NGƯỜI BẠN CŨ
Truyện ngắn của Nguyễn Khắc Phước
Nếu không có buổi họp chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường thì tôi đã không có dịp gặp lại Khoa, người bạn cùng lớp, sau 40 năm cách mặt.
Khoa ngồi cùng bàn với tôi từ những năm đệ nhất cấp sang đệ nhị cấp, sau đó, khi rời Quảng Trị vào Huế, mỗi thằng học mỗi trường, nó học luật, tôi học sư phạm, ở cư xá khác nhau. Phần tôi vì sợ quân dịch nên túi bụi lo chuyện học hành, thỉnh thoảng mới gặp nhau ở quán cà phê đường Trương Định, chỗ sinh viên thường hay lui tới.
Khi tôi đến dự buổi hội trường thì không biết Khoa đang có mặt ở đó. Nó ngồi đối diện với tôi nhưng tôi không nhận ra. Chỉ khi anh đại diện ban liên lạc giới thiệu, chúng tôi mới ồ lên ngạc nhiên rồi tay bắt, mặt mừng. Sau buổi họp, tôi mời Khoa ra quán nước để tâm sự cho thỏa.
Hồi trung học, nó không những là bạn thân của tôi mà còn định làm em rể của tôi bởi nó léng phéng tán tỉnh Thúy - cô em gái của tôi. Nó thường la cà đến nhà tôi, giả bộ trao đổi chuyện học hành với tôi, nhưng thực ra chỉ để gặp Thúy và tặng thơ tình mà nó hầu như luôn để sẵn trong túi. Thúy thường cho tôi đọc thơ của nó, nhưng vì tế nhị, tôi không bao giờ kể gì với Khoa, với lại, tôi cho đó là việc của trẻ con, không cần quan tâm. Tuy nhiên, tôi không phải là thằng tốt đẹp gì nên thường tỏ ra có quyền hành với nó, thế nhưng nó luôn tử tế với tôi.
Mấy năm ở đại học, vì quá bận học hành nên tôi không biết hai đứa nó có còn liên lạc với nhau không. Nếu hai đứa nó đến được với nhau thì tôi cũng mừng vì Khoa có đến hai giấy hoãn dịch, một vì lý do gia cảnh vì nó là con trai độc nhất, một vì lý do học tập. Tôi mà rớt thì phải ra chiến trường, còn nó rớt thì chẳng hề hấn gì, vẫn tiếp tục học thoải mái. Thế nhưng khi tôi sắp hết năm thứ hai thì Thúy buồn bã bỏ ăn mấy ngày, hỏi ra thì Khoa đã bỏ lên rừng theo Mặt trận, chỉ để lại cho Thúy ít dòng. Hồi đó, chuyện sinh viên bỏ lên rừng theo cách mạng là chuyện thường, không ai ngạc nhiên. Riêng Khoa thì hơi ngạc nhiên vì chưa bao giờ nghe nó nói chuyện chính trị, chỉ biết làm thơ tình. Với lại, nó chẳng tham gia hoạt đông tranh đấu của sinh viên như viết báo hay ứng cử vào ban đại diện sinh viên. Và ba nó, vì một chân có tật, phải đi khập khiễng, nên bên nào cũng chê. Nếu tôi phải đi lính, e rằng có lúc hai thằng chúng tôi đã bắn vào nhau trên chiến trường.
Mọi chuyện đều đi vào quên lãng trong cái vòng xoáy của thời cuộc. Thời buổi chiến tranh, chỉ lo cái thân nay còn mai mất, hòa bình thì lo miếng cơm manh áo, nên trong suốt mấy chục năm, thú thật, tôi quên phéng nó. Quên cũng là may cho nó bởi nó đã khiến em gái tôi phải ốm tương tư một thời gian dài. Chỉ một hai năm gần đây, nhờ công nghệ thông tin nên các bạn cùng lớp lập một danh sách gởi về cho tôi, trong đó có tên Lê Chí Khoa kèm ghi chú: "Nghe nói ở miền Nam, không rõ địa chỉ."
Bây giờ, thằng Khoa bằng xương bằng thịt với mái tóc muối tiêu dài kiểu nghệ sĩ đang ngồi trước mặt tôi bên bờ sông Thạch Hãn và kể về phần đời của nó mà tôi không hề biết tới.
Khoa kể khi tổ chức đưa nó lên chiến khu (à, thì ra nó thuộc một tổ chức cơ sở hoạt động bí mật ở nội thành mà tôi không hay), sau một trận đánh, nó bị thương nhẹ, được đưa ra Hà Nội chữa bệnh và học tiếp, không phải luật mà là văn. Sau ngày giải phóng, tổ chức phân công Khoa về miền Tây, phụ trách báo chí. Trước khi đi, Khoa có về thăm nhà và thấy cha mẹ nó đang nuôi một bé trai lai, môi dày, da ngăm, nên nó khá bực tức. Bao năm đi đánh Mỹ bây giờ về nhà lại thấy trong nhà mình có thằng con của Mỹ, thật là trớ trêu. Nó thấy thằng bé cũng dễ thương nhưng lại sợ ảnh hưởng đến lý lịch trơn tru không dính dáng một chút gì đến chế độ cũ của mình, lại thuộc vào thành phần cơ bản, được chiếu cố. Khoa khuyên cha mẹ nên gởi thằng bé lại cho cô nhi viện, nơi cha mẹ nó tản cư đến tạm trú một thời gian, nhưng lúc đó, một vì phần cô nhi viện nơi nuôi thằng bé đã giải tán, một phần vì cha mẹ nó nhất quyết không chịu, nói: Bao năm ba mẹ không biết con sống chết thế nào, nên cố xin thằng bé về nuôi để sau này nhờ cậy nó, bây giờ để người khác nuôi, sao đành. Với lại, những người phụ trách cô nhi viện đã tin tưởng gởi gắm và mình lại chịu ơn họ nên không thể thất hứa. Mình đưa nó về nhà mình chớ nó đâu có tự đến. Mình không nuôi nó thì có người khác xin ngay. Hơn nữa, nó khỏe mạnh cùi cụi, dễ bảo, sai đâu chạy đó. học hành thông minh.
Khoa đành khăn gói lên đường làm nhiệm vụ, không biết chuyện gì sẽ xảy ra cho mình nếu chuyện này lộ ra.
Chừng hơn mười năm sau, Khoa được tin Minh - thằng em nuôi của Khoa - được xuất cảnh theo diện con lai, và vài năm sau thì cha mẹ Khoa được xuất cảnh theo diện gia đình có con lai, sang sinh sống với Minh ở nước ngoài.
Hôm cha mẹ Khoa vào Sài Gòn ở nhà người bà con để chuẩn bị lên máy bay, vợ chồng Khoa và hai con có đến thăm để tiễn đưa. Đó là lần Khoa gặp cha mẹ gần nhất và cũng là lần cuối. Chừng sáu năm sau khi cha mẹ Khoa ổn định chỗ ở và có thẻ xanh, vợ chồng Khoa và hai con được bảo lãnh xuất ngoại. Mặc dù đã làm thủ tục gấy tờ đầy đủ, nhưng đến phút chót, Khoa quyết đinh để vợ và hai con lên máy bay, còn Khoa ở lại một mình, nói lúc nào có điều kiện sẽ sang. Lý do mà Khoa không muốn đi là do trước đây Khoa đã lỡ khuyên cha mẹ đuổi Minh, mặc dù Minh không hề biết. Điều cha mẹ Khoa mong mỏi trước đây bây giờ trở thành hiện thực và Minh đúng là một người con có hiếu. "Nó là một thằng con nuôi lai nhưng tốt hơn nhiều thằng con ruột, trong đó có tao," Khoa nói.
Hai lần Khoa cần sang Mỹ nhưng đi không được vì đều bận công tác, đó là lúc cha nó mất vì tuổi già, rồi không lâu sau, mẹ nó cũng theo ông. Rồi vì chờ quá lâu,vợ Khoa làm đơn ly dị và lấy chồng khác. Khoa không nói nhiều về chuyện vợ nó ly dị, có lẽ bởi đó là chuyện khó tránh của nhiều gia đình có hoàn cảnh tương tự và tôi cũng tế nhị không hỏi gì thêm.
"Mấy năm làm việc bân rộn nên không biết buồn, nay về hưu, cảm thấy trống trải quá. Chợt nhớ quê hương, bà con, bạn bè nên bò về thăm," Khoa nói.
"Tại sao mầy không sang sống với hai con cho sướng?" tôi hỏi.
"Sướng cái con khỉ chùa cầu thì có! Mình không thạo tiếng người ta thì chỉ có ngồi nhà xem ti vi suốt ngày. Thì cũng được đi, nhưng oái oăm là thằng rể và con dâu tao đều là người bản xứ, cha chúng nó đều đã tham chiến tại Việt Nam và đều đã chết trận, ai cấm chúng nó nghĩ có thể bố vợ và bố chồng chúng nó đã từng bắn nhau với cha chúng?" Khoa nói.
"Người ta đang kêu gọi bỏ qua quá khứ, cùng nhau hợp tác, hướng đến tương lai, còn mầy cứ khư khư ôm dĩ vãng nặng nề đó làm gì. Giả dụ như mày có đánh nhau với cha chúng nó cũng là chuyện thường tình của chiến tranh. Hơn nữa, thời gian mầy trực tiếp chiến đấu không lâu," tôi nói.
"Biết vậy nhưng đó là chuyện quốc gia, còn riêng mình vẫn cảm thấy khó ở. Trong trường hợp của tao, vì cùng là thành viên của một gia đình cùng chung sống dưới một mái nhà nên cái tâm của mình không thể thoải mái được," Khoa nói.
"Nghĩa là bây giờ mày sống tự do một mình bằng lương hưu, lâu lâu có các con tài trợ, phải không? Thỉnh thoảng giao du với em út? Vậy thì có tiên mới sướng hơn mầy, còn đòi gì nữa?"
"Nhưng vẫn thường trực cô đơn và không biết làm gì cho hết thì giờ," Khoa nói,
Khoa chuyển đề tài: "Cho tao gởi lời xin lỗi Thúy và cả mầy nữa, dù muộn."
"Mầy có lỗi gì đâu. Bỏ một người để lo cho triệu người là chuyện chính đáng," tôi nịnh nó.
"Mầy lên lớp chính trị thì thua tao dù mầy là giáo viên dạy văn. Bây giờ Thúy ra sao, đang ở đâu, gia đình thế nào?" Khoa hỏi.
"Nó đang ở với con gái trên Đà Lạt. Chồng nó mất lâu rồi."
"Tôi nghiệp Thúy! Thôi
được, mầy cho tao địa chỉ của Thúy. Sau ngày hội trường, tao sẽ đi Đà Lạt."
18/4/2012
Nguyễn Khắc Phước
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét