng mát. Ở Việt Nam, loài này mọc hoang ở vùng ven biển Nam Bộ và vùng ngập lũ Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên.

Loài thứ hai là Cây Lộc Vừng Hoa Đỏ (Barringtonia Acutangula), loài này có nguồn gốc từ vùng đất ngập nước ven biển ở Miền Nam Châu Á  và Bắc Úc , từ Afghanistan về phía đông Philippines và đảo Queensland. Loài này là Cây Lộc Vừng được người Pháp du nhập và cho trồng ở quanh bờ hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội). Đây là loài cây có công dụng dược liệu quan trọng.

Loại thứ ba là Cây Lộc Vừng Hoa Trắng hay Hồng (Barringtonia racemosa ( L. ) Roxb.). Loài này còn có tên là Lộc vừng Hoa Chùm, Chiếc Chùm. Có tên thường gọi trong tiếng Anh là Stream Barringtonia, Freshwater Mangrove, Indian Oak, Indian Putat, Fish killer tree.

Thông tin trên về cây Lộc Vừng nghe có vẻ phức tạp như một bài sinh vật học, nhưng như vậy, cây Mưng của tôi cũng thuộc họ Lộc Vừng, người dân phố gọi nó là Lộc Vừng cũng không sai.

Một ngày đầu xuân, tôi lại về quê và ghé thăm anh Lê Dư ở Hải Trường, được chiêm ngưỡng hai chậu Mưng đang trổ lộc đẹp không tả được. Vòm lá xum xê khiến người ta nghĩ đến sự phồn vinh, sung sức, no đủ, hạnh phúc. Hai cây Mưng kiểng này đã được anh hái lá vào một thời điểm thích hợp trước tết để đúng ngày Ba Mươi tháng Chạp là hé nụ và sáng Mồng Một là đâm chồi tím hồng  khắp cả cây.

-Năm ni bác Dư phát tài chi chưa chớ Lộc đến đầy sân rồi? Không phải Lộc Vừng nhỏ bé mà Lộc “đậu ngự”, lộc to lắm đây nghe.

Nghe tôi nói vậy thì một bác, cũng đang ghé thăm anh Dư, nói:

-Cái tên Lộc Vừng thì hay nhưng mà tui không ưa chú nờ.

Hỏi răng bác không ưa cái tên đó, bác ấy nói:

-Bởi nó làm người ta liên tưởng đến câu “Vừng ơi! Mở ra” trong truyện Ali Baba và Bốn Mươi Tên Cướp.

Rồi bác tóm tắt truyện đó như sau:

Ali Baba là một tiều phu nghèo, chăm chỉ và không tham lam, người anh trai tên là Kasim. Một hôm, tình cờ chàng phát hiện ra một cái hang bí mật chứa đầy kho báu quý giá của một băng cướp, với câu thần chú để mở và đóng cửa hang là: "Vừng ơi! Mở ra!" và "Vừng ơi! Đóng lại". Nhờ số của cải lấy từ hang bí mật về, chàng trở nên giàu có. Kasim được em mình kể lại tất cả sự việc liền nổi lòng tham, tự đi đến hang một mình mà không cần Ali Baba giúp đỡ. Vì choáng ngợp trước vàng bạc, của cải được phơi bày ra trước mắt mà Kasim đã quên mất câu thần chú mở cửa hang để đi về, do đó, bị băng cướp giết chết thành sáu mảnh. Việc khâm liệm Kasim được Morgiana (người được vợ chồng Ali Baba đem về nuôi từ bé và được coi như con đẻ) khéo léo thu xếp như với một cái chết bình thường để không ai nghi ngờ gì. Về phần băng cướp, sau khi biết hang bí mật đã bị lộ, tên tướng cướp lần lượt cử người ráo riết truy tìm cho bằng được tung tích của kẻ đã khám phá ra bí mật này. Nhờ mưu trí của Morgiana nên bọn cướp lần lượt bị tiêu diệt cho đến tên cuối cùng. Ali Baba tổ chức đám cưới cho con trai mình với Morgiana và từ đó cả gia đình họ sống rất hạnh phúc.

Bác nói tiếp: - Lộc đây vốn là của cải do sức lao động của người dân mà bọn cướp đã dùng vũ lực để cướp lấy. Một người không lao động gì cả, chỉ ao ước được lộc, dù đó là kết quả của cướp giựt, bóc lột, tham nhũng, quà cáp, thì người đó là kẻ tham lam, vô lương tâm bởi nếu mình được và sung sướng bao nhiêu thì người ta mất và đau khổ bấy nhiêu. Lộc là do nghiệp lành hoặc sức lao động mà có chớ không phải chờ của ăn cướp. Trong câu chuyện này chẳng thấy Ali Baba dùng của cải để làm việc thiện.

Truyện Ali Baba và Bốn Mươi Tên Cướp rất phổ thông, nhưng không biết có bao nhiêu người liên tưởng như bác nói. Dù sao, nhận xét của bác cũng khá thú vị.

Tôi nói: Ngày xưa vì còn khiêm tốn nên người ta lỡ đặt tên cây này là Lộc Vừng, chớ bây giờ, vào thời đại vật chất này, nếu đặt tên lại, người ta sẽ gọi nó là Lộc Hằng Hà, lộc nhiều như cát sông Hằng mới thỏa đó bác ạ.

NKP








Không có nhận xét nào: