TRUYỆN THẦN THOẠI VỀ GIÁNG SINH Ở STRASBURG
CHUYỆN TÌNH CỦA BÁ TƯỚC VÀ NÀNG TIÊN
Ngày xưa, gần thành phố cổ Strasburg bên dòng sông Rhine, có
một bá tước trẻ tuổi và khôi ngô tên là Otto. Năm tháng trôi qua, ông vẫn sống
độc thân, chưa từng để mắt đến những thiếu nữ xinh đẹp trong vùng. Vì lẽ đó,
người ta gọi ông là “Trái Tim Sắt Đá.”
Vào một đêm Giáng Sinh, Bá tước Otto quyết định tổ chức một
cuộc săn lớn trong khu rừng quanh lâu đài của mình. Ông cùng khách khứa và đoàn
tùy tùng lên đường, tham gia vào cuộc săn ngày càng hăng hái. Cuộc săn đưa họ
qua những lùm cây rậm rạp và những khu rừng hoang vu, đến nỗi cuối cùng Bá tước
Otto lạc khỏi đoàn.
Ông tiếp tục cưỡi ngựa một mình cho đến khi đến một dòng suối
trong vắt sủi bọt, được người dân xung quanh gọi là “Giếng Tiên.” Tại đây, Bá
tước Otto xuống ngựa, cúi mình xuống dòng suối và rửa tay trong làn nước trong
veo. Lạ thay, dù tiết trời giá rét, nước ở đây lại ấm áp và dịu dàng. Một luồng
ấm áp vui tươi lan tỏa khắp người ông. Khi ông nhúng tay sâu hơn, ông cảm nhận
bàn tay phải của mình như bị một bàn tay khác, nhỏ nhắn và mềm mại, nắm lấy.
Bàn tay đó khẽ tuột chiếc nhẫn vàng mà ông luôn đeo trên tay. Và khi rút tay
lên, chiếc nhẫn đã biến mất.
Quá kinh ngạc trước sự việc kỳ bí này, Bá tước Otto lên ngựa
trở về lâu đài, quyết tâm sáng hôm sau sẽ sai gia nhân hút cạn nước Giếng Tiên.
Ông trở về phòng mình, nằm dài trên giường mà không thay đồ,
cố gắng ngủ nhưng không sao yên giấc vì chuyện kỳ lạ vừa xảy ra.
Bỗng ông nghe thấy tiếng chó canh sủa dữ dội ngoài sân, tiếp
theo là âm thanh của cây cầu kéo kêu cót két như thể đang được hạ xuống. Rồi
ông nghe thấy tiếng chân nhỏ chạy trên cầu thang đá, và tiếp đó là tiếng bước
chân nhẹ nhàng trong căn phòng bên cạnh phòng mình.
Bá tước Otto bật dậy, và ngay khi ông làm vậy, một khúc nhạc
mê hoặc vang lên. Cánh cửa phòng ông bật mở. Chạy sang phòng bên, ông thấy vô số
sinh vật thần tiên nhỏ nhắn mặc trang phục rực rỡ lấp lánh. Họ không để ý đến
ông mà bắt đầu khiêu vũ, cười nói và ca hát theo tiếng nhạc huyền diệu.
Giữa phòng là một cây thông Giáng Sinh lộng lẫy, cây đầu tiên
từng xuất hiện ở vùng này. Thay vì đồ chơi và nến, trên các cành cây được thắp
sáng treo đầy những ngôi sao kim cương, chuỗi ngọc trai, vòng tay vàng nạm đá
quý, trâm cài đính hồng ngọc và ngọc bích, dây lưng lụa thêu ngọc trai phương
Đông, và những con dao găm được bọc vàng, gắn đầy đá quý quý hiếm. Cây thông rực
rỡ, lấp lánh và tỏa sáng dưới ánh đèn.
Bá tước Otto đứng lặng người trước cảnh tượng kỳ diệu, thì đột
nhiên, các tiên nữ ngừng nhảy múa và dạt ra, nhường chỗ cho một người phụ nữ
xinh đẹp lộng lẫy bước đến gần ông.
Nàng đội trên mái tóc đen huyền một chiếc vương miện vàng nạm
ngọc. Tóc nàng xõa dài trên chiếc áo lụa hồng và nhung trắng. Nàng đưa đôi bàn
tay trắng nhỏ nhắn về phía bá tước và cất giọng ngọt ngào quyến rũ:
“Thưa Bá tước Otto,” nàng nói, “ta đến để đáp lại lời mời
Giáng Sinh của ngài. Ta là Ernestine, Nữ hoàng của các Tiên. Ta mang đến thứ mà
ngài đã đánh mất ở Giếng Tiên.”
Nói rồi, nàng lấy ra từ ngực áo một chiếc hộp vàng nạm kim
cương và đặt vào tay ông. Ông mở hộp ra đầy háo hức và thấy chiếc nhẫn vàng của
mình bên trong.
Choáng ngợp bởi sự kỳ diệu, Bá tước Otto kéo nàng tiên
Ernestine vào lòng, và nàng, nắm lấy tay ông, dẫn ông hòa vào vũ điệu huyền bí.
Tiếng nhạc tiếp tục vang lên, và đoàn tiên nữ xoay tròn quanh họ rồi dần tan biến
vào làn sương đa màu sắc, để lại bá tước và vị khách xinh đẹp một mình.
Quên đi sự lạnh lùng trước đây với các thiếu nữ trong vùng,
Bá tước quỳ xuống và cầu xin nàng tiên làm vợ mình. Cuối cùng, nàng đồng ý với
điều kiện ông không bao giờ được nhắc đến từ “chết” trước mặt nàng.
Ngày hôm sau, lễ cưới giữa Bá tước Otto và nữ hoàng tiên
Ernestine được tổ chức linh đình, và họ sống hạnh phúc nhiều năm.
Nhưng một ngày nọ, khi bá tước và vợ tiên đang chuẩn bị đi
săn trong rừng, nàng tiên Ernestine chậm trễ xuất hiện. Quá bực bội, bá tước thốt
lên:
“Nàng làm chúng ta chờ lâu đến mức tưởng rằng đi liên lạc vói tử thần!”
Vừa nghe từ cấm kỵ, nàng tiên hét lên một tiếng đau đớn rồi
biến mất. Bá tước Otto, chìm trong đau khổ và hối hận, lục tung cả lâu đài và
Giếng Tiên, nhưng không bao giờ tìm lại được nàng. Dấu vết duy nhất còn lại của
nàng là dấu tay nhỏ nhắn hằn sâu trên vòm đá của cổng lâu đài.
Nhiều năm trôi qua, nàng tiên Ernestine không trở lại. Mỗi
đêm Giáng Sinh, bá tước đều dựng cây thông sáng đèn trong căn phòng mà ông đã gặp
nàng lần đầu, mong nàng sẽ quay về, nhưng vô ích.
Thời gian trôi, bá tước qua đời. Lâu đài trở nên hoang tàn.
Nhưng đến ngày nay, trên vòm đá của cánh cổng vẫn còn in dấu bàn tay nhỏ nhắn,
minh chứng cho nguồn gốc của cây thông Giáng Sinh, theo lời kể của người dân
Strasburg.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét