Thứ Năm, 10 tháng 10, 2019

CON YÊU CỦA MẸ - Outhine Bounyavong (Lào) - Người dịch: Nguyễn Khắc Phước




CON YÊU CỦA MẸ
Outhine Bounyavong (Lào)

Chúng tôi đi bộ theo đường mòn rộng vừa đủ một chiếc xe bò. Sau hai giờ băng rừng, chúng tôi đến một đồng cỏ khoảng khoát. Về phía phải bên kia con đường là những ruộng bông vải, mè, dưa leo, và những  thứ cây đáng giá khác.  Xa hơn nữa là những cây dừa phủ bóng lên những cây nhỏ hơn. Thấp thoáng trong rặng cây có hai hoặc ba mái nhà, và còn có vài mái nhà khác núp sau tán lá dày. Cuối cùng, chúng tôi đang tiến gần nơi muốn đến.
Có hai nhà báo cùng đi với chúng tôi. Họ đến lấy thông tin về tỷ lệ người biết chữ ở làng, trong khi mục đích của tôi là ghi âm những chuyện dân gian truyền khẩu có thể dùng làm tài liệu giảng dạy.
Khi tôi đi trên đường mòn, nhiều tình cảm và kỷ niệm chợt bùng lên. Tôi nhớ mình đã rời đi rồi trở lại nơi sinh quán ra sao. Cùng với những hồi ức gây xúc động bất chợt đó, tôi ngửi thấy mùi hăng hắc của cỏ khio thoảng trong gió. Tôi nghe tiếng kẻo kẹt từ những ngọn tre… Từ rất xa, vọng đến tai tôi bản nhạc tưng bừng của những cánh ve. Tất cả âm thanh đó gợi lên không khí quen thuộc nơi sinh quán của tôi. Nhưng thực ra, tất cả chúng tôi đều đang trở về nơi sinh quán của Bounkham, một bạn đồng hành với chúng tôi.
Vừa khi trông thấy làng mình, Bounkham xúc động nói, “Hai chục năm rồi từ khi tôi rời chốn này! Khi tôi thấy con đường mòn, tất cả mệt nhọc hình như tan hết. Chẳng khác gì một bức tranh đã chạm vào ký ức tôi.” Giọng Bounkham có vẻ sung sướng.
Bounkham kể rằng anh được sinh ở đây. Đây cũng là nơi mẹ anh đã qua đời khi anh chỉ mới tám tuổi. Bố anh tục huyền, lấy một người phụ nữ làng khác làm vợ, và cả gia đình bỏ làng này sang làng nọ trong những năm chiến tranh và xung đột tàn phá đất nước. Mãi cho đến hôm nay, Bounkham mới có dịp trở về. Người cậu, em của mẹ, vẫn còn ở trong làng, nhưng đã già lắm rồi. Bounkham đã mua hai lon sữa đặc làm quà để bày bỏ lòng kính mến cậu. Anh không không thể mang nhiều hơn hai lon bởi con đường mòn gập ghềnh và thêm một lon nữa thì quá nặng.
 “Có ai trong làng còn nhớ anh không?” tôi hỏi.
“Có lẽ không còn ai nhớ, nhưng tôi sẽ hỏi dân làng xem nhà cậu tôi ở đâu, vì tôi không nhớ chính xác.”
Chúng tôi tiếp tục vừa đi vừa ngắm vẻ tươi tốt của những vườn rau và cây ăn quả. Thế rồi, từ một khu vườn bên trái, một phụ nữ có bầu xuất hiện, mang một rổ nhiều thứ rau.
 “Chào Dì, nhà Dì ở đâu?”  Bounkham lễ phép hỏi.
“À, gần đây thôi,” bà rụt rè trả lời,  vẻ nghi ngờ những khuôn mặt lạ.
 “Chúng tôi từ thành phố đến đây. Con là dân làng này nhưng đã đi xa nhiều năm rồi. Hôm nay con trở về thăm,” Bounkham giải thích, hy vọng làm bà ấy bớt nghi ngờ.
 “Ồ, vậy hả? Tôi không nhớ ai cỡ tuổi cậu lớn lên ở đây. Thế cậu con cháu nhà ai?”
Chúng tôi giới thiệu tên mình. Bounkham còn nêu tên cha mẹ và cậu của anh. Người phụ nữ có bầu bảo Bounkham rằng bà biết rõ cậu của anh: ông ở phía nam của làng. Bà ở phía bắc và tên bà là "Mae Poon." Bounkham có vẻ như chưa bao giờ nghe tên bà. Nhưng anh cẩn thận đáp, đường như anh biết tên bà: “Ồ, Mae Poon này, làng mình bây giờ ra sao?”

Bà bầu trả lời rằng mọi người đều ổn. “Họ có đủ ăn và kiếm tiền đủ sống. Chúng tôi bán nhiều sản phẩm nhưng kiếm được chẳng bao nhiêu tiền vì đường sá khó khăn.” Sau khi nói, bà đi xuống đám ruộng phía bên phải . Bà nói phải hái rau để cho heo ăn.
Bounkham lấy một lon sữa đặc và gọi bà, “Đợi đã, Dì ơi! Dì nhận giúp con cái này. Dì nhận giúp con cái lon sữa này nhé.”
“Cảm ơn, con,” bà bầu nói. Sau khi cảm ơn, bà đi về một hướng khác.
Chúng tôi tiếp tục theo con đường mòn. Tôi khen Bounkham tốt bụng. Anh mua hai lon sữa đặc biệt dành tặng cậu mình nhưng anh đã cho người lạ một lon.
Trong câu trả lời của Bounkham, tôi nghe có niềm hãnh diện và hạnh phúc.
“Trong gia đình, chúng tôi được dạy làm điều này, đặc biệt là tôi. Mẹ dạy rằng nếu khi ta mang theo thực phẩm mà gặp một phụ nữ có bầu thì ta phải chia một phần cho người ấy. Không kể ít hay nhiều cũng phải cho bà một chút. Đó là truyền thống của chúng tôi. Nhiều người trong làng này làm như vậy.
 “Bố tôi kể cho tôi nghe một chuyện mà mẹ đã kể với bố,” Bounkham tiếp tục nói. “Bố nói rằng khi mẹ mang bầu tôi, bà thích ra phía ngoài làng. Một hôm khi đang đi trên đường mòn, bà tình cờ gặp năm, sáu người làng vừa đi săn về. Họ đã lột da con nai và bắt đầu chia thịt. Mấy người thợ săn chia cho mẹ một phần, bằng phần hầu hết mọi người. Đây là quyền của phụ nữ có bầu, theo truyền thống của làng. Người được phần lớn hơn là người thợ săn có súng. Anh ta nhận phần gấp đôi, bao gồm cái đầu, bốn chân và bộ da.
Tối hôm đó gia đình tôi được ăn thịt nai. Gần sáng, mẹ tôi sinh được một thằng, chính nó bây giờ đang đi bộ về sinh quán của nó.”
Chúng tôi cảm thấy hết sức thú vị. Một nhà báo hài hước, “Con nai đó hẳn đã tái sinh thành Bounkham!”
“Dân làng nghĩ vậy đó. Nếu nai tái sinh thành nai, có lẽ nó lại sẽ bị bắn. Như tôi đã nghe dân làng nói mãi, rừng trong vùng này chẳng còn con nai nào,” Bounkham nói.
 “Tổn thất ghê gớm thiệt,” Tôi thêm, và Bounkham tiếp tục kể.
“Một bà bầu phải ăn nhiều để nuôi con trong bụng. Khi bà bầu thấy ai có thức ăn, bà bị cái đói thôi thúc, tưởng rằng có thể ăn hết một con voi. Một bà bầu đã kể tôi nghe chuyện này. Và nếu người ta không chia  phần cho bà, bà sẽ không bao giờ quên. Bà sẽ mãi mãi thất vọng về người không có lòng nhân ái với bà.
“Theo lời bố tôi, mẹ thương con nai bị bắn. Chính bà không bao giờ ăn thịt thú rừng, nhưng bà mang phần về để cho chúng tôi được dịp ăn thịt. Từ khi tôi sinh ra, mẹ đặc biệt thương tôi lắm. Nhưng bà không có dịp để nhìn thấy con trai khi nó trưởng thành. Bà đặt tên tôi là 91Bounkham, nhưng bà thích gọi tôi là 91Con Yêu Của Tôi hoặc Con Yêu Của Mẹ.”
Vào lúc ấy, chúng tôi đến gần cổng làng. Con đường gồ ghề, và cảm thấy phấn chấn bởi câu chuyện của Bounkham, tôi nhìn lui về hướng của người phụ nữ có bầu.  Bà đã đi khuất vào trong cánh đồng, nhưng hình ảnh bà vẫn còn trong trí nhớ của tôi.  Lần đầu tiên, tôi thấy mình phải có nghĩa vụ giúp đỡ  những sinh linh bé nhỏ sắp chào đời.

Outhine Bounyavong
Nguyễn Khắc Phước dịch.

Dịch từ bài “Mother’s Beloved” đăng trên trang Lao Short Stories -
http://www.seasite.niu.edu/lao/LaoLiterature/short_stories/Laoshortstory.htm.

&

Tóm tắt tiểu sử tác giả:


Outhine Bounyavong là một trong những nhà văn đương đại nổi bật nhất ở Lào. Ông sinh năm 1942 ở  Sayabouri, một tỉnh ở miền tây bắc Lào. Mặc dù được học dưới mái trường thời thuộc địa, được giảng dạy bằng tiếng Pháp, và môn văn học chỉ tập trung vào các tác phẩm của người Pháp nhưng Outhine là một trong những nhà văn viết bằng tiếng Lào đầu tiên đương đầu với những ảnh hưởng tàn khốc của chế độ thực dân và những khó khăn trong việc duy trì những giá trị truyền thống của Lào.
Những truyện ngắn của ông trong tập Mother’s Beloved (Con Yêu Dấu Của Mẹ) mô tả bức tranh sinh động của đời sống xã hội đang thay đổi của người Lào, qua đó ông nêu cao những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của nhân dân Lào. Truyện của ông ca ngợi đức tính đơn giản, lòng nhân ái, sự tôn trọng tuổi tác và những tập quán làng bản của người Lào. Ông phê phán công nghiệp hóa và hiện đại hóa đã đánh mất những giá trị ấy. Ông cảnh báo việc phát triển kinh tế dẫn đến suy thoái môi trường. Ông lên án nạn tham nhủng đã tạo nên một nhóm nhỏ thượng lưu giàu có đối chọi lại với đa số dân nghèo. Ông cũng chê bai thói ích kỷ và tôn thờ vật chất. Sự tàn khốc của chiến tranh cũng là một trong những chủ đề của ông.





Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2019

BẢN LĨNH ĐÀN ÔNG - Sheila Brown Sandray (Châu Phi)





BẢN LĨNH ĐÀN ÔNG
Truyện ngắn của Sheila Brown Sandray (Châu Phi)  

Solomon chuyên nghề làm vườn và anh yêu đất đai Châu Phi quê hương của anh. Anh làm công cho gia đình Peterson không kể giờ giấc, chỉ biết làm cho xong việc.
Solomon chăm sóc vườn như chăm sóc cha mẹ, xem cây cối như là con cái của mình.
Hôm ấy là chiều thứ Bảy, khuất phía sau hàng rào, không ai nghĩ rằng vào giờ đó, Solomon vẫn còn đang lúi húi buộc mấy cây cà chua.
Cũng nhờ đó mà anh nghe được câu chuyện từ khu vườn bên cạnh, khiến anh choáng váng như sấm nổ bên tai.
Người ta nói rằng cô gái mà anh dành hết con tim, tâm hồn và cũng vì người ấy mà bao nhiêu tiền dành được anh đều bỏ vào cái hộp nhỏ dấu dưới mái nhà – thế mà bây giờ anh nghe cô gái này không chỉ của riêng anh.
Solomon đứng phắt dậy và những người bên kia vườn biết anh đã nghe được liền bỏ chạy.
Solomon là người đàn ông đàng hoàng, đứng đắn, không phải hạng người mà ai đàm tiếu gì cũng được. Anh thường nghiêm trang, ít khi đùa giỡn, nhưng khi đã cười, anh cười thoải mái. Hiếm khi anh ngồi với bạn bè ở quán bên đường để bỡn cợt hay nói chuyện tục tĩu. Nhưng khi anh đã ngồi lại thì câu chuyện của anh bao giờ cũng thú vị và lôi cuốn, và so với đám thanh niên ở đó thì anh như con sư tử giữa đám mèo con.
Lúc này Solomon đang đứng bên hàng rào, nhìn bọn đàn ông bỏ chạy với cặp mắt rực lửa.
Anh đứng đó một mình, run lên vì tức giận. Dòng máu chiến binh Zulu truyền từ tổ tiên bao đời đang bừng cháy hừng hực trong anh.
“Ta phải giết ả!” anh nghĩ. Nhưng anh biết mình sẽ không bao giờ nở giết mặt trời, mặt trăng và tinh tú của đời anh.
“Bọn chúng nói láo!” anh lẩm bẩm. Nhưng anh biết đó không phải là chuyện biạ đặt. Đã có nhiều dấu hiệu chứng tỏ điều đó là sự thật. Cái vòng đeo tay nàng nói là của cha nàng cho. Cha nàng cũng đã cho em gái nàng một chiếc vòng lấp lành khi nó lấy chồng, và chú rể đã nộp sính lễ khá hậu hĩnh. Anh tìn câu chuyện của nàng, như đàn ông thường nghe lời phụ nữ, vì anh muốn những điều nàng nói là sự thật.
Solomon điên cuồng vung cái rựa dùng để chặt mía vào đám cỏ chằng chịt bò từ ngoài vào vườn cho đến khi mồ hôi đổ ra như tắm xuống lưng và đùi.
Nhìn bóng mình phản chiếu trên mặt hồ, anh thấy mình cao lớn, khỏe mạnh, da đen bóng như tổ tiên người Zulu. Dái tai kéo căng bao quanh vòng hột cườm lớn bằng đồng xu nửa đô-la. Một tay đưa lên cầm dái tai, Solomon đứng suy nghĩ lan man.
“Mình đi hỏi thầy mo xem sao,” cuối cùng anh quyết định, và cảm thấy như vừa trút một gánh nặng. Quay lại với vườn cà chua, anh nhẹ nhàng buộc mấy nhánh dễ gảy vào giàn.
Lão thầy mo chẳng giúp được gì. Lão ném một nhúm xương khô xuống đất, nhìn chằm chằm vào nhúm xương như để tìm thông tin gì đó, mắt lão lấp lánh như mắt loài rắn mamba đằng sau cái mặt nạ rúm ró mà lão đang mang.
“Một con linh cẩu đang rình bắt con bê của mầy,” lão nói xong liền gom xương lại. Solomon hy vọng ngồi đợi nhưng lão không ném xương nữa. Lão nhìn anh với đôi mắt lấp lánh và thêm:
“Về ở nhà suốt ngày, không ăn, không uống, không ngủ. Khi đàn sáo về tổ, mầy sẽ biết phải làm gì.”
Tất cả chỉ có thế.
Solomon miễn cưỡng lê bước nặng nhọc về nhà. Suốt ngày Chủ nhật yên tĩnh, anh ngồi ở ngưỡng cửa, lưng dựa vào cánh cửa gỗ.
Đó là một chỗ ngồi thuận tiện. Từ đây, anh có thể quan sát được từ nhà, vườn đến con đường đất chạy từ dưới thung lủng vòng lên đồi rồi mất hút cuối tầm mắt. Ngay trước mặt anh là con đường ô-tô vòng qua cổng nhà anh rồi chạy băng qua làng của thổ dân. Phía trái, một con đường đất chạy dọc theo sườn đồi hướng về ga xe lửa. Đúng là chỗ ngồi tuyệt vời để mơ mộng và nhìn ngắm tất cả những gì diễn ra trong thung lũng mà không cần đi đâu.
Một phụ nữ đi bộ lên đến đỉnh dốc của con đường đất, lưng địu một đứa bé. Đầu đứa bé tựa lên vai chị, mắt nhìn chằm chằm vào Solomon. Anh vẩy tay và đứa bé cười giòn, ngọ nguậy trông có vẻ khoái chí. Người phụ nữ quay lại nhìn Solomon không cười nhưng có vẻ thân thiện vì anh đã làm con chị ta vui. Solomon nhận ra chị này không phải là người xa lạ mà khá nổi tiếng vì chị chưa cho mọi người biết tên cha đứa bé là ai. Mặc dù từng nghe người ta đàm tiếu về đức hạnh của chị nhưng ngay lúc này, Solomon cảm thấy chị là người tốt vì chị chẳng làm duyên làm dáng gì mà chỉ nghĩ đến đứa bé trên lưng.
Nếu mình lấy chị ta và có con thì chị đã không ở trong hoàn cảnh này. Nhưng nếu mình lấy chị ta mà chị ta đã… thì xem như đời mình tiêu.
Solomon đổi thế ngồi cho dễ chịu hơn và dùng ngón chân này gải mắt cá nhân kia.
Đàn ông cần đàn bà. Không đàn bà thì mình cũng như cây dừa cái pawpaw không trái đứng trong góc sân kia. Bóng nó mát nhưng chẳng có trái trăng gì vì không có cây đực nào gần nó, do đó, nó cũng chỉ một nửa cây, cũng như mình chỉ là một nửa nếu không có đàn bà.
Anh nhìn cái cây cô đơn và thương hại nó. Cây ơi, tao sẽ đề nghị ông Peterson trồng thêm một cây đực trong sân này. Ông ta là người da trắng, chẳng quê hương gì ở đây, nên ông ta chẳng hiểu gì về mày hết. Được rồi, tao sẽ giúp mày, cây nhé.
Nếu mình cưới nàng và đưa nàng về làng mình sinh sống, có lẽ không còn ai quyến rủ nàng bằng vòng đeo tay?
Nhưng Solomon không thể sống ở làng mình vì cha anh không đủ gia súc để cung cấp cho ba người con trai, đất thì quá cằn cỗi. Trong khu bảo tồn cũng không có việc. Nhưng không sao. Nàng không phải là hạng đàn bà chỉ biết ngồi ở cửa lều giả ngô. Nàng cũng không phải là hạng đàn bà thành phố phơi tấm lưng trần, vừa đi vừa lắc mông và mắt nhìn khêu gợi. Nàng không phải là hạng đàn bà như thế.
Anh ngồi vậy ở ngưỡng cửa trong khi mặt trời lên cao, chiếu sáng mái nhà. Anh suy nghĩ mông lung nhưng rồi ý nghĩ lại quay về nàng, làm sao cho nàng hài lòng, cả tính gian dối bướng bỉnh của nàng nữa. Và cơn giận đang ngọ nguậy trong anh như một con rắn đang cuộn mình chờ mồi.
Vào lúc mười giờ sáng, Peterson và vợ leo lên ô-tô, vui vẻ đóng cửa và chạy về hướng nhà thờ. Solomon nhìn đám bụi hạ dần xuống mặt đường. Anh nghĩ về những người da trắng. Họ biết sản xuất ra ô-tô và nhiều thứ khác và luôn luôn bận rộn nhưng họ không thể giúp giải quyết chuyện của anh.
Ông Gibson, chủ ngôi nhà phía trước nhà ông Peterson, có cô vợ tóc vàng xinh đẹp. Được một thời gian thì bà vợ tóc vàng của ông không ở nhà một mình vào buổi chiều. Đúng vậy, bà không ở nhà một mình. Một người đàn ông cao to với tiếng cười sang sảng thường đến với bà ta. Một hôm ông Gibson về nhà sớm và thấy vợ mình và thằng cha cao to kia xoắn với nhau. Người đàn ông kia bỏ đi. Có tiếng ồn ào, xủng xoảng trong nhà và tiếng cười của người đàn bà. Sau đó, người vợ tóc vàng ra đi cùng với thằng cha cao to. Gibson chẳng ngăn cản cũng chẳng đánh đập gì bà vợ. Sau đó, ông ở nhà một mình, luôn cặp nách chai rượu, và dần dần mất trí khôn. Khi thì khóc lóc, than thân trách phận, khi thì đi đứng liêu xiêu, khi thì la mắng đầy tớ, và mắng cả Solomon, nhưng họ đều tha thứ cho ông vì ông cư xử như một đứa trẻ. Ông ta chẳng còn là đấng nam nhi nữa vì đã đánh mất bản lĩnh của mình. Solomon chợt nghĩ rằng một thằng đàn ông bò ra từ lều đất nhưng vẫn có thể đứng cao hơn kẻ khác bước ra từ nhà cao cửa rộng.
Ta sẽ không giống ông Gipson, sẽ không bao giờ giống ông ta.
Mặt trời bây giờ đã lên cao. Solomon núp vào cánh cửa cho đỡ nắng. Anh cảm thấy nóng và khát, nhưng phải tuân lệnh lão thầy mo, mặc dù thật lòng chẳng muốn.
Đáng lẽ lão ta nên cho mình biết tên con linh cẩu đó, Solomon nghĩ. Có lẽ lão ta không biết. Có lẽ bùa lão hết thiêng rồi chăng? Nhưng năm ngoái có một phụ nữ chọc lão giận. Thế rồi chị ta chết lúc sinh nở. Một người đàn ông cãi lại lão, rồi thằng con trai ngốc nghếch của ông ta bơi ra khỏi vùng an toàn ở bãi biển Durban và bị cá mập tấn công. Đúng là lão thầy mo có bùa phép. Mình phải đợi.
Nghĩ thế và anh ngồi đợi trong khi mặt trời đang từ từ chuyển dần về phía tây, đến khi bóng căn lều đổ dài trước mặt anh, nhọn như một mũi dao.
Cái bóng làm Solomon liên tưởng đến một con dao để giết địch thủ của anh - con linh cẩu sẽ bò vào đêm nay.
Solomon vói tay ra sau sánh cửa, cầm cái rựa và hòn đá mài lên. Ngồi xổm trước cửa, anh bắt đầu mài rựa vốn đã bén như dao cạo. Anh mài chậm và đúng cách, mắt lim dim như người đang mơ hay đang nuôi cái sự chết chóc trong đầu.
Chỗ Solomon ngồi là một chỗ tốt vì anh có thể thấy mọi thứ diễn ra trên đường từ dưới dốc lên đỉnh đồi và bất cứ ai đang đi từ dưới dốc lên đỉnh đồi đều thấy anh.
Có tiềng huýt sáo từ dưới thung lủng nghe tựa như tiếng gió thổi qua ruộng bắp. Solomon tiếp tục mài rựa.
Vào lúc cuối chiều, một người bước ngập ngừng trên đường ô-tô và đến đứng trước mặt Solomon. Anh ta đứng như thế chừng một phút, đến khi Solomon trở về thực tại.
“Chào bạn Jonah,” Solomon nói khẽ.
Cảm thấy nhẹ nhỏm, Jonah ngồi xổm bên cạnh Solomon đang tiếp tục mài rựa.
“Solomon này, tao biết mày đang nghĩ gì.”
Solomon không trả lời. Jonah và anh là bạn cùng làng cho đến khi Solomon vào tìm việc trong thành phố. Khi Jonah lên phố, Solomon đã kiếm cho bạn một chân làm vườn, nhưng Jonah chẳng đeo đuổi lâu. Jonah kiếm việc khác rồi lại bỏ. Nhiều lần như thế. Anh ta rất khoái loại bia nội địa và tiếng cười của phụ nữ, và làm đến khi kiếm đủ tiền để chơi bời là bỏ việc. Khi hết tiền lại kiếm việc làm. Càng ngày việc càng khó kiếm và lương càng ít.
“Solomon này,” Jonah nói. “Tao không khuyên mày đừng làm chuyện này. Mày muốn làm gì tùy mày. Mày muốn giết thằng kia để nó không còn tán tỉnh con bồ mày, nhưng rồi mày cũng chẳng còn sống để yêu đương nó vì cảnh sát sẽ treo cổ mày.”
Solomon không tỏ vẻ mình đang nghe. Jonah tiếp tục nói nhỏ nhẹ.
“Solomon này, chẳng hay ho gì để một thằng đàn ông phải tìm đến cái chết.”
Solomon ngừng mài để thở, dường như để công nhận điều Jonah nói là đúng. Anh nghĩ rằng một thằng đàn ông để cho sự việc dẫn đến phải chịu tội treo cổ thì chẳng còn chi là phẩm giá bởi đó là cái chết nhục nhã trong đống bùn nhơ do chính mình tạo ra. Và anh thấy trời đã bắt đầu chạng vạng và phía bên kia thung lũng, đàn chim sáo đang bay lượn nhào lộn theo đội hình.
Jonah kề tai anh nói:
“Hãy suy nghĩ cho kỹ, bạn ơi! Nếu mày giết người ta rồi lại bị giết, con bồ mày đâu chịu cô đơn lâu dài, mà sẽ vào tay thằng khác. Thói đàn bà là thế.”
Solomon chưa bao giờ nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra sau cái chết của tình địch và của cả chính anh. Chuyện này chẳng làm anh nhụt chí. Nay thì anh thấy chuyện này là chuyện vô ích vô tuồng, chẳng được cái tích sự gì. Anh lim dim chăm chú nhìn đàn chim sáo đang bay lượn trên trời.
“Có cách gì khác không?”
Vĩ mãi mê xem đàn chim sáo nên Solomon không thấy bàn tay bạn mình đang run và lén liếm môi trước khi trả lời.
“Tao đã suy nghĩ kỹ khi tao thấy mày ngồi đây suốt ngày; nếu là mầy, tao sẽ…” Jonah ngừng nói khi Solomon tỏ vẻ căng thẳng. Theo tín hiệu bí mật của con chim đầu đàn, cả đàn chim sáo sà xuống vào một cây, để lại bầu trời trống rổng. Solomon thở dài và bỏ rựa xuống. Lần đầu tiên anh chú ý người đang nói chuyện với mình.
“Mầy sẽ làm gì?”
“Tao sẽ nói với thằng kia rằng nếu mày muốn cô ta thì tao sẽ giao cho mày, tao không cần cô ta nữa. Tao chán cô ta rồi. Tao sẽ mỉm cười với nó và nói tao chấm dứt với cô ta rồi, mầy cứ chiếm cô ta đi. Thế là thằng cha kia sẽ thắc mắc không hiểu tại sao mày bỏ con bồ mày dễ dàng như vậy. Nếu mày chán cô ta, có lẻ cô ta chẳng có giá trị gì. Tự ái của thằng đàn ông không cho phép nó lấy cái thứ mà người ta bỏ đi. Và rồi nó sẽ chán cô ta.”
Solomon chăm chú nhìn cái cây nơi đàn sáo đã hạ cánh. Rồi anh trầm ngâm nhìn khắp thung lủng một hồi lâu.
Rồi đột nhiên anh đứng dậy và lẩm bẩm.
“Tao sẽ làm thế.”
“Mầy biết thằng kia ở đâu không?”
“Tao sẽ đợi nó gần nhà cô ta.”
Solomon không muốn cho bạn biết mình chưa biết tình địch là ai, và cũng không muốn hỏi.
Jonah nhìn bạn và hiểu ý.
“Nó sẽ sợ mà không đến. Để tao bảo nó. Tốt hơn là mầy đừng tiếp xúc với nó. Nên dùng một người trung gian.”
“Tối nay tao sẽ đợi”, Solomon quả quyết. “Nếu đến sáng mà nó không đến, mầy sẽ nói với nó.”
“Được.”
Khi Solomon ra khỏi nhà thì trời đã chạng vạng. Đêm Phi Châu xuống rất nhanh mà đường đến nhà nàng thì xa. Màu đỏ của cây đổ quyên đã biến thành màu xám xịt rước khi anh đến gần chỗ của nàng. Trăng thượng tuần chiếu xuống mặt đường thành những đốm bạc.
Lều của nàng nằm phía sau nhà của ông chủ. Solomon đi ngang qua cổng chính, vào cổng vườn mía, đi len giữa những hàng mía cho đến khi trông thấy dưới ánh trăng màu trắng mờ của bức tường. Đó là lều của nàng. Núp trong bóng bụi mía, không ai thấy anh nhưng anh có thể thấy cái cửa chính của căn lều.
Và thế là anh đợi. Quanh anh, đêm Phi Châu yên ắng. Thực ra thì chẳng yên lặng hoàn toàn bởi âm thanh của hàng trăm loài côn trùng bé tí và loài săn côn trùng không hề bé tí chút nào cứ vo ve suốt đêm.
Solomon ngồi xổm, đầu cúi xuống, vừa đợi vừa ôn lại những điều anh dự định nói với thằng cha mà anh chưa biết tên. Anh đợi. Xáo lui xáo tới những câu nói ây trong đầu cho đến khi bầu trời phía đông hừng sáng, và thằng cha kia không đến, cũng chẳng từ lều nàng đi ra.
“Để cho chắc,” Solomon tự nhủ, “mình thử nhìn vào trong lều nàng xem sao.”
Anh bước nhẹ đến bên cửa và gỏ. Có tiếng sột soạt bên trong rồi một giọng sợ hãi cất lên.
“Ai đó?”
“Solomon đây. Đừng sợ. Mở cửa đi.”
Có tiếng chân bước đến bên cửa, tiếng chốt cửa kêu cót két và cửa mở. Nàng đứng đó, mỉm cười với anh nhưng ánh mắt toát lên vẻ sợ hãi.
“Em đang đợi anh,” nàng nói, vẻ dụ dỗ của kẻ giả nhân giả nghĩa. Nàng sà vào anh, hai tay quàng qua cổ.
Anh gỡ tay nàng ra và nhẹ nhàng đẩy nàng ra. Lúc này, những câu nói suốt đêm anh đã chuẩn bị dành cho thằng cha không đến đang nóng như hòn than trên đầu lưỡi và làm anh ngạt thở.
“Này cô em,” anh dõng dạc nói. “Tôi không cần cô nữa. Tôi chán cô rồi. Tìm một thằng khác nếu cô cần. Thế là hết.”
Anh không nhìn nàng lúc nói mà nhìn vào góc phòng. Trước đây, mỗi khi anh đến, cả con tim và khối óc, cả cặp mắt và tâm hồn đều dành cho nàng. Nay lần đầu tiên anh thấy mạng nhện treo lủng lẳng trên trần và nền nhà thì lắm thứ ngổn ngang, không được quét dọn. Cái khăn quàng cổ màu sáng mà anh đã mua từ tiệm người Ấn đang nằm một nửa trên giường, một nửa dính đất. Áo quần nàng không treo trên móc dính tường hay xếp gọn gàng trong trong va-li dưới giường và vứt lung tung trên nền nhà.
Có lẽ đây là lần đầu anh thấy cảnh này. Có lẽ đó là một ngày vừa đói vừa khát, bị dày vò bởi sự bất quyết, một đêm chờ đợi vô ích, Nhưng khi anh nói những lời đã thuộc nằm lòng, những lời mà suốt đêm anh đã tôi luyện đã trở thành đanh thép để sẵn sàng phát ngôn và chấp nhận – anh tin đó là những lời tất nhiên phải nói. Thực tâm anh không muốn nàng nữa. Anh nhìn nàng, thử xem nàng có bùa ngãi gì mà mê hoặc anh đến thế, và thấy nàng cũng chỉ là một phụ nữ từng sống trong làng, sau đó lên thành phố sống khá lâu. “Thế là hết,” anh lặp lại nhẹ nhàng hơn. Lần này anh nhìn vào mắt nàng. Rồi anh quay gót, sải bước theo luống mía một cách quả quyết và đầy bản lĩnh. Anh nhìn bầu trời bình minh xanh lơ, những ngọn mía sao mà non tơ đến thế và lòng chợt rộn ràng những khúc nhạc vui.
Người phụ nữ vẫn đứng ở khung cửa, tay che miệng, mắt đăm nhìn theo lối anh đi.
Chiều tối, nàng lại đứng đó, nhìn đăm đăm vào lối anh đi thì Jonah xuất hiện, mỉm cười, lộ cái răng gảy.
“Anh sẽ cho em biết anh thông minh thế nào,” Jonah vừa nói vừa cười. “Anh đã lừa được thằng Solomon. Nó đã để lộ tâm địa của nó và không hề biết anh chính là thằng mà hắn muốn tìm.” Hắn cười ha hả và chạm tay vào vai nàng nhưng nàng vẫn nhìn chằm chặp vào lối đi.
“Đừng sợ,” Jonah nói. “Solomon sẽ không bao giờ đến nữa. Anh quá thông minh và thế là chúng ta đã loại được hắn.”
Hắn lại chạm tay vào vai nàng, và nàng quay lại nhìn hắn, đôi mắt trống rỗng và giọng nói khô khốc.
“Đi đi ông ơi,” nàng nói. “Đi khuất mắt.”
“Cái gì? Có chuyện gì nữa đây?”
“Solomon không yêu tôi. Anh ấy chán tôi rồi.”
Jonah cười ha hả. “Không phải đâu. Đó là do anh phỉnh hắn. Anh bảo hắn nói thế với thằng kia.”
“Anh ấy chán tôi.”
“Không phải thế. Đây chỉ là trò đùa thông minh của anh.”
“Anh ấy chán tôi,” nàng lặp lại. “Thế là hết. Tôi thấy điều đó trong mắt anh ấy.”
“Em và anh đều đã muốn loại hắn,” Jonah chống chế.
“Nhưng không phải bị bở rơi,” nàng than thở. “Thật quá kinh khủng khi bị bỏ rơi.”
Jonah muốn lay người nàng.
“Hắn ta chi giả vờ cho đỡ ngượng.”
Nhưng nàng lắc đầu. “Không. Khi nói lần đầu thì anh ấy giả vờ, không nhìn tôi. Nhưng khi anh nhìn tôi, tôi biết đó là sự thật. Tôi thấy điều đó trong mắt anh ấy.”
Jonah lộ vẻ mất kiên nhẫn, nắm lấy vai nàng.
“Này em ơi, đừng ngốc nữa.”
“Mắt anh ấy là mắt của người xa lạ.”
Dù cố gắng, cái bướng bỉnh của nàng khiến Jonah nao lòng và bắt đầu ngờ vực. Có lẽ hắn đã bỏ cô ta thật sao? Hắn chán cô ta thật sao? Vậy thì tại sao? Có lẽ cô ta không đáng giá?… nhìn cô gái, Jonah phân vân tự hỏi.
Để trấn an, hắn cầm tay nàng. Nhưng trời ơi, cái nghi ngờ trong lòng hắn biến hắn thành một cậu bé chưa bao giờ biết phụ nữ là gì. Nhìn thấy thái độ đó của hắn, nàng quay mặt và tiếng cười khô khốc của nàng đã đuổi hắn ra khỏi lều. Hắn theo lối mà Solomon đã đi nhưng không kiêu hãnh và thoải mái như Solomon. Không thể chịu được, hắn lấy tay bịt tai mình để khỏi nghe tiếng cười chế giễu kia. Hắn ôm đầu bỏ chạy, tựa như cái đầu của con linh cẩu bỏ lại sau buổi tiệc của đàn sư tử.
Như con mồi bị săn đuổi, hắn chạy nháo nhào cho đến khi không còn thở được, chân thì đau không nhấc nổi. Cuối cùng, hắn dừng lại vì đuối sức.
Hắn nhìn quanh và hoảng sợ vì thấy mình đã chạy thẳng đến lều của Solomon. Solomon nhìn hắn với vẻ thông cảm.
Jonah cố gắng nói nhưng miệng khô cứng và không thốt nên lời.
Solomon mỉm cười nhìn hắn, nụ cười dịu dàng không tả nổi. Anh đội cái mũ rơm mới, màu vàng của nắng, vành rộng và dây màu sáng. Ngồi trên ngưỡng cửa, anh ôm cây đàn ghi-ta mới cứng và gảy một khúc nhạc dịu êm.
Đó là hình ảnh một người đàn ông đang sống hòa bình với thế giới.
“Mấy năm nay, cuộc sống của mình khá bậy bạ”, anh nhẹ nhàng nhận xét, và không biết anh đang nói với mình hay với con người hèn hạ đang đứng như trời trồng vì sợ trong bóng râm của cây pawpaw không trái.
“Vâng. Mình ngu quá. Mình dành tiền chỉ để mua quà cho gái, không mua gì cho mình để vui chơi. Bạn có nghĩ đó là sai lầm không?”
Miệng Jonah mấp máy nhiều đợt nhưng chẳng thốt nên lời.
“Vâng,” Solomon tiếp tục nói như đang mơ. “Một thằng đàn ông phải có thú tiêu khiển của riêng mình. Hắn không nên quá nghiêm túc, quá trì độn. Có lẽ mình sẽ mua một chiếc xe đạp. Cái tiệm người Ấn trên phố có một chiếc khá tốt nhưng không đắt lắm. Có một chiếc xe đạp cũng thú vị lắm chứ.”
Solomon nhìn Jonah và ngừng đánh đàn, do đó, tiếng anh nói vang lên trong yên lặng, rõ ràng như hòn cuội ném xuống giếng.
“Mày sợ cái gì? Trở lại với cô ta đi. Cô ta không còn gì với tao nữa.”
“Cô ta không chứa chấp tao,” Jonah nói lí nhí, vẻ nhục nhã lộ trên gương mặt. “Cô ta muốn mày.”
Solomon không trả lời nhưng lại bắt đầu chơi những giai điệu Phi Châu mạnh mẽ. Anh tựa lưng vào tường để nắng chiếu lên chiếc mũ rơm và sưởi ấm mặt anh.
Và rồi có tiếng bước chân nhẹ nhàng trên lối sỏi và người con gái ấy đến, không lắc mông, không nhún nhảy nhưng điềm đạm, đầu cúi nhìn xuống đất. Không có vòng lấp lánh trên tay, không có chuổi hạt cườm quanh cổ. Nàng chỉ trang điểm bằng chiếc khăn quàng màu sáng, bây giờ đã giặt ủi nên nó trở nên rực rỡ.
Nàng đi ngang qua Jonah đang đứng như dính chặt vào cây pawpaw và đến đứng trước mặt Solomon.
“Solomon, em vừa đến,” nàng nói thì thầm.
“Tôi không quen cô,”  Solomon nói.
Nàng nhìn anh, nước mắt bắt đầu ứa từ cặp mắt to đen.
“Solomon, Solomon,” nàng gọi khẻ.
“Này cô kia, tôi không quen cô,” anh nhắc lại. “Chúng ta là người xa lạ, cô và tôi. Xin hỏi cha mẹ cô là ai?”
Nàng hiểu và mỉm cười e thẹn với vẻ hy vọng.
“Em từ làng đến đây,” nàng bắt đầu nói và ngồi xuống sát bên chân của Solomon.

Nguyên tác: A Man of Dignity, đăng trong tập truyện ngắn THE WORLD’S BEST CONTEMPORARY SHORT STORIES, NXB Ace Book, Inc., New York, 1956.
Nguyễn Khắc Phước dịch.

VÀI DÒNG VỂ TÁC GIẢ
Cha mẹ và bà con bên nội của Sheila Brown Sandray sống ở Nam Phi nhưng bà thì ở nhiều nơi trên thế giới.
Bà sinh tại York, Anh quốc vào năm 1924, trải qua tuổi ấu thơ tại Colombia, Tích Lan. Học tại Queen Anne, Caversham, Anh quốc. Khi bố của bà đóng quân tại Gibraltar (một vùng lãnh thổ thuộc Anh gần Tây Ban Nha), bà thường về đó nghỉ hè mặc dù Tây Ban Nha đang có nội chiến. Khi Thế Chiến thứ hai bùng nổ, bà dời đến sống ở Madeira, một quần đảo thuộc Bồ Đào Nha, tại đây, bà học ngôn ngữ với một nhà phê bình sách người Đức sống tha hương. Trở lại nước Anh trong thời gian chiến tranh, bà làm việc cho Cục Tình báo Chính trị thuộc Bộ Ngoại giao ba năm và sau đó làm việc cho Liên Hiệp Quốc tại Vienna ba năm. Bà sống ở Canada một thời gian rồi về sống với cha mẹ tại Nam Phi. Rồi bà lấy một nhạc sĩ người Mỹ và sống tại Phoenix, bang Arizona với ba người con.